Chuyện kể của cựu tù Côn Đảo

 

Cụ Lê Văn Hửu Nguyên Phó giám đốc Công ty Cà phê Ea Pôk, huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk là Cựu tù Côn Đảo, năm nay 92 tuổi đời, 72 tuổi Đảng. Quê cụ ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; Cụ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, khi mới 15 tuổi. Trong thời gian hoạt động trong ngành Quân báo, cụ bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Sau ngày thống nhất đất nước, cụ tham gia xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Hiện trú tại thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk.

Câu chuyện dưới đây cụ kể về những ngày gian khổ, hiểm nguy của chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị trung kiên, một lòng theo Đảng.


Cụ Lê Văn Hửu

Chiến khu Ba Lòng.

Tôi sinh ra ở làng Quy Thiện. Ngôi làng gần Thành Cổ Quảng trị có tuổi đời trên 800 năm, cũng là bản quán của biết bao quan Đại thần triều Nguyễn. Năm 1945 tôi 15 tuổi, được ông chủ nhiệm Việt Minh hướng dẫn làm cách mạng. Năm 1946, tỉnh đội Quảng Trị thành lập đội du kích Lê Hồng Phong lên ở chiến khu Ba Lòng. Tôi có nhiệm vụ vác cái hòm gỗ. Sau này vô tình biết đó là một hòm tiền. Suốt hai bên đường quốc lộ, đoạn từ Quảng Trị ra Huế, thỉnh thoảng lại gặp cảnh Pháp chặt đầu người, cắm lên cột nhằm uy hiếp người ủng hộ Việt Minh. Đường lên Ba Lòng có đoạn phải lội qua sông cạn, nguy hiểm nhưng đoàn quân cứ thế mà đi, nam nữ cười rúc rích…3 ngày đêm thì đến Ba Lòng, nơi có mặt trận Việt Minh Liên Việt đóng quân.

Ở Ba Lòng tôi sợ đủ thứ, nhất là phải chứng chiến cảnh truy sát của giặc Pháp. Chúng đốt làng của người dân tộc. Đuổi bà con vào sâu trong rừng Khe Sanh. Xả súng tuỳ ý. Năm 1947, trong 1 trận đánh không cân sức với quân Pháp ta thất trận thê thảm. Xác người khắp nơi. Trước khi rút quân, chúng còn cài mìn dưới thi thể, ta đến lấy xác thì mìn nổ, chết chóc lại nhiều hơn. Thương nhất là lúc lấy xác, có khi đã bị Cọp ăn còn lại mỗi cái đầu. Có xác nằm bên suối chỉ còn trơ bộ xương. Chỉ huy liên tục hối thu dọn xác quân dân, ai chậm trễ sẽ bị Cọp ra vồ, Quạ mổ đầu. Tôi sợ quá cứ vừa dọn xác, vừa khóc. Chôn cất anh em xong tôi đánh dấu mộ, vẽ bản đồ để có dịp sẽ liên lạc với thân nhân. Trong đó có anh họ tôi là Thái Văn Thiệt cũng hy sinh …

Ở Ba Lòng đói ăn thường xuyên. Không chăn, chiếu, màn nên đêm về, anh em ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh, đỡ sợ tiếng vượn hú đến rợn người...

Tết năm 1948, bà con chuẩn bị lương thực chủ yếu là để tiếp tế cho Chiến Khu thì bị lộ. Pháp đốt hết cả làng. Ở rừng đói rét thế mà gạo cháy thành tro, bánh trái cháy thành than, trâu bò gà vịt bị bắn chết, trương bụng phơi nắng. Tôi bị ghẻ lở khắp nơi, nhất là đôi tay sưng vù không cầm được đũa ăn, không giặt được áo quần. Hàng ngày, tôi chà chỗ ngứa lên đá và rửa vết lở loét ở suối. Khổ nhất là sốt rét, mỗi lần lên cơn co giật phải có người giữ. Vì không có thuốc điều trị, lại đói ăn triền miên nên sức yếu dần. Một buổi chiều mưa tôi đang nhớ nhà thì anh Cả tôi lên thăm. Tôi ôm anh mà khóc như con nít. Tôi xin đơn vị về nhà chữa bệnh. Anh cả hơn tôi 10 tuổi, chỉ cao ngang nách tôi, vậy mà cõng em thân đang rỉ máu vì ghẻ lở, lại cứ run lên do sốt cao…Suốt 3 ngày đêm, xuyên hơn 10km đường rừng, luồn lách dưới làn đạn của giặc Pháp, băng qua quốc lộ, xuôi dòng Thạch Hãn là đến nhà.

Ngày làm Quân Báo

Năm 1950,  tôi làm Quân báo tại Thành Cổ, hoạt động chung với xã đội Hải Vân, rồi làm trinh sát cho tiểu đoàn bộ đội địa phương. Cơ sở tôi là nhà mẹ Huệ nằm sát bên Bến Trấm sông Thạch Hãn. Hầm bí mật nằm dưới chuồng heo. Cửa hầm là cái máng heo ăn. Cành cây trên cao có đội thiếu niên xã làm cảnh giới. Mỗi lần có giặc đến là hô: “Mẹ về cho heo ăn”. Tôi bắt đầu nấp xuống hầm. Giặc về đồn là lại lên hoạt động.

Vì trong mạng lưới quân báo có người không chịu được khổ nên hàng địch và cơ sở bị lộ. Hầm của tôi và xã Đội trưởng bị cả đại đội địch bao vây gần 1 ha. Ẩn nấp trong hầm nước, tôi bắt từng con đỉa cắn mình rồi nhét xuống bùn. Không ngờ điều này đã khiến nước đục và tôi bị lộ. Chúng nắm đầu tóc tôi kéo lên, rồi 6 thằng như một bầy chó sói bắt được mồi, thi nhau cắn xé. Tôi cứ nằm lịm đi, mặc cho nó đánh. Nó trói tay chân tôi nhét vào lồng xe rồi đưa về sở mật thám thị xã Quảng Trị.  Lúc này là 12 giờ trưa ngày 10/ 9/1953.

Tôi bị giam trong xà lim Thành Cổ. Nhờ phiên gác của tên lính là người trong làng mà tôi được Cha vào thăm… Qua lỗ hổng xà lim, cha tôi mái tóc bạc trắng, thân gầy gò, hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Cha nhờ tên lính đưa tôi cái cà-men trong đó có nguyên một con gà hầm với đậu xanh mẹ nấu…Vì tôi là người hiểu rõ mọi hoạt động trong Thành Cổ nên Đảng giao cho tôi tổ chức vượt ngục...Tiếc rằng kế hoạch chưa kịp triển khai thì sáng hôm sau chúng tôi đã bị đày ra Côn Đảo…”

Câu chuyện cụ kể còn dài với những trận đánh lớn là kết quả của trinh sát giỏi. Là sự thoả mãn khi chiến khu Ba Lòng trở thành Di tích lịch sử Quốc gia. Thế giới biết đến Thành Cổ Quảng Trị không chỉ trận đánh 81 ngày đêm.v.v... Với phóng viên trẻ chúng tôi, lời kể của nhân chứng lịch sử ấy khiến người nghe hiểu rõ từng chi tiết về sự kiên cường, nghĩa tình của người cách mạng. Rõ ràng lịch sử dân tộc không ở đâu xa. Nó ở ngay trong ngôi nhà của mình, trong câu chuyện của cha anh. Họ hiện hữu trước mắt thế hệ hôm nay, lừng lững những chiến công, bình dị trong đời thường, mẫu mực trong lối sống…

Bài Xuân Hoà - ảnh Đức Anh