Chị tôi- tự truyện của Trần Xuân Viên

Năm tháng qua đi nhưng trong tôi những kỷ niệm về chị không bao giờ quên trong cuộc sống hàng ngày kể từ ngày còn cắp sách đến trường học chữ, học kiến thức, học nghề, ra đời làm cán bộ, đến nay đã nghỉ hưu. Hình ảnh chị luôn bên tôi. Tôi tự hào rằng mình có một người chị gái thật tuyệt vời, mà tôi hằng lấy tấm gương của đời chị soi cho cuộc sống của bản thân mình.

Chị là chị Trần Thị Thịnh năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện chị đang sống cùng con gái và các cháu ngoại ở Hà Nội. Chị sinh ra ở một làng quê nghèo xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An. Năm 1949, giặc Pháp đánh phá Quỳnh Lưu, chị theo gia đình vào Nghi Long – Nghi Lộc – Nghệ An và trưởng thành ở Nghi Long – Nghi Lộc. Thời con gái chị vào loại xinh trong làng, trong xã nên nhiều gia đình trong ngoài xã đưa sính lễ đến nhà xin chị về làm con dâu, song chị đều từ chối, trả lại sính lễ, việc làm của chị làm bố chị rất bực mình và chị thường nhận được những lời lẽ không tốt từ người bố. Trái tim ở tuổi yêu đương thuộc về người con trai xứ Quảng Trị, vượt tuyến ra Bắc đi học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng sơ tán trong làng. Mối tình của anh chị bị người bố phản đối, song với quyết tâm của cả hai anh chị nên mãi đến lúc người bố lâm bệnh nặng biết không qua khỏi, chị mới được bố chấp nhận với câu nói: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Từ đó anh chị mới tự do thể hiện tình yêu thực sự của đôi trai gái tuổi thanh niên.

Cuối năm 1958, trước khi đi học Đại học Y Hà Nội, anh chị tổ chức lễ thành hôn tại nhà chị ở Nghi Long với sự góp vui của bạn học và bà con xóm làng.

Anh rể của tôi, anh Lê Thanh Tâm quê ở xóm Trung An, xã Hải Lăng, huyện Quảng Trị. Khoảng năm 1953, anh cùng nhiều bạn bè cùng trang lứa vượt tuyến ra vùng tự do Nghệ An để đi học. Khi hết kinh phí mang theo, nhà trường vận động các gia đình nuôi con em miền Nam đi học. Bố mẹ tôi nhận nuôi ba người (anh Nghệ, anh Liêu và anh Tâm). Sau này anh Tâm là anh rể tôi. Các anh học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng. Sơ tán tại quê tôi sau này thành tài, nhiều anh chị là giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà quản lý giỏi của Đất nước, nhiều sĩ quan, tướng lĩnh trong quân đội, thứ, bộ trưởng của các ngành kinh tế… Để nhớ lại những kỷ niệm xưa trên đất Bắc; năm 2004, các anh tổ chức biên soạn cuốn sách: “Nhớ mái trường kháng chiến”. Với độ dày 948 trang do giáo sư tiến sĩ Phan Hữu Dật chủ biên, trong đó có bài viết và chân dung anh rể tôi: anh Lê Thanh Tâm.

Thời gian anh rể tôi học đại học, anh chị sinh được hai người con (một con gái và một con trai). Năm 1967, anh rể tốt nghiệp Đại học Y, xung phong vào bộ đội, từ mái trường Đại học thẳng đến nơi tập trung không về nhà thăm mẹ vợ, thăm vợ và các con, bà con xóm làng. Từ đó và mãi mãi anh không trở về (anh là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường phía Nam).

Bước ngoặt cuộc đời chị gái của tôi cũng bắt đầu từ năm đầu của cuộc chống Mỹ phá hoại tàn bạo ở miền Bắc nước ta. Chị vừa nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già, các em của chị còn nhỏ, chị lao vào tham gia công tác xã hội ở địa phương. Chị thể hiện tài năng tổ chức vận động quần chúng tham gia tăng gia sản xuất, phục vụ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên quê hương chị. Quê Nghi Long của chị dọc theo quốc lộ số 1 từ Cầu Cấm vào Quán Hành thuộc huyện Nghi Lộc, giặc Mỹ tập trung phá Cầu Cấm, đánh phá thành phố Vinh, cảng Cửa Hội, Cửa Lò. Chị vận động bà con đi làm sớm để tránh máy bay địch, chị gương mẫu phá một nếp nhà cũ lấy vật liệu làm hầm chữ A để tránh bom,… chị toàn tâm, toàn ý với địa phương nên năm 1968 được nhân dân trong xã bỏ phiếu bầu chị vào Hội đồng nhân dân và được cử giữ chức phó chủ tịch UBND xã Nghi Long. Với cương vị này chị lãnh đạo bà con trong xã tham gia mọi công việc phục vụ sản xuất tại chỗ, phục vụ đảm bảo giao thông, vận động nhân dân tăng gia, chăn nuôi đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Vận động nam nữ thanh niên góp sức cùng nhân dân trong xã đảm bảo phục vụ tuyến giao thông liên kết từ các xã trong huyện, góp sức bảo vệ các trận địa pháo cao xạ, tên lửa đang bảo vệ Cầu Cấm, thành phố Vinh, đóng ở địa bàn trong xã.

Trong những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng huyết mạch ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, để có thời gian công tác ở địa phương, chị phải cầm lòng gửi người con gái mới 10 tuổi ra Quỳnh Lưu ở nhà bà bác cho cháu theo học. Còn người con trai 8 tuổi lên miền Tây huyện Nghi Lộc để chị có thời gian tham gia công tác ở địa phương.

Chị kể rằng có hôm đi từ sáng đến 9, 10 giờ đêm mới về đến nhà thấy mẹ già còn ngồi ở cửa hầm đợi, nhìn mâm cơm mẹ để phần đã nguội tanh, vừa cầm bát ăn được mấy miếng cơm, nghe báo động khẩn cấp lại phải đi đến tận sáng hôm sau, việc này thường xuyên xảy ra trong thời gian Mỹ đánh phá ở quê hương. Sáng ngày 05 tháng 02 năm 1967, nghe tiếng nổ lớn do giặc Mỹ bắn pháo tọa độ giết hại cả tốp nam nữ thanh niên xung phong, chị huy động mọi người không quản nguy hiểm tham gia thu gom chôn cất các anh chị thanh niên xung phong đã hi sinh ở nghĩa trang Cây Dừa phía Nam Cầu Cấm.

Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chị đã tiễn nhiều con trai, con gái trong xã gia nhập quân đội, thanh niên xung phong, những người đi học, những lúc rảnh rỗi có chút ít thời gian chị lại nghĩ về người chồng yêu quý không biết bây giờ đang ở đâu, chịu đựng gian khổ nơi chiến trường ác liệt phía Nam, không hiểu sống chết thế nào, chị nhớ các con thơ đang đi sơ tán xa nhà.

Ở địa phương chị làm lãnh đạo của xã. Những niềm vui đến với chị những lúc đóng đủ thuế, đủ quân số, nhân dân yên ổn chống bom giặc bỏ xuống quê hương. Song cũng có nỗi buồn, những lúc chị nhận được giấy báo tử của một số gia đình trong xã có con em hy sinh ở chiến trường, chị đến tận nhà chia buồn, tổ chức lễ truy điệu,… và rồi đến ngày của chị, tháng 6 năm 1972 chị nhận được giấy báo tử của chồng, cầm giấy trên tay chị không tin là sự thật. Với nghị lực của người Đảng viên, người lãnh đạo, chị nén đau thương dồn sức cho công việc ở địa phương để quên đi sự mất mát đau thương trong lòng chị. Tính cả hai lần sinh con cho đến lúc chồng nhập ngũ vợ chồng chị gần nhau không quá 300 ngày, chồng chị hy sinh khi chị mới 24 tuổi. Ở tuổi con gái phải gánh chịu sự mất mát đau thương khi chồng mất, con đi sơ tán xa nhà, trai gái trong xã xung phong đi đánh giặc mong giải phóng đất nước. Những gian nan vất vả nguy hiểm, sự mất mát con người, tài sản tất cả do đế quốc Mỹ gây nên. Chị biến căm thù, lẫn đau thương, đứng lên cùng bà con trong xã, trong huyện làm tốt những việc của những người ở hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Chị kể cho tôi nghe một chuyện mà chị nói là chị ân hận suốt đời. Đó là chuyện lúc người chồng trên đường hành quân vào miền Nam đi tàu hỏa qua quê ở Nghi Long, thả một bức thư tay xuống đường ray có người nhặt được, biết là của chị, đưa về cho chị đọc biết chồng tạm dừng ở gần Vinh, trong thư viết nhiều nhưng có một câu “Em đưa con vào gặp anh ở … để anh được nhìn mặt con”. Chị suy tính nhiều và con còn bé vả lại chiến tranh ác liệt, bom đạn đến bất ngờ, gặp nguy hiểm cho con, mặt khác công việc còn bề bộn không nỡ bỏ lại để đi gặp chồng trong lúc này. Mặt khác lúc ấy chị nghĩ anh đi rồi anh sẽ về, ai ngờ rằng anh đi mãi mãi, chị ân hận là vậy, nghe chuyện này tôi càng thương chị nhiều hơn. Chị thiệt thòi nhiều quá, chị góa bụa sớm quá, từ đó chị không lập gia đình với ai, tuy rằng có nhiều người ngỏ ý, xây dựng với chị, chị ở lại chăm sóc mẹ già và nuôi con nhỏ mong cho con sớm trưởng thành, các em chị thành đạt.

Năm 1974, chị lại nhận được tin người em trai út của gia đình hy sinh ở chiến trường phía Nam. Nước mắt chị vừa khô nay lại chảy vì người em trai út mới nhập ngũ cuối năm 1970 nay đã vĩnh viễn nằm xuống ở chiến trường miền Nam. Chị tự bảo đâu có phải riêng gia đình ta mà trong thôn, trong xã và cả nước nhiều gia đình giống như nhà ta, chị nói vậy để tự an ủi bản thân cũng như gia đình. Trong con người chị nỗi đau xé lòng của người mất chồng, mất em. Tất cả đều do thằng Mỹ gây nên.

Chị được bà con trong xã tín nhiệm nên hết việc này chị lại làm qua việc khác: Chủ nhiệm hợp tác tín dụng, chủ tịch Hội phụ nữ xã, … Ở cương vị công tác nào chị cũng hoàn thành xuất sắc, được bà con yêu mến, cấp trên cấp bằng khen, giấy khen.

Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, miền Bắc chấm dứt chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chị cũng như bà con trong xã đón con về và cho con tiếp tục đi học. Lúc này không có bom đạn, toàn dân tập trung cho sản xuất để tự nuôi sống mình và cung cấp nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Chị tham gia công tác địa phương nhưng có phần nhẹ nhàng đỡ gian nguy vất vả, có thời gian chăm sóc mẹ già và các con đi học.

Chị có thời gian được đến trường Đảng học lý luận nhằm nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo.  Năm 1975, Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, mọi người dân đất Việt ở trong nước cũng như Kiều bào ở nước ngoài đều hân hoan sung sướng, những người con miền Nam trước đây tập kết ra Bắc bây giờ được trở lại với người thân, với bạn bè, với quê hương yêu dấu, sau hơn 20 năm hai miền Nam Bắc bị chia cắt.

Năm 1976, mẹ tôi bảo: chị em tôi cùng cháu gái đầu lòng của anh chị nay đã 15 tuổi phải tìm về quê chồng chị ở Quảng Trị để biết quê chồng, biết tổ tiên ông bà, anh em bên chồng, và thông báo cho bên nhà chồng biết về tin anh rể đã hy sinh. Chị em tôi cùng cháu lần đầu vượt qua cầu Hiền Lương sang bên kia giới tuyến xe qua Do Linh, Đông Hà đi vào thành phố Huế. Trên đường đi tôi thấy hàng đống dây kẽm gai, vỏ đạn các loại và cả những xe thiết giáp nằm rải rác bên đường (vì không biết đường nên phải vào thành phố Huế nghỉ đêm). Sáng dậy một cảnh tượng lạ đầu tiên đập vào mắt tôi: cả gia đình nhà trọ dậy sắp hàng ra đến cửa nhà khoanh tay cúi chào khách, cảm ơn khách đã đến nghỉ. Tôi suy nghĩ mãi, nền giáo dục của chế độ miền Nam lúc đó khác miền Bắc về phép lịch sự, về việc giáo dục nếp văn hóa phương Đông. Qua cầu Hiền Lương tôi thấy đường giao thông tốt hơn phía Bắc.

Sau khi hỏi được đường về quê chồng chị, ba người đi xe đò trở ra phía Đồng Hà. Đến ngã ba Diên Sanh xuống xe đò, đi xe ôm về phía chợ Diên Sanh. Tôi vào chợ hỏi được người bán cá cùng quê với anh Tâm, bà xếp gánh sớm hơn thường lệ và nói với chị em trong chợ: “Tui về sớm đưa mấy người ngoài Bắc về tìm quê chồng”. Chúng tôi theo chị vượt qua cồn cát dài gần chục km. Tìm được em trai của chồng chị, chú tên là Trị cũng vừa đi sơ tán về được mấy tháng, nếp nhà mới dựng trên nền nhà cũ là mấy cái cọc phi lau mai nhà và xung quanh che bằng mấy tấm tôn do chiến tranh để lại, tài sản chẳng có gì, chỉ còn lại con người. Chị em, chú cháu gặp nhau, tay bắt tay chan chứa nước mắt, tiếng khóc thành lời của buổi hội ngộ không ngờ. Chị làm bổn phận người con dâu thăm hỏi anh em ruột thịt, bà con xóm làng, thắp hương ở nhà thờ, ở lăng mộ. Chị cũng có người em chồng hy sinh ở địa phương (đến năm 2016, mẹ chồng được truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng), vì có hai con đẻ là liệt sỹ. Chị và cháu ở lại quê chồng hai ngày, tạm biệt quê hương chồng trở về quê Nghệ An lao vào công tác xã hội, chăm lo đời sống cho dân. Lòng chị cũng nguôi đi nỗi nhớ thương để tập trung cho công việc, cho con cái học hành. Năm 1980, con gái chị đi học công nhân, 1983 con trai đi học nghề ở Quảng Ninh, năm 1986, con trai chị đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ, sau 1994 sang định cư ở Cộng hòa liên bang Đức. Cháu nội là cháu trai hiện đang học đại học ở Cộng hòa liên bang Đức, vài năm vợ chồng người con trai lại về thăm mẹ, thăm bà. Chị con gái sau khi học nghề về công tác Yên Viên, Hà Nội, lập gia đình và đã có hai con đã trưởng thành. Cuộc đời chị gian nan vất vả là vậy song, chị sống tình nghĩa với anh chị em ruột thịt với bà con nội ngoại, với xóm làng. Đi đâu chị cũng để lại lời khen, và sự kính trọng.

Đời chị lại lật qua trang khác, từ năm 1982 chị được địa phương chia đất, chị nhờ anh em ruột thịt giúp đỡ làm được nếp nhà ba gian, đón mẹ đẻ cùng đến ở với chị, lúc này chị mới thực sự ở riêng, có mẹ già trong căn nhà mới, lòng chị vơi đi nhiều nỗi nhớ thương chồng, bây giờ có chị cùng với em gái có điều kiện chăm sóc mẹ già, thay cho anh trai và em trai đi làm xa quê. Hàng ngày, sáng ăn vội bữa sáng lại đạp xe đi làm, chị lăn lội trong làng, ngoài đồng tất cả vì công việc làm sao cho bà con có lương thực, thực phẩm, đời sống ngày được cải thiện. Trong làng, trong xã, gia đình nào có chuyện vui buồn chị đều có mặt để chia sẻ.

Cuối năm 1994, người mẹ già qua đời ở tuổi 91, chị lại ở một mình ở căn nhà ba gian. Chị kể có hôm đi làm về nhìn lên bàn thờ thấy ảnh mẹ, ảnh chồng mà bùi ngùi, thương nhớ, không muốn nấu ăn. Có hôm đang ngủ chị mơ thấy mẹ chị về ở nhà mang theo cả mùi trầu cau mẹ ăn như khi mẹ còn sống. Chị sống cô đơn một mình trong căn nhà ngói ba gian (lúc này các con của chị đã trưởng thành đi làm ở xa quê).

Năm 2000, chị đã nghỉ công tác ở địa phương, các con chị bàn với chị ra Hà Nội ở cùng con cháu với anh em ruột thịt, từ đấy chị mới xa quê, xa nếp nhà mà cả đời lam lũ, tiết kiệm mới có. Tất cả vì con cháu. Bây giờ chị sống với đồng lương hưu cán bộ đầu ngành của xã và trợ cấp vợ liệt sỹ, cuộc sống tuổi già cũng tạm ổn. Rời quê chị mang theo đồ dùng cá nhân và không quên mang theo ảnh chồng và bằng tổ quốc ghi công về chồng chị, chị để ở bàn thờ, ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng, ngày dỗ, ngày lễ tết chị thắp nén hương đứng lặng người trước ảnh chồng nhớ về dĩ vẵng, là người Phụ nữ Việt Nam như bao người phụ nữ khác chịu cảnh mất mát đau thương do chiến tranh, cảnh góa bụa, có nhiều chuyện riêng tư thầm kín không có chồng để gửi niềm tâm sự.

Năm 2014, người con trai của chị ở Đức về nghỉ phép và quyết định đi tìm mộ của bố (việc này đã được nêu lên nhiều lần mỗi khi con cháu về thăm chị, cũng như các em trai chồng ở Quảng Trị cũng mong muốn). Cả nhà, thuê xe 16 chỗ ngồi đi từ Hà Nội và Huế đón các chú em trai chồng cùng đi. Ai chỉ đâu đi đến đấy, đi đến các nghĩa trang mà các em trai chồng chị bảo đến tìm, ra nghĩa trang tìm tên chồng vào khu lưu trữ của nghĩa trang đọc tài liệu, tìm thông tin chồng ngày ngày xe chở đoàn chúng tôi qua nhiều địa phương đến một số tỉnh mà chồng chị đã chiến như lời của người còn sống biết về anh. Gian nan, vất vả nhưng mọi người trong đoàn vẫn vui vẻ, động viên nhau. Lần thứ nhất về không. Lần thứ hai theo chỉ dẫn của thầy tâm linh vào huyện Điên Bàn, tỉnh Quảng Nam đến sát bờ sông Thu Bồn, người dân kể lại nơi này trước là rừng cây rậm rạp, nay là bãi trống dân trồng dâu, lác đác còn lại một số bụi lau sậy (nơi này trước đây là trạm dã chiến của quân y quân đội giải phóng miền Nam). Chúng tôi trình giấy giới thiệu với Ủy ban nhân dâ xã, được địa phương hướng dẫn đến di tích trước đây là trạm quân y, người dân nhiệt tình giúp đỡ. Sau khi nghe tôi kể lại chuyện của anh rể. Tôi giới thiệu chị và mọi người trong đoàn, dân ở địa phương thương xót và chia sẻ nỗi đau thương mất mát của gia đình chị. Sau khi kể tên, anh tôi là bác sỹ quân y có người già trong làng nói có trạm quân y đóng thời đó kể rằng, nếu là người có tên Tâm thì là một thanh niên cao, trắng trẻo, thư sinh có làm việc ở trạm này nhưng sau đó một thời gian trạm này bị ném bom; thương binh, y bác sỹ, gần như hy sinh hết, tử thi được bỏ vào tăng (túi ni lông) chôn vội ở ven sông. Sau này dòng sông đổi hướng, sạt lở nhiều lắm không biết có còn thi hài nữa không. Một số hài cốt còn lại được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ của xã. Chúng tôi xin phép vào tìm ở nghĩa trang nhưng không thấy tên anh rể. Chúng tôi theo lời thầy tâm linh, thuê người đào rất nhiều nơi nghi có hài cốt nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu tích. Sau bốn ngày chúng tôi đành bỏ cuộc, cảm ơn bà con, cảm ơn chính quyền địa phương. Đoàn trở ra Hà Nội, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ khác nhau về việc đi tìm hài cốt của anh rể tôi. Cả thời gian đi tìm hài cốt của chồng, chị cứ thẫn thờ, ít nói, lúc nào cũng thấy mắt chị nhìn ra phía xa như hồi tưởng điều gì…

Một trong số những bức thư chồng chị gửi lúc đang học Đại học Y khoa Hà Nội

Mấy năm sau, vui chuyện tôi hỏi chị: “Chị có hy vọng tìm thấy hài cốt của anh không?”, chị bảo: “Theo cậu có tìm được không? Tôi tin rằng rất khó vì các địa chỉ không rõ ràng vả lại chiến tranh ác liệt thế làm sao giữ được mồ mả, khi ở những vùng chiến trường đồng bằng thế này, âu là trời không cho tôi được thấy nắm xương tàn của anh”. Người con trai, con gái, các chú em chồng chị cũng ngậm ngùi thương xót cho chị. Ước muốn không thành, đau thương lại dồn nén vào người phụ nữ đi tìm hài cốt của chồng. Chỉ ở trong hoàn cảnh của chị tôi mới thấy được sự đau buồn, sự hy sinh không giới hạn. Tôi cảm phục chị tôi, người con gái mới 24 tuổi, mất chồng, không đi bước nữa, ở lại thờ chồng, nuôi con chăm sóc cho mẹ già, tham gia công tác ở địa phương đến khi nghỉ chế độ chị về với đời thường. Cũng có rất nhiều Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh như chị tôi vẫn sống với tất cả niềm tin, niềm tự hào. Tôi tự hào về các chị cùng hoàn cảnh như chị gái của tôi đã sống và làm việc để quên đi nỗi bất hạnh.

Cuộc đời chị thật xứng đáng là người Phụ nữ: “Trung hậu đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà” người Phụ nữ Việt Nam anh hùng của thời đại.

Hà Nội, tháng 7 năm 2018

Tác gải bài viết: Trần Xuân Viên