Gió không từ trời-Truyện ngắn của Phan Thái (Thái Nguyên)
Nếu mẹ tôi không đáo về nhắc trẩy hộ bà buồng cau, chắc tôi không biết chuyện ấy. Vừa bắc thang trèo lên hàng rào gạch cao lút đầu người, một tiếng nói yếu ớt vọng đến tai tôi: “Ông ơi!...Khát…”. Tôi bám buồng cau nhìn xuống: Trong chái bếp nhà hàng xóm, một mái tóc xơ xác với khuôn mặt già nua nhô ra qua ô cửa sổ nhỏ. Tôi giật mình, thì ra là mẹ của ông Chỉnh, nghe nói ông mới được bầu giữ chức chủ tịch huyện. Phía ngôi nhà chính của ông, phông bạt căng kín mít, tiếng loa đài phát nhạc thì thùng. Suốt từ chiều qua tới hôm nay, ông mời bà con trong làng và các chiến hữu về nhà dự bữa cơm thân mật. Chả rõ “bữa cơm thân mật” mang thiện ý gì, nhưng ai cũng bảo cỗ nhà ông to lắm, cỗ cưới của làng thua xa, lại những trên hai trăm mâm…
Xếp vội buồng cau vào giỏ, tôi lấy chai nước leo qua tường rào đưa cho cụ. Như khát lắm, bà cụ cầm chai nước ngửa cổ uống một hơi liền và tỏ vẻ biết ơn. “Cụ ơi! Cháu là thằng Vũ, con nhà Đản”. Cụ ngước đôi mắt mờ đục, nhìn tôi chằm chặp rồi rưng rưng: “Vũ đấy hả con? Cụ mắt kém, chả nhìn rõ mặt ai….- Rồi nét mặt cụ ánh lên vẻ tự hào: - Hôm nay thằng Chỉnh nó khao quan… Cụ lẩm cẩm rồi, ngồi ở đây cũng phải”. Tôi chơt cảm thấy áy náy vì từ ngày ông Chỉnh xây hàng rào, cổng sắt luôn đóng im ỉm và thả rông mấy con chó lai to như chú bê con, tôi ít vào chơi.
Tiếng cười nói rổn rảng, tiếng xe ô tô bấm còi liên tục. Chắc hôm nay mới là buổi tiếp khách xa lên xe cộ đậu chật kín thửa ruộng ngô trước nhà mới được chặt bỏ, khác hẳn vẻ khiêm nhường bữa cỗ chiều qua chỉ toàn bà con trong làng. Nhìn vẻ mặt khắc khổ già nua, tôi buột miệng: ‘Cụ có đói không ạ?” Cụ liếc về phía tiếng mâm bát xô nhau loảng xoảng: “Cụ cũng không thấy đói...” Chợt nhớ mình mới mua cho mẹ mấy cặp bánh giò vẫn để trên nóc chạm, tôi bám cành ổi vượt tường rào về lấy và bóc cho cụ ăn. Không rõ ông Chỉnh và con cháu có mang cơm nước cho cụ không, nhưng dường như cụ đang đói. Vừa ăn, cụ vừa kể cho tôi nghe lẫn lộn đủ thứ chuyện không đầu không cuối, bởi chẳng còn minh mẫn như dạo tôi còn là cậu học trò làng. Trong lời kể, tôi nhận thấy cụ luôn tỏ ra tự hào về Chỉnh, người con trai duy nhất của mình. Cụ bảo bất đắc dĩ lắm con cụ mới đưa cụ xuống đây. Gần trăm tuổi rồi, chả biết sống nay chết mai, khách con toàn người sang, cụ người ngợm hôi hám bẩn thỉu, lẩn thẩn trong nhà chỉ tổ làm mất mặt con, chi bằng ở đây cho nó rảnh. Tôi không nghĩ ông Chỉnh quên mẹ, nhưng có lẽ vì mải tiếp khách nên thiếu người chăm nom..
Tôi không biết từ khi nào ông Chỉnh cho xây gạch bịt kín chái bếp. Ngày tôi còn bé, nhà cửa vườn tược hai gia đình thông thống, tôi cùng bọn trẻ con lau nhau nghịch ngợm không từ xó xỉnh nào. Căn nhà ngang của cụ quay lưng sang nhà tôi. Chái bếp là nơi đặt chiếc cối giã gạo, nghe nói có từ đời cụ kỵ để lại, cần cối làm bằng gỗ lim dài chừng hơn hai thước, miệng cối đục bằng đá tảng xanh chôn xuống nền gạch. Bên cạnh chiếc cối giã là chiếc cối xay lúa bằng tay. Một lần theo mẹ sang xay thóc nhờ, tôi mới hay chiếc cối này cũng đã có từ lâu, do một bác phó cối mãi tận Nam Định lên đóng ngót hai tháng trời. Cũng như nhà tôi, chái bếp của nhà cụ còn để trăm thứ bà rằn khác từ cày bừa, đến nong nia thúng mủng giần sàng, những vật dụng cần thiết của nhà nông. Năm cụ ngoài bảy mươi tuổi, chái bếp xuất hiện chiếc quan tài gỗ đã sơn phủ đỏ chót làm bọn trẻ tụi tôi ban đầu sợ hết hồn. Ông Chỉnh công tác trên huyện thanh minh với hàng xóm: “Khổ quá, bà cụ cứ khăng khăng đòi mua cho mình chiếc áo quan để sẵn đó. Em nấn ná mãi nhưng chẳng đừng được, hôm nào cũng nghe nì nèo nhức hết cả đầu. Thôi thì đành mang về cho cụ thấy…” Mẹ tôi tỏ ý thông cảm: “Các cụ già cả, nhớ thời xưa chết không có gì chôn nên phòng xa vậy. Mình phận con, lo cho cụ yên lòng âu cũng hợp lẽ. Để được chừng một hai hôm, ông bà Chỉnh phủ rơm lên chiếc quan tài, ông bảo: “Đậy lại cho đỡ ghê.”…Tôi ngó vào gian chái bếp tối sáng nhập nhoạng, chiếc áo quan vẫn còn đó, nó nằm song song với chiếc giường chắc mới kê thêm. Ở bên góc vẫn là chiếc cối giã gạo và chiếc cối xay lúa. Có lần, mấy cán bộ bảo tàng về hỏi mua để trưng bày, chẳng rõ tại sao ông Chỉnh vẫn giữ lại không bán.
Bố mẹ ông Chỉnh có hai người con, trên ông Chỉnh là bà chị gái lấy chồng trên tỉnh. Một dạo sau khi bố mất, nghe đâu ông Chỉnh và bà chị cãi nhau về đất cát, từ đó bà chị chỉ thỉnh thoảng tạt về thăm mẹ chốc lát rồi đi, hiếm khi ở lâu được cả buổi.
Ngay từ thời còn thanh niên, ông Chỉnh đã sống khép kín, ít giao lưu với đám trai làng. Mấy năm gần đây, ông lại càng tỏ ra khiêm nhường. Bất cứ gặp ai ông cũng đều dừng lại đôi chút hỏi thăm hết sức thân tình, nhã nhặn.
Từ khi ông Chỉnh có xe ô tô biển xanh đưa đón, con đường làng trải cấp phối chạy qua nhà ông nhanh chóng được bê tông hóa. Người làng bảo: Xã duyệt thiết kế xây dựng chỉ rộng ba mét bằng nguồn vốn đối ứng, may ông nói một câu gì đó, con đường bỗng nhiên được nâng lên thành năm mét, dân chả phải thêm thắt đồng nào so với phương án cũ.
Một lần sang nhà tôi ăn giỗ, sau khi uống vài ba chén rượu với những người cao niên, ông cất lời đủ nghe nhưng thật trịnh trọng: “Con ăn lương từ tiền thuế của dân, nên sẽ hết lòng hết sức. Có gì không nên không phải mong các cụ chỉ bảo. - Chợt chiếc xe con đỗ xịch ngoài ngõ, ông vội rót chén rượu, ái ngại: - Có việc cơ quan đột xuất không đừng được, con xin phép…”. Một cụ tỏ vẻ thông cảm: “Việc dân việc nước… Anh có mặt với chúng tôi thế này là quý. Ăn bát cơm cho nó giã rượu rồi hẵng đi. May có xe đón chứ như dạo trước, rượu chè liên miên chả biết đường nào mà lần…”
* * *
Sẩm tối mẹ tôi sang giúp vợ chồng ông Chỉnh mới về, người mướt mồ hôi. Bà ca thán:
- Gớm, cỗ bàn to mà phục vụ rặt mấy mống, chỉ việc thu dọn cũng mệt bã người.
- Nhà ông ấy con cháu đầy ra đấy thây mẹ?
- Con cháu đầy nhưng ở thành phố cả. Ăn uống xong là kéo nhau đi hết, có còn đứa nào đâu.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao bảo ông ấy thuê trọn gói nhà hàng trên tỉnh?
- Thuê trọn gói, nhưng họ chỉ bày biện ra mâm, còn lại các việc là của mình. Ông ấy ngại tiếng tăm gì đó nên chỉ nhờ mấy người thân cận.
Đêm đã muộn, vợ ông Chỉnh tong tả xách túi đồ sang nhà tôi:
- Vợ chồng em chập tối phải lên tỉnh mừng sinh nhật một ông bạn lớn, giờ mới sang cảm ơn anh chị và có cân giò lụa cho cháu…
- Hàng xóm với nhau có gì to tát mà phải ơn huệ. Em được ông bà bên nhà coi như con từ lúc chị chưa về làm dâu.
Bà ấn túi đồ vào tay mẹ tôi:
- Chả giấu gì chị: Thức ăn thừa nhiều quá, có mỗi cái tủ lạnh chật hết cả, em định mang cho mọi người, nhưng ông nhà em nhất quyết không cho, bảo thà bỏ đi còn hơn mang tiếng nhà làm cỗ thừa.
- Em nghe anh nhà chị nói bà cụ lên chơi với chị gái trên tỉnh. Chắc cụ mệt hay sao mà không về hả chị?
Bà vợ ông Chỉnh tỏ vẻ bối rối, sẽ sàng:
- Cụ vẫn khỏe, nhưng huyết áp không ổn định, bác em sợ đưa cụ về lúc có công có việc, nhỡ làm sao lại khổ con khổ cháu… Thôi em xin phép, ông lão nhà em mấy hôm nay ngày nào cũng say khụng khiệng, chả còn ra hồn người.
Chờ mẹ khép cổng quay trở vào, tôi thì thầm:
- Bà cụ mẹ ông Chỉnh không lên tỉnh đâu. Bà ấy ở trong chái bếp.
Mẹ tôi sửng sốt:
- Sao con biết?
- Con trèo lên hái cau nghe cụ kêu khát, con mang cho chai nước và cặp bánh giò…
Sáng hôm sau, đang còn mơ màng thì một tiếng động lớn vang lên ngoài ngõ, tiếng người nào đó kêu thất thanh làm tôi giật mình. Chạy ra ngõ, tôi sửng sốt: Đường làng mới đổ bê tông rộng nhường ấy, vậy mà chẳng biết chạy thế nào, chiếc xe con bán tải nằm chỏng gọng dưới ruộng. Mọi người hì hục cạy cửa kéo cậu lái xe máu me đầy mình ra ngoài, người sặc sụa mùi rượu. Mấy chiếc bao tải rách xôi thịt vương vãi tứ tung.
Cả làng được phen cười chảy nước mắt. Thì ra nhà ông Chỉnh cỗ ế nhiều quá. Ông Chính thuê xe tải bí mật chở lên bãi rác đổ. Trong khi chờ chất hàng, cậu lái xe được ưu ái chén nguyên con gà luộc, sẵn rượu ngon, cậu ta làm vài cốc. Loạng quạng ra ngõ, xe húc luôn vào hàng rào rồi lăn xuống ruộng. Số cỗ thừa không được phi tang, mấy chú chó trong làng bỗng nhiên được bữa thịnh soạn…
* * *
Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn xin được vào làm việc tại công ty tư vấn kiến trúc. Một bữa, tôi bất ngờ gặp ông Chỉnh khi ông đến nghiên cứu bản vẽ thiết kế tòa biệt thự của mình trong khu đô thị mới. Bậc cha chú lại hàng xóm láng giềng, tôi xăng xái giúp ông tiếp xúc với những kiến trúc sư giỏi nhất công ty và đưa ông tham khảo các bản thiết kế hiện đại đẹp mắt. Sau khi ký hợp đồng tư vấn với giám đốc, kín đáo đút vào túi áo tôi chiếc phong bì, ông làm ra vẻ quan trọng: “Bác đang công tác, xây cái nhà giữ đất thôi chứ chưa thể lên đây ở được, trước mắt cho thuê làm văn phòng đại điện. Cháu không được nói với ai trong làng về căn nhà này. Miệng lưỡi thiện hạ…”. Tôi nhất quyết trả lại ông phong bì và hứa sẽ giữ kín. Gì chứ hàng xóm gần gũi nhất với gia đình tôi. Tòa biệt thự có khi liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người, tôi đâu dỗi hơi để buôn chuyện.
Nhiều lần theo các cô chú tới tư vấn kiến trúc cho các tổ chức cá nhân trong các khu đô thị mới, tôi nghe xì xầm lô đất này, lô đất kia của ông Chỉnh…Tôi bán tín bán nghi, bởi nếu ông giầu thế sao vẫn cứ ở trong căn nhà cấp bốn dưới quê với những đồ đạc dân dã?
Tòa biệt thự tráng lệ của ông Chỉnh vừa xây xong thì cụ Chỉnh mất. Tôi về tới nhà thì các đoàn khách thập phương đã ùn ùn kéo đến phúng viếng. Con đường vào làng chen chúc các loại xe nối đuôi nhau chờ tới lượt vào bãi đỗ. Thấy tôi, ông trưởng thôn ra lệnh tham gia ngay bộ phận bưng bê mâm giúp ban tang lễ. Nhìn cỗ quan tài của bà cụ Chỉnh, tôi ngạc nhiên bởi đó không phải chiếc quan tài cụ đòi đóng năm nào. Lựa lúc không ai để ý, tôi mở cửa lẻn vào gian chái bếp. Thật bất ngờ, chiếc quan tài của cụ vẫn còn đó, qua nhiều năm, nước sơn đỏ đã ngả màu trở thành nâu sậm vì bồ hóng…
Đưa tang cụ xong, nửa đêm một chiếc xe tải nhỏ tiến vào sân bốc chiếc quan tài để trong chái bếp đem đi.
* * *
Tôi vô tình trở thành người duy nhất trong làng biết chiếc quan tài của ông Chỉnh mua cho mẹ đi về đâu. Chiều đó tới nhà người yêu xin phép bố mẹ nàng cho nhà trai tới chạm ngõ. Ông bố vốn là nghệ nhân nức tiếng làng nghề, khi biết tôi nhà cạnh ông Chỉnh bèn dẫn tôi vào xưởng mộc. Ở góc kín đáo nhất, hai công nhân đang lấy giấy ráp đánh lớp sơn trên cỗ quan tài. Đó chính là cỗ quan tài ông Chỉnh chở về cho mẹ năm nào. Lớp sơn phủ bay đi đến đâu, một mùi thơm ngan ngát lan tỏa ra đến đó. Hình hài chiếc quan tài tan biến chỉ còn lại một thân gỗ nguyên khối chưa hề được xẻ ván.
- Đây là súc gỗ Ngọc Am, một loại gỗ cực kỳ quý hiếm, ngày xưa chỉ dành cho các bậc đế vương, nó có giá nhiều tỷ đồng. – Bố vợ tương lai của tôi thì thầm.
Hình ảnh ông Chỉnh hiện lên nhòa nhạt trên khối gỗ quý. Một cơn gió lạnh tràn qua làm tôi buồn se thắt. Dường như ngọn gió không đến từ trời./.
Tác giả PHAN THÁI
Mỏ sắt Tiến Bộ
Xã Linh Sơn- Thành phố Thái Nguyên.
ĐT: 0913256857