Hà Nội đêm không ngủ - Thơ của Hạnh Nguyễn - Lời bình GS. Nguyễn Bá Đức

Hà Nội đêm không ngủ

Thơ: Hạnh Nguyễn

Đêm Hà Nội em đã ngủ chưa?

Mùa đông sang gió lùa ngõ nhỏ

Cây bàng khô lặng co mình trước gió

Hà Nội vào đông xào xạc heo may

 

Đêm Hà Nội chẳng thể ngủ say

Hồ Gươm xanh vẫn long lanh sóng nước

Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Tiền thao thức

Bốn mùa qua đi nào được ngủ đâu

 

Đêm Hà Nội lấp lánh ánh đèn màu

Góc phố, con đường đêm về dịu lại

Phố tạm ngả mình sau ngày mệt mỏi

Hà Nội quen rồi hối hả những bước chân

 

Tiếng rao đêm nghe như xa, như gần

Bỗng yêu vô ngần Hà Nội đêm trở gió

Đông đã về sương giăng phố nhỏ

Hà Nội đêm nào có ngủ bao giờ...

Ảnh minh họa

Lời bình: GS. Nguyễn Bá Đức

Những ai đã từng sống lâu ở Hà Nội sẽ cảm nhận thấy mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội đều có những vẻ đẹp khác nhau. Đã có biết bao thơ ca, nhạc hoạ về mảnh đất Kinh Kỳ, nhưng mùa thu và mùa đông được chú ý nhiều nhất. Thoạt vào bài thơ, tác giả đặt câu hỏi:

“Đêm Hà Nội, em đã ngủ chưa?

Mùa đông sang gió lùa ngõ nhỏ”

Nhà thơ hỏi đêm Hà Nội hay hỏi chính lòng mình? Hà Nội có nhiều “ngõ nhỏ, phố nhỏ” với những ánh đèn vàng thao thức thâu đêm. Những cây bàng đang trút lá để lại những cành cây co ro, trơ trụi.

“Cây bàng khô lặng co mình trước gió

Hà Nội vào đông xào xạc heo may”

Nếu như Nhạc sỹ Phú Quang đã thấy: “cây bàng mồ côi mùa đông/ mảnh trăng mồ côi mùa đông” thì mãi mãi tình yêu ông dành cho Hà Nội, bởi “Ta còn em hàng phố cũ rêu phong/ Và từng mái ngói xô nghiêng/ Nao nao kỷ niệm…”. Hà Nội với những cây bàng lá đỏ, sau một đêm, nhìn lên cây, những chiếc lá như những đốm lửa sưởi ấm cho nhau khi gió đông về.

Hà Nội đẹp khi ngắm cảnh hồ Gươm vào mùa đông! Lúc sáng sớm, khi những ánh nắng ban mai nhẹ nhàng phản chiếu xuống mặt hồ lấp lánh. Đây cũng chính là lúc hồ Gươm long lanh nhất trong mắt kẻ si tình.

“Đêm Hà Nội chẳng thể ngủ say

Hồ Gươm xanh vẫn long lanh sóng nước

Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Tiền thao thức

Bốn mùa qua đi nào được ngủ đâu”

Cũng giống như số phận của nhiều thành phố lớn khác, Hà Nội thức thâu đêm! Những phố ẩm thực, những phố Hàng đã làm nên tên tuổi Hà Nội! Những Phố Cổ Hà Nội không chỉ là những hoài niệm một thời mà còn là nơi lưu giữ dấu vết thăng trầm của thời gian với những ngôi nhà cổ kính, những con đường mang nặng ký ức lịch sử, hay nét văn hóa Hà Thành được lưu truyền từ nghìn đời qua từng nếp nhà. Trước con mắt của du khách và bạn bè quốc tế, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Phố Tạ Hiện, là khu phố đêm náo nhiệt nổi tiếng thủ đô Hà Nội, cũng là khu phố Tây duy nhất ở đây. Khu phố này được du khách luôn có mặt trong danh sách những nơi phải đến khi đi du lịch Hà Nội.

Chỉ là những con phố nhỏ bé nhưng phố Tạ Hiện luôn chật nêm người đến vui chơi, giải trí, nhâm nhi bia vỉa hè đến trắng đêm…

“Đêm Hà Nội lấp lánh ánh đèn màu

Góc phố, con đường đêm về dịu lại

Phố tạm ngả mình sau ngày mệt mỏi

Hà Nội quen rồi hối hả những bước chân”

Vào thời đại 4.0, nhưng HN vẫn không thể thiếu tiếng rao đêm.

Tiếng rao đêm dường như đã trở thành cái điệu riêng gắn với Hà Nội bao đời, một thứ âm sắc gợi dậy bao xúc cảm về nhịp thời gian, không gian, nhịp sống và nhịp phố, làm nên một phần hồn của đêm Hà Nội.

“Tiếng rao đêm nghe như xa, như gần

Bỗng yêu vô ngần Hà Nội đêm trở gió

Đông đã về sương giăng phố nhỏ

Hà Nội đêm nào có ngủ bao giờ...”

“Ai xôi bắp không, ai lạc rang, hạt dẻ không…”, “Ai bánh chưng, bánh rán, bánh mì, bánh giò nào...”, “Ai xôi lạc, bánh khúc nóng…” mỗi lời rao mời lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm.

Chỉ với bốn khổ thơ ngắn, tác giả đã vẽ nên một mùa đông Hà Nội. Và cứ thế, “Hà Nội đêm không ngủ” hay chính nhà thơ luôn trằn trọc với lòng mình? Em nhớ đã bao đêm dài xa vắng? Trằn trọc, bâng khuâng thao thức, rối bời trái tim? Điều ấy chỉ có người nữ sỹ mới có thể “bật mí” cho các bạn thơ?