Về bài ca dao "Tưởng nước giếng sâu qua nối sợi dây cụt" của Nam Bộ

Đã từ lâu ca dao miền Bắc có câu: 
Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây
Là để ám chỉ sự ngộ nhận của chàng trai nào đó với cô gái mà mình đang theo đuổi, đang tìm hiểu với nội dung: Anh tưởng em là người sâu sắc như giếng sâu, hóa ra em cũng nông như cái giếng cạn mà thôi. Đó là lời tự trách mình và trách người. Ở một khía cạnh khác, câu ca dao còn bộc lộ một nỗi thất vọng khi ta quá tin vào một ai đó, nhưng sự thật lại không phải thế, tiếc công tin tưởng, hy vọng, ngưỡng mộ bấy lâu nay.
Song, ở Nam Bộ lại có một “dị bản”, “biến thể” hai câu ca dao trên, nghe vui, dí dỏm và thú vị:
Tưởng giếng sâu qua* nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây
Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua lại chèo vô.
Bài ca dao như một truyện ngắn mi ni. Nhân vật ở đây là một chàng trai Nam Bộ có cách nói hơi “ngược”. Xưa nay ta vẫn quen với câu: “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài”, nay bỗng nhiên lại được nghe một câu hết sức “lạ tai”: “Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt”). Dây cụt thì làm sao mà đo được giếng sâu? Rõ ràng là có sự tinh nghịch gì đây. Dây cụt mà còn hụt thì giếng ấy là giếng gì?.
Ở câu hai: “Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây”. Đương nhiên là vậy rồi. Đã là dây cụt thì còn nhằm nhò gì mà đo với đếm. Nó khác hẳn với câu ca dao miền Bắc: “Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”. Đọc câu hai ta có cảm giác như chàng trai này dừng lại, vì biết “giếng cạn” rồi. Tưởng “màn kịch” kết thúc. Nhưng không, giếng đã “cạn” mà cái dây lại còn “hụt” thì càng cho ta biết cái giếng ấy cạn biết chừng nào. Hai câu đầu chỉ là “đề dẫn”. 
Tới câu ba thì truyện bộc lộ rõ thêm một bước: “Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy”. Cô Hai mầy là ai đây? Một cô Hai nào đó vắng mặt? Và chàng trai đang hạ quyết tâm, nói với lòng mình, nhưng chắc là chàng đã có quá trình tìm hiểu về cô Hai rồi. Câu thứ ba này giúp ta thấy rõ ràng tính cách “ăn sóng nói gió” của chàng trai Nam Bộ, lặn lội đường xa đến tìm gặp người mình “yêu” và thề sẽ phải cưới bằng được “cô Hai”. Kịch tính dâng cao thêm một cấp độ. Nếu “không cưới được cô Hai mầy” thì chàng làm sao đây? Chàng thề sẽ bỏ cuộc, trở về hay đi đâu chăng?
Câu chuyện đã dần dần thắt nút ở câu thứ tư, và kết thúc hết sức bất ngờ. “Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua lại chèo vô”. Câu ca dao chia làm hai vế. Đọc vế đầu “Qua chèo ghe ra biển” ta liên tưởng tới cái chết bi thương của chàng trai trong cuộc tình đơn phương. Không yêu được “cô Hai mầy” thì qua chèo ghe ra biển “tự tử” cho “cô Hai mầy” coi. Dấu chấm lững (…) đưa người đọc liên tưởng đến cái chết của chàng trai. Nhưng không, đọc nửa vế sau, người ta lại khúc khích cười: “Đợi nước đầy qua lại chèo vô”. Tưởng anh chàng này tự tử thật, nào ngờ anh ta khôn lắm, đợi nước đầy chèo vô cho khỏe, dại gì mà chết vì ”cô Hai mầy”. Chèo vô để lại tiếp tục tấn công cô Hai . Và ta chưa thể biết kết cục của cuộc tình này.
Trở lại câu đầu để thấy rõ hơn, chàng trai này dùng “dây cụt” thì làm sao đo được giếng mà biết sâu hay cạn? Cứ theo lo gic hình thức mà suy, thì chàng trai có lẽ đã bị hạ “nốc ao” và đã thấm mùi, nên mới biến được chuyện thất tình của mình thành tiếng cười “tự trào” sảng khoái. Bây giờ chuyện "giếng cạn" hay "giếng sâu", "dây dài" hay "dây cụt" không quan trọng nữa. Và quyết tâm của chàng trai đến với cô gái vẫn chưa có hồi kết.
Người Nam Bộ có một câu rất hay: “Nói vậy mà không phải vậy”. Bài ca dao trên là một câu chuyện thuộc loại như thế. Ở một lời bàn khác, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm (Vĩnh Long) đã nhận xét: “Hệ thống ngôn ngữ dùng kể chuyện rất thống nhất, bố cục chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, cho ta thấy rõ một bản lĩnh sáng tạo văn bản rất tài hoa. Mới nghe, ta tưởng như nhân vật trong bài ca dao chỉ kể chuyện để giỡn chơi tưng tửng cho vui lúc trà dư tửu hậu, nhưng càng đọc ta càng thấy lấp lánh một khía cạnh rất thật trong đời: với tình yêu thì không thể đùa giỡn được. Đùa giỡn thì không thể thành tình yêu, nhưng lỡ không thành được tình yêu thì cũng phải vui lên mà sống chứ”.
Thế mới biết người Nam Bộ có cách nói đôi khi rất ngược, rất vui và không kém phần sâu sắc. Nó thể hiện một nét của tính cách thẳng thắn, bộc trực nhưng lại rất lạc quan yêu đời. 
Mời các bạn cho thêm ý kiến về cách hiểu khác đối với bài ca dao thú vị này.

LÊ XUÂN
(Hội viên hội Ngôn ngữ học VN)

---------------------------
* Qua: Phương ngữ Nam Bộ, chỉ ngôi thứ nhất, như: tôi, ta, mình…