Hẹn thu thơ của Nguyễn Hữu Quý; Lời bình: Nguyễn Phương Anh

 

Chợt nhớ hôm xưa nhà thơ Nguyễn Hữu Quý từng có lời hẹn với Thu Hà Nội. Không biết nhà thơ hẹn những gì vậy nhỉ?

HẸN THU

Thơ: Nguyễn Hữu Quý

 

Chẳng lâu nữa anh lại về Hà Nội

khi mùa thu cập bến sông Hồng

gió ký ức thổi mùa chong chóng

hơi may nào cũng man mác hồn anh

 

Nắng mật thấm khi cơn mưa đã tạnh

dịu dàng em góc phố lá bay

mắt em rót men thơm căng mẩy

nhấp nhô bay bổng hoàng hôn

 

Là thế đấy, thơm trong từng gié sớm

cánh đồng nào chưa gặt gọi tên nhau

thu khe khẽ chạm miền khuất giấu

nhắc chi nhiều ơi khăn áo mùa đông

 

Và em đến căn phòng hoá rộng

nửa mùa thu lưu trú chiêm bao

nửa da diết nói gì trong vạt áo

treo hững hờ trên hoàng cúc ven sông...

Ảnh minh họa

“HẸN THU” – Đúng là hẹn, nên cả bài thơ như một lời hò hẹn. Hẹn những gì đã qua, hẹn những điều sẽ tới, hẹn nơi nào nhón gót bước chân em, hẹn những điều còn chưa thành tên gọi và hẹn cả những ước ao.

Nhà thơ hẹn quay về Hà Nội “khi mùa thu cập bến sông Hồng”. Ấy là lời hẹn có không gian, thời gian cụ thể như một kế hoạch mà sao đôi câu thơ cứ rung lên nhịp xao xuyến của trái tim giấu sau làn áo. Ấy là lời hẹn có màu sắc. Màu sắc ẩn giấu trong từ “mùa thu” và từ “sông Hồng”, như đâu đây thấp thoáng một vẻ đẹp bí ẩn. Còn nữa, đó là lời hẹn cho ngày mai, lại cũng cho cả một miền ký ức. Ký ức ấy là những giấc mơ không phân biệt được giữa sự hồn nhiên tuổi trẻ và hoài niệm đã trải của cuộc đời, thế nên “gió ký ức thổi mùa chong chóng”. Và phải chăng vì thế, mà ở nơi đây, ở Hà Nội này, bất kỳ nơi nào cũng ẩn chứa nỗi lòng nhà thơ, nên một “hơi may” nào cũng “man mác hồn anh”.

Chẳng ai chối cãi trái tim nhà thơ không lãng mạn. Những ngôn từ muôn thuở của cha ông được anh sử dụng nhuần nhuyễn đến ngọt ngào: “Nắng mật thấm”. Mà cái “nắng mật”này nó “thấm” khi một “dịu dàng em” xuất hiện ở “góc phố lá bay” sau cơn mưa. Thế thì ngọt lắm mà cũng thanh tịnh lắm. Tôi đồ rằng nhà thơ đang say mà lại ngỡ mình say “nắng mật”. Rồi anh nhân cách hóa một hình tượng rất gần gũi nhưng đâu dễ viết: “mắt em rót men thơm căng mẩy”. Nhìn “mắt em” mà lại thấy, hay ngửi thấy mùi thơm của “men”. Thật tài tình biết mấy. Mà đích thị “men thơm” ấy là của người con gái nên nó mới “căng mẩy” đến thế chứ. Nhưng tất cả những hình tượng này còn say đắm hơn bởi không phải nó hiện ra, mà nó được“rót” ra. Cái động từ “rót” ở đây thật nồng nàn và cuồng nhiệt làm sao. Chỉ có bảy chữ với nghệ thuật sắp đặt mà nói lên được vẻ đẹp hây hẩy, nóng hổi, tròn căng và cái dạt dào của tâm hồn xuân trẻ.

Hà Nội vốn là chốn phồn hoa đô thị, vậy mà ta lại gặp một ban mai thanh tĩnh đến từng khe sáng khi anh viết “thơm trong từng gié sớm”. Chữ “gié sớm” thường bắt gặp ở thôn quê, thế thì không dễ để có thể đưa vào một sớm mai của Hà Nội đô thành. Nhưng anh đã đưa, và ta thấy nó tự nhiên như thể ai đó đang dạo bước quanh nắng sớm của Hồ Gươm vậy. Rồi những điều chưa đến, những gì đã qua, những gì còn ẩn chứa, cứ đan xen trong tâm hồn anh khi nhà thơ gợi “ơi khăn áo mùa đông”, khi trong anh còn có những “cánh đồng” chưa gọi thành tên mà để ta cũng thổn thức bồi hồi.

Và thế, cuộc sống dù trải qua muôn vàn dâu bể, ai chẳng có một nơi để cập bến. Ấy có thể là bến yêu thương, lại cũng có thể là bến tri kỷ, hay một bến thanh bình mơ ước. Cái bến ấy dường như có những điều đã “lưu trú chiêm bao”, lại có cả những niềm háo hức khi trái tim còn đang đập.

Thơ kết hay chưa nhỉ? Mà sao ta như thấy vẫn còn nhiều mong muốn “da diết” lắm. Mà những điều này, nhà thơ lại để, hay gửi, hay nhìn ra trong “vạt áo”. Cái “vạt áo”chả biết của ai mà được “treo hững hờ trên hoàng cúc ven sông...” sau khi “em đến”...

Thôi, xin rút để nhà thơ còn thực hiện cuộc hẹn của anh.

 

GIỚI THIỆU VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ:

Đại tá - Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý là một người con của đất Quảng Bình, sinh năm 1956. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã đạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó nổi bật là tác phẩm "Khát vọng Trường Sơn" đạt giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 (cuộc thi không có giải nhất). Anh đã ba lần đạt giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra anh còn đạt các giải thưởng văn học của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn, các giải thưởng viết cho thiếu nhi,... Đến nay, anh đã xuất bản trên 20 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ và 4 trường ca.