Tro nắng -Truyện ngắn của Phan Thái (Thái Nguyên)

Tin thằng Cối ngày mốt về thăm quê lan nhanh như điện. Lạ hơn nữa là Cối đi cùng đoàn kiều bào về nước tham dự chương trình “Xuân quê hương.” Ở cái chợ giữa làng này, chả ai giấu nhau được gì, nhiều khi trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Tuy nhiên đây không còn là lời đồn. Ai đó lên xã đúng lúc ủy ban nhận được tin, đích thị là thằng Cối con ông bà Nghệ làng Tuyền Lâm, nhưng tên mới của nó bây giờ là Hen ry Côi. Mua vội mấy món đồ, bà Hợi cắp thúng tong tả về nhà. Đôi gấu quần nái đen của bà như khoắng vạt nắng lên dưới bước chân xăm xắm.

Minh họa của Đào Tuấn

Thằng Cối được chọn gửi đi đào tạo tại Liên Xô, tốt nghệp đại học, nó ở lại làm nghiên cứu sinh. Chả rõ lý do gì nó bỏ cơ quan nghiên cứu biến đi đâu đó. Đến cả mẹ nó trước khi nhắm mắt cũng không rõ con mình ở phương trời nào, còn sống hay đã chết. Những tưởng vĩnh viễn biệt tăm biệt tích, vậy mà đột nhiên… Thôi thì cũng mừng cho ông bà ấy;  ông Nghệ bỏ thân vì dân vì nước, vợ tảo tần lam lũ, được mụn con thì nửa đời cắm mặt không dám nhìn dân làng vì con, giờ nó về thắp hương trả nghĩa đấng sinh thành, âu cũng còn cái phúc …

Với bà Hợi, sự trở về đường đột của thằng Cối thổi bùng lên cái bí mật tày đình tưởng đã chìm vào quên lãng. Trong những ngày bà Nghệ ốm liệt giường, cùng bà con hàng xóm chăm sóc thuốc thang và bà là người duy nhất được bà Nghệ trút bầu tâm sự trăng trối. Cái bí mật ấy chính là thằng Cối không phải là con ruột của ông Nghệ, mà là hậu quả của việc bà bị một anh cán cưỡng bức trong trong chuyến công tác ngắn ngày ở làng Hạ.

Khi biết mình có thai, quẫn trí bà lao mình xuống sông tự vẫn, ông Nghệ đã cứu bà khỏi bàn tay thần chết. Khi hiểu rõ sự tình, cảm thông với nỗi đau của cô thôn nữ xinh đẹp, đám cưới của hai người được tổ chức ngay sau đó, vừa lúc ông có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Còn cái tên, lúc mẹ Cối còn sống, người làng nghe bà kể: “Tối đó, đang cố giã cho hết yến thóc nếp thì đau bụng rồi đẻ luôn bên cối giã gạo, khi làm giấy khai sinh, bà nội bảo thôi cứ gọi nó là Cối, Vũ Văn Cối cho dễ nuôi”. Trong làng không ai biết việc thằng Cối là con hoang. Có người còn nói, thằng Cối không biết giữ gìn thanh danh của gia đình, bố nó hy sinh xương máu cho Tổ quốc, nó thì đánh bài chuồn như một thằng lính đào ngũ.

Về đến cửa, thấy ông Hợi ngồi tư lự chân co chân duỗi ôm chiếc điếu cày, mọi xăng xái biến đâu hết, cấn cá một hồi bà mới đánh bạo khẽ khàng:
– Ông ạ! Tôi nghe nói thằng Cối con bà Nghệ ở nước ngoài về. Hình như chính quyền sáng nay nhận được thông tin thế nào đó. Chẳng biết nó làm nên cơm cháo gì mà được giới thiệu là Việt kiều yêu nước ông ạ!…

Ông Hợi dộng chiếc điếu cày xuống nền gạch, cau mặt:

– Yêu nước cái con khỉ. Không gọi là thằng bán nước cầu vinh đã phúc bảy mươi đời nhà nó chứ yêu nước cái nỗi gì?

– Tôi nghe thì biết vậy. Chứ việc yêu ghét của người ta, ai biết đầu cua tai nheo thế nào! Còn chuyện thằng Cối không phải con ông Nghệ thì sao ông?
– Tốt nhất bà cũng cứ biết vậy. Nói ra rồi chín người mười ý chả hay ho gì đâu. Thiên hạ họ lại bảo mình đưa chuyện bôi nhọ gia đình liệt sỹ, rách việc… Đâu sẽ có đó! Mỗi cây mỗi hoa…

Bà Hợi ngẩn người ngồi im cho phải phép và để ông xả ra cho hả giận. Khi bà Nghệ mất, mọi lời trăng trối, bà Hợi cũng nói với ông để có cách ứng xử. Mảnh vườn và mấy sào ruộng bà Nghệ làm di chúc nhờ họ tộc quản lý, ông Hợi cũng đã phân người trồng cấy thu hoạch, một phần giỗ chạp hương khói cho ông bà Nghệ, phần còn lại phát tâm dành giỗ họ.

Gần như cả cuộc đời, ông Hợi là người lính. Ngày mới ở bộ đội trở về chân ướt chân ráo, là trưởng họ Vũ trong làng, ông Hợi được bà con bầu giữ chức trưởng thôn. Việc làng xóm phần nhiều lặt vặt như con mọn, ông bao giờ cũng đem cái lý cái tình giải quyết chu tất, bởi người trong làng với nhau, chết còn đến đưa ma nữa là…, nỡ cạn tầu ráo máng thế nào được. Tuy nhiên ban sáng được ủy ban xã mời lên bàn về việc đón Việt kiều yêu nước về thăm quê, tưởng ai hóa ra thằng Cối, ông Hợi đã phản ứng gay gắt về cái từ “yêu nước”. Nó định cư ở nước ngoài thì cứ gọi là Việt kiều là được, bao nhiêu người cả đời cầm súng đánh giặc, vào sống ra chết có đòi hỏi cái danh gì đâu. Bỏ quê hương bản quán lang bạt xứ người thì yêu nước nỗi gì?

Chả rõ tại ấm nước chè đặc sánh, hay tại do cả nghĩ mà suốt đêm ông Hợi thức trắng, hết nằm lại ngồi. Chuyện riêng của gia đình thằng Cối đã đi một nhẽ. Nhưng cái cách mấy ông xã gọi nó thì ông không thể chấp nhận. Ai biết thực chất cái tâm của con người ta thế nào. Khối kẻ mồm miệng thơn thớt, nhưng rồi cũng lòi ra cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa. Mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh riêng, chiến tranh tao loạn, biết bao gia đình ly tán. Thời giặc giã, khốn khó đâu dễ để ai cũng triệu người như một…! Dẫu nó có vì tình, tiền mà trót dại đâu phải không thể tha thứ? Trẻ người non dạ giữa đất khách quê người, tránh sao được bị lung lạc lầm lỡ, miễn không làm gì vi phạm pháp luật nước người ta là được. Đài báo chả đưa tin khối vị quan chức bằng cấp đủ cả, còn tham ô tham nhũng phải ra hầu tòa đó sao? Ngay đồng đội ông có người từng ngang dọc chiến trường, vào trận coi cái chết nhẹ như lông hồng, vậy mà chuyển ngành ra làm sếp doanh nghiệp vẫn bị đồng tiền cám dỗ, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật… Quê nào nỡ chối bỏ những người xa xứ tìm về với tổ tiên mà cứ phải rùm beng này nọ. Sống ở trong nước hay ở nước ngoài cũng là dòng giống người Việt mình cả. Nhà nước còn tổ chức đón tiếp bà con người Việt ở hải ngoại về thăm quê hương, trong đó có cả những người một thời thuộc lực lượng đối địch, huống hồ….
Nhiều năm qua ông luôn canh cánh trường hợp bặt vô âm tín của thằng Cối. Ông không lo thanh danh dòng họ vì thằng Cối mà ảnh hưởng. Một hạt bụi làm sao che được nắng. Cối trở về, cái chính là dòng dõi nhà nó không bị lưu lạc nơi đất khách. Lá rụng về cội há chẳng phải cái lẽ ở đời đó sao? Mặt khác, họ tộc có cơ hội trao cho nó mảnh đất hương hỏa. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Có xa mặt cách lòng thì ông và mẹ nó cũng là anh em thúc bá. Dẫu vậy, ngần này tuổi, ông mới chỉ gặp thằng Cối đúng một lần. Ngày Cối còn bé thì ông ở trong quân ngũ. Đận ấy bị thương được ra Bắc an dưỡng và ghé thăm nhà, đúng dịp Cối được chọn cử đi học nước ngoài. Đêm trước hôm Cối lên đường, hai chú cháu thức nói chuyện với nhau thật muộn. Ông còn nhớ cả những điều mình nhắc nhở Cối. Dường như Cối chỉ im lặng nghe và nhìn ra phía xa như có gì phải suy nghĩ mông lung lắm. Hồi lâu Cối nắm chặt tay ông nói như van lơn: “Mẹ cháu đã già yếu lại hay đau ốm luôn, trăm sự cháu nhờ cậy chú thím. Kỳ này đi chưa biết khi nào cháu mới về. Cháu phải làm được một cái gì đó để mẹ cháu bớt khổ…”. Ít lâu sau, ông nghe thằng đi học cùng về nước bắn tin Cối đã vượt biên. Chẳng biết cơ sự thế nào, chỉ nghe vậy ông đã đùng đùng nổi giận. Nhiều năm nay, khi cơn giận dữ nguôi ngoai và ông không còn bận tâm đến Cối nữa thì đùng một cái nó lại trở về… Thôi thì dẫu cho vật đổi sao rời, thằng Cối làm nên công trạng hay tội đồ, nó cũng là con cháu của dòng họ. Con người ta không ai có thể tránh được những vấp ngã, hoặc lường hết thảy mọi sai lầm. Điều quan trọng là biết nhìn ra lẽ phải, hoàn thiện mình và không quên nguồn cội. Hạt gạo, củ khoai quê nhà có còm cõi, lấm bùn đất, nhưng không có nó không ai lớn được… Gạt đi nỗi bực dọc với mấy ông trên xã, ông Hợi cắt đặt con cháu dọn dẹp nhà cửa, chạy chợ mua sắm thắp hương lễ gia tiên. Gần trưa bà Hợi quẩy gánh bèo đặt bên chái bếp, thấy chồng đang lau chùi chiếc lư đồng là đồ thờ tự của dòng họ, bà đến bên khẽ khọt:

– Ông ạ! Cái trường tiểu học và ngôi chùa làng mình, người hảo tâm nào đó giấu tên tài trợ, giờ mới vỡ nhẽ có khi là của thằng Cối.

Ông Hợi ngừng lau vắt khăn lên vai, nhíu mày:

– Bà đừng có cầm đèn chạy trước ô tô. Người ta đã giấu tên thì việc gì phải đoán già đoán non.

– Đi làm đồng, thấy người ta kháo nhau như thế, chứ tôi đàn bà con gái, ông chả bảo không biết dựa cột mà nghe còn gì!…

Xếp chiếc lư lên ban thờ, ông thong thả ra giếng rửa mặt. Chuyện nhà tài trợ giúp xây trường học và tu bổ chùa làng nhưng phải giấu tên, chắc cũng có nguyên cớ. Của ai đó hay thằng Cối cũng chả có gì to tát. Chưa rõ đích xác thế nào mà phán như đinh đóng cột có khi thất lễ. Có lòng hảo tâm dù ít dù nhiều thì bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng. Cái tâm của ai cũng đều quý cả. Người ta không muốn nêu tên thì mình cũng biết vậy và ghi ơn cho nó nhẹ nhõm dễ sống… Như thấy mình có phần không phải với vợ, ông phần trần:
– Tôi không có ý trách bà! Thằng Cối có tay trắng hay là người thế nào nó cũng là con cháu nhà mình. Còn nhớ gốc gác thì quê là nơi nó đi về. Thiên hạ chín người mười ý, cũng có kẻ khi vui thì vỗ tay vào, tiền hậu bất nhất…
Bà Hợi cầm rổ ấm chén rửa hồi sáng lẳng lặng bày ra bàn. Kể ra thì cái ông nhà này nghĩ thế cũng phải. Chuyện thằng Cối sắp trở về làng sau nhiều năm biệt tích và có tên mới là Hen ry Côi thật chẳng biết đâu mà lần. Người ta bàn ra tán vào khắp đầu làng cuối xóm, đủ mọi tình tiết được đồn đoán thêu dệt với các sắc thái bi có, hài có, cùng những suy diễn giống hệt các nhà văn viết truyện trinh thám. Người này bảo, Cối làm ăn buôn bán thất bát không có tiền về nước, gần đây mới khá lên nhờ trúng mánh xả hàng của mấy công ty phá sản thời khủng hoảng. Người nọ đoán, Cối buôn lậu ma túy gì đó rồi theo chân các phần tử maphia rong ruổi khắp các châu lục. Người kia thì thào ra vẻ bí mật đồ rằng Cối thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu chống phá cách mạng trong nước của một số người Việt bất đồng chính kiến ở hải ngoại. Cái tên Hen ry Côi chẳng qua cũng chính là hợp thức hóa vỏ bọc để Cối hoạt động. Với lại tiếng Anh viết không dấu, Côi giời côi bể gì nó cũng thành Cối… Ai cũng hào hứng với những chuyện về Cối, nhưng chẳng ai biết thực hư thế nào.

*
Năm hết tết đến cận kề, trong làng tiếng giết mổ lợn thi thoảng lại bật lên eng éc. Ngoài cánh đồng, bên ngôi mộ bà Nghệ, một người đàn ông râu tóc trắng như cước thành kính quỳ lạy. Trong ánh nắng vàng sánh nhòa dần trước làn khói nhang, người đàn ông bất động lặng phắc như được tạc bằng đá. Vài hôm nay, dân làng Hạ thấy người đàn ông này đến thắp hương cho bà Nghệ. Nghĩa trang đã có từ nhiều đời nay, con cháu trong làng đi làm ăn xa, ngày lễ tết hoặc mỗi lần về thăm quê đều ra thắp hương cho người thân, nên người này người kia đến từ đâu ít ai để ý. Sau khi tàn một tuần nhang, ông lại thắp cho bà Nghệ tuần nhang mới. Nấn ná hồi lâu, ông lại lặng lẽ phủ phục vái lạy rồi đứng dậy hỏi đường về nhà ông Hợi…

Xuân đang về mang tới làn nắng và cơn gió ấm áp. Góc sân nhà ông Hợi, cây đào phai nảy lộc biếc nõn, chúm chím những cánh hoa. Phía xa, trên nền trời xanh ngằn ngặt, rập rờn những cánh én chao liệng.

Ngồi bên người đàn ông lạ, những ký ức sầm sập kéo đến làm ông Hợi bối rối, ông rút que đóm châm lửa vào nõ điếu rít một hơi dài, trầm ngâm lặng ngắm buồng cau già cạnh chái bếp quả trên cuống vàng óng.
Ngày mai Cối mới về, nhưng khoảng sân nhà ông Hợi chợt như quá hẹp khi bà con trong làng kéo đến giúp vợ chồng ông dựng rạp, kê bàn ghế đón khách. Rót thêm trà vào chén người đàn ông lạ, ông Hợi ngập ngừng:
– Vậy bố con ông về quê ăn Tết có được lâu không?

– Tôi đã làm thủ tục về hẳn. Vợ chồng cháu cũng đã có kế hoạch về nước, nhưng phải sang bên đó hoàn thiện dự án với đối tác…! Cả đời, tôi muốn sống thanh thản mà không được vì lầm lỗi. Giờ như nắng sắp tắt rồi, chỉ biết giữ cho tâm trong để mai này về bên kia được làm bạn với ông bà ấy…! – Chỉ nói được như vậy người đàn ông đã ngân ngấn nước mắt. Đời người thoảng qua như mây khói. Khi sắp cận kề cái chết, ông mới nhận ra ý nghĩa của đời người.

Hai người đàn ông đều im lặng cuốn theo những suy nghĩ của mình. Hồi lâu, ông Hợi đột ngột hỏi:

– Vậy, bao năm qua ông làm gì ở bên ấy? Tại sao bố con ông lại tìm được nhau? Mà sao ông biết được nó là con trai ông, ngày ông đi nó còn chưa hình thành? Cả cái thằng Cối nữa, bao năm nay nó đi đâu biệt tích để mẹ nó phải khổ sở trước miệng lưỡi thế gian…?

Ông Hợi chợt ngừng lời trước ánh mắt khó tả của bố thằng Cối. Nó làm ông dịu lại. Nhấc chén trà đặt vào tay ông khách, ông Hợi xuống giọng: Mời ông xơi nước đi! Rồi nghĩ nhanh trong đầu: Người ta cũng già rồi, để mai thằng Cối về, ông sẽ tìm câu trả lời.

Trời đã về chiều, hoàng hôn rắc vào làn khói bếp muôn cánh tơ óng ánh vàng như tro của nắng rồi hư ảo bay lên. Dẫu đã muộn nắng vẫn đang cháy…!

Nguồn: TÁC PHẨM MỚI, Xuân Kỷ Hợi, 2019