Thơ hay: Quê Hương của Thúy Nga; Lời bình: Nguyễn Phương Hà

QUÊ HƯƠNG

(Thúy Nga)

Ta về tìm tuổi thơ ta

Phía bóng mẹ lẫn bóng tà dương rơi

Đồng xanh in sắc xanh trời

Đan trong gió những tiếng ời à ru

Lưng trần cha gánh gió thu…

vào tóc mẹ đẫm

hương nhu vườn nhà

Nắng mưa mài vạt áo bà

Đắp bồi những ước mơ xa… thành gần.

Ta về nhặt nắng cuối sân

Để rưng rưng được một lần… vỡ ra

Niềm gần neo nỗi nhớ xa

Lắng bao kỷ niệm gọi là… quê hương?

Ảnh minh họa

Lời bình: Nguyễn Phương Hà

QUÊ HƯƠNG - Một cuộc trở về trong ký ức

Ai cũng có một vùng quê để thương, để nhớ, để tìm về mỗi khi lòng mình trống vắng, chênh chao. Trở về quê hương là trở về ký ức tuổi thơ, kỷ niệm với người thân, bạn bè, với những hình ảnh thân thương gắn với tuổi thơ dấu yêu, tìm về một điểm tựa neo giữ tâm hồn. Thúy Nga cũng trở về quê hương sau bao năm tháng tha hương, nhưng ở đây không thấy cảm xúc xốn xang rạo rực mà là những ấn tượng lắng đọng, day dứt một nỗi niềm:

Ta về tìm tuổi thơ ta

Phía bóng mẹ lẫn bóng tà dương rơi

Đồng xanh in sắc xanh trời

Đan trong gió những tiếng ời à ru…

Quê hương gắn với hình ảnh người mẹ tảo tần yêu thương, nhưng giờ đây mẹ đã khuất xa, "bóng mẹ lẫn bóng tà dương rơi". Hình ảnh "bóng tà dương rơi" gợi không gian mờ ảo, thời gian xa xăm, vừa biểu hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình. Câu thơ không nói chuyện đau thương mà âm điệu vấn vương nỗi buồn man mác nhớ thương loang ra trong không gian chiều muộn. Hình ảnh thị giác gợi màu sắc đặc trưng của nông thôn: màu xanh của cánh đồng hoà với màu xanh của bầu trời vấn vương cảm giác thanh mát, yên bình và "những tiếng ời à ru" đan trong gió như vang lên từ tâm tưởng. Sự kết hợp giữa màu sắc và âm thanh đã tạo nên một câu thơ đẹp, giàu sức gợi cảm, thể hiện nét riêng của không gian làng quê qua sự cảm nhận của cái tôi trữ tình.

Ký ức về người cha với cuộc sống trên đồng ruộng được gợi ra thật đẹp:

Lưng trần cha gánh gió thu…

vào tóc mẹ đẫm

hương nhu vườn nhà

"Lưng trần cha gánh gió thu" là hình ảnh lung linh được tạo ra nhờ một chi tiết rất đời “lưng trần” và kết hợp từ rất thơ “gánh gió thu”. Câu thơ có sức gợi bao hình ảnh, chi tiết về đời sống ở nông thôn mà người đọc có thể liên tưởng, lại vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. “Gió thu” cha gánh hoà vào mái tóc “đẫm hương nhu vườn nhà” của mẹ gợi vẻ đẹp bình dị, ấm áp, là phong vị quê hương, là tình yêu thương chung thủy của mẹ cha. Sự kết hợp, tương ứng giữa hai cặp hình ảnh: "cha - mẹ", "gió thu - hương như vườn nhà" tạo biểu tượng thân thương nhất về quê hương trong hoài niệm của thi nhân.

Ký ức của nhân vật trữ tình mở ra với hình bóng thân thương:

Nắng mưa mài vạt áo bà

Đắp bồi những ước mơ xa… thành gần

Hình ảnh người bà với vạt áo nâu bạc mòn theo năm tháng, chữ "mài" dùng thật đắt, không chỉ là chuyện chiếc áo mà là chuyện đời người. Thời gian và những nhọc nhằn phôi phai của đời bà được biểu hiện qua câu thơ cô đọng mà giàu sức gợi: “Nắng mưa mài vạt áo bà”. Bà đem những nhọc nhằn đời mình để biến ước mơ xa xôi thành hiện thực, để con cháu bây giờ được bay cao, bay xa.

Bao cảm xúc dâng lên trong lòng nhân vật trữ tình khi trở về làng quê ký ức tuổi thơ:

Ta về nhặt nắng cuối sân

Để rưng rưng được một lần… vỡ ra

Hình ảnh "nhặt nắng cuối sân" gợi ấn tượng đẹp, tưởng là cụ thể nhưng lại có ý nghĩa khái quát: “nhặt nắng" hay gom góp những hình ảnh quê hương, hình ảnh những người thân yêu, hình ảnh tuổi thơ một thời nay đã thành xa vắng, để rồi xúc động “rưng rưng”  và “vỡ ra”, ngộ ra bao điều tưởng là đơn giản mà bấy lâu ta chẳng biết:

Niềm gần neo nỗi nhớ xa

Lắng bao kỷ niệm gọi là… quê hương.

Niềm gần” là những xúc động về quê hương dâng lên, vỡ oà trong hiện tại, “nỗi nhớ xa” là kỷ niệm, là hồi ức xa xăm của cuộc đời đã được lưu dấu vấn vương trong sâu thẳm cõi lòng. Nỗi niềm hiện tại, nỗi nhớ xa vời, tất cả là những kỷ niệm đằm sâu trong tâm hồn lắng kết lại để tạo thành tứ thơ: “Lắng bao kỷ niệm gọi là… quê hương”. Như vậy, quê hương trong bài thơ không phải là một định nghĩa duy lý khô khan mà là hình tượng khắc sâu trong tâm thức gắn với tình yêu quê hương mặn nồng, tha thiết.

Quê hương là một đề tài quen thuộc của thơ ca Việt với nhiều tác phẩm đặc sắc, vì thế, viết về quê hương trở thành một thách đố đối với người làm thơ hôm nay. Làm sao để tác phẩm không lặp lại thơ người và thơ mình? Làm sao để tạo ra sự khác biệt, để sự biểu hiện trong tác phẩm ghi được dấu ấn cảm xúc trong lòng người? Để tạo nét riêng cho thi phẩm của mình, Thúy Nga không dùng những hình ảnh đã trở thành ước lệ quen thuộc như: dòng sông, giếng nước, bờ cỏ chân đê, con đường làng, cánh diều tuổi thơ và đám bạn trẻ trâu tóc để chỏm, mà dùng những hình ảnh tiêu biểu, gần gũi nhất để gợi  về con người, cuộc sống và thiên nhiên làng quê. Tất cả những hình ảnh về quê hương trong bài thơ như "bóng mẹ", "tiếng ời à ru", "lưng trần cha gánh gió", "tóc mẹ đẫm hương nhu", "nắng mưa mài vạt áo bà", “nắng cuối sân" không phải là hình ảnh tả thực mà là hình ảnh hiện lên qua hồi ức, hoài niệm, liên tưởng của nhân vật trữ tình và âm thanh "những tiếng ời à ru" cũng vang lên từ trong tâm tưởng. Thơ Thúy Nga kiệm lời, không rơi vào miêu tả, thuật việc dài dòng, chị dùng ngôn từ ngắn gọn, cô đọng, mới mẻ, đầy sáng tạo, có sức gợi hình, gợi cảm. Hình ảnh thơ chuyển từ ngoại cảnh thành tâm cảnh, kết hợp thực và ảo, tạo được âm vang và dư ba. Bài thơ có nét riêng khá độ đáo, giàu cảm xúc và suy tư, ghi được dấu ấn trong lòng người đọc, thể hiện năng lực và cá tính sáng tạo của một cây bút thơ đang ở độ chín.