Thơ hay Những dáng Kiều thơm của Nhà thơ Hà Hải Anh; Lời bình của GS. TS Nguyễn Bá Đức

NHỮNG DÁNG KIỀU THƠM

Giọt lá vàng thả trời thu Hà Nội

Phải không em trên lá bức thư tình

Những vòm xanh che đầu âu yếm gọi

Thu Hà Thành như em dáng Kiều xinh!

 

Là hạt nắng cùng khăn thu mê mị

Tóc còn vương, vai tròn ấy em quàng

Cho hồn thu vỡ oà đêm thổn thức

Cốm me bùi Tây Hồ sóng lang thang...

 

Là sắc màu trời thu mùa lá đổ

Ký ức xanh thăm thẳm một miền thương

Em nhặt nắng con đường xưa hoài niệm

Vẫn nghe xanh, xanh mãi tiếng trống trường...

 

Nghe sông Hồng sóng hoa đào thủ thỉ

Em có về mùa cải bến xuân quê?!

Thu vẫn đợi sang đông bao mùa nhớ

Xuân bồng hoa trên những nẻo em về!

 

Là ô cửa lá bàng thôi đỏ mắt

Búp nõn xanh tà áo như bây giờ

Nắng xuân vậy là em đang đến

Ảo ảnh nào cho anh lạc suối thơ!

(Thơ Hà Hải Anh - 19/9/2022)

Ảnh minh họa

Nói đến mùa thu Hà Nội là nói về mùa đẹp nhất trong năm của Thủ Đô ngàn năm văn hiến. Là nói về Hà Nội cổ kính với 36 phố phường vào thu, với Hồ Gươm như một lẵng hoa giữa lòng thành phố. Nói về Đường Nguyễn Du hoa sữa ngạt ngào. Nói về Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, con đường Thanh Niên với bầy sâm cầm nhỏ. Nói về thu Hà Nội không thể quên nói về cốm làng Vòng… Như trong lời một bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:

“…mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,

mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,

cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”

Hà Hải Anh đặc biệt nhớ về những chiếc lá và những dáng Kiều thơm. Những chiếc lá thu Hà Nội như những giọt nước hay những giọt mắt ai đang thả vào chốn thinh không. Nếu chiếc lá mang thông điệp, những bức thư tình của đất trời gửi cho mọi người: “Thu đã về!” thì những Dáng Kiều Thơm lại là hồn cốt, chất lãng mạn đến say mê của phố phường Hà Nội - Em đã về!

“Giọt lá vàng thả trời thu Hà Nội

Phải không em trên lá bức thư tình

Những vòm xanh che đầu âu yếm gọi

Thu Hà Thành như em dáng Kiều xinh”

Mùa Thu Hà Thành đẹp như em? Còn gì đẹp bằng khi em trong tà áo dài, choàng nhẹ một chiếc khăn voan mỏng trên đôi vai tròn, thướt tha đi trên cầu Thê Húc? Hạt nắng thu long lanh trong mắt em? Hay em vào thăm Chùa Trấn Quốc, thắp nén hương trầm, khấn vái tổ tiên, cầu cho đất nước thanh bình.

Là hạt nắng cùng khăn thu mê mị

Tóc còn vương, vai tròn ấy em quàng

Cho hồn thu vỡ oà đêm thổn thức

Cốm me bùi Tây Hồ sóng lang thang...

Em dừng chân bên Hồ, ngắm hoàng hôn tĩnh lặng ở Hồ Tây, mua một gói cốm me, còn gọi là cốm lá me, một đặc sản của Hà Nội. Cốm được làm từ những hạt lúa nếp non còn ngậm sữa, để làm ra hạt Cốm tươi dẻo thơm, mỏng manh, mầu xanh như những cánh lá me nhỏ xíu, thật công phu. Hay em dạo gót trên con phố cổ, thấm màu thời gian với rêu phong, với những mái ngói xô nghiêng? Hay em đi trên con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Cửa Bắc hằn sâu vết tích một thời giữ nước của cha ông? Để bây giờ

Là sắc màu trời thu mùa lá đổ

Ký ức xanh thăm thẳm một miền thương

Em nhặt nắng con đường xưa hoài niệm

Vẫn nghe xanh, xanh mãi tiếng trống trường...

Hay em cùng bạn bè ra chơi khu

Bãi đá sông Hồng, nay đã thành khu du lịch với muôn ngàn loài hoa, với không gian thanh bình, thơ mộng của cỏ cây hoa lá. Đã trở thành điểm tham quan lý tưởng của nhiều bạn trẻ tại Hà Nội. Đến đây, em sẽ tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ và chụp những tấm ảnh đẹp

Nghe sông Hồng sóng hoa đào thủ thỉ

Em có về mùa cải bến xuân quê?!

Thu vẫn đợi sang đông bao mùa nhớ

Xuân bồng hoa trên những nẻo em về!

Mùa thu Hà Nội không thể thiếu những cây bàng lá đỏ.

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”, nhắc đến Hà Nội là bất cứ ai cũng sẽ nhớ đến những lời ca trong bài hát “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sắc vàng cuối thu, sắc xanh, sắc đỏ, nâu tía tầng tầng lớp lớp hòa quyện vào nhau, để đến cuối đông, lá rụng hết và khi xuân sang, những búp xanh non lại đồng loạt nhú lên

“Là ô cửa lá bàng thôi đỏ mắt

Búp nõn xanh tà áo như bây giờ

Nắng xuân vậy là em đang đến

Ảo ảnh nào cho anh lạc suối thơ!”

Vâng! Em đang đến! Nói đến phụ nữ, chúng ta thấy phụ nữ Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, đều có những người phụ nữ đẹp, họ nổi tiếng với nét đoan trang, đôn hậu, chịu thương, chịu khó. Họ không chỉ có nét đẹp riêng, mà còn được Bác Hồ kính yêu tặng tám chữ vàng cho Phụ Nữ Việt Nam là: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang!

Nói đến Hà Nội nghìn năm văn hiến, còn là nói về người con gái Hà Nội trong mắt người dân Việt Nam và thế giới là mảnh đất kinh kỳ, nơi đó có những người con gái thanh lịch tinh tế và đằm thắm, dịu dàng, Những Dáng Kiều thơm

Ta lại nhớ, như trong bài thơ “Tây Tiến” của Nhà thơ Quang Dũng, ngay trong cuộc chiến đấu hy sinh, gian khổ, cũng không làm người chiến binh Tây Tiến vơi đi cảm hứng lãng mạn cách mạng:

“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Về tác giả bài thơ NHỮNG DÁNG KIỀU THƠM: Nhà Thơ Hà Hải Anh sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, học tập, công tác ở Hà Nội. Em trở thành bác sỹ, là giảng viên Trường Đại Học Y Hà Nội. Em cũng như bao người con gái Hà Thành, luôn tự hào, gìn giữ cái nét đẹp dịu hiền, man mác, thanh lịch, nhẹ nhàng mà sâu lắng của người con gái Tràng An, của Những Dáng Kiều Thơm ấy!

Hẳn là mỗi khi những ai đã ở Hà Nội, nay đi xa Hà Nội, sẽ rất nhớ về Hà Nội. Nhớ từng con đường, góc phố, nhớ lắm bóng dáng người con gái Hà Thành, nhớ cả những cơn gió nhẹ thoáng qua dịu dàng, trong trẻo trong sắc trời thu Hà Nội.

Quả thực những nhớ thương Hà Nội đã trở thành ám ảnh khôn nguôi trong mỗi người con của mảnh đất Tràng An hào hoa, trí tuệ. Từ chút hương bánh tôm giòn trong mắt, chút ớt chưng ráng đỏ hoàng hôn cay nồng  bún ốc phủ Tây Hồ... đến chiếc bánh gối Lý Quốc Sư hay trái sấu vàng rơi về lòng đêm ảo ảnh... cũng cứ tự nhiên lăn vào những giấc mơ xa hoài niệm. Chút chút vậy thôi đã đau đáu; nói chi đến cả một mùa với sắc trời lộng lẫy lá vàng bay, như những nốt nhạc thả trên phố lang thang kỷ niệm, xanh thắm vầng mây! Thiếu nữ chưa xa, hương còn bay quyến rũ đâu đây?  Bất chợt gặp những dáng Kiều thơm Hà Nội. Bao hoài niệm ấy lại quay về mê đắm cùng tất cả chúng ta, những ai yêu mến mảnh đất ngàn năm văn hiến này! Bài thơ sẽ như những đóa hoa. Hoa vẫn nở mỗi ngày đón em qua trên những chặng đường, dù còn nhiều giông gió. Hoa trong đời thực và hoa trong thơ…

Nguyễn Bá Đức