Đại tá - GSTS. Vương Khả Cúc – “Cha đẻ” của phân bón lá - Bài của Trần Khánh Toàn

Lâu nay, Phân bón qua lá đã trở thành một mặt hàng thiết yếu của người nông dân Việt Nam. Nhưng có lẽ ít người biết, người nghiên cứu ra  công trình khoa học này là Đại tá – GS TSKH Vương Khả Cúc. Ông còn là “cha đẻ” của công nghệ sản xuất sơn phát quang; công nghệ trồng cây bằng phương pháp thủy canh v.v... Đến nay, ông đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, được cấp 5 bằng phát minh sáng chế và 15 bài nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước. Ngoài nghiên cứu khoa học, ông còn viết văn, làm thơ. Bộ sách “Khát vọng sống”  của ông đồ sộ, gồm 3 tập trên dưới 2000 trang in.

Đại tá - GSTS. Vương Khả Cúc.

Vượt qua gian khó

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cậu bé Vương Khả Cúc gắn bó với những kỷ niệm thời thơ ấu gian truân, lam lũ, đói nghèo nhưng rất ham học hỏi, vươn lên với khát vọng no ấm, khát vọng hạnh phúc, khát vọng chữ nghĩa và khoa học để cống hiến cho Tổ quốc.

Thế rồi, giữa những năm tháng đất nước đang có chiến tranh, tại khu sơ tán năm 1969, cậu học sinh giỏi cấp tỉnh ấy đã bất ngờ được Ty Giáo dục tỉnh thông báo cậu được Bộ Đại học chọn cử đi học nước ngoài. Hình ảnh người mẹ đội nón, khoác áo tơi chống nắng, tất tả vượt qua những hố bom, lom khom đi trên bờ đê giữa trưa nắng, trong tiết trời trở gió nồm để đến nơi tập trung dặn dò và đưa cho con trai mấy nải chuối vườn nhà trước khi lên đường đi xa đã theo Vương Khả Cúc đi suốt cuộc đời, tăng thêm động lực để chàng trai ấy quyết tâm học giỏi và trở thành một trong những sinh viên Việt Nam xuất sắc trên nước bạn Bungari.

Sáng tạo và những cống hiến khoa học để đời

Nhớ về những năm tháng tuổi thơ đói hoa mắt, rét cóng chân tay và những lúc cùng cha mẹ làm ruộng, cấy hái trên mảnh đất gió Lào khô quắt, hạn cháy khô đồng, bão lũ triền miên cướp trắng mùa màng, đắng cay cùng cực. Sau gần 15 năm miệt mài, say sưa học tập và nghiên cứu trên nước bạn Bungari, chàng trai Vương Khả Cúc trở về Tổ quốc mang theo những công trình nghiên cứu khoa học với quyết tâm xoá đói, giảm nghèo cho quê hương và những người nông dân Việt Nam. Sau khi về nước, ông tiếp tục nghiên cứu khoa học và xây dựng các Đề tài, Dự án và Công nghệ ứng dụng đưa khoa học vào đời sống như: quy trình công nghệ sản xuất phân bón qua lá, công nghệ thủy canh - trồng cây trong dung dịch, quy trình công nghệ sản xuất biển xe cơ giới và biển báo giao thông bằng sơn phản quang, quy trình công nghệ xử lý nước ngầm và nước mặt dùng cho sinh hoạt, quy trình công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt, quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp quy mô trang trại và hộ gia đình, quy trình công nghệ làm đường giao thông nông thôn bằng phương pháp cứng hoá đất bề mặt, quy trình công nghệ và chế phẩm sản xuất thiết bị và chế phẩm làm sạch khí sinh học nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao nhiệt lượng khí đốt trong hệ thống hầm bioga, quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, quy trình xử lý môi trường nuôi tôm sú và tôm càng xanh quy mô công nghiệp bằng công nghệ sinh học, nghiên cứu xây dựng dây chuyền sản xuất dung dịch bọc đạm, nghiên cứu xây dựng quy trình cho nghêu đẻ trứng với những giải pháp và công nghệ mới... Những sáng kiến và giải pháp KHCN của GS, TSKH Vương Khả Cúc đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản góp phần đưa nông nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nước ta còn nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn nhất là giai đoạn thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học và ứng dụng bảo vệ môi trường, xử lý nước thải của ông cũng hoàn toàn phù hợp và góp phần phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhớ về những ngày đầu nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất phân bón qua lá năm 1989, GS, TSKH Vương Khả Cúc kể: trước khi chia tay về nước, ông đã nói với người thầy của mình là GS, Viện sĩ thông tấn Georgi Bliznakov, Viện phó Viện Hàn lâm Khoa học Bungari kiêm Viện trưởng Viện hóa học “Như thầy biết đấy, đất nước Việt Nam em còn nghèo lắm. Nếu thầy có một giải pháp hữu ích hay một công nghệ nào đó áp dụng vào sản xuất phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh đất nước em, thầy cho phép em được đưa về Việt Nam để triển khai thì thật quý hóa ạ”. Từ chai dung dịch phân bón lá được người thầy Bungari tặng, GS, TSKH Vương Khả Cúc đã mày mò nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất phân bón qua lá. Không có tiền, ông đã “lừa vợ” bán đi cả nhẫn cưới, một chiếc xa đạp nam Liên xô, một chiếc đồng hồ đeo tay polzot, mấy mét vải “tây” và vải may quân trang để có tiền làm phòng thí nghiệm và mua dụng cụ, hoá chất, rồi tự bỏ tiền đền bù thiệt hại cho nông dân khi việc không thành. Thất bại nhưng không hề nản chí, ông lại làm lại từ đầu. Đến khi thử nghiệm thành công, ông đôn đáo, chạy đi chạy lại lên Ủy ban Khoa học nhà nước để báo cáo xin được ghi nhận và cho triển khai. Tháng 5/1994, công ty phân bón Sông Gianh đã tiếp nhận “Công nghệ sản xuất phân bón qua lá” do ông chuyển giao và ngày nay, phân bón qua lá của công ty phân bón Sông Gianh là mặt hàng không thể thiếu giúp người nông dân tăng năng xuất cây trồng. Các công nghệ ứng dụng khác của ông như công nghệ làm hầm bioga, làm đường nông thôn, nước sạch nông thôn... đã làm thay đổi diện mạo và góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Khi được hỏi: “Là một người thầy trong ngành Công an, mà Giáo sư lại có rất nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ nông nghiệp và đời sống, liệu có trái nghề không?”. GS, TSKH Vương Khả Cúc trả lời “Đối với một nhà khoa học, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi những công trình nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người sử dụng và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh”.

Từ Khát vọng sống đến văn chương

Chia tay với ngành Công an trở về với đời thường cũng là lúc GS, TSKH Vương Khả Cúc phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch giai đoạn cuối. Giấc mơ khao khát con chữ, những ước mơ khao khát cháy bỏng cho ra đời những công trình khoa học giúp người dân thoát khỏi đói nghèo với lòng tự tôn dân tộc đã qua. Giờ đây, đối với ông là khát vọng sống, sống để tiếp tục cống hiến cho đời những tháng năm còn lại. Ở cái tuổi 70, lại mắc bệnh hiểm nghèo, chẳng còn thời gian để tiếp tục nghiên cứu khoa học nữa nên ông quyết định viết sách. Ông lao vào viết như thách thức tử thần, viết bất chấp thời gian. Ông bộc bạch tâm nguyện “Tôi có một nguyện vọng, nguyện vọng duy nhất là nếu một ngày mai Thượng đế gọi về thế giới bên kia thì hãy cho phép hôm nay tôi vẫn được làm việc”. Năm 2019, ông xuất bản tập thơ “Hương tóc” và xuất bản bộ tự truyện “Khát vọng sống” gồm 3 tập, mỗi tập hơn 600 trang: “Miền đất lửa”, “Đất nước hoa hồng” và “Đất mẹ Việt Nam” với bút danh “Quang Liên” được ghép từ “Quang” là tên xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (quê mẹ) và “Liên” là tên xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (quê cha) để bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ luôn yêu thương và đồng hành cùng ông trong mỗi bước cuộc đời. Nghĩa Hán - Việt của từ “Quang Liên” là ánh hào quang tỏa ra từ hoa sen, một loài hoa cao quý được ví như Quốc hoa của đất nước Việt Nam.

Những câu chuyện trong bộ tự truyện của Vương Khả Cúc được viết với lối viết dung dị, gần gũi mà cuốn hút người đọc, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Nhận xét về bộ tự truyện “Khát vọng sống” của ông, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết “Tiếng nói của một người nói để rồi có thể chết thường rất trung thực và thật lòng. Cái hay của cuốn sách này là thế. Sức hấp dẫn của cuốn sách này cũng là thế”.

Có thể nói, điều đáng trân trọng ở Nhà giáo, Nhà khoa học Vương Khả Cúc là ông đã sống và cống hiến hết mình cho khoa học, cho quê hương bằng tất cả tâm huyết, lòng tự tôn dân tộc của một người nặng lòng yêu nước, thương dân, để lại những giá trị nhân văn cao cả, hiếm ai có được.

TKT