Cú sốc-Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình

Đợt nghỉ lễ dài ngày, mặc dù chả còn liên quan nhưng vì không có nhiều bạn và cũng chả có ai thân thiết, tri kỷ, tri âm… rủ đi chơi nên tôi chỉ biết loanh quanh ở nhà. Ngồi chán, xem ti vi mãi cũng nhàm, tin tức đưa đi, phát lại không có gì hay ho, đọc sách thì tốn nhiều thời gian nhưng lại không phải là sở thích cố hữu của mình! Lâu không gặp lão Trần Quê, ngồi một mình đoán non, già “ Có khi lão bị ốm”! Tôi cũng chả biết đi đâu cho hết ngày, chả lẽ cứ ngồi nhà chờ đến bữa! Những bước chân trên đường không hiểu sao lại cứ đi vào nhà riêng của lão, thấy nhà cửa vắng hoe vì ngày thường con, cháu đi làm, đi học hết. Tự đẩy cánh cổng gỗ để vào sân sau khi cất tiếng hỏi. Nhìn lão qua cánh cửa, thấy lão nằm dài trên chiếu ghế gỗ Gụ, lão nhổm dậy mời tôi vào nhà mà thấy lão mệt mỏi, mặt buồn rười rượi, thấy tôi lão lại thở dài. Lão buồn, bộ mặt cứ nặng nề như đi đưa đám ma, lão mời tôi sang bàn rồi tự tay pha chè, tráng chén, rồi cẩn thận rót mời tôi uống, nhìn kỹ lại bộ mặt của lão cứ nhăn nhúm, dài như cái bơm xe…Tôi chủ động: Dạo này lão bác có khỏe không? Có chuyện gì mà mặt buồn thê thảm thế? Thấy tôi hỏi, lão lại thở dài thườn thượt rồi thủng thẳng:

-       Thằng con trai duy nhất của tôi nó bỏ Nhà nước rồi ông ạ!

-       Ấy chết! Sao, thế nó vượt biên hay đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn theo người khác?

-       Không phải thế! Nó trốn đi nước ngoài là nhẽ khác, đằng này nó vẫn ở nhà và đang làm ăn yên lành ở một Tổng công ty Nhà nước. Là kỹ sư, cán bộ hẳn hoi, có lương, thưởng, chức vụ đoàn thể cũng có…Vậy mà hôm rồi trước kỳ nghỉ lễ, ngồi với tôi rồi nó nói:“ Đầu tháng tới con bỏ Nhà nước ra ngoài làm riêng bố à”!

-       Chết! Con nói thế là con tự động xin thôi việc hay bị kỷ luật buộc thôi việc?

-       Không phải vậy bố ơi! Con làm việc ở Tổng công ty này được lãnh đạo và anh chị em cán bộ, nhân viên quý lắm, nhưng làm cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước thu nhập thấp, mỗi tháng chỉ được khoảng trên dưới mười triệu đồng, không đủ chi phí cho cuộc sống và gia đình. Tổng giám đốc cứ muốn giữ con ở lại… sau chú ấy lại mở đường là: “Ra ngoài làm mà gặp khó thì quay lại, lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng mở cửa nhé”!

-       Tôi bảo nó: Con làm như vậy là làm kinh tế tư nhân, bỏ Nhà nước ra ngoài là làm mất hết danh dự và uy tín của gia đình ta rồi. Cả bố, mẹ, các em… đều là người Nhà nước, riêng con lại tư nhân là nghĩa lý làm sao?

-       Nó bảo: Con xin lỗi bố! Bố hơi bị lạc hậu, lỗi thời rồi. Giờ làm kinh tế trong doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân nếu làm đúng, chấp hành luật pháp, thuế má đầy đủ thì đều là người tốt và yêu nước cả bố ạ!

Tôi nói mãi, giải thích thế nào nó cũng kiên quyết không nghe và vẫn đi theo con đường tư nhân, cá thể… của nó chọn! Nó làm sao mà biết được để vào được Hợp tác xã, làm ăn tập thể ngày xưa của ông, cha nó khó khăn đến mức nào! Khi được đi học và ra trường vào làm việc ở cơ quan Nhà nước, lương tháng chỉ được hơn bốn mươi đồng, gạo được mua mười ba cân một tháng. Sau lương được tăng dần lên trong nhiều năm lên được bảy tư đồng tháng là thấy tự hào, tiền thuê người bế con nhỏ chỉ hết một nửa. Quanh năm bầu bạn với chiếc xe đạp cũ, đi công tác liên tỉnh  với vài cân tem gạo và mấy đồng bạc lẻ giắt lưng mà vẫn thấy đời vui phơi phới. Thậm chí đạp xe ngược gió, mửa mật thở chả hơi trên đường quốc lộ nóng bỏng nhựa đường mà miệng vẫn lẩm nhẩm hát cho thuộc tiết mục văn nghệ được phân công. Mình cứ thế mà làm việc, mà phấn đấu, rèn luyện không suy tính, so đo. Đến khi đủ tuổi và năm công tác, mình về nghỉ vẫn tự thấy lương tâm thanh thản, tự hào vì đã cống hiến hết sức mình… không có điều gì phải hổ thẹn với lương tâm. Ngày trước mình luôn được giáo dục là phải làm việc và phấn đấu để xây dựng tập thể, cơ quan, đơn vị vững mạnh góp phần công sức nhỏ bé để xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa giầu mạnh, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Đó là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu phấn đấu của cả đời mình không có lúc nào ngưng nghỉ…Thế mà đến nay khi đã về già thì có đứa con được nuôi nấng cho ăn học tử tế, đàng hoàng ở một trường Đại học trong nước nhưng cũng gọi là trường có danh tiếng. Mong muốn cho con học hành tiến bộ để làm cán bộ Nhà nước như cả bố và mẹ mà nó lại không theo ý định của mình, tự bỏ ra ngoài làm ăn cá thể!  Vậy nên tôi buồn, buồn ghê lắm ông à! Ông xem đấy, cả đời tôi với hai vợ chồng là cán bộ Nhà nước, khi đi làm phải cố gắng phấn đấu, hy sinh nhiều thứ kể cả việc muốn có thêm con cho vui nhà, vui cửa, cho họ mạc thêm “đông đàn, dài lũ” mà có dám đâu! Ngày ấy mà có thêm con thứ ba là nặng thì mất việc, nhẹ thì bị cảnh cáo. Mình thì không được đề bạt, lên lương, vợ thì mất dạy vì nghề nhà giáo. Khi hai vợ chồng đã phấn đấu để có được tý chức vụ nho nhỏ cũng làm hết sức mình để phục vụ tập thể, riêng tôi gắn bó với cái nghề mà người đời vẫn bảo là cái nghề gian khổ nhất trong các nghề là nghề “phu mỏ” và “phu lục lộ”. Vì yêu nghề nên cũng cố gắng động viên các con học và thi vào trường theo nghề của bố, mong sau nó tiếp tục gắn bó với nghề của cha để gia đình có truyền thống vài đời làm mỏ. Ai ngờ, khi con học xong chả xin được việc vào chỗ bố đã làm. May là có anh bạn nhận nó nhưng được vài năm, anh nghỉ hưu, giám đốc khác về thay, thanh lý hầu hết số cán bộ, nhân viên cũ để nó đưa nhóm “lợi ích” của nó vào thay thế. Con mình lại bị đẩy ra ngoài, mình lại phải muối mặt cầm bộ hồ sơ của con đi xin việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành. Đến đâu giám đốc đứng đầu cũng gãi tai kêu khó, thậm chí đến cả một doanh nghiệp làm nghề địa chất, thăm dò…mà lãnh đạo là bạn của mình nhiều năm họ cũng không nhận! Sau mới được anh em nó bảo “Chú không đưa tiền, và nếu đưa vì họ là người quen nên không dám nhận thì xin sao được mà có chỗ làm!” Lại phải “ngồi” chờ vận may! Không thể đừng được, cơ quan của mình nhận con mình vào một đơn vị khách sạn làm đủ việc mà lương tháng được đến một phảy tám triệu đồng Việt Nam (thời điểm 2015). Cũng chả yên thân, được khoảng gần một năm thì doanh nghiệp này bị xóa tên vì hậu quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Thấy mình vất vả, một ông bạn thân là Giám đốc ở ngoại thành nhận con mình sang làm việc, nhưng xa xôi quá. Nhưng cuộc đời mà ăn, ở tử tế thì trước sau cũng có người giúp, một anh bạn là Tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước đã nhận con mình đến làm việc. Nó cũng làm đủ việc như mình, cả kỹ thuật, kinh tế và nhiều lúc kiêm cả lái xe đưa Tổng giám đốc đi công tác và kết hợp ký kết văn bản, hợp đồng. Nó đi, về các địa phương trong nước và nước ngoài bằng tầu bay cứ như cơm bữa, không phải như mình lúc còn đương chức phải xét mãi mới được vào danh sách đi nước ngoài ở vùng ven biên giới (ba via) Trung Hoa như Vân Nam, Quảng Tây… mà cũng phải duyệt lên duyệt xuống và lại chỉ đi được bằng phương tiện an toàn là ô tô kết hợp với tầu hỏa!

Ông bảo: Nó làm cán bộ theo con đường của bố mẹ đã đi thì tốt và yên tâm, giờ mà có ai hỏi mình con nhà lão làm việc ở đâu thì chả lẽ lại bảo là “ cháu làm ngoài, kinh tế tư nhân à”!

Với những việc của nhà như thế nên ông xem không buồn sao được! Phải nói là tôi bị sốc, một cú sốc rất nặng trong giai đoạn cuối đời ông ạ!

Thấy lão kể chuyện riêng về con của lão, tôi cũng tự cảm thấy hơi bị chạnh lòng! Mình chả có học hành gì, có chăng cũng chỉ học ba lăng nhăng, chắp vá, thủ tục… thời thế là gặp may vì “nhóm lợi ích” đưa mình vào làm ở vị trí “nắm người” mà lão vẫn bảo tôi là cầm tinh sao “Thái Bạch”! Trước khi nghỉ hưu sau lão Trần Quê vài năm, mình còn kịp đưa con trai, em trai… vào các vị trí “chủ chốt, ngon ăn…”! Tuy vậy tưởng ổn nhưng vẫn còn mắc phải không ít điều tai tiếng, mà toàn những việc không hay, chả nói thì ai cũng biết, nên có xấu hổ hay không thì giờ đây cũng thấy có quan trọng gì! Thậm chí trong sâu thẳm của lương tâm cũng có đôi lúc cảm thấy ân hận vì lão cũng giúp đỡ mình nhiều khi mình còn chân ướt, chân ráo về đây nhận chức. Lão chỉ bảo từng li, từng tý, từng câu chữ mà với lão chưa hoặc ít bị sai sót khi soạn thảo công văn. Sai lầm lớn nhất là cùng “nhóm lợi ích” tìm những kẽ sơ hở của lão để hạ uy tín. Nhưng thói đời, càng muốn hạ thì lão lại càng nổi, cắt bớt việc của lão thì lão lại viết văn, làm thơ, chụp ảnh… để tham gia dự thi, giải thưởng truyện ngắn và thơ của lão được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải, bài báo Tết và phóng sự về gương người tốt, việc tốt được báo ngành và báo tỉnh mời đi nhận thưởng…muốn hại lão nhưng lão lại càng “sống” khỏe hơn! Nghĩ lại mới thấy người đời bảo nhau:“Chỉ có trời mới hại được, còn người muốn hại nhau thì khó lắm ru!” Tự biết mình có nhiều điều, lắm việc và cả cách cư xử rất không phải với lão, nhưng giờ ân hận đã quá muộn, chả sửa được lỗi gì!

Qua câu chuyện lão Trần Quê kể, tôi thấy cuộc đời này đúng là cả một “mê hồn trận” mỗi người một vẻ, chả nhà ai giống ai! Nhưng dù sao tôi vẫn thấy chuyện nhà của lão Trần còn hơn khối nhà, lão hơn tôi về nhiều mặt, bởi lão có những đứa con ngoan, biết làm ăn…chúng bỏ doanh nghiệp Nhà nước ra làm ngoài là nó giỏi, không phải ăn bám, dựa dẫm vào tập thể, cá nhân, không phải núp bóng của ai, không cần nịnh nọt, xun xoe, bợ đỡ… và cái chính là nó được tự do làm và quyết định những việc mà nó thích. Còn với lão Quê, giờ muốn đi đâu nếu không đi xe buýt công cộng thì có xe ô tô riêng của con đưa đón, không phải xin phép, sắp xếp, bố trí thời gian…Biết lão sướng, nhưng vì lão sống lâu trong giai đoạn bao cấp, hết mình vì tập thể, nhiều nghĩ suy của lão bị lạc hậu không kịp với thời kỳ mở cửa, đổi mới…tôi tự nhận mình không bao giờ được bằng lão trong tất cả lĩnh vực, nhưng không dám khuyên lão điều gì mà chỉ biết nghe và cũng để biết vậy thôi!

Kể lại chuyện riêng của lão Trần Quê! Tự biết mình cũng chỉ là một kẻ quê mùa, quá nửa đời sống trên rừng lại là người “dị ứng” với sách vở, ít học…nên tôi không dám lạm bàn. Việc hay, dở, đáng chê, hay cười cợt … của nhà lão Trần Quê tôi chỉ chép lại ra đây để bạn đọc là những người am hiểu thời thế, biết được cơ trời vần xoay…có thêm ý kiến giúp cho lão Trần Quê tìm được câu trả lời đúng đắn, giúp cho lão xóa bỏ được cú sốc cuối đời….!!!

Viết ở quê nhà

Một ngày hè xứ Đoài cực nóng

18-5-2019

Nguyễn Quang Tình