Chùa không có sư

Ảnh minh họa

Tác giả: Đinh Quang Vinh

Làng có một ngôi chùa. Theo bi ký khắc trên tấm bia đá dựng trong chùa thì chùa làng có từ thời Lý, do vua Lý cấp cho ba mẫu ruộng và tiền để dựng chùa, thuận theo thỉnh cầu của dân làng. Đó là một ngôi chùa kiến trúc kiểu chữ丁 (Đinh). Ba gian chính điện thờ các vị Phật, hậu cung thờ vua Lý và Hoàng Hậu, là những người có tâm đức và có công lớn để chùa làng ra đời. Cổng vào chùa là một nếp Tam Quan duyên dáng nhưng vẫn đầy vẻ tôn nghiêm.

Đối diện với chùa có một ngôi đền nho nhỏ, thờ một vị tướng từ thời Hùng Vương. Tương truyền vị tướng này có công lớn trong việc chống giặc phương Bắc, không may bị tử trận trong một trận chiến chống giặc ngay tại đất này. Chắc đó chỉ là một huyền tích, vì thời ấy đã có ai ghi chép rõ ràng được chuyện các vua Hùng đâu. Nhưng chẳng sao, dân tộc mình vốn có những huyền tích vĩ đại rất đáng tự hào. Chẳng phải từ “đồng bào” vẫn dùng để chỉ người cả nước, bởi vì tổ tiên họ sinh ra từ trong cùng một bọc trứng đó sao. Sau này trong các diễn văn, nhiều khi những từ linh tinh được đặt trước từ “đồng bào”, nghe nó gờn gợn thế nào ấy.

Chùa và đền làng đều thanh tịnh, thâm nghiêm, linh thiêng nên bao thế kỷ qua dân làng sống an lành, giàu tình nghĩa lắm. Chùa xưa có Sư, đền xưa có Từ. Dân làng rảnh rỗi thường qua chùa giúp việc dọn dẹp, nhang khói, đóng oản, nên chùa và đền lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho. Các vị sư vào lúc rảnh rỗi cũng mở lớp dạy chữ cho đám con cái nhà nghèo không có tiền để vào trường học. Bao thế kỷ trôi qua, đã có nhiều sư cụ viên tịch ở chùa. Theo lệ, các cụ đều được chôn trong các bảo tháp xây trong vườn sau chùa.

Đến thời Cải Cách, rất nhiều chùa bị phá, nhưng đền và chùa làng không hiểu sao vẫn giữ lại được. Người thì bảo do chùa thiêng, người thì bảo chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh ra đời trong một buổi họp kín trong chùa này, chùa trở thành di tích lịch sử cách mạng, ai mà dám phá. Tóm lại, chùa và đền làng cứ theo nếp xưa thanh bình và trang nghiêm tồn tại. Dẫu có ba cái chuyện đấu tố ầm ĩ, người bị chết, người được giải oan, người này nghi ngờ người kia, người nọ bỏ quê mà đi vì không chịu đựng nổi.v.v. thì sư cụ và cụ thủ từ đền vẫn bình chân như vại.

Rồi đến thời kỳ Đổi Mới, kinh tế bỗng trở thành vấn đề then chốt, là mục tiêu tối thượng của nhiều người, thì tự nhiên những bậc tiền bối từ làng xã đến tỉnh theo nhau quy tiên. Sư cụ cũng theo cánh hạc mà vân du nơi Niết Bàn. Hội Phật giáo tỉnh cử về chùa một sư cô để lo việc chùa. Đó là một người đàn bà tuổi trạc ngoài bốn mươi, da dẻ nõn nà, nghe đâu có bằng tiến sỹ phật học. Việc đầu tiên khi về chùa là sư cô lập ba hòm công đức. Sau đó mời truyền hình về quay phim quảng bá sự linh thiêng và cảnh đẹp của chùa. Lại cho bọn con nhang đệ tử đến bán hàng và viết sớ ở sân chùa. Bọn này nói năng thô lỗ, bặm trợn ma mãnh, chẳng coi người làng ra gì. Chùa làng bỗng trở nên nổi tiếng, khách thập phương kéo đến nườm nượp. Làng đang thanh bình bỗng ầm ỹ cả lên. Người làng phải xích chó suốt ngày vì vô số chó bị chết chẹt dưới gầm ô tô. Mọi người than thở, nuôi chó để trông người, nay thời buổi lộn tùng phèo, người lại phải nhăm nhăm trông chó. Chẳng biết chó quý hay người quý nữa.

Còn sư cô, cứ đêm đêm lại đội tóc giả, mặc áo đẹp, phóng xe máy đi đâu chẳng biết. Có người mách rằng sư cô có bồ ở Hội phật giáo tỉnh, thành ra tối nào cũng phải đi. Chắc họ độc mồm độc miệng nói vậy thôi, chứ sư mô ai lại thế. Bỗng dưng một ngày nọ, sư cô phải nhập viện rồi chết bất đắc kỳ tử. Người thì bảo chắc do bệnh lạ, người khác lại bảo do mấy ông thầy thuốc phá thai không khéo, khiến sư cô nhiễm trùng mà chết. Tóm lại toàn lời đồn thổi thôi, vì Hội phật giáo tỉnh đứng ra lo việc hiếu, nên mọi chuyện kín như bưng.

Thế rồi bỗng nhiên nảy nòi ở đâu ra một lúc thấy hai sư ông đến chùa. Ông hôm trước, ông hôm sau. Nhà tăng vốn nhỏ, chỉ có một buồng, thành thử ông đến sau phải dựng một cái lều con ở cuối vườn chùa để trú thân. Hai ông đều nhất quyết mình là sư trụ trì hợp pháp của chùa này, không ai chịu nhường ai. Dân làng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Người ta bảo mỗi ông có thế lực “chống lưng” riêng, chuyện này bất phân thắng bại. Thế quyền thời nay thế nào thì thần quyền cũng y chang như vậy.

Vào một buổi chiều hè oi ả, ông Từ ở đền làm một mâm cơm chay với vài chai nước La Vie mời hai sư ông sang dự lễ trung thọ của ông. Ông bảo không có điều kiện khao làng, mời hai ông hàng xóm sang vui và mừng cho tôi. Chả biết lễ khao thọ thế nào mà đêm ấy hai ông sư về chùa đánh nhau một trận chí tử. Ông ở lều yếu thế hơn, bị ông ở nhà tăng châm cho mồi lửa, lều bốc cháy ngùn ngụt. Dân làng phải đánh trống cứu hỏa, mọi người đổ xô đến dập lửa, tiện tay trói nghiến hai sư đang nửa say nửa tỉnh lại, giải lên trình tỉnh vì tội gây rối trật tự công cộng. Sẵn đà ấy, hôm sau họ tống khứ nốt bọn bán hàng ra khỏi sân chùa, thay khóa cổng Tam Quan, giao cho ông Từ tạm thời trông coi cả đền và chùa.

Từ đó, sư nào được cử về chùa làng, cứ nhìn thấy thái độ của dân làng là sợ, không dám ở lại chùa. Từ đó, chó làng cũng không bị chết oan uổng nữa, người ra phận người chó ra phận chó. Cũng từ đó chùa trở lại cảnh thanh khiết và trang nghiêm như thuở nào. Còn ông Từ, thỉnh thoảng lại mủm mỉm cười, nói chuyện với mấy cụ bô lão rảnh rỗi ra giúp việc chùa rằng, cái bữa rượu thịt chó hôm khao thọ ấy có tác dụng thật! A di đà phật! A di đà phật! A di đà phật!