Chuyện tình ngang trái-Truyện ngắn của Đinh Tú Anh

Bà Hoa ngồi tư lự nhìn ra phía bờ sông. Dòng sông Măng vẫn hiền hòa, êm đềm chảy như muôn đời nay nó vẫn vậy. Lần đầu bà nghe đến tên sông là lúc đang còn yêu nhau, thời sinh viên, sơ tán tại vùng rừng núi Sơn La, ông Hòa làm thơ về con sông này đọc cho bà nghe, trong một đêm trăng, bên dòng sông Mã. Ông bảo, nếu ví sông Mã lực lưỡng như một chàng trai thì dòng sông Măng quê ông lại dịu dàng như một cô gái. Ông hứa sẽ đưa bà về thăm quê ông, về thăm dòng sông Măng mộng mơ. Thế mà, đã sáu mươi năm rồi ông Hòa nhỉ? -Bà lẩm bẩm một mình.

Ánh trăng ngoài mòng không còn sáng rõ như hôm rằm. Gió từ sông thổi vào lành lạnh. Bà Hoa húng hắng ho. Ông Hải ngồi bên choàng khăn quấn thêm một vòng vào cổ bà. Cử chỉ âu yếm giống hệt Hòa khi xưa. Hai người cứ ngồi như thế mà không ai nói với ai một lời. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Ký ức hiện về trước mắt bà Hoa như những thước phim quay chậm...

Là con gái Hà Thành, nền nã, nết na, trông Hoa thật dịu dàng, đài các. Ở trường sư phạm so với các trường khác tỉ lệ nữ sinh đông hơn hẳn, mà cũng đẹp hơn hẳn. Tuy nhiên, hầu hết họ đến từ các vùng quê, không tránh được vẻ quê mùa, lam lũ. Cả trường, con gái Hà Nội đếm chỉ vừa đầy một bàn tay. Bốn cô gái kia đều tuyệt đẹp. Nhưng bất cứ ở đâu, khi xuất hiện Hoa, bốn nàng gần như bị lu mờ do sắc đẹp, sự cuốn hút từ Hoa mang lại. Do vậy con trai các trường quân sự, kỹ thuật quanh vùng và ngay cả nam sinh sư phạm thảy đều ao ước chiếm được cảm tình của Hoa. Nhưng họ đều đành phải thất vọng. Hoa đã thuộc về Hòa. Hòa là bạn trai ngồi cùng bàn, giọng nói miền Trung khó nghe nhưng làm thơ cực hay, nói chuyện cực khéo léo, có biệt tài dẫn dụ lòng người.

Ngày Hoa dẫn Hòa về Hà Nội ra mắt bố mẹ thì cả ông Vân và bà Lệ Huyền đều không đồng ý. Ông bà gốc tư sản này quả có con mắt tinh đời. Họ bảo với con rằng Hòa có tướng người trăng hoa, không chung thủy được lâu. Lấy nhau, chắc chắn hai đứa sẽ không có được hạnh phúc, đời con sẽ đau khổ nhiều hơn vui.

Bỏ ngoài tai lời khuyên của bố mẹ, Hoa nhất quyết chạy theo tiếng gọi của con tim. Tốt nghiệp đại học, Hòa được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Hoa được phân công về làm giáo viên dạy văn một trường cấp 3 gần đó. Trai tài, gái sắc, cuộc đời tưởng không gì có thể đẹp hơn. Một đám cưới nhanh chóng được diễn ra. Tuy đám cưới thời chiến, thiếu thốn đủ bề nhưng không vì thế mà làm giảm bớt niềm hạnh phúc trong lòng cô dâu, chú rể. Lấy nhau, họ được phân một gian trong khu tập thể trường cấp 3, nơi Hoa công tác.

Giống như công thức chung của các cặp vợ chồng thời đấy: sòn sòn, ba năm đôi. Hơn bốn năm lấy nhau, họ đã kịp cho ra đời 4 đứa con. Bây giờ kể lại cũng khó có ai hình dung được cuộc sống khó khăn đến cỡ nào. Hòa mải mê tập trung cho sự nghiệp, không còn thời gian cho việc nhà. Hoa đã đánh mất đi đâu dáng vẻ tiểu thư khi xưa. Ngoài giờ dạy ở trường cô tất bật với 4 đứa con, rồi nuôi lợn, rồi dạy thêm nhưng cũng không khá lên là bao. Cả cô, cả 4 đứa con đều èo ọt, nheo nhóc. Nhất là, sau giải phóng, Hòa có quyết định vào gây dựng một cơ sở đại học sư phạm trong Nam. Người ta ví, người đàn ông trong nhà như cột cái, có khi vô tích sự, nhưng ít nhất cũng là chỗ dựa tinh thần cho vợ con. Nhưng nay thì chỗ dựa ấy cũng không còn. Tiễn chồng lên tàu vào một buổi chiều đông, bóng năm mẹ con liêu xiêu đổ dài trên sân ga Hàng Cỏ vắng lặng, lầm lũi, tái tê. Hoa đâu biết, từ đây cuộc đời cô lại rẽ sang một trang mới...

Những lá thư hai vợ chồng qua lại cho nhau đã thưa lại càng thưa dần. Trong thư cũng chỉ cô gọn những thông tin cần thiết. Những lời lẽ bóng bẩy, yêu thương dành cho nhau gần như không còn xuất hiện kể từ khi họ có đứa con đầu đời. Không phải họ hết tình cảm mà thời gian, sức lực mỗi người đều dành hết cho bổn phận với gia đình, với xã hội, với cuộc mưu sinh, còn tâm trí đâu mà lãng mạn. Mặc dầu, công việc cả hai vợ chồng đều dính dáng đến văn chương.

Thông tin liên lạc cực kỳ khó khăn. Nhưng không vì thế mà tin về Hòa không có. Vào Nam, làm hiệu trưởng một trường đại học, có quyền, có tiền, lại không vướng bận vợ con, thói trăng hoa của Hòa trỗi dậy. Thêm nữa, sự trẻ trung, phóng khoáng của những cô gái miền Tây Nam bộ có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với người đàn ông đang vào độ tuổi hồi xuân, xa vợ như Hòa.

Trong số những bóng hồng qua lại với Hòa thì tình cảm Hòa dành cho Trà Mi là sâu đậm hơn cả. Trà Mi là cô gái vùng miệt vườn sông nước Cà Mau. Cô có nước da trắng hồng, mịn màng. Suối tóc mượt mà buông dài đến tận khuỷu chân. Chân dài, ngực nở, eo thon, mông mẩy. Khuôn mặt tròn, bầu bĩnh với cặp mắt đen nhánh. Hai hàng lông mi dài, cong vút tự nhiên như điểm tô thêm cho hai hàng lông mày đẹp hoàn hảo không thể chê vào đâu được. Cô có giọng ca vọng cổ làm mê hoặc lòng người. Cô mê tiểu thuyết và thích văn chương. Cô là học trò của Hòa.

Ban đầu thì Trà Mi cũng cố giữ khoảng cách bởi cô nghe trong giới sinh viên xì xèo nhiều về thầy Hòa. Cô còn biết, thầy đã có vợ con ngoài Bắc. Nhưng Hòa thì chủ động tấn công. Làm sao một nàng nai tơ ngơ ngác lại có thể thoát khỏi mũi tên bọc đường của một gã thợ săn già, lão luyện?

Sau bài giảng về bút pháp Khái Hưng qua tác phẩm “Hồn bướm mơ tiên”, thầy Hòa mời cô nữ sinh Trà Mi về phòng mình trong khu tập thể. Tại đó, hai thầy trò đàm đạo hàng giờ về văn chương, tịnh không đả động gì đến tình cảm riêng. Với vẻ lịch lãm, đứng đắn và kiến thức uyên thâm của thầy Hòa, Trà Mi cảm thấy học hỏi được rất nhiều. Cô đặc biệt có cảm tình với thầy Hòa từ đó.

Sự qua lại giữa hai thầy trò càng ngày càng mật thiết hơn. Cô thường đến để nghe thầy giảng thêm về những bài học khó hiểu, những khái niệm trừu tượng mà ở lớp cô còn lơ mơ. Dần dà, cô giúp thêm thầy về việc nhà vì đàn ông độc thân vốn bừa bãi, luộm thuộm. Rồi những bữa cơm chiều chỉ có hai người...

Hơn hai tháng trời Hòa vẫn giữ thái độ sống chuẩn mực. Đến nỗi, Trà Mi đâm ra nghi ngờ về những lời đàm tiếu về thầy Hòa. Cô thần tượng thầy Hòa. Cô ao ước được ngã vào vòng tay thầy Hòa.

Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Hôm sinh nhật Hòa, chiều tối, không ai bảo ai, cả hai thầy trò đều tíu tít chuẩn bị cho một bữa sinh nhật lãng mạn, ấm cúng. Hòa lấy tấm vải trắng trong tủ ra làm khăn trải bàn, xếp ngay ngắn chai rượu vang đỏ và hai chiếc ly mua được trong chuyến công tác Liên Xô vào một góc bàn. Trà My chuẩn bị nến, hoa tươi, mở đĩa nhạc lãng mạn quen thuộc, yêu thích của hai người.

Dưới ánh nến mờ ảo, tiếng nhạc du dương, khuôn mặt hai thầy trò ửng đỏ. Tình cảm dường như đã đủ độ chín, cộng với xúc tác của hơi men, hai người quấn vào nhau trong một điệu tăng-gô. Và rồi chỉ sau có vài vòng quay, bước nhảy của họ đã vội vàng kết thúc ở góc phòng, nơi kê chiếc giường cá nhân. Chăn chiếu đã được giặt giũ sạch sẽ từ hôm qua. Hòa cũng đã kịp kín đáo vẩy vài giọt nước hoa lên giường mấy phút trước đó...

Trà Mi bị đuổi học vì chửa hoang. Chi đoàn lớp họp căng thẳng ba đêm liền nhưng không moi được tí ti nào về thông tin cha đứa trẻ. Mặc dù ai cũng biết mười mươi tác giả là thầy Hòa nhưng không có bằng chứng, đành chịu.

Hoa cay đắng, chết lặng về những thông tin dồn dập từ Hòa. Đã từ lâu, họ không còn thư từ qua lại. Hòa cũng chẳng gửi gì về phụ giúp Hoa nuôi con. Bỏ mặc cô bươn chải. Hình ảnh hoa khôi của cô nữ sinh Hoa không còn, thay vào đó là một thân hình gầy còm, già trước tuổi, tóc đã lốm đốm bạc.

Sức chịu đựng của con người có giới hạn. Hoa gục ngã. Cô ngất xỉu ngay trên lớp trong tiết giảng về truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Bởi đói. Bởi lúc đó đã là tiết 5, gần trưa, sáng cô chưa kịp ăn gì. Mà có gì mà ăn. Có mẻ ngô răng ngựa rang ít ỏi cô đã chia đều cho 4 đứa con mỗi đứa một nắm trước khi chúng đi học rồi.

Hải xuất hiện thật đúng lúc. Hoa sẽ chẳng qua khỏi trận này nếu không có Hải. Hải là chàng trai mới lớn, kém Hoa gần hai chục tuổi, vừa chân ướt chân ráo từ quê ra Hà Nội học đại học.

Hải tất bật khi ở trường, lúc ở nhà chăm sóc 4 đứa trẻ, khi vào viện lo cho Hoa. Ròng rã sáu tháng trời Hoa như cái xác không hồn bởi quá suy kiệt. Hải phải tự tay tắm giặt, thay rửa cho Hoa vì xung quanh Hoa chẳng còn ai là người thân. Ông bà Lệ Huyền thân sinh ra cô thì đã qua đời do quá buồn bã về thời cuộc.

Lần đầu tắm cho Hoa theo yêu cầu của bác sĩ Hải không khỏi xốn xang. Tay chân anh run rẩy khi lần mở những nút cúc áo của Hoa. Rồi quần... Chưa bao giờ như lúc này, một người đàn bà lõa thể hiển hiện bằng da, bằng thịt ngay trước mắt Hải, một chàng trai mới lớn. Mặt anh đỏ bừng, tim đập dồn dập...

Kể từ đây, hình ảnh Hoa vĩnh viễn đóng đinh trong tâm trí Hải, kể cả trong giấc ngủ. Đã nhiều lần, anh cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng không thể.

Rồi thì Hoa cũng ra viện, đi làm bình thường. Hải dọn về ở hẳn trong nhà Hoa để có điều kiện chăm sóc Hoa và các cháu. Phần vì ơn cứu mạng, phần vì sự khát khao đàn ông của người đàn bà xa chồng đã lâu, hơn nữa trong quá trình nằm viện, lúc tắm cho cô, Hải đã không kiềm chế nỗi lòng mình mà đã có những hành động bản năng đàn ông, cô biết, cho nên cũng không còn gì để giữ gìn, Hoa ngoan ngoãn hiến dâng thân xác mình cho Hải.

Có hơi trai, như nắng hạn gặp mưa rào, người Hoa dần thắm da đỏ thịt trở lại. Cô có thai. Một bé trai ra đời khi cô đã ngoài bốn mươi lăm tuổi. Không giống như Trà Mi trong Nam, không ai bắt bẻ cô, vì danh chính ngôn thuận cô vẫn đang là gái có chồng, chuyện sinh nở là đương nhiên.

Hòa lần về Cà Mau thăm Trà Mi, thăm con. Vừa bước vào cổng, tấm mộ chí trên ngôi mộ ở góc sân đập vào mắt Hòa. Ông..., sinh ngày...., quê quán...., hi sinh ngày.... Trời! Trà Mi là em cùng cha khác mẹ với ông. Ở quê, gia đình ông chỉ biết ông ấy hi sinh ở chiến trường miền Nam, nào ngờ?

Sau đận ấy, Hòa gần như gục hẳn. Ông xin nghỉ hẳn công tác, ra Bắc, lếch thếch lê thân xác về nhà. Đến nơi, ông chết lặng vì đứa bé thứ 5, con Hoa. Nó giống ông như đúc nhưng không thể là con ông. Mấy năm nay ông đâu có về nhà?

Vừa lúc đấy thì Hải đèo xe đạp chở Hoa đi chợ vừa về tới. Cả ba nhìn nhau chết lặng. Hải là em ruột của Hòa.

Đêm hôm đấy, chờ cho bọn trẻ ngủ say, cả ba bắc ghế ra sân. Họ thật bình tĩnh. Họ nói với nhau rất nhiều. Nói trong dàn dụa nước mắt. Ông Hòa đề nghị Hải rút lui, cứ coi đứa bé là con ông, để gia đình ông lại được đầm ấm như xưa. Hoặc giả, không còn tình thì còn nghĩa. Nhưng Hải cương quyết, rằng Hòa phải ra đi, rằng ông đừng phá vỡ hạnh phúc mà Hải đang có, rằng mấy năm nay Hải không thể công không mà ngồi giữ gia đình cho ông.

Sáng sớm hôm sau thì ông Hòa đáp tàu về quê. Và bây giờ thì ngôi mộ của ông ấy đây, bên cạnh chỗ ngồi của bà Hoa và ông Hải.

Họ ngồi như thế yên lặng rất lâu. Đây là lần đầu tiên bà Hoa về quê hai người chồng và cũng là lần đầu tiên ông Hải về quê sau khi thoát ly gia đình. Bởi họ không dám đối mặt với dư luận. Họ hàng ở quê từ lâu cũng đã tuyên bố từ mặt họ.  Lần này, bà Hoa yếu lắm rồi do tuổi tác và bệnh tật, nguyện vọng của bà muốn về thắp cho ông Hòa nén nhang. Dù gì, hai người cũng đã ăn ở với nhau ngần ấy năm, có đến bốn mặt con. Bà muốn một lần được nhìn thấy con sông Măng mà chính nó đã đưa bà đến với cuộc đời Hòa, rồi Hải.

Quá nửa đêm, ánh trăng mờ dần, gần như tắt hẳn khi vừa chui tọt vào sau một đám mây, bà Hoa hộc lên một tiếng nấc rồi tắt thở trong vòng tay Hải, bên mộ Hòa...

09/02/2019