Hóa giải-Truyện ngắn của Trần Ngọc Ước
Ông Kha vốn rất ham săn bắn. Là cán bộ ở huyện, sau khi về hưu, ông sắm cho mình một khẩu súng hai nòng mẫu mã rất đẹp và có đăng ký quyền sử dụng hẳn hoi. Khổ nỗi mắt kém nên có hôm đi cả ngày chỉ bắn được mấy con chim chậm chạm và dễ gần như bìm bịp, gà rừng...
Chiều hôm ấy, khi nhá nhem tối, ông đã thấy mỏi gối khi vượt mấy cái đèo mà không gặp con mồi nào. Đang định trở về thì bất chợt nhìn thấy một chú chồn đang vươn cổ kêu chít chít, cách chỗ ông đừng chỉ khoảng năm, sáu mét gì đấy. Ông vội giương súng. "Pằng!" - súng nổ giật ê hết vai ông. Sau đó là sự im lặng không tưởng. Vội chạy đến chố con chồn đã chết, ông phát hiện chân nó mắc vào một cái bẫy không biết của ai đã không ghim chặt nên bị nó kéo lê đến đây. Chậc, dù sao cũng do chính mình bắn chết, chắc gì người cài bẫy đã tìm thấy! Nghĩ thế, ông tháo bẫy vứt vào bụi rậm, xách luôn con chồn chiến lợi phẩm về nhà. Vừa đi, ông vừa gọi điện thoại mời mấy ông bạn thân đến nhậu cho thêm phần long trọng và cũng để khoe khéo thành tích "bắn chết chồn mắc bẫy" của mình.
Được lời như cởi tấm lòng, hơn nữa cũng đã lâu không có dịp hàn huyên thơ phú, văn chương cũng buồn, những người được mời nhận lời ngay. Trước lúc khởi hành, ai cũng nhẩm lại mấy câu thơ mới làm cho thuộc để khi thể hiện mới có hồn. Ông Ben và ông Thiên còn thủ theo chai rượu bakich để góp vui.
Sau những ly rượu đầy tràn được nâng lên chạm vào nhau lanh canh đi liền với tiếng "zô..." chúc mừng "nhà thiện xạ", mọi người lặng yên nghe ông Kha cao giọng kể về chiến tích săn tìm chồn của mình:
- Các ông biết không! - Ông nhướng mắt nhìn vào mặt từng người ngồi quanh mâm - Khoảng nhá nhem tối, tôi nghe tiếng kêu "chít chít" từ xa. Bằng kinh nghiệm đi săn lâu năm, biết ngay đó là một chú chồn. Thận trọng, tôi nhẹ nhàng bò như hồi còn ở chiến trường bò sát hàng rào dây thép gai của địch. Nòng súng vẫn hướng về phía tiếng kêu. Cách khoảng mười lăm, hai mươi mét thì phải, tôi phát hiện ra chú em đang mải ăn gì đó. Vì mải ăn nên chú em không biết nòng súng của tôi đã nhắm vào người chú. Tôi ngắm kỹ, nín thở, bóp cò. "Pằng...!". He he he... Thế là chú ta ngoẻo!
Mọi người đồng loạt vỗ tay tán thưởng và tiếng "zô... zô..." lại dậy lên. Một vài người trong mâm định nói gì đó thì bị ông Kha cướp lời. Ông thao thao kể về những cuộc đi săn kỳ thú của ông trước đó. Sẵn có máu văn thơ, ông đọc một thôi một hồi những bài thơ mà ông đã "sáng tác". Đọc xong mỗi bài, ông lại hô "zô...". Những chiếc ly đầy rượu lại giơ lên giữa mâm kèm tiếng hô "zô...", tiếng vỗ tay đồm độp của những người quanh mâm. Cứ thế, ông huyên thuyên hết chuyện nọ sang chuyện kia, nhiều lúc lại vỗ ngực thùm thụp. Rồi ông chuyển sang bình thơ của mình. Sau mỗi lần phân tích thơ xong, không cần biết người nghe nghĩ gì, ông hỏi luôn: "Các ông thấy tuyệt không?". Lại tiếng vỗ tay và những tiếng "zô... zô", nhưng xem ra có vẻ nhỏ hơn và uể oải dần.
Mấy người ngồi quanh mâm tuy "tập trung chuyên môn cao" vào việc gắp, nhai, nâng ly, uống, vỗ tay và hô "zô, zô", nhưng trong lòng ai cũng ấm ức bởi không có dịp được thể hiện tài thơ phú của mình. Bực nhất là ông Ben. Trước khi đến đây, ông đã chui vào phòng toilet, đóng sập cửa lại, bật đèn điện, vừa tập huơ tay diễn tả lời thơ như thế nào, câu nào thì ngừng, câu nào đọc chậm, câu nào thì giọng phiêu phơi phới... vừa nhìn vào gương để tự sửa mình. Vậy mà vẫn không thể chen vào thể hiện cho thỏa chí (!)
Ông Thiên trong lòng ngán ngẩm, lấy cớ bận việc, xin phép về trước. Rồi ông Ben cũng xin rút về. Khoảng 9 giờ đêm chỉ còn lại hai người vì nể sự nhiệt tình mời mọc từ chiều của ông Kha nên nhẫn nại ngồi nghe, thỉnh thoảng lại che miệng ngáp dài. Khi mọi người về cả, ông Kha rít một điếu thuốc lào, từ từ nhả khói chữ o, chữ a với gương mặt mãn nguyện. Ông thầm nghĩ: Phen này mấy ông biết thế nào là tài, là trí của mình rồi nhé. Có phục sát đất vẫn chưa hết. Ông khục khục cười một mình rồi lục tục lên giường trong phấn chí.
Ông Ben về đến ngõ thì thằng Tông - con trai ông - cũng vừa đi học thêm về. Cậu nhanh miệng hỏi ông đi đâu về. Ông vừa đóng cổng vừa uể oải trả lời: "Bố vừa sang bác Kha uông rượu. Hồi chiều bác ấy bắn được con chồn".
* * *
Ông Kha vừa vươn vai bước ra khỏi cửa, trong người ê ẩm vì xương cốt tuổi già, lại thêm mệt mỏi từ cuộc đi săn chiều qua. Ông vặn người, làm mấy điệu thể dục học được từ thời còn công tác, chợt thấy Tông phăm phăm từ cổng chạy vào, tay cầm cái bẫy. Chột dạ, ông chưa kịp hỏi thì thằng Tông hỏi ông, giọng gay gắt:
- Hôm qua bác bắn được con chồn ở khu rừng nào ạ?
Cố làm ra vẻ bình tĩnh, ông dõng dạc trả lời:
- Bác bắn nó ở đèo Cả Thím, lúc xẩm tối. Có việc gì đấy cháu?
Thằng Tông tưng hửng:
- Hôm qua bẫy của cháu cài ở rừng keo cũng có một con chồn dính, nhưng... - Thằng Tông thở dài - Thật vô lý! Bẫy cháu làm rất tốt. Không hiểu tại sao nó dứt cả dây ghim bẫy, chạy một đoạn, rồi thoát ra được. Đây bác xem: Lông và máu của nó còn dính ở bẫy đây này!
Ông Kha trợn mắt:
- Thế cháu nghi bác ăn trộm con chồn của cháu à?
Thằng Tông ẫm ức nhưng không dám nói thêm gì. Ông Kha bồi thêm:
- Thôi mày về đi! Trẻ con đừng làm mất lòng người lớn nghe chưa! Tao già bằng ngần này tuổi đầu lại đi ăn trộm hay sao?
Thằng Tông bực bội lắm nhưng chẳng có cớ gì để đổ cho ông Kha lấy trộm con chồn, đành bỏ đi, không chào tạm biệt ông như mọi lần.
Về nhà, nó mang bực tức trong người nói hết với ông Ben. Rằng nó tiếc con chồn mà nó bẫy được, rằng rất có thể ông Kha đã gỡ mất...
Lúc đầu nghe con mình hằn học, ông Ben cũng sinh nghi và thấy bực mình. Ông hừ một tiếng, đi vào nhà, vớ cái điếu cày, vê vê điếu thuốc lào, chậm chạp tra vào nõ diếu. Bật lửa châm vào cái đóm dài, mải nghĩ đến nỗi lửa cháy gần hết ông mới đưa vào gần nõ điếu, kéo một hơi dài, từ từ nhà khói trong đăm chiêu. Ông nghĩ chả lẽ lão Kha lại xấu tính đến thế? Xưa nay lão sống hòa thuận, tử tế lắm cơ mà!
Thằng Tông cứ đi ra đi vào, phần tiếc con chồn bị mất, phần bực vì vẫn nghí ông Kha trộm của nó. Ông Ben giục:
- Thôi! Rửa mặt mũi, chân tay, vào ăn sáng còn kịp đi học!
Thằng Tông ngồi bệt xuống hiên nhà với vẻ mặt tức tối:
- Nhưng mà con...
Ông Ben vội mắng át đi:
- Mất thì thôi, không bắt được tay người ta mày định làm gì hả? - Rồi ông hạ giọng - Thôi con ạ! Việc "chuối chín cây, cầy mắc cạm" xưa nay không ai bắt tội ai đâu. Vả lại, nếu quả thực là chồn của con thì tối qua bố cũng đã được nhắm thịt rồi. Giả sử bác ấy có lấy thật thì rồi bác ấy cũng hối hận thôi. Con còn trẻ, đừng nông nổi làm mất sĩ diện người lớn, không cẩn thận mất đoàn kết xóm làng, rồi mang tiếng ra con ạ!
Thằng Tông vung vẩy đứng dậy, đi vào nhà tắm. Một lát sau, nó khoác cặp sách, nhảy phốc lên xe đạp, đạp như đuổi trộm.
Từ lúc thằng Tông bỏ đi không chào, ông Kha vừa bực, vừa buồn, vừa thấy lòng mình không thanh thản. Mình thật hồ đồ, đúng là "sai một ly đi một dặm", biết ăn nói thế nào với con trẻ để nó im lặng mà mình không mất mặt? Chả lẽ nói thật với nó là... Không được! Vừa mới tối qua mình khoe với mấy ông kia như đinh đóng cột là mình bắn được cơ mà. Hay là... sang bảo Tông: Vì mình cũng không để ý, trước khi bắn, thấy nó đi tập tễnh. Như thế có nghĩa là con chồn tự thoát khỏi bẫy trước khi mình bắn nó. Nghe thì có vẻ có lý, nhưng ông thấy trong lòng bề bộn lo lắng. Không còn cách nào hơn, ông lại tặc lưỡi: Đành phải nói thế cho xong chuyện... Ngày xưa, lúc còn công tác, kể cả khi mình sai lè ra mà vẫn "nói có kẻ nghe, đe có người sợ". Vậy mà bây giờ vì mỗi con chồn mà sao trong lòng cứ thảng thốt thế nhỉ! Một thoáng ớn lạnh phía xương xống, ông bất chợt rùng mình.
Câu chuyện rồi cũng theo thời gian lắng xuống, không ai nhắc lại nữa.
* * *
Chiều nay, ông Kha lại có hứng đi săn. Mặc bộ rằn ry còn mới, xỏ đôi giầy cao cổ đen bóng, ông khoác khẩu súng hai nòng, vai đeo túi đạn và bi đông nước. Trước khi ra khỏi nhà, theo thói quen thời còn công tác, ông soi gương cẩn thận, vừa huýt sáo vừa thấy thật mãn nguyện với bộ đồ đi săn của mình.
Trời chiều. Không khí oi nồng, vạt nắng xiên khoai càng gay gắt. Sau khi rình hụt mấy con gà rừng, ông đã ở lưng đèo gần rừng keo bữa nọ. Đang định quay về vì đôi chân đã mỏi nhừ và mồ hôi ướt sũng lưng áo, chợt nghe tiếng xột xoạt ở bụi rậm bên trái. Dương mục kỉnh nhìn kỹ, ông thấy rõ một con chồn đang mải ăn mồi. Ông vội giương súng. "Pằng!". Lần này không chệch được vì nó quá gần. Vội chạy tới nhặt chú chồn lên, ông khoái chí. Lần này thì mình không mang tiếng là "bắn chết con chồn mắc bẫy" nữa rồi! Khoác lại khẩu súng cẩn thận, một tay xách con chồn, mặc dù hơi mệt nhưng ông vẫn vừa đi vừa huýt sáo vang cả khu rừng. Chợt... "xoạch". Ông có cảm giác đau điếng bên chân phải. Theo phản xạ tự nhiên, ông ngồi thụp xuống, ôm lấy một bên chân. Thứ đầu tiên ông sờ thấy là một cái bẫy. Tức lộn ruột vì đau, ông thận trọng gỡ cái bẫy khỏi cổ chân. Giơ bẫy lên, ông toan ném đi thật xa cho bõ tức. Bất chợt trong đầu ông lóe lên hình ảnh mình ném cái bẫy của thằng Tông sau khi gỡ con chồn ra dạo trước. Rồi hình ảnh thằng Tông phăm phăm chạy vào nhà, giơ cao cái bẫy còn dính máu và lông chồn trước mặt ông với vẻ mặt tức tối.
Ngồi phịch xuống đám cỏ, mặt ông thừ ra. Phải đến hai ba phút sau ông mới định thần lại được. Lại giơ cái bẫy lên, suy nghĩ một lát, ông quyết định dương lại bẫy và vùi vào chỗ cũ cho thằng Tông. Khổ nỗi, kinh nghiệm cài bẫy ông không có, loay hoạy mãi vẫn không làm nổi. Ông bật cười, nụ cười như mếu. "Đúng là già rồi vẫn dốt hơn trẻ con - Ông khẽ thở dài - Thế mới biết không có ai giỏi giang hết thảy mọi thứ. Nhưng sao ngày xưa, khi còn công tác, mọi người vẫn khen ông giỏi lắm cơ mà!". Ông buột miệng:
- Mẹ kiếp! Toàn nịnh thối nhau thôi!
Vừa suy nghĩ tìm cách cài cái bẫy trở lại, ông Kha vừa hồi tưởng cái thời ông đang đương chức. Thời ấy, ông luôn được tặng hết bằng khen, giấy khen. Bây giờ vẫn chất đống trong hòm. Nghĩ thương mấy đữa nhân viên và cấp phó, cứ sai đâu là mình đổ hết lên đầu chúng. Thương nhất là cậu Tiên và cô Hòa. Chính mình quyết bằng mồm mấy việc. Việc đổ bể. Khi bị thanh kiểm tra thì hai người mắc tội bởi vì chúng thừa lệnh mình ký thay, còn mình thì thoát. May mà sau khi mình về nghỉ hưu, cậu Tiên được tin dùng cất nhắc thay mình, còn cô Hòa chuyển lên làm gì ở trên tỉnh không biết nữa.
Cái bẫy cứ trơ ra không chịu theo ý ông Kha. Trời nhá nhem tối, ông càng lo. Chợt lóe lên trong đầu ông một sáng kiến: "Hay là mình cầm cái bẫy về, giơ cổ chân cho thằng Tông xem, chứng minh cho nó thấy mình dẫm phải bẫy thật? Không được! - Ồng lại tự lý sự - Từ lần trước, nó vẫn còn nghi mình trộm con chồn của nó. Bây giờ mà mang cái bẫy không về, khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Bất giác, ông quay nhìn con chồn. Hay là... Chợt ông cười thật tươi, mở cái bẫy, đút cổ con chồn vào làm như nó mắc bẫy thật. Xốc lại khẩu súng, ông đi một mạch xuống núi. Không về nhà mình, ông đi thẳng đến nhà thằng Tông, oang oang gọi từ ngoài đầu ngõ:
- Bố con lão Ben đâu, ra mà lấy chiến lợi phẩm này!
Thằng Tông từ trong nhà chạy ra, nhìn thấy con chồn mắc trong cái bẫy thì há hốc mồm. Ông Kha cướp lời:
- Bác thấy nó mắc bẫy của cháu, mang về cho. Có gì mà cứ đứng trơ ra thế? Làm thịt đi! Tối bác sang nhắm với nhé!
Ông Ben nghe hai bác cháu ríu rít, chạy ra, mừng quýnh lên:
- Ha ha... Lại có đồ nhắm rồi! Cảm ơn bác! Tý nữa mời bác sang thưởng thức với bố con tôi nhé! Gọi là trả nợ bữa hôm nọ. Ha ha... Đoạn, ông Ben gắt yêu thằng Tòng - Con không mang vào làm thịt đi kẻo muộn rồi!
Thằng Tông vừa mừng vừa cảm thấy áy náy vì lần trước lỡ nghi oan ông Kha. Nó cảm ơn ông rối rít rồi vội xách con chồn vào bếp.
Khi con chồn được làm lông sạch, bất chợt thằng Tông phát hiện một lỗ thủng nhỏ ở gần nách của nó giống như có phát đạn xuyên vào.
- Bố ơi! - Thằng Tông gọi giật giọng. Ông Ben không hiểu chuyện gì, vội chạy xuống bếp. Thằng Tông đưa cho ông xem vết thủng ở gần nách con chồn. Nó lấy dao rạch theo vết thủng thì phát hiện một viên đạn gang xuyên vào tim của chồn.
- Bác ấy bắn nó rồi cài vào bẫy của con mang về đấy! - Ông Ben bảo.
Thằng Tông thảng thốt, không hiểu sao lại thế.
Ông Ben thừ ra một lát rồi cười phá lên:
- Con thấy chưa! Bác ấy đã trả lại con bằng chú chồn này đấy! - Thằng Tông vẫn ngớ ra không hiểu - Này nhé! - Ông Ben ghé vào tai nó nói thầm - Con chồn lần trước bác ấy chắc là không biết bẫy của con nên đã nhặt về, khoe là bắn được. Khi con mang cái bẫy dính máu về thì bác ấy lấp liếm đi, nhưng có lẽ trong tâm vẫn dằn vặt. Đến hôm nay có dịp trả lại món nợ đó cho con. Thế là bác ấy đã hối hận và nay có dịp để giải tỏa. Thôi nhé, con không được nói gì với ai về điều này. Người lớn cũng có cách giải quyết sai lầm riêng, khi nào lớn rồi con sẽ hiểu!
Thằng Tông đuỗn mặt ra một lát rồi cũng lơ mơ hiểu sự tình. Nó ngoan ngoãn vâng một tiếng rồi tiếp tục làm thịt chồn.
Bà Ben đi làm về muộn, thấy hai bố con hí húi băm băm chặt chặt, ông Ben khoe vừa bẫy được con chồn thì bà vui vẻ nhắc:
- Ông nhớ mời mấy ông đến nhậu mà trả bữa nhé! Đừng chỉ vác mồm đi ăn nhà người ta!
Ông Ben đốp lại:
- Bà không phải "cầm đèn chạy trước ô tô"!
Thằng Tông thấy bố mẹ "cự nhau một cách hòa bình", nó vui lây, liền lấy bát đĩa ra phụ giúp ông Ben bày các món ra mâm.
Mọi người đã tề tựu đông đủ, vẫn mấy ông bữa trước đã ăn ở nhà ông Kha. Ông Ben tuyên bố lý do sau vài lần hắng giọng:
- Chiều nay, nhờ có bác Kha đi săn thấy cái bẫy của thằng Tông nhà tôi dính con chồn, bác ấy mang về hộ. Bọn mình lại có cớ để gặp nhau hàn huyên. Nào! Xin mời các bác ta "zô"! Ly đầu "bắc cạn" nhé!
Tất cả cùng chạm ly, uống cạn. Sau những tiếng khà khoái chí là những lời khen xã giao. Bà Ben cũng nâng ly nhưng không uống. Bà ăn vội hai bát cơm, gắp mấy miếng thịt rồi xin phép đi họp phụ nữ thôn. Thằng Tông vừa ngồi ăn vừa tủm tỉm cười nghe các bậc bề trên khen tỉa nhau. Ăn xong, nó cũng xin phép đi học thêm với bạn.
Cuộc vui kéo dài tưởng chừng không dứt. Thôi thì chuyện trên trời dưới đất. Chuyện thế sự. Chuyện làm ăn. Rồi cả chuyện thơ văn nữa chứ! Duy chỉ có chuyện "viên đạn gang xuyên qua nách làm thủng tim con chồn mắc bẫy" thì ngoài bố con ông Ben ra, không có ai biết cả. Đến lúc bà Kha le te chạy sang kéo tai ông Kha về, mọi người trong mâm mới chịu giải tán.