Ý kiến nhỏ với nhà văn chu Văn Sơn về cách tiếp cận với bài thơ hay
Trước hết tôi ghi nhận rằng, nhóm thơ Hiện Thời Plus đang bắt đầu gặt hái được những bông lúa chắc mẩy bằng một định hướng cho người đọc vềcảm nhận thơ của nhà văn Chu Văn Sơn đã được rất nhiều ngươi hưởng ứngbàn luận khá sôi nổi và giới thiệu chùm thơ theo tiêu chí thơ Hiệnthời plus của nhà thơ trẻ Nguyễn Nhật Huy, tuy chưa được quan tâm đúng mực âu đó cũng do cái thói quen của người đọc như có bạn đã chia sẻ.
Trong bài viết nhỏ này tôi chỉ muốn trao đổi đôi điều về cách tiếp cận
thơ hay thơ dở lại bắt nguồn từ ÂM ĐIỆU của nhà thơ? Tôi chỉ đồng cảm
một phần thôi vì âm điệu không quyết định tất cả, nó chỉ tạo cảm hứng
ban đầu cho người đọc. Theo tôi thơ hay lệ thuộc rất nhiều vào tài
năng tổ chức và lựa chọn ngôn ngữ, biết đặt những từ ngữ rất đời
thường đúng lúc, đúng nơi. Những bài thơ hay thường lại là những bài
thơ không sử dụng thứ ngôn ngữ cầu kỳ rối rắm. Tôi đã đọc được một ý
kiến của một học giả phương Tây rằng để hiểu được thơ Đường chỉ cần
thuộc và hiểu 500 từ phổ thông tiếng Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là
ngôn ngữ trong thơ Đường là thứ ngôn ngữ rất đời thường thế mà nó đã
tồn tại hàng ngàn năm.
Để lý giải cho ý kiến của mình tôi xin dẫn chứng từ những câu thơ bài
thơ của chính nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh và nhà thơ Trương Đăng Dung
hai nhà thơ một là thành viên của nhóm Hiện thời plus, một là nhà thơ
mà nhóm Hiện thời plus đã giới thiệu về chùm thơ mới nhất của ông.
Mở đầu bài thơ “Viết cho người say” Nguyễn Thúy Quỳnh viết:
“Thỉnh thoảng có ngày
cơn say đưa anh về khi đêm đã khuya
dáng mảnh liêu xiêu
bước chân chao đảo
và khi ấy nhà mình có bão”.
Chính hai từ “Thỉnh thoảng” đã quyết định sự thành công của bài thơ.
Chỉ là “Thỉnh thoảng” thôi mà những cơn bão khủng khiếp trong gia đình
đã nổ ra nhưng vẫn ở mức độ người vợ còn đủ sức để chịu đựng vẫn còn
lóe sáng chút hy vọng và còn hơn thế còn có thời gian chăm sóc cho
chồng khi say xỉn. Vẫn còn khoảng trống cho người vợ nghĩ suy rằng:
“Em lo sợ một ngày chẳng biết ai có lỗi
khi hạnh phúc ngả nghiêng dưới mái ấm nhà mình”
Bài thơ “Viết cho người say” là bài thơ có sức nặng ám ảnh và sức nặng
tâm trạng. Nó đã lấy đi của tôi và rất nhiều người đọc là bạn tôi trên
facebook khi tôi giới thiệu và bình luận về bài thơ này rất nhiều nước
mắt. Ngôn ngữ của bài thơ rất đời thường nhưng nhà thơ đã biết đặt nó
đúng chỗ, đúng nơi và đúng lúc nên những chữ rất đời thường ấy đã có
sức công phá và xuyên thủng vào trái tim người đọc.
Trong bài “Những tích tắc quanh tôi” có hai câu thơ mà phản ảnh được
rất đủ đầy về thực trạng của xã hội đương đại:
“Một chữ ký nhẹ tênh,
kéo trập trùng sông suối núi đồi chui vào két nhỏ,
những tuổi teen tóc đỏ
dắt nhau vào nhà trọ bình dân còn quên tháo khăn quàng”
Chữ “Nhẹ tênh” là một từ có sức công phá nó cho ta hiểu được cái vô
cảm bất lương của những con người biết lợi dụng chữ ký của mình. Chữ
trập trùng là một từ đẹp khi nói về sự vĩ đại rộng dài của sông suối
núi đồi nhưng khi nhà thơ dặt vào đây thì trở nên khủng khiếp trước sự
xâm lăng tha hóa của đồng tiền.
Còn câu thơ dưới chỉ mấy từ thôi mà đã gửi cho người đọc những thông
điệp đau xót về những nhà trọ bình dân - một hình thức kinh doanh hợp
pháp và nhiều người đã biết lợi dụng sự hợp pháp hóa đó để biến nó
thành các nhà chứa. Cái xót đau ở đây là tầng lớp trẻ em bây giờ cũng
đã biết khai thác triệt để cái chức năng không ghi chép của các nhà
trọ bình dân. Nhưng chính cụm từ “Còn quên tháo khăn quàng” mới làm
buốt nhói tim ta vì đó chính là những đội viên thiếu niên tiền phong
Hồ Chí Minh, là cháu ngoan Bác Hồ (Theo quy ước của đoàn thể này)
Tôi xin bàn thêm về tài năng tổ chức ngôn ngữ của nhà thơ Trương Đăng
Dung. Trong bài “Có một thời” ông viết:
“Có một thời
đến bữa cơm mẹ ngồi đợi vét nồi
răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa.”
Câu hai vừa nói lên sự nghèo khổ của một thời và cũng nói được đủ đầy
nhất về tấm lòng bao dung, đức hy sinh của những người mẹ cho các con
trên thế gian này. Chỉ có mấy từ mà ta thấy được những thông điệp như
trùng trùng điệp điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm sau những câu chữ rất
đời thường. Còn câu ba thì sự đói khổ đã đẩy lên đến tận cùng. Cái
răng cái tóc là góc con người và môi hở thì răng lạnh. Một bộ phận cơ
thể rất gần gũi rất thiết yếu nó bảo đảm cho sự sống của một con người
thế mà “răng mẹ rụng khi nào không biết nữa” Bởi vì người mẹ của chúng
ta không bao giờ được nhai thức ăn nên không hề có cảm giác. Một câu
thơ đã ám ảnh tôi và sẽ ám ảnh tôi cho hết cuộc đời vì rằng chính mẹ
tôi cũng đã có một thời như thế.
Tôi chỉ xin trích một câu trong bài “Những kỷ niệm tưởng tượng của ông”:
“và những cánh tay trẻ thơ bom hắt lên cành cây vắt vẻo bên loa phóng
thanh đang hát điệu à ơi” hai hình ảnh tương phản đối nghịch nhau thế
đó. Chết chóc đau thương thì cứ chết chóc. Còn hát thì cứ hát cứ ngợi
ca. Có một thời sự vô cảm đã đi đến tận cùng. Không được nói về mất
mát về chết chóc về thất bại. Tất cả chỉ có chiến thắng chỉ được ngợi
ca!
Tất nhiên không chỉ có thế còn nhiều nữa. Tôi vẫn nghĩ để tiếp cận với
thơ và hiểu thơ thì điều trước hết nó thuộc về ngôn ngữ thứ ngôn ngữ
có sức chứa đựng tối đa những thông điệp mà mà thơ biết dấu kín trong
đó.
Như vậy theo tôi một bài thơ hay lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố ngôn
ngữ. Nhà thơ phải dùng ngôn ngữ để chuyển tải những thông điệp mà mình
cần gửi gắm cho người đọc, nói chính xác hơn cho nhân loại.
Mấy điều góp thêm với nhà văn Chu Văn Sơn về cách tiếp cận và hiểu về
một bài thơ hay./.