Hòa và Tamara
HÒA VÀ TAMARA
Truyện ngắn của Đào Đức Trang
- Vào đi, nhanh nào!
Nàng kéo chàng vào phòng, đóng cửa rồi giúp chàng cởi vội chiếc áo bông đen to tướng dành cho thợ bốc xếp gỗ ngoài trời. Chàng hà từng đợt khói hơi, xoa hai tay vào nhau để xua nhanh cái giá buốt dưới 10 độ âm vừa phải chịu đựng ở xí nghiệp. Bốn mắt tình tứ nhìn nhau. Kéo chàng về phía mình, nàng áp đôi môi nóng ấm vào miệng chàng như muốn sẻ chia. Họ quấn lấy nhau cuồng nhiệt trong phòng, mặc cho ngoài kia tuyết lạnh chiều tà.
Họ đang ngoại tình: Người phụ nữ Nga là Tamara sinh ra ở Đanherechenxc này và người đàn ông Việt Nam là Trân tha hương gần hai năm trước, từ tháng 3/1988 cùng 299 công nhân ( dân miền cửa biển Hải Phòng ) sang đây lao động tại xí nghiệp gỗ LĐK vùng Viễn Đông. Chàng có vợ và hai con trai. Cảnh nhà kinh tế khốn khó buộc chàng phải đi xuất khấu lao động. Sau ba tháng vừa học tiếng vừa học nghề, chàng được phân công về bộ phận bốc xếp gỗ. Việc của chàng là móc buộc cáp vào những khối gỗ thành phẩm đã được đánh dấu đảm bảo chất lượng để người ta cẩu lên xe chuyên dụng chở đến nơi tiêu thụ. Nàng là nhân viên OTK ( kiểm tra chất lượng sản phẩm ) chuyên đánh dấu đạt hoặc chưa đạt tiêu chuẩn cho những khối gỗ. Họ cùng nơi làm việc. Ngay từ lần gặp đầu tiên: Đôi mắt xanh nước biển đã phải lòng cặp mắt đen lấp lánh. Nàng có khuôn mặt trắng hồng, mái tóc dày vàng óng thường được bện đuôi sam để trước ngực. Nàng cao chừng mét bảy, bằng Trân nhưng không to ngang như chàng: Ba vòng của nàng thật rõ ràng và đầy khêu gợi. Qua chuyện gẫu với nhau những phút nghỉ giữa ca, nàng cho chàng biết nàng đã li dị chồng ( và chồng nàng đang chung sống có hôn thú với một người đàn bà khác ). Nàng ở phố Rabotraia ( cách xí nghiệp hơn cây số ) cùng với mẹ và hai đứa con gái trong ngôi nhà gỗ, cạnh dòng sông nhỏ ngay trước cửa rừng. Con nàng tuổi học trò, chăm ngoan, biết thương bà, thương mẹ. Ngoài giờ học chúng giúp bà việc bếp núc và chuẩn bị thức ăn cho gia súc. Cư dân ở đây sống chậm suốt mùa đông : Sau bữa ăn, trong căn phòng có lò sưởi ( bằng củi ) ấm áp, phụ nữ ngồi đan len; trẻ học bài hoặc nô đùa; đàn ông ngồi nhâm nhi tách trà nóng. Trừ lể Noel và Ngày Đầu Tiên của Năm Mới có hội hè tập thể, còn suốt mùa đông thường là vừa rời xưởng, người ta đã vội qua cửa hàng mua bánh mỳ đen và chút đồ thực phẩm công nghiệp. Sau đó họ về thẳng nhà mình để nghỉ ngơi sinh hoạt với gia đình... Cuộc sống sôi động vào mùa hè: khi cả thành phố Đanherechenxc phủ một màu xanh mướt của cỏ cây là lúc mọi người được tiếp thêm sức mạnh để làm việc: Họ vào rừng nuôi ong lấy mật, đốn những cây ( mà chính quyền cho phép theo quy hoạch ) cưa thành từng đoạn chở về xếp làm củi quanh bờ rào. Họ ra sông thả lưới, câu, bẫy cá về làm sạch rồi chế biến, bảo quản. Họ thu hoạch dâu tây, dưa chuột, rau cải ...đầy nhà để tẩm ướp và đóng lọ. Mặc dù đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cho mùa đông giá lạnh, họ vẫn hưởng thụ nhiệt tình những cuộc vui ngày hè. Đặc biệt hai ngày nghỉ cuối tuần: gia đình hoặc bạn bè cùng nhau vào rừng, ra suối cắm trại rồi tắm sông phơi nắng tới khi hoàng hôn xuống. Ăn liên hoan xong, họ lại kéo nhau vào Nhà Văn Hóa xem phim hoặc tổ chức đốt lửa trại ca hát nhảy múa tận khuya. Ở xứ sở bạch dương này, mùa hè như chiều ý con người:có những đêm phải tới mười hoặc mười một giờ khuya ông mặt trời mới chịu đi ngủ. Người ta muốn quên đi nỗi vất vả mưu sinh cả tuần để được hưởng những giây phút hoan lạc của con người mà họ cho là hạnh phúc. Mùa hè đầu tiên trên đất Nga, vào một đêm lửa trại giao lưu công nhân Nga - Việt xí nghiệp LDK, Tamara và Trân đã bén duyên nhau bằng những lời ngọt ngào và cả những cái hôn cháy bỏng! Sau đó, Tamara được điều chuyển về làm vakh chô (trực ban ) gác cửa cầu thang số 4, chung cư 5 tầng mà xí nghiệp giành cho 300 công nhân Việt Nam, nơi tình nhân của nàng ở ngay tầng 2, phòng 51. Phòng này có 4 buồng, chàng may mắn ở buồng đơn, tuy hơi hẹp nhưng không phải ghép chung với ai. Trực gác cửa cầu thang là hai nhân viên luân phiên nhau ( người này làm một ngày đêm rồi người kia đến thay ca ) gồm Tamara và một phụ nữ nữa đã ngoài năm mươi là Olga. “Lửa gần rơm bén” - người đời nói chẳng sai: Trân giao hẳn chìa khóa buồng mình cho Tamara để nàng tự do ra vào, kể cả lúc chàng vắng nhà. Sáu người cùng phòng với Trân đều ở tuổi mười tám đôi mươi, chưa có vợ con, kém chàng chục tuổi nên đều gọi Trân là anh cả, và coi Tamara như chị dâu. Ca làm việc của nàng là ở khu vực cầu thang này: ngoài thời gian ghi chép những di biến động xảy ra và trực điện thoại cho cư dân nơi đây, nàng có quyền kiểm tra sự an toàn điện, phòng cháy nổ bất kì căn phòng nào. Tamara sống thân thiện nhưng nghiêm khắc. Nàng giúp và hướng dẫn các chàng trai cách lau phòng, cách sử dụng bếp điện, cách mở - đóng các vòi nước nóng khi tắm, cách mặc áo đội mũ đi giày sao cho ra đường không bị lạnh cóng... mà nụ cười lúc nào cũng thường trực trên đôi đôi tươi hồng. Nhưng với giọng nhẹ nhàng, qua phiên dịch nàng cương quyết những trường hợp khách Việt từ các thành phố khác đến đây thăm thân mà không có giấy tờ hợp lệ hoặc những người vi phạm nội quy vệ sinh, an toàn chung cư ... và báo về lãnh đạo xí nghiệp xử lí bất chấp ai xin xỏ hộ cho dù người đó có là Trân. Thời gian rảnh rỗi trong ca trực nàng thường giành hết cho tình nhân: Khi Trân không có nhà nàng dọn dẹp buồng hoặc giặt giũ quần áo cho chàng rồi quay lại phòng làm việc nấu một vài món ngon đợi chàng về cùng ăn. Những buổi tối chàng có nhà và nàng trực ở đây, hai người vừa uống trà vừa chuyện về gia đình, về con người đất nước dân tộc mình ( mà hai quyển từ điển Nga - Việt và Việt - Nga là hai phiên dịch viên đắc lực ). Vốn liếng tiếng Nga của Trân và tiếng Việt của Tamara ngày càng được bổ sung giúp họ hiểu nhau và thêm quấn quýt nhau hơn. Nàng thương chàng khi mà mỗi kì lĩnh lương ( khoảng trăm rưởi rúp, xấp xỉ giá 22 chiếc bàn là loại rẻ tiền nhất ), chỉ để cho mình năm mươi rúp ăn uống, sinh hoạt - còn lại mua đồ đóng hàng gửi về Việt Nam giúp đỡ vợ con. Mới sang đây được hai năm, chàng đã gửi 4 hộp quà ( loại 5 kg qua đường bưu điện ) và 1 thùng hàng ( loại 350 kg bằng đường biển ). Hàng chàng mua phần nhiều là ở cửa hiệu đồ hạ giá ( vì hết mốt hoặc tồn kho lâu ngày ) nhưng lại được ưa chuộng tại nước mình do khan hiếm: quần áo ấm, áo may ô, đồ dùng học tập và đồ chơi trẻ em, vật dụng bếp núc ( nồi áp suất, đồ nhôm và inox )... có cả 1 chiếc tủ lạnh, 1 xe máy ( phải nhờ chị ruộtTamara mua giúp ở tỉnh khác chứ nơi chàng sinh sống có đông người Việt nên khó đến lần chàng ). Càng thấy chàng chăm lo cho vợ con ở quê nhà, nàng thêm yêu quý chàng và gần gũi giúp đỡ chàng nhiều hơn. Nàng đến trực bao giờ cũng có cả đồ ăn thức uống giành cho chàng dùng vào hôm sau khi nàng nghỉ luân phiên. Trân nhớ và cảm động vô cùng một lần đang đêm chàng đau ruột thừa, quằn quại, Tamara và hai công nhân phải đưa chàng cấp cứu ở bệnh viện thành phố. Vì nhiệm vụ trực ban, nàng phải trở lại chung cư. Ngay sáng hôm sau, nàng không về nhà mà tới thẳng bệnh viện chăm sóc chàng. Người Việt sống trong chung cư coi nàng như chị dâu hiền thảo của chàng và cộng đồng. Cư dân Nga ở xí nghiệp khen nàng là người nhân ái, là chiếc cầu nối vững chãi của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Trân và phần lớn anh chị em lao động người Việt ở đây cũng vì lẽ đó mà chấp hành luật lệ địa phương; gắn bó, chăm chỉ lao động , nâng cao năng suất góp phần hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp LĐK.
***
Hòa là vợ chàng ở trong một khu tập thể phường Cầu Tre, nội thành Hải Phòng. Chị làm tại công ty thảm len, bận tối ngày. Nhưng được hai thằng con trai dễ bảo lại học giỏi: đứa lớn lớp 8, đứa bé còn học vỡ lòng ( hệ 10 năm ). Chúng chỉ phải nửa buổi ở trường, đi học về cả hai anh em đều tự nấu nướng rồi mang cơm đến xưởng cho mẹ... Hàng từ Nga về, phần lớn chị bán cho bạn bè cùng xưởng và hàng xóm được tiền gửi chút ít vào ngân hàng, còn lại mua vàng cất đi. Cuộc sống kham khổ quen rồi, đồng lương kiếm được nuôi sống 3 mẹ con, chị tạm thời không dùng đến tiền làm ra của chồng trong sinh hoạt hàng ngày mà giành vào những việc lớn sau này. Chuyện gẫu ở xưởng của mấy cô công nhân thường là về người có chồng đi lao động xuất khẩu. Mẹ con chị vất vả lại quá thiếu thốn tình cảm trong khi chồng ở Tây sướng đủ mọi điều. Chàng gửi nhiều hàng là do làm lắm tiền, bơ sữa trai gái thỏa thích, thừa ra mới đến lượt vợ con. Họ kể thêm những chuyện sự thật chỉ như con muỗi mà thêm thắt vào để thành con bò: Có người sang Tây rồi ở lại lấy vợ mới, bỏ mặc vợ con ở quê nhà - Đàn ông trăm người thì chín chín người như vậy. Những lời bàn ra tán vào ấy như mưa dầm thấm đất, chị dần dần suy sụp, suy nghĩ một chiều theo họ để rồi tự lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên và đi đến quyết định là mình phải sang tận Đanherechenxc để... giữ chồng!
Hòa lo lót thủ tục thật chóng vánh: Tháng 5/ 1990 xin nghỉ tự túc ở công ty, rút hết tiền tiết kiệm mua vé, chị theo đoàn du lịch đi tua Matxcova - Leningrat bằng máy bay. Trong đoàn, Hòa quen được một phụ nữ tên Bin mang theo cả hai con gái nhỏ cùng sang “giữ chồng” ở vùng Khabarop, miền Viễn Đông. Khi đến Leningrat, Hòa cùng ba mẹ con Bin bỏ đoàn. Họ được cô em gái con bà dì của Bin đón về tá túc vài ngày tại chung cư dành cho nữ công nhân người Việt xí nghiệp Bông - Vải- Sợi địa phương, đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần: Khách nam giới người Việt mình đông ( như chẩy hội ) vào chung cư thăm thân mà thực chất là lấy áo phông quần bò được sản xuất tại chỗ rồi gắn mác Mĩ, Nhật ..., hoặc son phấn Thái từ quê nhà mang sang để bán lại cho Tây lấy tiền mua đồ nhôm, đồ gia dụng, thậm chí cả vàng và đô la. Buổi tối, gường cá nhân thành giường đôi, từng cặp nam nữ âu yếm nhau như chốn không người. Bin, Hòa thấy cảnh này, ngán ngẩm lắc đầu khi bất chợt nghĩ về chồng mình. Được cô em dẫn thăm quan cảnh cung điện thành quách tượng đài của Leningrat mà họ chẳng còn tâm trí nào để ý tới vẻ đẹp cổ kính quyến rũ vào bậc nhất nhì thế giới này. Ngay thứ Hai đầu tuần sau, Bin nhờ em mình gọi điện tín báo trước để chồng biết thời gian ra đón; rồi họ bay thẳng tới Khabarop.( Hòa đã tiện thể nhờ luôn cô ấy báo thư điện tín cho cả Trân ở Danherechenxc ! )
Lúc vào ga sân bay Khabarop, họ nháo nhác nhìn khắp, không thấy chồng Bin ra đón. Lúc ấy có một người đàn ông đeo kính trắng, tay xách cặp da đen hướng mắt hồi lâu về phía họ khiến Hòa ngỡ là chồng Bin, nhưng không phải. Khi làm quen, họ mới biết ông là người Pháp gốc Việt, nghề nghiên cứu rừng đang có chuyến công tác tại địa phương. Ông ra mua vé về Leningrat. Khoảng bốn tiếng sau, Hòa đi xe lửa về Đanherechenxc , để lại ông người Pháp và mẹ con Bin. Họ tạm biệt và hẹn liên lạc với nhau...
***
Tamara dẫn Hòa lên phòng chồng.
-Anh Trân!
Trân quay lại, đờ người giây lát rồi ôm chặt vợ, tay đặt lên mái tóc chị vuốt nhẹ. Hòa khóc nấc, nghẹn lời. Mắt Tamara ngấn lệ, nàng xúc động cảnh đoàn tụ của người tha hương. Nàng vẫn giữ được nét mặt tươi, miệng cười mỉm để tạm biệt vợ chồng chàng. Tuy gắn bó cùng chàng hai năm qua với bao kỉ niệm tại căn phòng này, nay trả chàng lại cho Hòa, nàng thấy nhẹ lòng . Sự chân thành nàng dành cho chàng lâu nay vừa là của đôi nhân tình khác giới, vừa là của hai người bạn giàu lòng nhân ái cho dù khác dân tộc. Nàng muốn Trân, Hòa hạnh phúc bên nhau ngay trên quê hương mình là nước Nga yêu dấu. Khi nhận được điện tín, với danh nghĩa là người của ban quản lí chung cư xí nghiệp, chính nàng đã đón Hòa thay chàng từ nhà ga trung tâm thành phố về đây ( để Trân không phải xin phép nghỉ vì nơi chàng làm cũng neo người ).
Ở với chồng một thời gian, Hòa dần dần nhận ra nhiều điều. Cuộc sống mưu sinh của số đông người Việt mình cực nhọc mới có cái ăn cái mặc và có phần để dành cho ruột thịt nơi quê nhà. Sau giờ làm chính ở xí nghiệp họ tự do bươn trải thêm bằng nhiều cách: May quần áo cho người buôn hàng chợ, ra suối mò trai, câu cá về bán cho nhau, xin làm ngoài giờ ở xưởng, đi gom vỏ chai sữa, nước ga, bia đem ra cửa hàng đổi thực phẩm... Thậm chí chị thấy có cả người làm chân chuyên được sai vặt cho dăm ba người Việt có tiền như mua và bốc vác hàng thuê, nấu nướng và giặt rũ thuê... Thứ Bảy, Chủ Nhật là ngày hội của chung cư công nhân Việt Nam: Từng tốp dời nhà đi thành phố khác thăm thân thì thay vào đó là cả trăm khách đến đây thay đổi không khí và buôn bán hàng hóa. Cảnh này Hòa đã chứng kiến ở Leningrat nhưng giờ thì chị hiểu khác hẳn và cảm thông vì dẫu sao bên Trân còn có chị sẻ chia hàng ngày. Họ chỉ có hai buổi cuối tuần để bộc lộ những điều sâu kín với đồng hương cùng xuất khẩu lao động. Xí nghiệp LĐK có gần 800 công nhân gồm 300 người Việt, còn lại là người Nga với phần đông nữ giới. Những phụ nữ Nga mà Hòa gặp đều dễ thân thiện. Liên Xô đang khó khăn và họ phải trực tiếp gánh chịu trong đời sống nhưng chị vẫn thấy họ lạc quan. Khi nghe chị kể về phụ nữ Việt ở quê mình, họ cười vui tự hào rằng khắp nhân gian này phái đẹp luôn là một nửa của gia đình hạnh phúc. Hòa muốn có việc làm: vừa thêm tiền cùng chồng
lại đỡ lãng phí thời gian rảnh rỗi buồn nhớ con cái. Tamara và những người bạn Nga đã giúp chị hợp đồng với xí nghiệp làm lao công ngay chung cư này. Ngoài việc việc lau các cầu thang cả chung cư ( khi công nhân đã đi làm ), chị phải giữ được sự sạch sẽ sân trước, sân sau tòa nhà bằng cách gom rác (nếu có ) vào nơi quy định. Chị giống Tamara: dễ gần, làm luôn tay mà miệng vẫn thường trực nụ cười thân thiện. Thanh niên các phòng coi Hòa như chị cả. Các bạn Nga gọi chị là “cô lọ lem” người Việt. Công việc ngay tại nhà nên Hòa có điều kiện chăm lo cho chồng nhiều hơn trong việc bếp núc, giặt rũ. Ở đây chị không ghìm được những giọt lệ lăn trên gò má khi nhớ lại bài vần anh viết gửi về quê hương trong giá lạnh ( mà hồi ở Việt Nam chị thiếu mất sự thương cảm do những lời thị phi ):
Một màu trắng tận chân mây,
Làng quê, đường phố tuyết bay trắng trời.
Trắng người tuyết lạnh mình ơi,
Trong anh nóng ấm nụ cười em yêu!
Nhanh chân bước tiếp ca chiều,
Nhớ mình cực nhọc bấy nhiêu vơi dần!
Nếu không đến tận vùng Xibia, viễn đông nước Nga chị sẽ không hiểu hết được từng đồng tiền chồng mình làm ra gửi qua những kiện hàng về Việt Nam quý giá biết bao. Ba mẹ con Bin chưa kịp biết nơi ăn chốn ở của chồng con họ thi đã bỏ cuộc do những tự ái vô căn. Qua thư từ với cô em họ của Bin, hòa được biết: Ở sân bay Khabarop đợi không thấy chồng, Bin cùng hai con gái quay lại Leningrat với ông người Pháp gốc Việt ( mà không đến ở chỗ cô em nữa ). Rồi họ làm hôn thú, về Pháp sống cùng nhau mặc cho chồng Bin viết thư nhờ cô em giải thích đến cạn lời. Thật may, sự giận dỗi thái quá... không xảy ra với Hòa nên chị đang được ở bên chồng, được giúp đỡ bởi những người bạn tốt.
Đang là mùa hè, Đanherechenxc xanh ngát dưới ánh nắng chan hòa. Trân , Hòa ngày nghỉ cuối tuần thường nhập bọn với nhóm quản lí chung cư đến nhà thăm nhau, ăn uống hội hè. Hòa thích nhất ngôi nhà Tamara bên dòng suối ở cửa rừng. Mẹ và hai con gái nàng ở trên khu đất rộng, có vườn rau, có cây ăn quả như táo ,mận. Vườn các hộ dân ở phố này đều giống nhau là giành phần đất làm nhà vệ sinh và chuồng nuôi lợn, gà, ngan. Sau khi người chồng của Tamara bỏ đi thành phố khác kết hôn, mẹ nàng thương con cháu nên về ở hẳn đây. Tiệc vui của nhóm gồm toàn những thứ gia đình tự làm ra: dưa chuột (nhà trồng ) muối chua, cá ( đánh bắt ngoài sông ) sốt cà, gà ( nhà nuôi ) rán ... rượu ủ men lâu năm. Khách đến góp thêm kẹo bánh, trà, bơ ... mua từ cửa hàng thực phẩm công nghiệp.
Đường về chung cư có đoạn qua một hồ nước tự nhiên, cảnh vật thơ mộng. Trân , Hòa khi thì chơi trò đuổi bắt, lúc lại tay trong tay cười đùa vui vẻ ven bờ. Tựa lưng vào một gốc bạch dương, Trân ôm vợ trong vòng tay, hai người hướng mắt phía mặt hồ, cùng sáng tác bài vần về Vùng Viễn Đông xa xôi này mà họ sẽ không thể quên suốt cuộc đời:
Non xanh nước biếc quanh quanh,
Cỏ cây trong nắng long lanh đáy hồ.
Gần bờ hoa súng lô nhô,
Chuồn bay bướm lượn nhởn nhơ tìm mồi.
Cảnh này sao giống quê tôi,
Còn bao lâu nữa thấy trời Việt Nam!
Lởi kết: Đó là chuyện dĩ vãng một thời. Năm 2019 này, Hòa và Trân dần sang U-70. Họ đã là ông bà nội, tóc bạc da mồi. Ôn lại chuyện xuất khẩu lao động, họ thấy mình hạnh phúc vì có cơ duyên gặp được những người phụ nữ đôn hậu trên xứ sở bạch dương yêu dấu. Không phải ai cũng may mắn như vậy: Họ luôn tiếc cho Bin, cô bạn đường của Hòa đã bỏ cuộc trong chuyến đi “giữ chồng” năm ấy!...
30/3/2019