Tiếng còi hú-tản văn của Vũ Thị Minh Huyền

Đêm 30 Tết, đường phố Hà Nội vắng lặng, thưa thớt những ánh mắt vội vã ném vào nhau như đong đếm những nỗi cơ cực của một năm cũ đã qua. Những người đi làm ăn xa quê hương, những bạn sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội học đều đã về quê sum họp với gia đình sau một năm xa nhà. Chỉ còn mình ngồi cùng chiếc bàn ngặt một màu trắng thoang thoảng mùi thuốc sát trùng chả bao giờ dứt. Mệt mỏi chống cằm suy nghĩ về một năm đã qua xem mình đã làm được gì mà vèo một cái đã đến tết.

HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu.... từng tiếng còi hú không dứt xé toang màn đêm ảo ảnh ngày một gần bên tai, lại một ca cấp cứu cận kề chuẩn bị đón bệnh nhân các bạn ơi. Chỉ kịp nói một câu dặn dò các bạn đồng nghiệp rồi lại phải vội lao ra cổng đón xe cấp cứu đang đến.... Nghề của Tôi là vậy đấy!

Là một bác sĩ trẻ, tâm huyết với nghề, đã công tác tại bệnh viện hơn chục năm, Tôi được lãnh đạo phân công trực tết năm nay. Dịp Tết là dịp nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Nhưng với những người thầy thuốc thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Đến bệnh viện vào khoảng 7h30 sáng, không khí khác hẳn thường ngày. Bãi giữ xe mọi khi chật kín, nay thưa thớt một vài chiếc; các phòng bệnh đông đúc nay cũng vắng bệnh nhân. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng vẫn phải ăn Tết ở bệnh viện cùng với người thân của mình.

Trái ngược với phố xá đông đúc, ồn ào náo nhiệt, người dân đi sắm Tết trong niềm vui chào đón năm mới thì ở nơi đây chỉ có những tiếng thở dài, những giọt nước mắt lặng lẽ của người cha khi con mang bạo bệnh, nỗi buồn xót thương nhớ con của người mẹ sau khi đứa con bệnh trọng phải vĩnh viễn ra đi. Những hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng không ai muốn đón Tết ở nơi này khi đang phải giành giật giữa sự sống và cái chết, giữa tiếng nói cười khi người thân qua cơn bạo bệnh và cả những niềm đau khi người thân vẫn đang bất tỉnh hay qua đời.

Tết năm nay trời lạnh, cảm giác lạnh tăng thêm bởi những cơn mưa phùn và gió. Tôi đi thăm bệnh nhân ở các phòng. Tất cả các bệnh nhân được tập trung lại một phòng, cùng nhau chuẩn bị đón Tết Hà Nội. Hôm nay, ngoài suất ăn bình thường của người bệnh, bệnh viện còn tặng thêm mỗi bệnh nhân một chiếc bánh chưng ăn Tết. Không khí Tết ấm cúng hơn, làm ấm lòng những người bệnh xa nhà.

Với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Tết luôn phải túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Tôi biết, khi chọn nghề này là phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân. Ngày lễ, ngày Tết là không được nghỉ phép. Tất cả các bác sĩ thậm chí là phải đi tăng cường trực đêm để phục vụ nhu cầu bệnh nhân. Tôi chấp nhận nhưng những giờ phút đấy thì vẫn cảm thấy rất xúc động.

Những ngày Tết, y bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu càng phải hoạt động hết công suất. Áp lực hơn không chỉ vì lượng bệnh nhân thường gia tăng hơn, mà còn bởi-  trong ngày Tết, việc cứu chữa kịp thời cho một bệnh nhân luôn mang giá trị, ý nghĩa gấp nhiều lần.

Đêm 30 tết năm nay, trường hợp được đưa vào cấp cứu là một quân nhân bị tai nạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bệnh nhân bị đa chấn thương, ngay lập tức được đưa vào phòng phẫu thuật, chỉ cách giao thừa một giờ đồng hồ. Tôi đã làm phẫu thuật cho đến khi đồng hồ nhích sang 3 giờ sáng ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, nhưng vẫn không thể giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bước ra khỏi phòng phẫu thuật, Tôi chợt nhìn thấy một thiếu phụ có lẽ là vợ của bệnh nhân vừa được phẫu thuật suốt đêm qua. Chị mặc chiếc áo bà ba bạc thếch, khuôn mặt khắc khổ, chẳng thể nào đoán được tuổi. Mái tóc rối bời, xơ xác một cách thảm hại, càng làm cho con người gầy gò của chị thêm tiều tụy. Tôi bần thần chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay mình vẫn được hưởng một cuộc sống quá bình yên ở thành phố. Trong lòng Tôi bỗng dậy lên một nỗi ngẩn ngơ chua xót, pha lẫn một chút xấu hổ và tự hỏi có phải người chồng của người đàn bà khắc khổ này cùng nhiều quân nhân khác đã ngày đêm hy sinh hạnh phúc, tính mạng của bản thân họ để cho Tôi và những người tương tự như Tôi và cả xã hội được sống trong an bình không?

Mặc dù, quen với việc đối diện ranh giới giữa sự sống và cái chết, Tôi vẫn không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân ngay trong thời khắc đặc biệt của năm. Với Tôi, năm mới bắt đầu bằng sự chứng kiến ra đi của một con người, vì vậy Tết cũng không còn trọn vẹn. Trong lòng Tôi trào lên nỗi đau đớn khó tả, không thể cầm nổi những giọt nước mắt vì những hình ảnh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong đêm giao thừa.

Với Tôi, cảm giác đau đớn giày vò khi bất lực chấp nhận phần thua trong cuộc chiến giành giật tính mạng bệnh nhân từ tay tử thần; khi nỗ lực cứu sống từng sinh mạng sau hàng giờ đồng hồ cấp cứu, ám ảnh Tôi suốt đời. Không gì có thể sánh bằng nỗi đau chứng kiến bệnh nhân qua đời sau nhiều giờ đồng hồ nỗ lực cứu sống họ. Cho dù Tôi đã làm trong nghề y hơn chục năm, việc đối mặt với nỗi đau này cũng không thể dễ dàng hơn. Đôi khi, người ta nghĩ nó chỉ giống như kịch bản trong phim nhưng nó là sự thật và đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Rất nhiều lần trong ngày Tôi không thể kìm được nước mắt. Tôi lén khóc một mình trong nhà vệ sinh. Nước mắt rơi ngay cả khi đi trong hành lang bệnh viện. Cuộc sống quá mong manh và nỗi đau để mất những sinh mạng mình đang cấp cứu trở thành vết sẹo chẳng thể xóa được. Khoảnh khắc đau đớn của người khoác áo blouse trắng khiến Tôi cảm nhận trách nhiệm nghề nghiệp cao quý mình đã chọn.

Không được đón Tết bên gia đình, đôi khi phải đau đớn chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân ngay trong khoảnh khắc đầu năm mới, nhưng Tôi tâm niệm, đã chọn nghề y thì có lẽ công việc chính là phải luôn xác định sức khỏe, tính mạng và cả niềm vui của người bệnh đặt lên hàng đầu. Có buồn, có vất vả nhưng thay vào đó là sự quan tâm, động viên khích lệ của Ban lãnh đạo bệnh viện về cả vật chất lẫn tinh thần nên những người bác sĩ như Tôi cũng thấy ấm lòng hơn rất nhiều, đặc biệt là khi cứu chữa cho bệnh nhân thành công.

Đôi khi Tôi nghĩ mình còn sung sướng hơn nhiều người - như các anh em bộ đội ngoài đảo xa, ngoài biên giới, không chỉ phải đón giao thừa với công việc nguy hiểm mà còn trải qua nhiều đêm ngày biền biệt khác. Họ đã phải xa gia đình để những người như chúng ta được sống hạnh phúc giữa người thân.

Tôi luôn tâm niệm: Là bác sĩ, trực tiếp gắn bó với người bệnh, chứng kiến nỗi đau, mất mát của gia đình bệnh nhân, trở thành một phần của cuộc đời người bệnh. Để chữa trị những đau đớn bệnh tật, cứu sống người bệnh, thì chỉ có một: người bác sĩ, phải dùng hết sức của mình, học tập hết trí óc của mình và nhẫn nhịn đến vô bờ bến. Không có cái giận dữ, ghét bỏ, hờn dỗi hay tham lam nào được quyền tồn tại trước cơn bệnh, trước người bệnh và trước kẻ thù chung: Mọi loại bệnh tật. Làm được như thế, Tôi mới có thể trở thành Lương y. Đó mới chính là phần thưởng lớn nhất, chứ không phải là tiền bạc, của cải hay chức vụ.

Hạnh phúc của Tôi nói riêng hay của tất cả các bác sĩ nói chung rất đơn giản, là nhìn người bệnh của mình được cứu sống, hết bệnh và hồi phục. Không có món quà nào giá trị bằng nhìn thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà của họ khi được cứu qua cơn bệnh hiểm nghèo, khi khỏi bệnh, khi ra viện và chào người thầy thuốc với ánh mắt biết ơn. Thành công của ca cấp cứu cùng với sự hài lòng của người bệnh chính là động lực của một bác sĩ. Đó là giá trị không thể đong đếm được. Không có sự động viên người bệnh nào quý hơn niềm vui từ cái tâm của bác sĩ. Nếu người bệnh chia sẻ và cảm nhận được sự ấm áp từ những người chăm sóc sức khoẻ cho mình thì họ sẽ thấy tin tưởng và an tâm hơn.

Mùa xuân đã gõ cửa từng ngôi nhà, góc phố. Trong các bệnh viện, các bác sỹ vẫn đang từng giây từng phút dùng hết khả năng của mình để cứu chữa cho người bệnh, với mong muốn nhiều gia đình sẽ được đón người thân trở về khỏe mạnh, bình an.

Tết là vui nhưng chỉ khi ở bệnh viện đêm giao thừa mới thấm thía nỗi buồn không đáng có của ngày Tết. Điều mong mỏi lớn nhất của nhân viên ngành y như Tôi mỗi dịp Tết đến là bệnh viện ít bệnh nhân, hay bệnh nhân đã trải qua thời khắc nguy kịch thì năm đó, mùa xuân an lành đã đến với mỗi nhà trong những ngày đầu xuân.

HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu... HÚuuuu.... tiếng hú lại vọng về, giật mình tỉnh dậy, hai tay vẫn chống cằm mà sao lại mơ màng được nhỉ? Hoảng hốt hỏi các bạn đồng nghiệp cấp cứu lại ca nữa à? mấy bạn đồng nghiệp nói là: Không phải. Ơ, thế mình vừa bị ám ảnh hay mơ về tiếng còi nghề, tiếng còi hối thúc, tiếng còi giục giã cứu chữa những sự sống mong manh .... Nghề của Tôi mãi là vậy đấy!

Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 2019

TS. Vũ Thị Minh Huyền

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam