Hai tản văn của Đinh Tú Anh (Quảng Ninh)

NHÚT MÍT

Ăn tết xong, ra giêng cứ tầm độ tháng 2, tháng 3 âm lịch là mùa mít non. Quê tôi, lúc này những trái mít non tơ, mơn mởn treo lủng lẳng trên cành trông thật vui mắt. Đó là những cây mít bình thường. Còn những cây mít được chăm bón tốt, quả mít xếp ken đầy từ gốc tới ngọn, phải đến hàng trăm quả. Mà chăm bón cũng chẳng vất vả gì cho cam. Chỉ là, đến hạ, ao nhà cạn, vét bùn, đào đất đáy ao đắp lên gốc mít, mỗi năm một lần, xong!

Nhà tôi không có ao. Nhưng trước cửa nhà là con bàu chạy dài suốt dọc xã tôi và sang cả một phần đất xã Sơn Thịnh bên cạnh, những mấy cây số. Đất đáy bàu thì cũng như đất đáy ao, tốt lắm! Không những mít mà các cây cối, hoa màu nhà tôi nhờ đó mà năm nào cũng bội thu.

Đang nói chuyện mít non. Mít non tùy từng độ non mà được làm thành những món ăn dân dã khác nhau. Mít non luộc. Mít non xào. Mít non nấu canh. Nhút mít.

Mít non dùng để luộc, xào hay nấu canh là loại mít đã thành hình xơ, múi, hạt. Tuy nhiên, vỏ hạt phải chưa được cứng, quê tôi gọi là chưa có vỏ dam. Vì vỏ con dam, tức con cua, nó cứng như vỏ hạt mít vậy. Người ta gọt vỏ trái mít, làm sạch nhựa. Luộc thì thái miếng hơi hơi to, hơi hơi dày một chút. Mít luộc chấm muối vừng, ăn với cơm, cũng có thể ăn thay cơm, no thôi! Xào thì tách mít theo chiều xơ mít, vừa ăn. Nấu canh thì băm rồi gọt như người ta băm gọt bí nấu canh. Mít xào, mít nấu canh thường được cho thêm lạc nhân giã dối, chưa rang, tăng độ béo ngậy và thêm mùi thơm, rất hợp. Khi chế biến mít, người ta thường để chậu nước, vừa chế biến vừa ngâm mít vào đó, tránh nhựa mít ra làm đen mít, mất chất và mất mĩ quan.

Canh mít non cực kỳ lợi sữa. Kinh nghiệm dân gian này ở quê tôi các bà, các mẹ ai ai cũng thừa nhận. Thường những người mới sinh con hay đang nuôi con mọn, người ta nấu canh kết hợp mít non và móng giò, hai thứ đều lợi sữa, đều dễ kiếm. Ngon, ngậy thôi rồi!

Luộc, xào, nấu canh mít non cứ về quê đúng mùa, yêu cầu người thân làm cho là có. Nhưng nhút mít thì bây giờ không dễ. Người quê giờ ít làm tương, cà, dưa, nhút dự trữ quanh năm. Bởi không còn đói kém nữa, cần gì dự trữ đồ ăn. Nhiều lần về quê hỏi tương chỉ có tương bần ngoài Bắc đưa vào, hỏi dưa cà chỉ có dưa cà muối xổi, hỏi nhút thì chịu, không có.

Nhớ khi xưa, mít mắt mèo, tức mít non gọt ra, múi, xơ, hạt chỉ mới khoanh khoanh tròn tròn như mắt mèo chứ chưa rõ rệt gì cả, băm nhỏ, thái sợi cho vào vại, thêm gia vị, muối như muối dưa, ăn đưa cơm lắm, mà thèm!

May quá, sáng nay, ở Hà Nội, vợ xuống siêu thị tầng hầm ngay trong chung cư mua được một lọ nhút mít nho nhỏ, ghi là “nhút mít Thanh Chương”. “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” thì quá ư là nổi tiếng rồi. Bèn trổ tài, bỏ ra chia hai món, nửa để vậy, nửa xào.

Các con vừa ăn vừa bảo: “Nhút đây hả bố! Ngon thế này hả bố!”, mắt rưng rưng mà trào dâng một nỗi nhớ thương quê da diết.

24/02/2019

TRU BẦY

Thời tôi còn bé, quê tôi nông dân nhà nào cũng có vài ba con tru (trâu-tiếng địa phương xứ Nghệ) lớn bé. Mà cả xóm, cả xã mấy nhà không nông dân. Ngoại trừ, lác đác một vài gia đình giáo viên, bộ đội phục viên và dăm bảy nhà loanh quanh xóm chợ hàng xáo hàng xén không tính. Nhưng giáo viên, bộ đội phục viên, hàng xáo hàng xén cũng ối nhà nuôi trâu. Bởi, bằng cách này hay cách khác, tuy không phải nông dân xịn nhưng hiếm nhà ai không có vài mảnh ruộng, không cày bừa cấy hái trồng màu trồng khoai?

Tục lệ tru bầy không biết hình thành nên từ đời nảo đời nào. Chỉ biết, khi tôi được sinh ra là đã thấy có tru bầy.

Tru bầy tức là chăn trâu tập thể. Một nhà chăn trâu cho cả xóm. Mỗi nhà một ngày cứ thế luân phiên. Bắt đầu từ nhà đầu xóm, lần lượt cho đến hết nhà cuối xóm thì xoay vòng lại. Cứ vậy năm này qua năm khác, đời này qua đời khác không thôi.

Tru bầy không kén người chăn. Già, trẻ, lớn, bé, gái, trai, khôn, dại đều được. Lũ trẻ chúng tôi tầm khoảng lên năm, lên sáu tuổi là đã có thể đảm đương nhiệm vụ tru bầy. Có gì đâu, khoảng tám rưỡi chín giờ sáng nghe nhà ông đội trưởng sản xuất xóm gõ kẻng hoặc đánh trống là các nhà mở cửa ràn. Quê tôi chuồng trâu gọi là ràn. Nhà nọ nhà kia ới nhau: “Vơ O Mành mở cửa ràn tề!” Đại loại vậy. Thế là trâu các nhà cứ lững thững tự giác đi ra đường cái, nhập bầy, nhập bọn. Người đi chăn chỉ việc cầm một cành tre khô nho nhỏ làm roi, đội chiếc nón tơi đi theo sau. Những nhà đang cày bừa dưới ruộng thấy bầy trâu đi qua cũng mở cày mở bừa, tháo ách cho trâu nhà mình cùng nhập bầy, nhập bọn.

Thời đó chưa có thôn Thiên Nhẫn như bây giờ. Những khoảng bình địa, những đồi núi không tên thâm thấp dưới chân dãy núi Thiên Nhẫn đang bỏ hoang, cỏ xâm xấp mặt đất đồi cuội sỏi. Thế là tru bầy tự dẫn nhau lên đó. Trâu mỗi xóm một khoảnh. Cũng có khi trâu xóm nọ chập một vào trâu xóm kia. Mặc kệ! Bọn trẻ trâu các xóm thì tụ tập chơi với nhau. Nếu người chăn không phải là trẻ trâu thì tranh thủ cắt gánh cỏ hoặc gánh củi để đến chiều lùa trâu về thì gánh về.

Tru bầy có thói quen rất "bầy". Ấy là đi nặng tập thể. Thường sau khi nhập bầy, chưa kịp ra khỏi xóm, đến một quãng nào đấy, thế là, tất cả đều cùng giương đuôi, alê trút! Cũng khổ những nhà có cổng nhà ở đoạn này, rất bẩn. Nhưng được cái, những nhà này lại tranh thủ hót được nhiều phân nhất, để bón vườn, bón ruộng. Không như những nhà khác, phải quảy gánh mang xẻng đến đây, đứng sẵn chờ bầy trâu đi qua.

Tru bầy khoảng tầm hai rưỡi ba giờ chiều là về. Đến đầu làng, trâu xóm nào tự về xóm nấy, trâu nhà nào tự về nhà nấy. Nhiều nhà còn đẽo mõ đeo vào cổ trâu cho trâu đi kêu lóc cóc nghe rất vui tai. Đến nhà, cửa ràn mở sẵn từ hồi sáng, trâu tự động chui vào, nằm rất trật tự chờ chủ nhà ra đóng cửa ràn.

Nhớ các đêm mùa đông xưa, chúng tôi thường chui vào đống rơm trên chạn ràn ngủ cho ấm bởi trong nhà thiếu chăn, rét lắm! Đêm nằm nghe lũ trâu nhai nhồm nhoàm, bảo nhau, chúng đang suy tính sắp đặt công việc cho ngày mai đấy!

Mấy đợt về quê quên hỏi xem bây giờ còn có tru bầy nữa không mà đường làng, ngõ xóm sạch tinh? Chắc còn, vì bữa trước trong năm trên phây thấy ai đó pót lên hình ảnh liên hoan tổng kết hiệp hội tru bầy, nhỉ?

18/02/2019