"HAI MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG" – ANH HÙNG LAO ĐỘNG, ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐĂNG GIÁP
"HAI MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG" – ANH HÙNG LAO ĐỘNG, ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐĂNG GIÁP
Trong sáng tạo nghệ thuật có những tác phẩm được sáng tác theo cảm xúc nhất thời nhưng cũng có những tác phẩm tác giả phải nghiền ngẫm, từng trải, đẫm mình quăng quật cả cuộc đời mới viết nên những câu thơ gan ruột. Bài thơ "Hai mươi năm một chặng đường" của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp được viết ra trong trường hợp như thế.
Một bài thơ có thể hoàn thiện trong một giờ hoặc một ngày nhưng để viết được bài thơ đó có khi tác giả phải trải qua bao thăng trầm vinh nhục mới thăng hoa và viết nên được những câu thơ để tự khắc họa cuộc đời mình. Bài thơ "Hai mươi năm một chặng đường" là bản tổng kết cuộc đời bằng thơ, tác giả đã khắc họa chân dung cuộc sống, sự nghiệp, những ghềnh thác mà chính mình đã trải qua trên hành trình nhân quả đi tìm chân lý của cuộc sống.
Thơ được chưng cất từ cuộc sống nên những buồn vui của tác giả được phản ảnh một cách chân thực qua những vần thơ. Bài thơ "Hai mươi năm một chặng đường" gồm có 48 câu thơ theo thể thất ngôn, chia thành 12 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu thơ. Đây là lời tự sự của tác giả về chặng đường 20 năm từ khi tiếp quản Xí nghiệp 36 đến khi phát triển lớn mạnh thành Tổng Công ty 36. Quãng đường hai mươi năm đó tác giả phải trải qua bao thăng trầm, phải đánh đổi bằng máu mới có được như ngày hôm nay.
Khổ thơ đầu tiên là sự khởi đầu khi tác giả về tiếp quản Xí nghiệp 36. Ông về tiếp quản với một cách không giống ai, tiếp nhận Xí nghiệp năm 2003 trong tình cảnh âm 34 tỷ và cán bộ, nhân viên không có việc làm, xí nghiệp bên bờ vực phá sản, ông bị cấp trên "lừa" để nhận chức giám đốc nên rơi vào tình cảnh "Hài lẫn với bi nỗi đoạn trường". Khi đã cưỡi lên lưng hổ rồi thì "Tiến thoái lưỡng nan" (tiến lui đều khó), một mình phải đấu tranh, đương đầu với bao nhiêu khó khăn thách đố, phải "Bảy nổi ba chìm" thân tự "bơi". Nếu một mình ông thì không lo, đằng này nhận về xí nghiệp với một khối nợ khổng lồ và cuộc sống, gia đình của hàng trăm cán bộ, nhân viên Xí nghiệp. Làm thế nào để vực dậy, đưa công ty phát triển để cứu cả hàng trăm gia đình cán bộ, nhân viên vượt qua khó khăn là một bài toán "cân não" thách đố tài trí và sức chịu đựng của người thuyền trưởng Nguyễn Đăng Giáp.
Sau khi tiếp nhận Xí nghiệp 36 bên bờ vực phá sản, Nguyễn Đăng Giáp phải "đơn thương độc mã" bươn chải lo kiếm việc làm cho cán bộ, nhân viên, lo xoay vốn để mua sắm máy móc và lo chạy vạy để tìm kiếm công trình. "Cái khó ló cái khôn", "có cứng mới đứng đầu gió" trong khó khăn gian khổ ông đã đưa ra các khẩu hiệu hành động vừa để động viên, thúc đẩy tinh thần cán bộ nhân viên trong toàn xí nghiệp, vừa là cái đích và quyết tâm để vươn lên bằng những câu khẩu hiệu ở khổ thơ thứ 2: "Đầu tư liên tục", "Khắc phục khó khăn", "Đoàn kết lập công", "Mở rộng thị phần", “Giành thương hiệu mới”. Đây là phương châm nhưng cũng là con đường sống duy nhất để xí nghiệp tồn tại và phát triển.
Khổ thơ thứ 3 tác giả đã thể hiện trạng thái cảm xúc qua những vần thơ ở một góc độ khác, quá trình phát triển của xí nghiệp đã lên một nấc thang mới, vượt qua "cửa tử" để trưởng thành và từ xí nghiệp đã phát triển lên thành Công ty rồi Tổng Công ty và mang nét đặc thù riêng qua việc "Sáng tạo lô gô tư duy mở - Chói ngời sắc đỏ tỏ đường đi", đã qua thời gian khó đến giai đoạn người thủ lĩnh đã tìm ra hướng đi mới cho con thuyền vượt qua giông bão, tương lai phía trước đã "chói ngời sắc đỏ" và "hóa giải nợ nần thành có lãi" biến Xí nghiệp từ chỗ "Âm - không thành có rõ ban ngày". Có thể nói rằng nếu không có một người chỉ huy tài ba, bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn thử thách chắc con tàu 36 đã bị chìm đắm theo khối nợ khổng lồ và bao khó khăn bủa vây thách đố lúc bấy giờ.
Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, khi đã vực dậy được Công ty từ âm thành có lãi và tìm ra hướng đi mới để phát triển thì cũng là lúc những cơ chế thay đổi, thế thái nhân tình đổi trắng thay đen làm cho những toan tính đi trước thời đại của người thuyền trưởng lại thành ra chữ “Tài” hóa chữ “Tai”: “Thương thay cơ chế thời gian ấy - Thế thái nhân tình “tài” hóa “tai” - Trói chặt bắt bơi ta vẫn thắng - Công trình nối tiếp những thành công". Dù cho cơ chế thay đổi, dù thế thái nhân tình "trói chặt bắt bơi" nhưng với tài trí và lòng dũng cảm thì cuối cùng người thuyền trưởng ấy vẫn chiến thắng, những công trình nối tiếp những công trình với hàng trăm dự án trải dọc đất nước hình chữ S và vươn cả sang đất Lào để đền ơn đáp nghĩa "Mười năm trên đất bạn Lào". Câu "trói chặt, bắt bơi" rất hay và có nhiều sức gợi, vừa như một cặp đối đã "trói chặt" lại còn "bắt bơi" nhưng có trong hoàn cảnh bị dồn vào chân tường đó thì tài năng và phẩm giá của một anh hùng mới được bộc lộ một cách rõ nhất. "Thời thế đã tạo nên anh hùng" và cũng chính anh hùng đã tạo nên thời thế để khẳng định chí làm trai của một trang nam nhi đại trượng phu.
Ở những khổ thơ tiếp theo ta thấy tác giả Nguyễn Đăng Giáp miêu tả những chặng đường đã trải qua với bao khó khăn vất vả nhưng cuối cùng cũng cập bến thành công, để có được ngày vinh quang ông đã đưa Xí nghiệp 36 phát triển lên thành Công ty, Tổng Công ty rồi Cổ phần hóa. Người thuyền trưởng ấy và Tổng công ty 36 vừa làm thuê vừa làm chủ trọn cả hai vai và khi vận hội đến thì như rồng gặp mây "Khởi công liên tiếp nhiều dự án - Truyền hình, báo chí "tự nhiên hương". Và ông khẳng định những thành công mà cá nhân cũng như Tổng Công ty 36 có được cơ đồ như ngày hôm nay không đến một cách dễ dàng, không đến từ sự nâng đỡ, ưu ái của một ai đó mà "Đỉnh cao danh vọng nhờ thao lược" và "Bằng những công trình cỡ quốc gia". Thành công tiếp nối thành công và chính sự bứt phá ngoạn mục, sự tài trí của người thủ lĩnh chính là "hữu xạ tự nhiên hương" để danh tiếng và thương hiệu của Tổng công ty 36 vang xa.
Sau những cống hiến, những công trình làm đẹp thêm cho đất nước, quê hương đó là một người chỉ huy âm thầm vượt lên thử thách, vượt qua bao ghềnh thác để đưa con thuyền cập bến vinh quang. Người chỉ huy ấy "Năm tháng miệt mài tằm nhả kén - Tơ dệt cho đời ánh hào quang". Chính Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã dám nhận về Công ty 56 - một công ty bên bờ vực phá sản để sáp nhập vào Công ty 36 và vực dậy một tập thể rệu rã, truyền vào đó sức mạnh của niềm tin chiến thắng. Mọi khó khăn vất vả ông nhận hết về mình, giai đoạn Công ty thiếu vốn chính ông đã phải cầm cố sổ đỏ của gia đình mình ở ngân hàng để vay tiền mua máy móc phương tiện phục vụ xây dựng các công trình để người lao động có việc làm. Suốt bao nhiêu năm người thuyền trưởng ấy dám cho đi tất cả những gì mình có được kể cả thế chấp nhà cửa của gia đình mình và hành động đó, nghĩa cử đó chính là "Tơ dệt cho đời ánh hào quang" ông đã "Cho đi tất cả nay nhìn lại - Tâm sáng chí bền dạ bao dung" để rồi "Bảy năm trao tặng Anh hùng thật" và sau 10 năm thì Tổng Công ty cũng được phong tặng Anh hùng. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp "bị lừa" nhận chức Giám đốc Xí nghiệp 36 vào năm 2003 khi bên bờ vực phá sản và nợ đọng 34 tỷ và đến 2010 thì Công ty 36 đã phát triển vượt bậc, vươn dậy như Phù Đổng Thiên Vương và chính ông là cá nhân duy nhất được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010, đến năm 2013 thì Tổng Công ty 36 được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động.
Anh Hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã sống một cuộc đời đáng sống và đáng tự hào, những việc làm, những công trình mà ông để lại cho quê hương, đất nước sẽ còn mãi, những vần thơ, trang viết của ông là tấm gương phản chiếu cuộc đời ông, những vần thơ ấy giống như người thư ký ghi lại nhật ký của cuộc đời.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: "Thơ chỉ bật ra khi trong tim cuộc sống đã thật đầy". Đúng vậy, tác giả Nguyễn Đăng Giáp đã nhận ra quy luật của tạo hóa khắc nghiệt, cuộc sống con người trên trần gian là hữu hạn vậy nên ông luôn trân trọng từng phút giây được sống, được cống hiến cho đời vì ông hiểu rằng "Thời gian tuổi tác là giới hạn" cho nên muốn cống hiến nhiều nhất, phát huy cao độ tài năng và nhiệt huyết để đưa Tổng Công ty 36 phát triển theo một con đường mới, phải đi trước thời đại thì mới mong chiến thắng và "Cổ phần thách đố chí làm trai" chính ông đã phải chấp nhận "Một mình đối diện điều không thể" và "Biến điều có thể để thành công".
Những quyết sách đúng đắn và quyết liệt dẫn đến thành công đó không phải là do may rủi hay thánh thần giúp đỡ mà là do "gan to người thủ lĩnh" tài năng đó có sự khác biệt, độc đáo và chảy trong mình "máu vô thường" (hiên ngang không sợ chết). Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã vào sinh ra tử trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chính trên con đường Trường Sơn huyền thoại ông đã "hai lần giáp mặt tử thần" và mang trên mình nhiều thương tích. Ra khỏi chiến tranh lại bắt tay vào sự nghiệp xây dựng lại Tổ quốc, ông đã quăng quật bươn chải trên thương trường, xông pha trên mặt trận không tiếng súng để có hàng trăm công trình tầm cỡ quốc gia làm đẹp giàu cho đất nước với một phương châm hành động và là bài học quý giá mà bố của ông, cụ Nguyễn Đăng Cẩn đã dặn khi tiễn ông vào bộ đội "Tâm - Tầm - Chí - Trị" ắt thành công.
Kết thúc lời tự sự của mình tác giả chỉ ước một điều duy nhất, đó không phải là điều ước về vật chất tầm thường hay cuộc đời trường thọ mà là trả ơn tiên tổ vì tiên tổ đã cho ông có mặt trên cõi đời và ông đã làm rạng danh tiên tổ. Bức đại tự “Phúc - Lai – Thành” như một báu vật sáng ngời mà tổ tiên để lại cho con cháu đã được Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp tô điểm thêm, làm sáng ngời hơn trong thế hệ của ông. Sau hai mươi năm nhận Tổng công ty 36 ông đã gieo nhân tốt nên đời đã cho quả ngọt. Tác giả không hổ thẹn với lòng mình, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" ông đã thỏa chí làm trai của một đại trượng phu.
Hai khổ thơ cuối như là "khúc vĩ thanh" cho lời tự sự của tác giả, là bức tranh tự họa tinh thần của chính mình được vẽ nên bằng những câu thơ đầy kiêu hãnh. Sau những bôn ba, vất vả vào sinh ra tử nơi chiến trường lửa đạn, sau những quăng quật trên thương trường thì Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã "chưng cất" từ cuộc sống để thăng hoa thành nhạc, thành những vần thơ lai láng tình người để lại cho đời. "Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm" (Voltaire). Bài thơ "Hai mươi năm một chặng đường" được sáng tác bởi một tâm hồn cao cả và đa cảm. Chính những cống hiến, những thành công vang dội trên thương trường, những danh hiệu cao quý phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt mà ông rất tự hào về những việc mình đã làm, đã dâng hiến cho đời. Đó chính là "Đời không nốt lặng", là "Khúc vĩ thanh" và là niềm kiêu hãnh "Như tôi đã sống".
Toàn bộ bài thơ là một lời tự giãi bày tâm trạng và nỗi lòng của chính tác giả, người đã trải qua mọi thăng trầm buồn vui trong cuộc sống. Tác giả đã mượn những hình ảnh ẩn dụ để thể hiện nội tâm cho nên đằng sau ngoại cảnh, sau những hình ảnh ẩn dụ là nỗi lòng nồng nàn say đắm với tình người, tình đời của một trang anh hùng.
Ngô Thì Nhậm đã từng viết: "Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần", trong bài thơ "Hai mươi năm một chặng đường" của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp không sử dụng câu từ cao xa, cách tân mà ông lựa chọn ngôn ngữ môc mạc, gần gũi mà ẩn chứa nhiều hình ảnh, các điển tích, thành ngữ dân gian, hình ảnh ẩn dụ được tác giả đưa vào bài thơ một cách tự nhiên, các sự kiện, mốc thời gian cũng được đưa vào thơ một cách tự nhiên, nhiều câu thơ, hình ảnh gây xúc động cho người đọc.
Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã sống và chiến đấu, lao động đúng như câu nói trong "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nikolai Aleseyevich Ostrovsky: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."./.
(Mai Thanh Hải – Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh)
HAI MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
(23/9/2003 - 23/9/2023)
- Nguyễn Đăng Giáp –
Hai ba tháng chín mùa thu ấy
Hài lẫn với bi nỗi đoạn trường
“Lưỡng nan tiến thoái” đời cô quạnh
“Bảy nổi ba chìm” thân tự “bơi”.
“Đầu tư liên tục” người và máy
“Khắc phục khó khăn” nợ khó đòi
“Đoàn kết lập công” cùng trên dưới
“Mở rộng thị phần” sáng niềm tin.
Sáng tạo logo tư duy mở
Chói ngời sắc đỏ tỏ đường đi
Hóa giải nợ nần thành có lãi
Âm - không thành có rõ ban ngày.
Thương thay cơ chế thời gian ấy
Thế thái nhân tình “tài” hóa “tai”
Trói chặt bắt bơi ta vẫn thắng
Công trình nối tiếp những thành công.
Năm trăm dự án hình chữ S
Vươn cả sang Lào trả nghĩa nhân
Bốn mươi ngàn tỷ doanh thu vượt
Làm thuê làm chủ trọn cả hai.
Khởi công liên tiếp nhiều dự án
Truyền hình - báo chí “tự nhiên hương”
Đỉnh cao danh vọng nhờ thao lược
Bằng những công trình cỡ quốc gia.
Năm tháng miệt mài tằm nhả kén
Tơ dệt cho đời ánh hào quang
Bảy năm trao tặng Anh Hùng thật
Nhận về Năm Sáu “máu và hoa”.
Mười năm bứt phá ngôi nhà ấy
Anh hùng tỏa sáng Tổng công ty
Cho đi tất cả nay nhìn lại
Tâm sáng chí bền dạ bao dung.
Thời gian - tuổi tác là giới hạn
Cổ phần thách đố chí làm trai
Một mình đối diện điều “không thể”
Biến điều “có thể” để thành công.
Mới biết gan to người thủ lĩnh
Khác biệt trong ta “máu” vô thường
Vào sinh ra tử đời quăng quật
“Tâm - tầm – chí - trị” ắt thành công.
Văn chương lai láng thơ và nhạc
Để lại cho đời khúc vĩ thanh
“Như tôi đã sống” niềm kiêu hãnh
“Đời không nốt lặng” với thiên thu.
Nếu cho điều ước: ơn tiên tổ
“Phúc” đã “lai thành” sáng sử xanh
Hai mươi năm ấy nhân và quả
“Thất thập lai hy” thỏa chí bền./.
25/1/2023 (mùng 4 tết Quý Mão khai bút)