Về đi em, hoa gạo tàn rồi-Tản văn của Vũ Thị Minh Huyền (Hà Nội)

Gió đông buồn thổi réo rắt từng hồi trên những vạt cỏ xơ xác, sắc xanh không còn đủ, những nhánh cỏ uốn lượn như cố trốn cái lạnh của mùa xuân dập dìu xoắn quện vào nhau, như trốn tìm, như né tránh, như không thể đối diện với thực tại, như giả vờ, như hờn trách không muốn đối mặt. Nước sông lững lờ trôi, phản chiếu ánh sáng le lói, mờ đục, sắc xanh đẫm màu buồn ở phía xa xa. Từng đợt mưa phùn phất phới hắt ngang hắt dọc đập vào mắt, đập vào mặt gợi nên những cơn đau buốt lạnh. Cũng trên con đường ấy, cũng ngày này năm ấy, em ra đi, hai cây gạo đầu làng với sắc đỏ của những nụ hoa trải đầy mặt đường đưa tiễn như báo hiệu về một tương lai rực rỡ, về một sự ngóng chờ của những người ở lại trong đó có anh. Một nhành hoa gạo chỉ chực ngóng, chực chờ tiếng cười, ánh mắt mỗi khi được cầm trên tay bông hoa gạo cuối mùa rụng rơi trong cơn gió, chỉ là em chẳng đoái hoài, em chẳng để tâm, em chẳng suy nghĩ đến những gì xung quanh, đến những tình cảm có thể là bồng bột của tuổi trẻ, của những người con trai quê chân chất, mộc mạc như cánh hoa gạo kia đỏ rực rỡ nhưng không mềm mại, chẳng ngạt ngào hương cũng chẳng nở đúng mùa. Trời miền Bắc có bốn mùa, mùa nào cũng rực rỡ, mùa nào cũng đẹp nhưng mùa xuân với cái rét nàng Bân, mưa phùn tầm tã, hoa đỏ lại nở, có phải trái mùa hay chỉ là sự phản chiếu một tấm lòng đơn giản những suy nghĩ giản đơn, cứ đến mùa này sẽ nở, đầu hè sẽ tàn, nhường chỗ cho những loài hoa khác khoe sắc, khoe hương. Người con trai quê vẫn thế, chỉ có tấm lòng, hai cây gạo vẫn vậy, chỉ có những cành, những lá xòe rộng ra, hướng lên trên bầu trời như chờ như đón, như mong như đợi một người. Về đi em hoa gạo tàn rồi.

Oe oe, từng tràng khóc vang lên báo hiệu nhà bên vừa mới có em bé. Chạy vội qua, nhìn qua cửa sổ thấy cảnh tượng người ra vào nhộn nhịp, chăm chú, miệng không ngớt những lời hỏi han về đứa bé vừa chào đời. Đôi mắt cô bé nhắm tịt, cánh mũi hồng căng, phập phồng theo nhịp thở, đôi môi chem chép thi thoảng lại lệch qua một bên làm cái miệng hơi méo trông đáng yêu làm sao. Làn da trắng ngần từ đầu đến chân. Đôi bàn tay với những ngón dài nắm chặt, đôi bàn chân thon huơ đi huơ lại như chới với. Mọi người nói chắc sẽ đẹp, chắc sẽ xinh và có lẽ sẽ luôn mỉm cười tươi vui. Thấy em bé đẹp, tôi cứ muốn sang chơi. Hai chúng tôi biết nhau từ đó.

Hai đứa chơi với nhau từ sáng đến chiều, mà có lẽ không có bố mẹ gọi thì cũng chẳng buồn về. Hai đứa cùng lớn lên theo mỗi mùa hoa nở với những trò chơi của tuổi thơ ngập tràn tiếng cười, niềm vui và niềm hạnh phúc nho nhỏ. Mỗi lần hoa gạo rụng xuống, những đứa trẻ trong xóm đều tranh nhau nhặt lấy sớm nhất, nhanh nhất, thức cả trưa, thức cả ngày để chờ hoa rụng, để nhặt và tách những cánh hoa xếp thành những tấm thảm dầy và mềm, kết thành những chiếc ghế mà khi ngồi lên đó rất mềm và êm. Các cụ bảo ai mà ngồi được trên chiếc ghế ấy, ngày nào cũng ngồi suốt mùa hoa gạo sau này sẽ vinh hiển, sống sung sướng, làm quan, làm chức to, cả họ được nhờ. Chẳng biết có đúng hay không, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi chỉ biết tranh nhau, chỉ biết giành nhau từng cánh hoa gạo đỏ dầy, chăm chỉ kết thành cái nệm của riêng mình. Em thì còn bé không tranh được, không giành được, chỉ phải ngồi một chỗ canh cái giỏ hoa cười đùa cổ vũ. Những tiếng cười hồn nhiên ấy bây giờ vẫn văng vẳng bên tai day dứt. Trong mỗi bông hoa gạo là những sợi tơ ngắn không thể dệt thành sợi được nhưng các cụ nói đó là tơ của trời, ban đêm sa xuống nhân gian, chui vào hoa gạo nghỉ chân không bay về trời được. Những sợi tơ nhỏ có thể gom lại để nhồi những chiếc gối nhỏ xinh đặt trên giường của những cô công chúa, búp bê đáng yêu. Vì những chiếc gối này mà các bạn gái cứ thích giành nhau từng bông, từng bông hoa gạo để làm những chiếc gối, ai càng có nhiều thì người đó càng hãnh diện được khoe với bạn bè.

Cành gạo có cành gần, cành xa nhưng chẳng bao giờ có ai chặt cành hoa gạo. Cành nó mềm lắm, rất dễ níu, dễ bẻ. Gỗ gạo xốp, mềm, tuy cây to nhưng chẳng thể làm đồ gia dụng được nhưng than của nó thì tuyệt vời, cháy đượm, dai và mùi rất thơm. Vì vậy, được lũ con trai chúng tôi giành nhau từng cành, từng cành mỗi khi rơi xuống, gom lại đến mùa thu, lấy ra ủ thành than, nghiền nhỏ làm pháo bông. Từng gói than nhỏ được gói trong những bọc giấy hình tròn, hai phần ba được bọc với tay nắm bằng đất sét, sau đó được phơi khô cả quả pháo, khô thật khô, khô đến mức phải phơi cả tuần, rồi được bỏ vào túi ni lông tránh ẩm, đợi đến đêm trăng tàn đứng trên gò đất cao, mồi qua lửa những viên pháo bông gói bằng than cây gạo cháy đượm một phần ba, sau đó được ném lên trời theo hình vòng cung. Ai ném được xa, quả nào cháy đượm tóe ra một vệt lửa dài là người đó cảm thấy rất hạnh phúc, vui sướng, hãnh diện. Bọn con gái trong đó có em chỉ biết đứng nhìn hò reo, tán thưởng và không quên nở những nụ cười thật tươi cổ vũ. Những đứa trẻ quê tôi lớn lên với những trò chơi bên cây gạo, hưởng một ít lộc trời, nhiều người ra đi mang theo những niềm vui nho nhỏ, những kỷ niệm bọ xít để làm hành trang, để lưu những kỷ niệm mỗi khi nhớ về, quê cũ chắc chẳng có ai không nhớ về mấy cây gạo đầu làng và một sự thật hiển nhiên chúng vẫn đứng đấy báo hiệu cho mỗi người dân quê từ xa nhìn về, nhìn thấy những cây gạo là đã cảm thấy, sắp về quê rồi, về với làng rồi, về với xóm rồi. Một sự bình yên chỉ những người có quê mới hiểu.

Lớn lên đi học, học xa học gần, học xong cả đại học tôi vẫn muốn về quê, về với xóm làng, về với ruộng đồng, về quê công tác, phục vụ bà con. Cái kiểu suy nghĩ theo lối mòn ấy chắc ít người tiêu hóa được. Khéo có người bảo mình gàn, mình dở. Nhưng mọi người cũng nên hiểu tôi yêu quê, sống xa quê là không sao chịu được. Quê có đất đai, ruộng vườn của ông bà cha mẹ, xã hội thay đổi rồi, làm gì mà chả sống được, mình có ruộng có vườn, có đôi bàn tay lao động, giàu thì không nói nhưng để sống thoải mái thì hết sức bình thường. Về quê được một năm thì em lên đại học, tiễn em đi để lại những nỗi nhớ xao lòng. Ngày em tốt nghiệp, cả nhà ra đón, ngóng từ trưa đến chiều, chờ mòn mỏi dưới tán cây gạo đến tận khi nắng không còn chiếu mới thấy bóng em về. Em vẫn vậy, vẫn vui tươi, hồn nhiên và rất hay cười, tâm sự không ngớt về quãng đời sinh viên với tỷ chuyện vui buồn lẫn lộn. Mọi người chỉ biết ngồi nghe và sẻ chia được phần nhỏ, bỏ vào trong những sự ngưỡng mộ, thèm thuồng về một cuộc sống sinh viên sôi động nơi thị thành phồn hoa, hào nhoáng. Tôi với em vẫn ngồi tâm sự, trao đổi bình thường về tất cả những vấn đề của cuộc sống, những chuyện quá khứ, những dự định tương lai. Em nói sẽ đi làm, sẽ đi kiếm tiền và sẽ sống ở một nơi xa lắm, tôi buồn đến mức tim như thắt lại, chẳng nhớ nổi em nói những gì sau đó.

Ngày em ra đi, mang theo cả bầu trời hoa gạo, sắc đỏ nhạt nhòa không còn phủ trên những cánh hoa. Nhưng phía trước là tương lai, là cả chân trời hy vọng. Phía sau chỉ là làng quê, phía sau chỉ là kỷ niệm, phía sau chỉ là những gì hiển nhiên, những gì sẵn có, không mới lạ, không bóng bẩy, cũng chẳng ngọt ngào khoe sắc, đa hương. Nơi đó cũng chỉ còn người bạn - người anh chân chất, thật thà.

Nước sông từng đợt len lỏi qua những đợt rong mềm mại, từng đàn cá vẫn tung tăng uốn lượn, nhởn nhơ, thong dong, bình thản, hai cây gạo vẫn thả bóng khẳng khiu vào mặt nước xanh trong. Mùa xuân, mùa của những hy vọng mới. Hy vọng về một tương lai, hy vọng về một hạnh phúc mà tôi và em là đôi nhân vật chính. Làng quê với những cánh đồng xa tít tắp, với những con sông dài mềm mại ôm dòng nước mát dịu dàng lan tỏa đến từng thửa ruộng, bờ ao. Từng đợt gió mùa vẫn rì rào, thổi vắt qua con đê dài ngoằn ngoèo. Hai cây gạo đứng đó với những chồi xanh mới nhú, đâu đó còn sót lại một vài bông hoa nhỏ, cuối mùa nở muộn, như cố níu giữ, như cố níu kéo mùa xuân. Từ xa đến gần, đâu cũng là quê hương, đâu cũng là những cảnh vật thân quen gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với niềm nhớ.

Dù sao anh vẫn chờ, vẫn đợi, tấm lòng chỉ như bông hoa gạo kia đỏ thắm màu chờ, năm cánh hoa đều dầy mọng, lớp vỏ ngoài thô ráp, cứng cỏi có thể che chở cho những sợi tơ trời khỏi nắng, khỏi gió. Những bông hoa ấy cứ đến mùa lại nở rực rỡ, nhưng với tôi mỗi tháng, mỗi ngày đều là những chờ đợi, chờ em về, đợi em về, về đi em hoa gạo tàn rồi.

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2019

Tác giả bài viết: TS. Vũ Thị Minh Huyền.

Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam