Ba người con-Truyện ngắn của Đinh Tú Anh (Quảng Ninh)

Nhà có ba anh em trai. Hàng xóm độc miệng rủa: Tam nam bất phú! Thì thật thế thật, phú quý chẳng thấy đâu, chỉ rặt toàn là là phú quý giật lùi. Đang yên đang lành, bố mẹ đang  công chức nhà nước, đẻ hai đứa sổ gạo ngon ơ. Tòi đứa thứ ba, bố mất việc, mẹ bị kỷ luật, mất đứt hai suất sổ gạo hai bố con, mẹ đang mười hai cân, tụt xuống còn chín. Đau hơn hoạn! Thì, những năm trước tám sáu, việc nuôi con trong hoàn cảnh này đúng là trời đánh, thánh vật, vất vả gian truân không biết bao nhiêu mà kể.

Từ đấy đêm đêm, bố nó châm đuốc rủ mấy ông bạn cùng trang lứa, cùng tuổi tác trong xóm ra biển soi mực, soi cua. Kể ra thời đấy cua, mực cũng sẵn nên kiếm ăn cũng không đến nỗi nào, chưa nói còn hơn đứt lúc bố nó còn làm công chức trên mỏ.

Nhà có đồng ra đồng vào, mẹ nó tính kế cho ba đứa con học hành đến nơi đến chốn. Rặt nỗi thằng út thông minh nhất, lanh lợi nhất nhà, học giỏi nhất nhà lại chẳng chịu học hành gì cả. Đến hết lớp bảy, nó bỏ ngang, đi đào than thổ phỉ. Nó lý luận, tài nguyên là của trời cho, ai khôn ngoan thì lấy về làm của riêng, được càng nhiều càng ít. Nó bảo, bây giờ quản lý nhà nước chưa theo kịp, mình tranh thủ, mai sau, quản lý nhà nước đi vào bài bản, có muốn cũng không còn cơ hội. Với quan điểm đó, nó làm tới, nó mua hết lượt quan chức hàng tỉnh, hàng trung ương, và nghiễm nhiên, nó trở thành đại gia vùng mỏ. Nhưng ở đời, đồng tiền kiếm dễ thì đi cũng dễ. Nó lao vào cờ bạc. Hết đánh sòng bài trong tỉnh, trong nước, nó lao sang sòng bài các nước lân cận. Và, cuối cùng, như nó tự an ủi, của đi thay người, lần lượt tỉ lớn tỉ bé đều vào tay các chủ sòng bài. Kết cục nó trắng tay!

Thằng hai cũng thông minh nhưng mức độ thông minh không bằng thằng út. Nó học xong lớp mười hai đúng lúc đất nước mở cửa. Nó nhìn nhận, làm kinh tế kiểu thằng em là làm kinh tế kiểu chộp giật, thiếu trí tuệ. Nó bảo, lúc này phải là làm kinh tế tri thức, là phải dạy người ta cách làm giàu. Tình cờ, nó đọc được mấy quyển sách của Adam Khoo bên Singgapore dịch ra tiếng Việt. Sẵn năng khiếu chém gió, nó mở công ty đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp. Ban đầu, người theo học nó rất đông. Thậm chí, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước còn mở lớp thuê nó về diễn thuyết cho đám nhân viên. Nó nói không ngơi nghỉ, kiếm bộn tiền. Dần dà, người ta phát hiện ra rằng kiếm ăn không dễ như nó nói, không dễ như nó ba hoa chích chòe, các lớp học của nó thưa dần, rồi tịnh hẳn. Nó trở nên thất nghiệp sau khi vay mượn thêm tiền đầu tư vào địa ốc. Nó phá sản, vào tù.

Thằng cả là thằng ù ờ, kém thông minh nhất. Học xong cấp 3 không thi đỗ vào đại học nhưng nó lại là thằng có chí nhất nhà, lại có lợi thế bố là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nó được vào học lớp dự bị đại học. Lớp này chỉ là bước đệm, ai qua lớp này mà lại không vào đại học ngon ơ? Tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học, nó được giữ lạitrường làm cán bộ giảng dạy. Không phải nó giỏi, mà là bởi thời bao cấp ngành này không được chú trọng nên số lượng sinh viên được đào tạo không nhiều. Vả lại, các bạn cùng lớp của nó những người khỏe mạnh đều được động viên vào các chiến trường miền Nam chiến đấu. Nó thì hơi yểu điệu thục nữ một tý, không ai dở hơi bắt nó đi lính.Ngoài ra, bố nó có nhiều mối quan hệ thân quen với các cấp lãnh đạo nên nó được ưu tiên.

Thế rồi, thằng cả trở thành giáo sư, tiến sĩ, trở thành chuyên gia đầu ngành, chuyên đi dạy dỗ thiên hạ. Bẵng đi mấy chục năm, in tơ nét phát triển, mọi chuyện đều được công khai, người ta mới té ngửa ra rằng, các công trình nó nghiên cứu, các sách nó viết đều ít nhiều đạo văn học trò của nó. Có sách đạo văn đến năm bảy chục phần trăm. Thần tượng là nó sụp đổ trong con mắt đồng nghiệp, họ hàng, quê hương bản quán. Nhưng nó không sao vì nó cũng vừa đến tuổi về hưu. Vả lại, các cấp có thẩm quyền không ai muốn bới móc chuyện của nó, bởi “xấu chàng thì hổ ai?” Nhưng dư luận xã hội trên mạng xã hội thì không ai có thể bưng bít được. Ông bác họ nó là thợ cày ở quê hôm nọ vừa bảo: nó bôi tro trát trấu lên mặt chúng tôi chú ạ!

Bố nó năm nay ngoài tám mươi. Là hàng xóm láng giềng, hôm nọ tôi sang chơi, ngồi cùng bố nó, trà dư tửu hậu, bố nó thổ lộ: con cái cứ bình bình như ông là sướng!

30/1/2019