Thú chơi độc đáo của chú tôi - Nhà biên kịch Bành Châu

PGS.TS - Nhà biên kịch Bành Châu (1930-2004) là tác giả của nhiều bộ phim truyện và phim tài liệu đạt được các giải thưởng cao trong nước và quốc tế như “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Đường về quê mẹ”, “Hoa thiên lý”, “Đêm Bến Tre”, “Thằng Bờm”… Ông còn là nhà khoa học với nhiều công trình nghiên cứu - lý luận phê bình, dịch thuật và là nhà báo, nhà giáo... Ông được giới chuyên môn mệnh danh là  “Nhà biên kịch đa năng”.


Tác giả bài viết với Nhà biên kịch Bành Châu

Riêng trong lĩnh vực đào tạo, Nhà biên kịch Bành Châu được coi là một người thày uyên bác, vô cùng say mê khiến những sinh viên đã một lần được nghe ông giảng bài sẽ không bao giờ quên được người thày của mình. Khi Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội thành lập năm 1980, Nhà biên kịch Bành Châu cùng anh trai - Nhà biên kịch Bành Bảo là những người đầu tiên xây dựng nên Khoa Điện ảnh, nơi đào tạo ra nhiều nghệ sĩ điện ảnh thành danh, trong đó có những lứa học trò biên kịch, nối nghiệp các thầy, đóng góp cho điện ảnh Việt Nam các tác phẩm có giá trị. Nhiều thế hệ học trò, dẫu có làm nghề biên kịch hay không, vẫn luôn nhớ đến thầy Bành Châu, yêu quý và kính trọng ông.

Sinh thời, ông có thú chơi độc đáo: sưu tầm bật lửa! Những chiếc bật lửa độc, lạ và quý hiếm được ông sưu tầm khắp nơi trên thế giới rồi đem tặng cho những học trò “cưng” của mình như trao cho họ ngọn lửa ấm của niềm đam mê, của tri thức, của tình người mà họ đã và sẽ còn giữ nó trong công việc, trong cuộc đời.

TÁC PHẨM MỚI trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà biên kịch Bành Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội - cháu ruột ông - kể về thú chơi độc đáo này của ông.

Bất kỳ ai là học trò cưng của chú tôi - Nhà biên kịch Bành Châu - đều biết ông có một bộ sưu tầm bật lửa đồ sộ và vô cùng phong phú. Đủ các loại, từ hình người, hình thú đến dáng dấp của các vật dụng như điện thoại, khẩu súng, đầu tầu hỏa, quả lựu đạn... Riêng thương hiệu Zippo cũng đã đủ loại, vuông, dẹt, đồ sộ... Chú có sở thích sưu tầm bật lửa nên mỗi chuyến công tác ở nước ngoài đều tìm mua bật lửa. Bạn bè và học trò hiểu ý thầy nên thấy đâu đó có chiếc bật lửa lạ đều mua về tặng thầy. Từ chiếc zippo cũ kỹ đến chiếc bật lửa hình chiếc đèn thần của Aladin trong câu chuyện cổ Ấn Độ đều được tập hợp trong các ngăn tủ kính.

Với cá nhân tôi, Nhà Biên kịch Bành Châu không khác gì bố tôi là Nhà Biên kịch Bành Bảo; bởi ông vừa là chú, vừa là thày và cũng là đồng nghiệp của tôi ở Hãng Phim truyện Việt Nam. Nói điều đó để lý giải tại sao tôi là con gái, lại không biết hút thuốc nhưng vẫn được chú tặng cho một chiếc bật lửa giống hệt chiếc điện thoại Motorola rất xinh xắn. Đó là một kỷ vật vô giá mà tôi luôn trân trọng bày trong tủ kính suốt nhiều năm qua.

Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã có may mắn được sống gần chú. Những căn hộ tập thể cũ kỹ, chật chội ở Trần Quốc Toản ngày ấy luôn đầy ắp niềm vui, sự háo hức đầy hứng khởi đến từ những câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn của chú. Nhà chú mỗi khi hè đến trở thành câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật của gia đình, là nơi khởi nguồn cho những khát vọng, những ước mơ sau này trở thành hiện thực của chị em tôi. Trong đó có con trai chú là NSND Bành Bắc Hải - một trong những chuyên gia âm thanh hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, con gái lớn là nhà thơ Bành Phương Lan - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và cô con gái út Bành Lan Hương làm biên dịch tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Riêng tôi - đứa trẻ duy nhất được bố và chú chọn để truyền dạy nghề biên kịch - ước mơ làm nghệ thuật đến trực tiếp từ niềm đam mê của bố và chú. Có lẽ do tôi là đứa trẻ thích quan sát, biết chia sẻ cảm xúc nên đã rất quan tâm đến niềm vui của bố và chú mỗi lần kịch bản được duyệt đưa vào sản xuất, và nỗi thất vọng mỗi lần kịch bản bị “đổ”. Để có được một kịch bản đưa vào sản xuất, hai anh em phải mất rất nhiều tâm sức, với nhiều đêm ngày trăn trở từ khi những ý tưởng ban đầu xuất hiện cho đến khi kịch bản hoàn thiện. Tôi rất thích ngồi “chầu rìa”, “hóng hớt” những cuộc đàm đạo say sưa của bố và chú về nghề nghiệp; mặc dù những kiến thức về chủ đề tư tưởng, về nhân vật, về thoại, về cốt truyện hay bố cục kịch bản… là những điều mà sau này khi được bố và chú dạy trực tiếp tại trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội tôi mới thật sự hiểu. Những đêm thức trắng ấy họ đã hút không biết bao nhiêu điếu thuốc lá. Phải chăng thú vui sưu tầm bật lửa của chú Bành Châu xuất phát từ nhu cầu duy trì ngọn lửa để hút thuốc trong những đêm dài ấy.

Chú tôi từng kể, năm 1967, khi đã tốt nghiệp Khoa Biên kịch của trường Đại học Điện ảnh Liên Xô, hai anh em được Xưởng phim truyện Việt Nam phân công vào tuyến lửa Vĩnh Linh thực tế sáng tác. Những trận bom hủy diệt của đế quốc Mỹ khiến sự sống của họ hết sức mong manh. Sống sót kỳ diệu sau một trận bom, hai anh em chợt nghĩ, nếu chúng ta không còn sống để trở về thì chẳng lẽ bao kiến thức học được, bao kinh nghiệm nghề nghiệp đã trau dồi sẽ vĩnh viễn mất đi? Vậy là họ quyết định sẽ chọn một trong những đứa con của mình để nối nghiệp cha chú, để tiếp tục cái dòng chảy mà họ đã mất bao công sức khơi nguồn. Tôi thật may mắn là đứa trẻ ấy, được chọn để truyền dạy, để thắp sáng ngọn lửa đam mê mà bố và chú đã nuôi dưỡng với bao tâm huyết.

Theo tôi, “bộ sưu tập” chính danh, vô cùng hấp dẫn và sống động, vừa quan trọng vừa là tâm sức của Nhà biên kịch Bành Châu chính là lớp lớp học trò của ông. Những bài giảng đầy tâm huyết và có giá trị cao về mặt lý luận kịch học, là những kiến thức cơ bản mà thày tích lũy trong suốt cả cuộc đời đã được truyền dạy trong các lớp điện ảnh và truyền hình trên cả nước. Trước những kiến thức điện ảnh sâu rộng mà Nhà biên kịch cung cấp, Đài Truyền hình Việt Nam đã làm những bộ phim giáo khoa về những bài giảng đó, để hôm nay bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực sáng tác trong điện ảnh đều có thể tìm được những bộ phim này trên YouTube. Chỉ cần gõ cụm từ “Nhà biên kịch Bành Châu” là có thể tìm được những bài giảng của ông như “Đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh”, “Tính phức hợp trong nghệ thuật điện ảnh”, “Tính quần chúng trong nghệ thuật điện ảnh”

Nhà biên kịch Bành Châu còn có biệt tài phát hiện, bồi dưỡng, kích thích sự sáng tạo. Lớp học trò sau này nhiều người thành danh, luôn nhắc đến thầy với tấm lòng trân trọng trìu mến. Có thể kể tên những học trò của thày cũng là bạn đồng môn của tôi như Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Bích Thủy, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người đã nối tiếp thày đào tạo không biết bao nhiêu lứa sinh viên biên kịch tài năng cho điện ảnh và truyền hình. Và bây giờ, một thế hệ học trò của NBK Trịnh Thanh Nhã cũng đã trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ Biên kịch ở trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Chính các em đang tiếp tục gìn giữ ngọn lửa đam mê được truyền dạy từ người thày kính yêu của cô giáo mình.

Trong khuôn khổ một bài báo, không thể thống kê hết số học trò của thày Bành Châu hiện đã trở thành những nghệ sĩ, những nhà quản lý có tên tuổi của điện ảnh Việt. Nhưng ai đã hoạt động điện ảnh thì đều biết đến Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia; Bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân - BTV của VTV - trong chùm phim chân dung văn nghĩ sĩ nổi tiếng của mình đã làm hai phim tài liệu chân dung hai thày Bành Bào, Bành Châu rất xúc động; Bà Trần Phương Lan - Phó Vụ trưởng vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương); Tiến sĩ Nguyễn Việt Nga; Đạo diễn - NSND Việt Hương; Nhà thơ Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội…

Nhà Biên kịch Bành Châu đã đi xa 18 năm, nhưng những tác phẩm điện ảnh của ông vẫn còn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam; những bài học và những kỷ niệm về ông vẫn còn trong nỗi nhớ của của gia đình, con cháu ông và bao thế hệ học trò đã được ông thắp lên ngọn lửa đam mê không gì dập tắt được.

Giờ đây, mỗi lần nhìn lại kỷ vật thiêng liêng mà chú tôi - Nhà biên kịch Bành Châu để lại tôi vẫn rất xúc động. Bởi những gì mà tôi có được ngày hôm nay, cho dù là rất bé mọn nhưng cũng đều có công lao của chú. Vì thế mỗi lần ghi được một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp, tôi đều về thắp hương tri ân cha và chú - hai người thày, hai đồng nghiệp lớn của tôi. Thật kỳ lạ là sau từng đó năm, khi tôi bật chiếc bật lửa chú tặng - cái điện thoại Motoralo nắp gập ấy vẫn lóe sáng. Điều đó khiến tôi liên tưởng, đây chính là ngọn lửa nghệ thuật mà chú đã truyền dạy cho  tôi. Nó nhắc nhở tôi phải luôn giữ gìn ngọn lửa truyền thống của gia đình, với tất cả lòng biết ơn và sự kính trọng.

Nhà biên kịch BÀNH MAI PHƯƠNG

Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội