Chuyện tình thuyền và núi, thơ hay của Đỗ Thu; lời bình của Đỗ Hoa

Muốn anh là ngọn núi xanh

Ôm em ôm ngọn sóng lành hồ yêu

Núi anh ngả bóng cuối chiều

Chìm trong đáy nước những điều mộng mơ.

 

Thuyền em đã cập bến bờ

Gọi anh mãi gọi tiếng chờ đắm say

Sóng xô bóng Nhạn hao gầy

Thuyền đi xa vắng bao ngày Núi thương.

 

Dập dìu sóng nước hồ gương

Núi anh dẫn trọn con đường em đi

Thuyền tình nhẹ lướt thiên di

Mang theo nỗi nhớ khát ghì anh trao

 

Trời mây sóng nước rì rào

Núi im vọng nỗi khát khao thầm thì

Thuyền ơi neo bến đừng đi

Bên em Núi trả những gì khát mong.

 

Núi ơi

Thuyền giữ trong lòng

Đợi khi cập bến

đan vòng tay yêu.

Điện Biên. 8/9/22

Đỗ Thu

Ảnh minh họa

Lời bình: Đỗ Hoa

"Núi ơi

Thuyền giữ trong lòng

Đợi khi cập bến

đan vòng tay yêu."

Câu thơ hay trong bài thơ, gửi gắm nỗi lòng tác giả.

Những câu chuyện tình đã trở thành huyền thoại như Hồ Núi Cốc và có rất nhiều những câu chuyện tình bất hủ cũng như bài thơ Thuyền Và Biển của Xuân Quỳnh. Đã làm nên một trường ca bất tử.

Không dám so sánh nhiều nhưng Chuyện tình thuyền và núi của thi sĩ lại có một sắc thái riêng, mang phong cách của người con gái khá đặc biệt trong làng thơ Việt. Phong cách Đỗ Thu.

Trong muôn vàn điều ước muốn của phụ nữ thì nhà thơ không ước muốn cao sang chỉ muốn anh làm ngọn núi xanh; em là con thuyền lênh đênh nhỏ bé neo đậu bên nhau như mây với gió như núi với hồ.

Có ai từng ngồi lặng im bên hồ để ngắm nhìn dãy núi trong hoàng hôn lặng gió. Mới thấy ngọn núi mà tác giả ước ao nằm trọn trong làn nước trong xanh. In bóng trên mặt hồ, mới nhận ra vẻ đẹp của ngọn núi chìm trong đáy nước lung linh dưới bóng chiều. Thấm đẫm vị hương rừng ngai ngải của những loài hoa dại:

"Muốn anh là ngọn núi xanh

Ôm em ôm ngọn sóng lành hồ yêu

Núi anh ngả bóng cuối chiều

Chìm trong đáy nước những điều mộng mơ."

Em mãi là "Thuyền" lênh đênh trên mặt nước.

Thuyền ơi! Dù đi đâu về đâu thì vẫn về neo đậu bến xưa!

Núi ơi! Cả đời in bóng hồ sâu có buồn không? Chỉ cần mái chèo khua nhẹ thôi cả dãy núi in hình trong bóng nước "gương" soi bị tan biến. Để rồi khi thuyền đi xa sóng tan, bóng "Núi" đọng giữa rong rêu chói lói. Vẫn là dãy núi kia đứng lặng trong lòng hồ!

Những vần thơ em ví, những hình ảnh được tác giả sử dụng nhân hóa để Núi sống động đằm thắm nhớ thương là anh và em: "Thuyền" xa khơi cho "sóng xô bóng Nhạn hao gầy" mãi gọi anh với tình yêu lứa đôi tha thiết.

Có biết chăng "Thuyền" luôn nhớ "Núi" mà chỉ "để trong lòng" còn "Núi" thì luôn mong đợi ngày "Thuyền" về sau bão giông:

"Thuyền em đã cập bến bờ

Gọi anh mãi gọi tiếng chờ đắm say

Sóng xô bóng Nhạn hao gầy

Thuyền đi xa vắng bao ngày Núi thương"

Đọc bài thơ tác giả. Ta phải suy ngẫm. Làm sao "sóng nước Dập dìu" mà Hồ vẫn lặng sóng... "gương" soi. Một cách ví von và cách dùng khá đắt với các câu "lướt nhẹ thiên di, khát ghì anh trao".

Không chỉ là còn nỗi nhớ thông thường của sóng với bờ, của mây với gió, của anh và em mà nó là nỗi nhớ của người con trai với người con gái đã một thời để lại cho nhau những kỷ niệm sắt son. Rồi xa cách bởi Thuyền em đã về neo đậu bến người! Cho Núi anh khát khao mà chẳng thể đi đâu về đâu cứ lặng lẽ in đáy hồ sâu. Vò võ đợi chờ ngày dài, canh thâu trong cái nhớ "khát ghì" thuở ấy.

"Dập dìu sóng nước hồ gương

Núi anh dẫn trọn con đường em đi

Thuyền tình nhẹ lướt thiên di

Mang theo nỗi nhớ khát ghì anh trao"

Trời mây núi non cùng sóng nước "rì rào" xôn xao. Nỗi nhớ, lời yêu thì thầm còn núi thì sao? Xanh mướt bình minh, tím ngắt hoàng hôn và trắng mờ khi mây ấp vai, lặng lẽ như phu phụ đợi chờ. Ngàn năm chỉ biết khát khao thì thầm. Câu thơ cảm thán như van nài: Thuyền ơi! Neo bến đừng đi.

Cho núi anh được thỏa ước nguyện cơn mê. Để được tan chảy vào nhau.

"Trời mây sóng nước rì rào

Núi im vọng nỗi khát khao thầm thì

Thuyền ơi neo bến đừng đi!

Bên em Núi trả những gì khát mong."

Câu kết thật có hậu nhưng chẳng bao giờ mới được thỏa lỗi khát khao bởi vì chỉ đễ trong lòng thôi. Thuyền về với đến sông xưa rồi đợi sao được giữa dòng đời xuôi ngược. Cho Núi ơi cứ đợi đi, đợi mãi! Đâu biết Thuyền về nơi nao.

Ôi!!! Chỉ có trời "mới biết thuyền đi đâu về đâu"

Còn Thuyền có thể về neo đậu nhưng không phải bến xưa. Riêng nỗi buồn, mỗi khát khao Núi cho mình thì giấu kín trong lòng và "chỉ có Thuyền mói hiểu" nỗi nhớ nhung của Núi.

Ngàn năm vẫn đứng đó lặng soi bóng nước gương hồ. Tự ngắm mình rồi lại tan biến khi Thuyền về lướt nhẹ, rồi gác mái chèo ngắm Núi:

"Núi ơi

Thuyền giữ trong lòng

Đợi khi cập bến

đan vòng tay yêu."

Rất lâu rồi độc giả mới đọc được bài thơ mượn tứ Thuyền và Biển để viết về Thuyền và Núi giờ đây núi và thuyền không phải là của tác giả nữa. Tác phẩm đã là của chung. Nó là nỗi lòng của những đôi trai gái "khát ghì" trong nhau; Của những tình cảm sâu lắng khi đã sa sót yêu mà không yêu. Dù ai cũng có quyền được yêu.

Bài thơ không dễ gặp, không dễ thẩm nếu chỉ đọc lướt qua và để đó. Tôi thích bài thơ hay và thơ hay lại kén người đọc và khó thẩm.

Xin chúc em - cô giáo xinh đẹp, khiêu vũ giỏi và có tài hóa thân khi em là nhà thơ.

Tạm biệt em, con Thuyền tình xoáy trong dòng sông Thơ để cho ra những tuyệt phẩm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Cho độc giả trải lòng mình, thả hồn vào những vần thơ bay bổng.

Đỗ Hoa