Cần có cái nhìn khách quan về các CLB và CLB Thơ Việt Nam – Kim Quốc Hoa

Trong đời sống sinh hoạt văn hóa-tinh thần của quần chúng Nhân dân, nhất là người cao tuổi thì các loại hình câu lạc bộ (CLB) là sân chơi bổ ích, thiết thực nhất. Những thập kỉ qua, mặc dù Nhà nước chưa ban hành pháp luật riêng về lĩnh vực này, nhưng các CLB tự phát hình thành và hoạt động ngày càng phát triển; từ các lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, giáo dục, tôn giáo, tâm linh đến hoạt động kinh tế, tự giúp nhau làm giàu. Chưa có một thống kê nào tổng hợp được các loại hình CLB từ nhỏ đến lớn trong cả nước là bao nhiêu, nhưng chỉ riêng Hội Người cao tuổi Việt Nam có đến chục nghìn, trăm nghìn các CLB: Thơ, hát ví dặm, quan họ, ca trù, cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền hơi, bơi lội, dưỡng sinh tâm thế, sức khỏe ngoài trời, tự giúp nhau, ông-bà-cháu,v.v…hầu hết ở cơ sở nông thôn, thành thị.

Nguyên tắc hoạt động của các CLB là tự nguyện, tự quản, tự lựa chọn nội dung, hình thức, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nó hình thành trong lòng xã hội, do xã hội và vì xã hội thì đương nhiên các CLB là tổ chức xã hội mang tính quần chúng rộng rãi, tính nhân văn, tính cộng đồng, tính tất yếu khách quan. Đó là phương thức hoạt động mà pháp luật không cấm. Hoạt động của các CLB chưa nơi nào, ở đâu bộc lộ tiêu cực như chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Các đối tượng xã hội tham gia sinh hoạt CLB bởi sự đòi hỏi từ cuộc sống. Tạo ra sân chơi lành mạnh là nhu cầu mỗi cộng đồng dân cư, của những người cùng sở thích theo phương châm sống vui, sống khỏe, sống có văn hóa, sống hạnh phúc. Ngoài sinh hoạt theo nội dung riêng, rất nhiều CLB còn tổ chức đi tham quan, du lịch trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế du lịch.
Một số CLB qua nhiều năm hoạt động hiệu quả đã đề nghị Nhà nước cho phép thành lập Hội Xã hội, Hội Xã hội- Nghề nghiệp.
Vậy thì, càng phát triển nhiều CLB và hoạt động đúng hướng càng tăng thêm sự giàu có về văn hóa, tinh thần, trí tuệ con người, góp phần vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sác dân tộc, vào sự tiến bộ xã hội và trình độ văn minh.
Nêu những vấn đề trên để khẳng định vị trí của các loại hình CLB trong đời sống xã hội cần được tôn trọng, nâng niu, nuôi dưỡng. Nói vậy vì vừa qua, trong tư duy và con mắt một số ít người có cái nhìn thiếu thiện chí, mặc cảm, thậm chí tỏ ra coi thường về CLB mà điển hình là đối với CLB Thơ Việt Nam.
Câu lạc bộ Thơ Việt Nam có được “bảo trợ” không ?
CLB Thơ Việt Nam ra đời đã trải qua hơn 12 năm. Từ thuở ban đầu chỉ có vài trăm hội viên, chủ yếu ở khu vực Hà Nội nay có 12.000 người, thành lập chi nhánh ở 37 tỉnh, thành phố và 53/63 địa phương có đông đảo hội viên tham gia. Ngày 28/10/2018, tại cuộc trình diễn thơ toàn quốc (lần thứ 3) do CLB Thơ Việt Nam thực hiện ở Hà Nội, một tổ chức về Kỉ lục đã cấp bằng Kỉ Lục quốc gia cho CLB có nhiều hội viên nhất. Năm 2017, kỉ niệm 11 năm thành lập, Hội Nhà văn Việt Nam tặng CLB này Bằng khen vì “đã có nhiều thành tích đóng góp trong các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam” (QĐ số 50/QĐ-HNV ngày 12/6/2017 do Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội kí).
Gần đây, trên báo Tiền phong Chủ nhật ngày 28/10/2018 (ngày CLB Thơ Việt Nam tổ chức trình diễn thơ) đăng bài viết của Nông Hồng Diệu có tiêu đề “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam- Vàng, thau lẫn lộn: Đứa con vô thừa nhận”; rồi lan tỏa trên mạng xã hội, dụng ý nói CLB Thơ Việt Nam “12 năm qua loay hoay tìm chốn “dung thân”; “chẳng có “cha mẹ” nào muốn nhận “đứa con” khổng lồ”; và “Hội Nhà văn Việt Nam không bảo trợ Câu lạc bộ Thơ Việt Nam”, “không liên quan gì đến tổ chức của Hội”, thậm chí “không phục vụ gì cho Trung tâm Văn hóa Hà Nội”,v.v…
Vậy, thực hư CLB Thơ Việt Nam có được “bảo trợ” không?
Trên thực tế từ năm 2006, CLB Thơ Việt Nam đã được các cơ quan Trung ương cho thành lập, được phép tổ chức Đại hội theo sự quản lí của Nhà nước. Tại công văn số 2182/BVHTT-TCCB ngày 19/5/2006 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) do Thứ trưởng Lê Tiến Thọ kí gửi Nhà báo-Nghệ sĩ Bành Thông (Trưởng ban vận động thành lập CLB), nêu rõ: “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là nơi tập hợp, tạo điều kiện cho những người yêu thơ có cơ hội giao lưu, học hỏi và sáng tác thơ nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các câu lạc bộ thơ có thể tự thành lập và hoạt động trên cơ sở phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Đảng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước”.
Văn bản số 2189/BNV-TCPCP ngày 19/5/2006 của Bộ Nội vụ cũng khẳng định: “Trong những năm qua việc sáng tác thơ ca ở Việt Nam phát triển mạnh, đã trở thành nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đông đảo những người sáng tác thơ và yêu thơ, nên các địa phương đã thành lập các Câu lạc bộ trực thuộc nhà văn hóa huyện, tỉnh. Đây chính là những việc làm góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc thành lập Câu lạc bộ Thơ Việt Nam …là nhu cầu khách quan và phù hợp với thực tiễn ở nước ta trong thời kì đổi mới, hội nhập”.
Văn bản số 634-CV/BTGTW ngày 27/8/2007 của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng ban Đào Duy Quát kí, nêu rõ: “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là một tổ chức xã hội của những người yêu thơ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, được Bộ Văn hóa-Thông tin cho phép thành lập…” Ban Tuyên giá Trung ương rất ủng hộ và đồng ý cho phép làm con dấu riêng mang tên CÂU LẠC BỘ THƠ VIỆT NAM.
Từ các văn bản pháp lí trên của các cơ quan chức năng Trung ương, 10 năm sau Hội Nhà văn Việt Nam mới ban hành Quyết định số 51/QĐ-HNV ngày 15/6/2016 do Nhà thơ Hữu Thỉnh kí, quy định: “Điều I: Đồng ý để cơ quan chức năng, nghiệp vụ của Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, đỡ đầu về chuyên môn đối với Câu lạc bộ Thơ Việt Nam; trực tiếp là Ban Sáng tác, Ban Văn học chuyên đề thuộc Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện”. Quyết định còn chỉ rõ: “ Việc bảo trợ, đỡ đầu của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ của Hội Nhà văn Việt Nam với các tầng lớp bạn đọc yêu thơ, thu hút đông đảo các cây bút ngoài Hội, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần, tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mục tiêu “bảo trợ” của Hội Nhà văn Việt Nam là rất rõ!  Không những ‘bảo trợ” mà còn “đỡ đầu” CLB Thơ Việt Nam…

. Thực tế, từ năm 2006 CLB Thơ Việt Nam dã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) , Bộ Nội vụ ‘bảo trợ” về pháp lí. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đồng ý để CLB Thơ Việt Nam được hoạt động trong phạm vi cả nước. Công văn số 62/CV-VHCS ngày 28/3/2008 của cục Văn hóa cơ sở chỉ đạo các địa phương: “ Để Câu lạc bộ Thơ Việt Nam hoạt động và phát triển, đáp ứng được đông đảo công chúng yêu thơ trên cả nước, cục Văn hóa cơ sở đề nghị Trung tâm Văn hóa-Thông tin các tỉnh, thành phố báo cáo lãnh đạọ sở Văn hoá-Thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh Câu lạc bộ được sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin, Nhà văn hóa Trung tâm địa phương”. Điều này giải đáp cho những ai thắc mắc: “Tại sao CLB Thơ Việt Nam bành trướng hoạt động ra cả nước” để tránh sự mặc cảm với “đứa con khổng lồ” này.
Gần đây, xuất hiện các CLB Thơ Faceabook và loại hình này đã thành lập CLB cấp “quốc gia” và quốc tế. CLB Thơ Faceabook vừa Đại hội bầu BCH, có Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Hội đồng cố vấn,v.v… trong đó, một số nhà thơ-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được bầu vào Ban lãnh đạo.
Mối quan hệ giữa nhà thơ chuyên nghiệp với các CLB thơ

Những ý kiến trái chiều về CLB Thơ Việt Nam đều có nguyên nhân nội tại. Các CLB thơ nói chung, CLB Thơ Việt Nam, Hội Thơ Đường luật Việt Nam nói riêng hoạt động đều lan tỏa, ảnh hưởng rộng trong đời sống xã hội. Hội Nhà văn Việt Nam có trên dưới một nghìn hội viên, trong đó cứ cho 50 % là các nhà thơ chuyên nghiệp. Hàng năm, Hội tổ chức Ngày thơ Việt Nam (nguyên tiêu) nếu chỉ là của các nhà thơ chuyên nghiệp, thử hỏi được bao nhiêu người dự ? Sở dĩ Ngày hội ấy hoành tráng, đông đúc lạ thường, phong phú, đa dạng còn là do sự huy động của hàng trăm CLB Thơ trong cả nước. Hội Nhà văn Việt Nam tố chức phải dùng nguồn tiền ngân sách, còn các CLB tham gia bằng kinh phí tự túc. Việc CLB Thơ Việt Nam chiếm vị trí quán thơ “đắc địa” phải do Ban Tổ chức cho phép chứ sao lại phê phán người ta. Việc “cướp diễn đàn” (nếu có) là điều không hay của cá nhân ai đó chứ không thể gán “tội” cho CLB. Cái biển treo ở Văn phòng CLB Thơ Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Hà Nội, số 7 Phùng Hưng, quận Hà Đông đề tên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam dưới dòng chữ Hội Nhà văn Việt Nam là khiếm khuyết. Nếu ghi HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM (BẢO TRỢ) thì không ai phê phán được. Một ông cán bộ của Trung tâm Văn hóa thành phố nói về vấn đề cho thuê, cho mượn trụ sở như thế cũng không nên. CLB Thơ Việt Nam có tư cách pháp nhân, có tài khoản, việc mượn, thuê văn phòng dù “cho thuê rẻ như bèo” cũng là cho thuê. Thử hỏi nếu không xã hội hóa thì quanh năm thành phố sử dụng địa điểm này được bao nhiêu buổi? Chính Trung tâm cũng thường cho thuê hội trường, sử dụng mặt bằng cho thuê làm bãi đỗ xe đó thôi! Cho nên, không thể nói rằng “CLB Thơ Việt Nam không phục vụ gì cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Hà Nội”. Nói vậy là xúc phạm, không công bằng.

Trong nghệ huật quân sự, ta xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích. Trong lĩnh vực thơ ca cũng hình thành ba lực lượng: Các nhà thơ chuyên nghiệp, những người làm thơ nghiệp dư và đông đảo những người yêu thơ. Cũng giống như một khu rừng: Có những cây cổ thụ, cây lâu năm, có những cây tầm tầm nhơ nhỡ và tầng tầng, lớp lớp cây lúp xúp. Mỗi loại cây đều có vị trí, tác dụng nhất định nhưng nếu không có những cây lúp xúp thì không phải là rừng nguyên sinh; thậm chí nhiều cây lúp xúp, cây cỏ góp phần nuôi sống con người, một số cây còn là những vị thuốc quý, chữa khỏi bệnh

Trong lĩnh vực xuất bản, nếu các Nhà xuất bản chỉ ấn hành các tác phẩm của nhà văn chuyên nghiệp liệu có đứng vững được trong cơ chế thị trường?. Một Biên tập viên cho biết: “Nhà xuất bản chúng tôi có tới 80% dầu sách được cấp phép là của đội ngũ sáng tác nghiệp dư, phần nhiều là thơ. Có thể nhiều tập thơ chất lượng còn thấp nhưng đó cũng là sản phẩm văn hóa, trí tuệ của CLB hay dấu ấn cá nhân, nó có sức sống riêng, lan tỏ riêng. Rõ ràng, những người sáng tác nghiệp dư góp phần phát triển ngành xuất bản, làm gia tăng nguồn cung cấp giấy in; biên tập viên nhà xuất bản, người lao động nhà in có thêm việc làm, Nhà nước tăng thu thuế, Nhà xuất bản, Nhà in tăng lợi nhuận,v.v…

Cho nên, không thể coi thường, báng bổ, thậm chí xúc phạm các CLB thơ dẫn đến có cái nhìn hẹp hòi, thiếu khách quan. Các nhà thơ chuyên nghiệp cứ sáng tác thơ uyên bác, cao siêu, còn công chúng yêu thơ có lối sáng tạo riêng, theo xu hướng bình dân, kiểu “mì ăn liền” nhưng rất gần gũi với đời thường. Bởi vậy, các nhà thơ chuyên nghiệp nên coi các CLB thơ là bạn hữu, đồng hành để nâng niu, “bảo trợ”, gần gũi họ, làm “bà đỡ” cho họ hoạt động đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác. Về phía các CLB thơ cần đổi mới phương thức hoạt động, đoàn kết nội bộ, thực hiện “xã hội hóa” chứ không nên “thương mại hóa”…
Hà Nội, ngày 28/11/2018