Rác thải nhựa ở thị trấn cửa biển
Truyện ngắn của Đào Đức Trang
Vài tháng cách đây, khi trên TV người ta giảng giải cách phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ để riêng cho công nhân vệ sinh môi trường thu gom, Mai vớ ngay cái điều khiển chuyển kênh khác. Ông nội hỏi tại sao, cô bé thưa ở trường được thày giáo nói nhiều rồi, giờ không muốn nghe nữa!
Kênh chuyển đến là hình ảnh một miền ven biển. Ông nội bảo cảnh đó giống hệt sinh hoạt cư dân quê Mai cách đây hơn vài chục năm, khi bố chỉ ngang tuổi cô bé:
Bình yên dân Biển thảnh thơi,
Già ngồi đan lưới, trẻ chơi đua diều...
Cá về, vợ đón chồng yêu.
Thuyền vui nhộn nhịp bến chiều: lưới phơi!
Ông nội còn kể cả câu chuyện về một lần đi biển cùng với bố bất ngờ gặp cơn giông lớn. Thuyền nghiêng ngả dễ bị sóng to nuốt chửng, sức người không thể chống lại được. Ông đành buông xuôi, phó mặc số phận cho thiên tai. Ngay lúc đó, một đàn Cá Heo ( mà ông nội gọi là Cá Ông ) xuất hiện cứu giúp, giữ thăng bằng cho thuyền... tận khi tan cơn giông mới bỏ đi. Ông nội và bố vẫn kịp vái lạy rồi biếu Gia Đình Cá Heo tất cả số cá đánh được để tỏ lòng biết ơn!
Quê Mai từ lúc cô bé chào đời không còn giống như những điều ông kể: Rừng ngập mặn bát ngát thời của ông đã được san phẳng để làm Khu công nghiệp. Bờ biển trước cửa làng được chia ra từng địa phận để làm Cảng và làm Khu Du lịch. Thôn xóm được mở rộng đường làng, rải nhựa để ô tô, xe tải đi lại dễ dàng. Nhà mặt đường thành khách sạn,cửa hàng, xưởng nhỏ. Người ở trong ngõ ( như nhà Mai ) đi làm công nhân, nhân viên cho các ông chủ tư nhân hoặc bán hàng dong dọc bãi tắm. Bố cô bé ( hồi nhỏ đi đánh cá cùng ông nội ) lớn lên cũng là công nhân cho xưởng nhôm kính gần nhà. Cô bé cứ thế lớn lên cùng với sự phát triển chóng mặt của sự đô thị hóa Làng Chài. Hàng ngày, đồ tiêu dùng của Mai ( và cả làng ) gần trăm phần trăm có dính tới nhựa công nghiệp: Sáng đi học ăn xôi từ hộp nhựa, hoặc ăn mì từ túi nilon đổ ra nấu lên, chai nước cầm theo đến trường bằng nhựa cứng trong suốt... đến mỗi lần tắm xong, que tăm bông ngoáy tai cũng bằng nhựa! Lần đầu được người lớn nhắc nhở, cô bé dùng xong đồ nhựa là giữ lại đợi gặp thùng rác mới bỏ vào. Năm nay Mai lớp Bốn, cô bé có tới hơn ba năm để nghe và xem người ta thực hiện lời nói với rác thải nhựa nên bây giờ thấy chán: Nói là rác nhựa chậm phân hủy lại muôn hình vạn dạng, nếu không được con người quan tâm thu gom xử lí sẽ gây tác hại cho cả trái đất này, nhưng Mai thấy hầu như chẳng mấy ai thực hiện cả! Ở dải cát bờ biển Khu Du lịch và cả đường phường ngõ phố đâu đâu cũng thấy rác thải nhựa gồm đủ thứ: túi nilon, vỏ chai, hộp xốp... vứt bừa bãi không kịp thu gom. Cô bé ( và mọi người ) dần dần quen với khung cảnh đó, thậm chí còn có cảm giác chúng vô hại với cộng đồng vì không thấy ruồi bâu kiến đậu như rác thải hữu cơ. Cảm giác này khiến cho những lời nhắc nhở ở nhà trường, trên đài, báo, TV về hiểm họa rác thải nhựa không có tác dụng với đa số trong cộng đồng. Mai và bố ở trong đa số đó: Họ vứt ngay vỏ gói bánh, túi đựng xôi, vỏ chai nước uống xuống đường sau khi dùng ( mà không cần nhìn trước ngó sau ). Những lúc như vậy mà ông nội cô bé thấy được, vẻ buồn thoáng hiện trên đôi mắt dù ông không nói gì. Có lần Mai cùng ông nội tắm biển quê mình: Cuối bãi là hằng hà sa số rác thải nhựa dạt vào theo chiều gió và ở đó chẳng một bóng người. Tất cả tắm ở đầu bãi, vậy mà đang bơi vẫn chạm phải khi là cái nắp chai, khi là mảnh vỏ hộp nhựa. Ông nội đứng lặng yên, tay che ánh nắng, nheo mắt hướng về vệt rác cuối bãi rồi quay ra nhìn khắp biển cả mênh mông, lắc đầu rầu rĩ. Mai hỏi tại sao, ông cất giọng ồm ồm đọc mấy vần tự làm thay cho câu trả lời:
Quê nay chịu những thăng trầm
Trong một thế giới ấm dần từng giây.
Biển dâng lấn đất mỗi ngày,
Đại dương ô nhiễm, bão nay khôn lường!
Hôm đầu tuần này, Mai và lũ bạn vừa tan học đã chạy ùa tới đám đông hàng trăm người ở cuối bãi mà trước đó chẳng ai tắm vì tràn ngập rác thải nhựa. Chúng nhỏ bé nên chen ngang lách dọc, vào được tận sát hiện trường, xem các nhân viên ngành chức năng đang tiến hành mổ một con cá voi khổng lồ: Mai sởn da gà khi người ta moi ra từ trong dạ dày và ruột nó toàn là rác thải nhựa. Nó bội thực và chết là kết luận mà họ công bố! Hôm sau, cô bé và bạn mình lại được tận mắt nhìn thấy một Ông Cá Heo bị vòng nắp chai nhựa thít chặt mồm, không thể săn mồi và chịu chết đói, dạt vào bờ. Người ta đem Ông Cá vào trạm cứu hộ đợi lệnh để mai táng theo nghi lễ truyền thống Làng Chài xưa!
Mấy ngày liền Mai ăn không ngon và ngủ mơ thấy những cảnh đáng sợ: Ông Cá Heo bị người ta thít mồm chính là ân nhân đã cứu ông nội và bố trong cơn giông năm xưa. Con cá voi bội thực, chết vì vỏ gói bánh, túi đựng xôi, vỏ chai của bố con cô bé vứt bừa bãi. Ở lớp, Mai và các bạn mình thì thầm về sự việc được chứng kiến. Dù chỉ đang học lớp Bốn, giờ đây chúng không còn cảm giác rác thải nhựa là vô hại đối với cộng đồng nữa...
Lời người kể chuyện: Hôm nay biển lặng, nắng gió chan hòa. Cư dân Làng Chài năm xưa, nay là Thị Trấn Cửa Biển nhất loạt ra quân thu gom rác thải nhựa. Dọc bãi biển rất đông người dân địa phương xen lẫn cả khách du lịch đang hối hả lao động. Ông nội và bố của Mai trong nhóm dùng cào đánh đống rác đợi xe tải đến chở. Mai và các bạn lớp Bốn thì phát tờ rơi với nội dung nói về tác hại của rác thải nhựa và cách thức thu gom chúng cho khách du lịch trên bãi tắm với lời kêu gọi:
Cầu mong nhân loại chung tình:
Đại dương giữ sạch, thái bình làm ăn!
Vừa đưa tờ rơi cho mọi người, cô bé vừa tủm tỉm cười... Người kể chuyện cam đoan rằng Mai đang cười chính mình cách đây vài tháng đã không chịu chấp nhận nội dung này khi trên TV người ta đề cập./.
( Viết tại thị trấn ven biển 28/4/2019 )
Đ Đ T