"Tôi phải sống" - Tiềm năng sức mạnh vô tận của con người
Đọc cuốn tự truyện “Tôi phải sống” (NXB. Thanh Niên, 2021) của Dư Phương Liên, tôi liền vào trang facebook của cô. Trong đó, rất nhiều tâm sự của cô và chia sẻ của bạn bè về cuốn sách. Rằng, từ một giáo viên dạy giỏi, cô giáo Dư Phương Liên, ở Hà Đông, Hà Nội bỗng nhiên kết thúc sự nghiệp ở tuổi 26 vì Liên bị u não, căn bệnh biến chứng đã khiến Liên mất cả thính giác và thị giác, thậm chí đã có một khoảng thời gian dài cô không thể phát âm. Tương lai đóng sập trước mặt; nhưng bằng nghị lực phi thường cùng với tình yêu thương vô bờ bến của những người thân đã giúp cô đi qua những ngày giông bão ấy và cho ra đời cuốn tự truyện “Tôi phải sống” phát hành hàng nghìn bản, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước yêu thích. Cuốn sách không những hay, hấp dẫn mà còn cho ta thấy về tiềm năng, sức mạnh vô tận của con người; là nguồn cảm hứng cho bạn đọc, đặc biệt là bạn trẻ về niềm khao khát sống và cống hiến.
Gia đình của tác giả Dư Phương Liên
Cuộc “đối thoại” qua tấm bảng nhỏ
Tranh thủ ngày nghỉ lễ 2/9/2022, tôi đến thăm tác giả Dư Phương Liên. Gia đình Liên sống trong ngôi nhà khá khang trang ở cuối con ngõ thuộc đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông. Gặp Liên, tôi hết sức bất ngờ. Liên không nhìn thấy tôi, miệng ú ớ như đứa trẻ tập nói, như muốn hỏi tôi là ai? Tôi trả lời, Liên không nghe được, Mẹ cô cho biết, Liên bị điếc và gần như mù lòa sau mấy lần phẫu thuật bệnh u não. Tôi lại càng bất ngờ hơn, liền hỏi mẹ Liên, em bị điếc và mù lòa thì viết thế nào để hoàn thành cuốn sách dày 232 trang? Mẹ Liên bảo, Liên viết trên tấm bảng như học sinh lớp một tập viết. Nói rồi mẹ Liên mang ra tấm bảng nhỏ dành cho học sinh tập viết và cuộc trao đổi giữa tôi và Liên qua tấm bảng nhỏ này.
Thoạt tiên, Liên khoe, bài viết mới đây của Liên được đưa vào sách giáo khoa lớp 10 rồi Liên chia sẻ về những ngày viết “Tôi phải sống”. Dường như sợ mất thời gian của tôi về cuộc “đối thoại” với Liên qua tấm bảng nhỏ, mẹ Liên kể, Liên viết khó nhọc lắm. Ban đầu Liên viết bằng bút dạ trên giấy A4, thậm chí viết cả mặt sau tờ lịch, viết trên những tờ giấy thải loại của chồng, của con... Liên viết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Chữ Liên viết to như quả trứng gà. Mỗi trang giấy chỉ viết được vài dòng. Tính ra, có lẽ Liên viết hàng nghìn trang giấy. Sau này mới nghĩ ra viết trên bảng. Tôi hỏi, Liên viết xong, ai đánh máy cho Liên? Mẹ Liên bảo, việc đánh máy do con trai Liên. Cháu sinh ra trong một ca mổ. Từ khi cháu sinh lọt lòng đến giờ, Liên không được nhìn thấy mặt con, không được nghe tiếng con khóc, con cười... Hàng ngày, Liên viết xong, để gọn vào một chỗ, cháu đi học về, đánh máy cho mẹ.
Nỗi đau số phận
Sinh ra vốn là một người bình thường, Liên học giỏi và thi đỗ vào khoa Văn Trường Cao đẳng sư phạm rồi ra làm cô giáo. Tại ngôi trường đầu tiên Liên đã có một tình yêu đẹp với anh Đàm Trọng Tuấn giáo viên cùng trường rồi nên duyên vợ chồng. Chồng Liên hiền lành, tốt tính, ai cũng mừng cho cô. Hạnh phúc lại càng đong đầy khi chỉ một tháng sau cưới, Liên mang thai đứa con đầu lòng.
Trong một lần trên đường đi dạy về, Cô chẳng may bị ngã xe dẫn đến động thai khiến Cô phải nghỉ làm và nằm bất động một chỗ. Lúc này hễ cứ ăn gì vào là Liên đều nôn ra bằng sạch, cơ thể xanh rớt. Không chỉ vậy mà khả năng nghe của Liên cứ kém dần, kém dần. Cô được chồng đưa tới bệnh viện khám thì được bác sĩ kết luận: điếc không rõ nguyên nhân, phải chờ sinh xong mới biết. Và cho đến tháng thứ 3 của thai kỳ thì mọi âm thanh đã hoàn toàn tắt lịm. Liên đã cố gắng làm mọi cách để kết nối mình với thế giới xung quanh nhưng bất lực.
Tai họa chưa dừng lại ở đó, vào 3 tháng cuối thai kỳ Liên đau đầu, mất ngủ triền miên, người mệt lả, đi phải có người xốc nách, tay không cầm nổi bút. Sinh con ra, Liên đã không thể bế con như bao người mẹ khác bởi sức lực dường như đã bỏ Liên mà đi. “Không ai nói cho mình biết là mình đã bị u não. Khi chụp sọ não bác sĩ phát hiện có 2 khối u đè lên dây thần kinh thính giác. Khối u bên trái đã lớn đến mức vỡ ra nên việc phẫu thuật khó mà thành công” – Mẹ Liên kể lại.
Sau khi phẫu thuật mổ u não, bảng “thành tích bệnh tật” của cô cứ đầy lên mãi. Sau ba lần mổ u não liên tiếp, năm 2011, sau những ngày tháng đau đớn không thể ngồi, nằm Liên lại phát hiện mình bị những khối u nhỏ li ti chạy dọc cột sống. Do ảnh hưởng của bệnh tật, gương mặt của Liên trở nên biến dạng với cái miệng méo và một mắt hỏng.
Khi bắt buộc phải chấp nhận sự thật rằng mình không thể nghe, không thể nhìn và cũng gần như không thể nói, Liên đã tìm cách để “sống” chung với nó. Liên nhờ chồng mua cho mình 3 bảng chữ cái thường dùng cho trẻ con để lấy đó làm phương tiện giao tiếp với mọi người. Cần gì, Liên sẽ ngồi viết biểu đạt mong muốn và ngược lại, người thân muốn nói gì với Liên cũng sẽ viết lại để Liên đọc cho dù Liên chỉ lờ mờ nhìn được.
Sự thất vọng
Liên bắt tay vào việc viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình mà cô từng ấp ủ trước đó rất lâu. Bản thảo của Liên chính là mặt sau của những tờ lịch. Cô đùa bảo với cỡ chữ như khẩu hiệu của mình thì chắc phải dùng đến cả tạ lịch may ra mới viết xong. Sau này những người quen, hàng xóm, bạn bè biết Liên đang viết tự truyện, khi đến chơi họ đều mang tặng giấy. Liên kể rằng: “Có ngày mình viết cật lực được gần hai chục trang bản thảo, hí hửng chờ con về nhờ con đánh máy giúp. Ai ngờ khi con đánh máy xong thì chỉ được vỏn vẹn một trang trên máy tính”.
Mẹ Liên kể, bản thảo cuốn sách đang ở dạng sơ khai thì được nhà văn Nguyễn Bích Lan (nhà văn khuyết tật) và em Nguyễn Thị Tâm nhận xét, góp ý sửa chữa. Việc góp ý sửa chữa đều qua tin nhắn hoặc email. Mỗi khi đọc thư qua màn hình vi tính, Liên phải phóng đại chữ to mới đọc được. Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu cố gắng của Liên cuối cùng được đáp lại bằng cái lắc đầu của các nhà xuất bản. Khi ấy Liên không chỉ buồn mà còn tự ti nghĩ rằng chắc mình sẽ không bao giờ có thể thực hiện được ước mơ. Liên buộc phải giả vờ quên tập bản thảo trong vòng 3 tháng để mọi thứ nguôi ngoai dần. Trong lúc tuyệt vọng đó Liên được một nhà văn đọc bản thảo…
Hạnh phúc bất ngờ
Tôi được biết, ngay đầu cuốn sách TÔI PHẢI SỐNG, tác giả Dư Phương Liên dành lời cảm ơn tới Nhà báo Cao Thâm: “Đặc biệt, nhà báo Cao Thâm đã chỉnh sửa, nâng cao chất lượng nội dung bản thảo. Ông đã tiếp sức và thổi bùng lên trong tôi ngọn lửa niềm tin và lòng say mê vào công việc viết văn, viết báo. Nhờ đó, cuốn tự truyện đã nhanh chóng được hoàn thành và có giá trị hơn nhiều so với bản thảo ban đầu”.
Qua câu chuyện với mẹ Liên, tôi được biết, cách đây khá lâu, khi Nhà báo Cao Thâm viết cuốn sách lịch sử truyền thống cho Trường THCS Phúc Lâm, Mỹ Đức (ngoại thành Hà Nội), nơi Liên đang dạy học, ông đọc được bài viết rất hay của cô giáo Dư Phương Liên, liền đề nghị thầy Hiệu trưởng cho gặp tác giả để chỉnh sửa một vài chi tiết trong bài viết và xin ảnh tư liệu cá nhân. Thầy Hiệu trưởng bảo, cô Liên đang bị ốm, rồi thầy cho ông số điện thoại của Liên. Sau đó, ông mới biết, Liên bị u não. Sau ca đại phẫu, thính lực của Liên mất hoàn toàn; thị giác chỉ khoảng 1/10, đọc. Tuy vậy, Liên cũng lập FB. Qua FB, ông thường chia sẻ, động viên Liên viết. Thi thoảng, ông tặng Liên cuốn sách của ông mới xuất bản.
Trước khi diễn ra đại dịch Covid, Liên nhắn tin cho ông bảo, Liên đã viết xong cuốn tự truyện, gửi đi nhiều nhà xuất bản, đều bị từ chối in và nhờ ông có cách gì để giúp Liên. Đọc bản thảo, ông bất ngờ về nét tài hoa qua những trang văn tươi rói của Liên viết về tuổi hoa niên; về những trang miêu tả nỗi đau đớn tuyệt vọng của Liên sau những ca mổ v.v. Là người có nhiều kinh nghiệm trong biên tập, xuất bản, ông biết rõ lí do vì sao bản thảo của Liên bị các nhà xuất bản từ chối. Từ đó, ông đã hướng dẫn Liên sắp xếp lại bố cục; lắp ghép những “mảng, miếng” lại với nhau vẫn đảm bảo tính logic của tác phẩm... Việc hướng dẫn chủ yếu qua tin nhắn. Thỉnh thoảng, ông qua nhà Liên cùng sửa bản thảo. Việc trao đổi sửa chữa bản thảo đều qua cái bảng như tôi “đối thoại” với Liên đã kể trên...
Khi bản thảo hoàn thành, phóng viên Nguyễn Trang Nhung, Giám đốc Công ty CP Sáng tạo IQ Việt Nam làm các thủ tục cấp phép, in ấn cuốn sách. Mẹ và chồng Liên đề nghị chỉ in 300 cuốn cho Liên vui. Nhà báo Cao Thâm đề xuất, phải in 1.000 cuốn, ông và Công ty Sáng tạo IQ VN sẽ hỗ trợ phát hành.
Không ngờ, cuốn sách được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước tìm mua; hai lần in nối bản với số lượng phát hành hàng nghìn bản. Việc phát hành có công sức, tình cảm của bạn bè Liên và bạn của chồng Liên. Trên FB của Liên, các bạn của Liên như: Nguyễn Loan, Ngọc Dịu, Mùa Thu Vàng v.v. đã viết bài giới thiệu sách trên fb, zalo của mình rồi chia sẻ cho nhiều người. Liên viết trên FB của mình, nhà Liên có lúc như một công xưởng. Trong nhà, người đóng gói, người viết địa chỉ; ngoài cổng, cánh xe ôm chờ đợi nhận hàng. Hiện nay, cuốn sách vẫn đang được tái bản và phát hành, toại nguyện ước mơ mà Liên ấp ủ trong nhiều năm qua.
Hiện tại, tuy hàng ngày hàng giờ vẫn phải chịu đựng những cơn đau về thể xác nhưng Liên đã không còn cảm thấy mình thiệt thòi. Liên bảo mình đã biết chia tách khuyết tật của bản thân ra thành từng phần nhỏ: Liên thấy mình may mắn hơn người điếc là vẫn có thể nói được, sung sướng hơn người liệt là vẫn có thể đi lại trong nhà, hạnh phúc hơn người mù là vẫn có thể nhìn thấy một chút ánh sáng. Như thế cũng là quá may mắn so với bao người chỉ ước được sống thêm dù chỉ một ngày.
Hơn 10 năm chống chọi với bệnh tật Liên đã tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, rằng: “Hãy cứ kiên trì chờ đợi, hãy cứ bình tĩnh lắng nghe từng thay đổi nhỏ của cơ thể và hãy luôn cố gắng nhích dần từng chút, từng chút một, đến ngày nào đó cuộc đời sẽ mỉm cười với mình”. Bởi dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho ta một con đường.