Người khoác áo trắng-Truyện ngắn của Vũ Ngọc Cầm
Tôi vừa đặt ngón tay vào núm chuông gọi cổng nhà bác sĩ Mẫn thì một con chó Béc-Giê cao to lao vụt ra. Biết rằng còn vướng một lớp song cổng sắt con chó không thể cắn được mình nhưng cứ trông hàm răng nhọn hoắt và cái vẻ dữ tợn của nó tôi đã thấy rùng mình. Hình như con chó hung hăng là thế chỉ để tỏ thái độ mẫn cán với chủ nó thôi chứ khi có tiếng giầy lộp cộp ở nhà trong và tiếng gọi:" Giôn, vào đi !" thì ngay lập tức nó ngừng sủa rồi cong đuôi rối rít và ngoan ngoãn bước vào nhà.
Người ra mở cổng cho tôi không phải là bác sĩ Mẫn mà chính là cậu Hạnh, học trò lớp tôi chủ nhiệm.
- Em chào thầy ạ !
- Hạnh đấy à, bố mẹ em có nhà cả chứ ?
- Dạ có ạ, Em mời thầy vào nhà.
Tôi theo Hạnh vào nhà nhưng mắt vẫn không rời con Béc-Giê nằm gọn ở tư thế như đang chuẩn bị lao vào cắn xé đấu thủ của mình. Tôi ngán phải vào những gia đình nuôi chó bởi một lần dã bị con cún bên hàng xóm cắn. Tuy chỉ bị sướt da chảy máu nhưng tôi sợ bị nhiễm Vi-rút dại. Dạo ấy đang có dịch chó dại. Tiêm thì tốn tiền, mệt người mà không tiêm thì ...biết đâu đấy, vô phương cứu chữa. Thế là tôi mò đến chỗ tiêm phòng. Cô y tá hình như đã quá quen với công việc ấy. Không cần để ý tới nỗi băn khoăn sợ sệt của người bị chó cắn, cũng chẳng cần nhìn mặt, biết tuổi của người nói chuyện với mình là ai, cô buông một câu lửng lơ không chủ ngữ : "Chó dại bây giờ lan tràn khắp nơi, dính chó dại mà không tiêm Vác-xin phòng kịp thời, để đến mức lên cơn thì đến ông cụ của Pa-xtơ sống lại cũng không cứu nổi". Tôi cũng đọc sách và biết Pa-xtơ là người tìm ra Vác-xin phòng dại nên càng hoảng. Thế là tôi đồng ý ngay với cô y tá việc phải tiêm gấp. Cũng có nghĩa là tôi phải chịu tiền của cả 6 mũi Vác-xin. Cô y tá lý giải thế này: " Người ta đóng Vác-xin phòng dại sáu liều một một ống để tiêm cho sáu người một lúc. Vác-xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh. Đã mở ra rồi thì phải tiêm hết, để lại là hỏng. Hoặc là bác tiêm ngay thì phải chịu tiền cả sáu mũi, hoặc là bác đợi đủ sáu người bị chó cắn đến đây tiêm một lúc thì mỗi người chỉ chịu tiền của một phần sáu ống Vác-xin thôi, tuỳ bác... Dĩ nhiên là tôi trả đủ tiền sáu mũi để được tiêm phòng ngay. Sinh mạng con người đâu phải chuyện đùa. Ai mà chẳng sợ bị lên cơn dại và chết thê thảm như bức tranh mà người ta mô tả treo trên tường của phòng tiêm kia. Ra về tôi mới gặp ngay sau đó ba bốn trường hợp bồng bế nhau lên phòng y tế xin tiêm phòng dại. Tôi chợt hiểu ra mấy người này nếu đến cùng một lúc họ vẫn có thể phải chịu tiền của một phần ba hoặc phần tư ống Vác-xin còn lại của tôi kia. Thì ra người ta có cách lột tiền của bệnh nhân đơn giản thế, và mình cũng đã tự nguyện nộp tiền cho cô y tá nọ một cách tự giác đến thế.
Bác sĩ Mẫn trong bộ quần áo ngủ từ thang gác bước xuống vồn vã bắt tay tôi. Anh có bộ mặt phương phi, cái gọng kính đeo hơi trễ và nụ cười thường trực. Chính nụ cười thường trực và đôi mắt hơi trợn lên một tý sau cặp kính trắng có gọng bạch kim lấp lánh ấy làm cho một số người khi tiếp xúc với anh có cảm giác mình bé nhỏ đi trước một bác sĩ tầm cỡ. Nhất là nghe anh ta nói về những người bạn, có người là giáo sư, tiến sĩ đang làm việc ở các vụ này, viện nọ của trung ương họ đều có tên tuổi mà cả nước biết đến. Chỉ có tôi là không bị cái cảm giác ấy bởi lẽ tôi và Mẫn học cùng lớp ở phổ thông với nhau từ thời còn để chỏm. Ngay lúc ấy Mẫn đã thích đeo kính trắng bắt chước thầy hiệu trưởng để giống với trí thức. Mẫn thường bảo các hoạ sĩ muồn thể hiện trí thức trên các bức tranh cổ động thì buộc phải vẽ cho các nhân vật của mìnhcặp kính trắng. Khổ một nỗi lúc ấy Mẫn chưa cận thị. Cậu ta mua một bộ kính bảo hộ rồi chi tiền cho ông thợ kính lắp đôi mắt kính ấy sang bộ gọng vàng. Trừ lúc đi ngủ còn không lúc nào là Mẫn không đeo đôi kính ấy. Theo Mẫn thì nó có tác dụng " chống bụi, bảo vệ mắt". Mẫn học không giỏi nhưng vì là em thầy giáo dạy toán nên có mặt trong đội tuyển toán của trường đi thi toàn thị xã. Kết quả thi Mẫn không được giải nhưng được phần thưởng cho những bài có lời giải hay, trình bày đẹp.
Chúng tôi không gần gũi chơi bời với nhau vì hoàn cảnh sống của mỗi người mỗi khác. Vả lại, từ thời cùng ngồi trên ghế nhà trường mỗi thằng đã có những ý nghĩ trái ngược nhau. Mẫn thích ôm những bộ sách dày cộp, giương bộ kính trắng giống như kính cận đi trên hè phố. Còn tôi, tôi chỉ thích đá bóng. Có khi thiếu bạn chơi tôi còn đá cả với bọn trẻ lớp bé hơn mình. Gặp chúng tôi ôm bóng, cởi trần, chân tay lem luốc bụi than mỗi chiều về Mẫn có ý tránh mặt. Mẫn sợ những "bạn trí thức" của mình hiểu sai là trong lớp đàn anh của trường như thế vẫn có những ông bạn thiên hướng phát triển tứ chi chứ không có đầu óc. Tôi cũng nhạy cảm lắm nên không bao giờ tỏ ra là bè bạn với Mẫn. Thỉnh thoảng gặp nhau vẫn chào hỏi vui vẻ nhưng giữa chúng tôi có một khoảng cách vô hình cứ ngày một xa đi. Trời xui đất khiến thế nào Mẫn trở thành bác sĩ phó giám đốc bệnh viện còn tôi làm nghề dạy học, chủ nhiệm lớp có con của bác sĩ Trần Mẫn.
- Ông Dụ này, giọng bác sĩ Mẫn ấm và gần gũi, mới ngày nào bọn mình học với nhau cũng bằng tuổi cu Hạnh nhà tôi bây giờ. Thế mà nay thằng nào cũng là bố trẻ con, thành ông chủ của một gia đình rồi nhỉ, nhanh thật đấy. Ông có hay gặp các thầy, bè bạn cùng lớp mình ngày xưa không?
Bác sĩ Mẫn nhấn mạnh chữ mình rất thân mật. Tôi hoà ngay vào không khí chan hoà bè bạn như thuở nào:
- Có chứ, thỉnh thoảng tôi có về thăm thầy Bảy, thầy Minh, thầy Toàn. Các thầy già lắm rồi. Năm ngoái thầy Bảy xuýt mất vì ngộ độc thức ăn, ông có biết không?
- Khổ lắm, tôi cứ bận việc chuyên môn suốt ngày, lại họp hành luôn luôn nên không rời ra được. Tôi có lỗi với các cụ lắm. Giá như các cụ ở gần cận đây tôi sẽ cho xe xuống đón các cụ về chữa bệnh thoải mái, miễn viện phí và không phải thanh toán các khoản ngoại viện.
Trông khuôn mặt Mẫn thuỗn ra đầy vẻ ân hận mất hẳn nụ cười thường trực vốn có, tự nhiên tôi thấy cảm thông vô cùng đối với anh. Anh muốn thể hiện rằng anh xót xa lắm thấy các thầy giáo dạy mình lên người nay già yếu thế, anh thì làm thầy thuốc mà không giúp đỡ gì được các thầy lúc đau yếu. Tôi chuyển ngay sang đề tài khác:
- Hôm qua tôi cũng đến thăm nhà bác sĩ Thu, người của bệnh viện ông đấy.Thu 10A, khác lớp nhưng cùng khoá với tôi và ông, bà ấy cũng có con học cùng lớp với cu Hạnh nhà mình...
Tôi vừa nhắc đến tên Thu, nét mặt Mẫn bỗng mất đi cái vẻ ân hận dễ mến ban nãy. Đôi mắt anh hơi trợn lên sau cặp kính trắngvẻ khó chịu rồi lại mau chóng trở về với nụ cười thường trực ban đầu.
- Bác sĩ Thu ! Anh nhắc lại với vẻ nửa hằn học, nửa lãnh đạm. Bè bạn cùng khoá nên điều hành rất khó. Cô ấy tính khí như đàn ông. Học hành có giỏi nhưng khó lắm...
Anh thả câu nói nửa vời để tôi hiểu thế nào cũng được. Tôi hiểu mối quan hệ gai góc giữa hai người, hiểu cả những chuyện bất đồng giữa họ nên không muốn câu chuyện tiếp diễn nữa. Tôi bắt đầu vào việc:
- Hôm nay tôi đén thăm gia đình ông và trao đổi việc học tập của cháu Hạnh. Giáo viên chủ nhiệm mà chỉ phối hợp giáo dục với phụ huynh qua sổ lien lạc là kiểu làm ăn tắc trách. Tôi phải trực tiếp đến thăm từng gia đình là vì thế.
- Gượm đã nào, đợi nhà tôi pha chút cà phê để anh em ta nói chuyện hàn huyên. Ông vừa là bạn tôi lại là thầy giáo của con tôi tới nhà, thật là may mắn lớn với gia đình tôi đấy chứ.
Trò chuyện một lát thì vợ Mẫn đem cà phê ra. Tôi trao đổi những nét căn bản về tình hình học tập của Hạnh để cả anh chị Mẫn cùng nghe. Từ việc cần phải dành thời gian đầu tư cho cháu ôn thi tốt nghiệp đến việc lựa chọn những trường đại học mà cháu định thi cho phù hợp với thực lực của mình.
Anh Mẫn hình như ít quan tâm tới những điều tôi trao đổi, có lẽ anh chị cũng đã bàn định khá kỹ về việc này. Anh chỉ gật gù tán đồng ý kiến của tôi rồi mau chóng chuyển câu chuyện sang hướng khác, giọng đượm vẻ tự hào:
- Tôi có mỗi cậu con trai nên cũng định cho nó nối nghiệp bố nó. Định cho nó thi vào y khoa. Chắc là nó đỗ thôi. Ông là bạn bè tôi nói thật, mấy thằng bạn tôi là cán bộ giảng dạy loại cứng cựa bên trường đại học y Hải Phòng. Con tôi về dự thi mà chúng nó không cho đỗ thì còn mặt mũi nào trông thấy nhau nữa. Mùa hè năm nào chúng nó chẳng ra Hạ Long nghỉ mát, tôi bao hết. Cũng may mình là "sếp" nên lấy tiền chùa đãi bạn chứ không thì sạt nghiệp...
Rồi Mẫn cứ tỉnh khô kể tiếp:" Ở đời có một nguyên tắc là ông mất cái giò thì bà thò chai rượu . Mình giúp người ta thì người ta giúp lại mình. Họ đểu mình thì mình chơi lại. Ví như mấy thằng chữa xe nó nặn tiền của mình rất ác. Một miếng vá xăm xe máy, gặp lúc bí nó xơi mình mười lăm nghìn. Mấy hôm sau mình phát hiện ra hắn vào viện mình, phải cắt mổ vì viêm bờ cong hành tá tràng. Tất nhiên là mình phải giã viện phí và các khoản chi khác thật nặng bởi vì vá một miếng xăm chỉ để sửa một bánh xe chứ vá cái dạ dày là cứu cả mạng sống của nó. Vá miếng xăm chỉ học vài giờ là làm được còn để mổ cái dạ dày người bác sĩ phải tích luỹ kiến thức cả một đời...
Nghe Mẫn nói tôi ghê ghê người nghĩ đến tình huống nếu mình rơi vào tình trạng của anh chàng sửa xe máy kia. Nếu có thoát chết nhờ ca phẫu thuật ấy thì cũng sống dở chết dở để làm lụng mà trả nợ.
- Trung bình mỗi ca mổ thế gia đình bệnh nhân phải chi bao nhiêu? Tôi tò mò hỏi.
- Nó cũng vô cùng! Điều ấy phụ thuộc vào vị trí, mối quan hệ của người ấy. Ca mổ tốt nhưng chăm sóc hậu phẫu dở thì cũng toi.
Mẫn nói chữ toi thản nhiên, khô khốc làm cho tôi thấy xót xa đến nao lòng. Tôi nhớ đến lần đưa bà cụ nhà tôi đi cấp cứu mổ sỏi mật. Vết thương chưa lành, cô y tá mà bây giờ gọi là điều dưỡng viên, cứ bảo phải rửa bằng nước ô xy già. Bệnh viện không có thì gửi tiền cô mua ở ngoài. Vì chậm đưa tiền, hai ba ngày cô ta không ngó ngàng đến thay băng. Tý nữa thì chỉ vì mấy lọ ô xy già mà bà cụ nhà tôi mất đấy vì vết mổ đã bị nhiễm trùng lên mủ. Nghĩ lại hoàn cảnh ấy tôi chợt thốt ra một câu nửa trách cứ nửa tự ái:
- Thế mà các bố cứ suốt ngày đọc lời thề HypôCrát !
Bác sĩ Mẫn cười rất thoải mái và tỏ ra cảm thông với sự kém cỏi không am hiểu mấy về ngành y của tôi :
- Các thầy đồ thường dễ xúc động như vậy là lẽ tất nhiên, còn các thầy thuốc mà hơi một tý đã xúc động thì không làm được việc. Ông thấy có bao giờ người ta bố trí bác sĩ ngoại mổ cho thân nhân của mình đâu. Đứng trước những con bệnh hiểm nghèo anh phải biết lỳ. Điều ấy cần thiết để tạo sự tự tin ở nghề nghiệp cho mình, lên dây cót tinh thần cho gia đình người bệnh và tiếp thêm ý chí cho bệnh nhân. Anh tỏ ra hoang mang là đi đứt ngay. Vì thế nghề của bọn tôi khái niệm "lương y như từ mẫu" khá trừu tượng nên yếu tố tích cực và tiêu cực không có biên giới. Ai hiểu thế nào cũng được. Mà thôi, ông tìm hiểu những thứ ấy làm gì cho mệt đầu. Bạn bè lâu mới gặp nhau tôi hỏi thật, dạo này ông làm ăn ra sao, tình hình sinh hoạt thế nào mà gầy và xanh thế, bà ấy có làm gì thu nhập thêm không?
Tôi nói sơ qua về gia cảnh của mình cho xong chuyện. Hai vợ chồng dạy học suốt ngày bận bịu với giáo án, chấm bài. Thằng con lớn lại sắp thi đại học, tiền ôn thi khá nặng nên cũng chưa thể mở mặt ra được. Thấy tôi nhấp nhổm muốn ra về Mẫn gợi ý luôn với thầy giáo của con mình:
- Chỗ bạn bè tôi chẳng giúp ông được gì, thôi thì tuần sau ông tranh thủ vào viện, tôi sẽ tìm cách điều trị nâng đỡ thể trạng bớt suy kiệt cho ông.
- Tôi thì không ốm đau gì nhưng bà xã tôi thị lực suy giảm nghiêm trọng từ đợt điều trị thoái hoá hoàng điểm về. Tôi nhờ anh giúp cho điều trị tại viện...
- Ô- kê! Cuối tuần cứ bảo bà ấy xin vào viện. Cần nghỉ bao nhiêu ngày tôi quyết và ký được ngay. Nhớ nói với phòng khám đây là trường hợp người nhà bác sĩ Mẫn phó giám đốc.
Tiễn tôi ra khỏi cổng bác sĩ Mẫn chợt nói vội như vừa quên điều gì hệ trọng:
- Ấy chết, chuyện trò mãi mà chưa hỏi ông Dụ, thế cháu Đức bây giờ học lớp mấy rồi, nó học hành ra sao?
- Cu Đức nhà tôi mải chơi lắm. Nó học chuyên tiếng Anh và cũng sắp thi tốt nghiệp rồi.
- Chuyên Anh hả, môn ấy có tương lai lắm đấy. Ở ngành tôi rất cần tiếng Anh. Bây giờ Tây nó vào nhiều, không biết ngoại ngữ làm việc khó khăn lắm. Tôi bận quá nên phải bỏ dở chứ dạo trước đã học gần hết chương trình A Streamline rồi đấy.
- Vậy ư !
Tôi bắt tay ra về và suýt phì cười về chuyện nói tiếng tây của bác sĩ Mẫn. Số là hôm trước tôi vừa đến thăm nhà bác sĩ Thu. Thu cũng là bạn học của chúng tôi thời phổ thông, cùng khối nhưng khác lớp. Thu là bác sĩ nội khoa năng động và hoạt bát. Cô là trưởng khoa nội, tính cách và năng lực của cô làm cho bạn bè và đồng nghiệp rất kính nể. Ngoại tứ tuần nhưng Thu còn trẻ đẹp. Chỉ bất hạnh là chồng cô bị ung thư mất sớm để cô phải lận đận nuôi đứa con gái một mình. Thu thoải mái kể chuyện với tôi như bè bạn cùng giới, có lẽ chỉ bạn học cùng trường với nhau mới có được:
- Anh Dụ à ! Đáng lẽ anh Mẫn phó giám đốc của em bây giờ là người luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bước phấn đấu của em mới phải. Cùng học một thầy, một trường nhưng anh ấy thiển cận lắm nếu không muốn nói là hèn nữa. Chồng em mới mất chưa đầy nửa năm mà anh ấy cứ đến tán tỉnh đòi "vượt qua tình bạn". Em ngăn anh ấy không được mà vợ con anh ta sờ sờ ra đấy. Cuối cùng em phải cảnh cáo anh ấy bằng cách nửa đùa nửa thật hơi bỗ bã trong buổi giao ban khi anh ta bỡn cợt, rằng :" Bệnh viện của chúng ta không phải là một ổ ăn cắp và một cái chuồng dê". Thay vì phải tìm cách xin lỗi, anh ấy bắt đầu tỏ ra hằn học, giận em. Vợ anh ấy biết chuyện đến cảm ơn em. Mấy hôm sau có tin vợ chồng anh ấy đánh nhau, chị ấy vác đòn gánh đập dồn chồng mình phải chui vào gầm giường kêu cứu...
Khi người ta "có vấn đề" với nhau thì thường thống kê mọi tật xấu của nhau. Thu kể về việc nói tiếng tây của bác sĩ Mẫn như một câu chuyện hài hước vậy :
- Mấy năm trước nhiều người tưởng ông Mẫn giỏi ngoại ngữ. Là phó giám đốc nên thỉnh thoảng đơn vị này nọ mời đi nói chuyện. Đôi lúc trong bài phát biểu ông ấy lại gài vào tên vài loại thuốc, vài tiếng la-tinh. Người nghe, nhất là người ngoài ngành, tưởng ông phải sành ngoại ngữ lắm. Bàn làm việc của ông luôn có một cuốn từ điển dày cộp. Đùng một cái có chương trình viện trợ của SIDA cho y tế, người nước ngoài vào nhiều lắm. Họ nói toàn tiếng Anh. Trừ phiên dịch ra, cả cơ quan chỉ còn trông cậy vào vốn tiếng tây của ông Mẫn. Ai ngờ ông ấy chả biết chữ nào. Ông ấy bảo trước đây chỉ nghiên cứu tiếng Pháp. Chừng hơn một năm sau thì tổ chức y tế không biên giới vào hỗ trợ Việt Nam. Các bác sĩ, kỹ sư của tổ chức này chủ yếu là người Pháp. Đến lúc ấy thì mọi người lại đổ xô đi tìm bác sĩ Mẫn để thông ngôn. Lần nào bác sĩ phó giám đốc cũng kiếm cớ bận để né tránh. Cuối cùng thì tình huống phải giáp mặt cũng không tránh khỏi. Cô bác sĩ người Pháp là He -Len nói được chút tiếng Việt xộc thẳng vào có việc cần gặp phó-giám-đốc-Mẫn. Bác sĩ Mẫn mù tịt chẳng biết một tiếng nào. Và cuộc đối thoại ấy được tiến hành chủ yếu bằng tay và chút vốn tiếng Việt bập bẹ mới học của bác sĩ He-Len. Từ đó thần tượng tiếng tây của bác sĩ Mẫn mới sụp đổ trong lòng mọi người và cuốn từ điển dày cộp trang trí trên bàn làm việc của bác sĩ phó giám đốc tự nhiên biến mất.
Bác sĩ Thu hóm hỉnh kể tiếp:" Ngày còn học với nhau ở trường Đại học y khoa, anh Mẫn từ y sĩ học lên theo hệ đào tạo chuyên tu còn em học hệ chính quy. Chúng em biết rõ và cảm thông lắm chứ, dốt như chuyên tu ngu như hàm thụ anh còn lạ gì nữa. Ba năm chuyên tu chỉ học với thi đã vỡ mật còn đâu thì giờ mà học ngoại ngữ. Thế nên mới đây việc tổ chức học ngoại ngữ, dạy tiếng Anh cho cán bộ lãnh đạo, bác sĩ Mẫn không "sĩ" được nữa đã cắp sách đi học buổi tối. Anh học từ bài đầu tiên, suốt ngày dài mồm ra đọc Ây-Bi-Xi... Gần hết chương trình A thì không học nổi phải bỏ. Ấy vậy mà hôm vừa rồi được cử làm trưởng đoàn ra Hải Ninh kiểm tra các doanh nghiệp hành nghề y dược, bác sĩ Mẫn lại đem cái vốn tiếng Anh ra loè làm cho mấy tay thầy thuốc người Tầu sợ mất vía. Chả là mấy ông thầy lang bên Tầu sang bán thuốc ở chợ Móng Cái mới thuê người Việt viết cho biển quảng cáo, chỗ thì viết "bác sĩ", chỗ thì "phó tiến sĩ Trần Vân"v.v... Bác sĩ Mẫn lập luận rằng đã học đại học hoặc sau đại học thì phải học ngoại ngữ tiếng Anh(!). Tôi dùng tiếng Anh để kiểm tra kiến thức của họ. Thế cho nên gặp lão thầy lang nào bác sĩ Mẫn cũng mở đầu một câu mà bất cứ thằng trẻ ranh nào khi học tiếng Anh cũng thuộc làu, đại loại như How are you ? (Anh có khoẻ không?) hoặc What's your Job ? (Anh làm nghề gì?). Trông thấy ông trưởng đoàn phương phi, bệ vệ tay xách cặp dẫn đầu đoàn tuỳ tùng đến hỏi mấy lão thầy lang buôn bán bất hợp pháp đã sợ bỏ mẹ đi rồi còn hồn vía nào mà nghĩ đến tiếng Anh với tiếng em. Họ cuống lên xin xỏ, vái lấy vái để. Được thể bác sĩ Mẫn ra oai cho mấy chú đàn em hạ biển quảng cáo xuống và kết luận đây là bọn bịp bợm, giả danh thầy thuốc để lừa dân ta. Bọn lưu manh giả danh trí thức, nó làm sao lừa được tôi, người đã kinh qua bao nhiêu năm làm công tác giảng dạy...
Tôi vui vẻ doạ đùa bác sĩ Thu :
- Cô dám nói thế mà không sợ lãnh đạo à ?
- Em tôn trọng sếp thì có, còn sợ thì không. Có đôi lần sếp dốt chuyên môn nhưng lại lạm dụng chuyên môn khi xun xoe với cấp trên nên rất sợ bọn em chỉ ra đúng huyệt.
- Mỗi người học một chuyên khoa sâu khác nhau, tôi tưởng ai biết việc của người ấy thoi chứ !
- Tất nhiên là như vậy nên mới có các cuộc hội chẩn. Nhưng đằng này nó xảy ra thông thường lắm chứ có chuyên sâu, chuyên xa gì. Chẳng hạn như có hôm một bác lãnh đạo tỉnh bị va quệt xe máy, đụng dập phần mềm một chút thôi phải vào viện kiểm tra. Ông Mẫn làm công tác quản lý suốt đời khám bệnh cho ai bao giờ đâu. Thế mà hôm ấy ông ta giật vội chiếc áo Bờ-lu khoác vào, đeo chiếc ống nghe lăng xăng gạt hết người này người nọ ra để đến khám cho bác lãnh đạo tỉnh. Buồn cười là vết thương ở phần mềm bắp chân mà ông Mẫn cứ nghe mãi tim, phổi và bày tỏ sự lo lắng nhiều đến khả năng "chấn thương sọ não" (!). Một ngày sau bác lãnh đạo tỉnh ra viện thì chiếc áo Bờ-lu trắng toát của bác sĩ Mẫn (lâu lắm mới được sử dụng) trở lại chiếc giá mắc áo vốn sinh ra sẵn chỉ để khoác chiếc áo ấy thôi.
(Còn tiếp)