“Đoản khúc chiều” còn lúng liếng duyên

Đoản khúc chiều là tập thơ thứ tám của nhà giáo gạo cội, nhà thơ Thang Ngọc Pho. Gọi là nhà giáo gạo cội bởi ông có nhiều năm giảng dạy văn học tại Trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong, Thành Nam và dạy đại học. Mà lò trường chuyên này cũng ra đời nhiều văn nghệ sĩ, như ba nữ nhà thơ, nhà văn trẻ, quê Nam Định: Bình Nguyên Trang (báo Công an Nhân dân), Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp (báo Nhân dân)… chẳng hạn.

Về thơ? Đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ ông, nhưng quả thực tôi hoàn toàn bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất, là sức lao động sáng tạo của ông thật dồi dào, còn bung phá và lúng liếng mà nhiều người nói, còn hơn cả “giai tơ”, dù ông ở tuổi 86. Quả thực, trường hợp ở ông thật đáng nể, chỉ trong vòng từ 2017 đến nay ông đã có tập thơ đến 150 bài; trước đó, năm 2017 chính tôi ký giấy phép (Nxb. Hội Nhà văn) tập thơ Phượt của ông, cũng những 85 bài, đủ biết sức lao động sáng tạo của ông như thế nào. Bất ngờ thứ hai, cả hai tập thơ: Phượt và giờ là Đoản khúc chiều đều là thơ tình, có lẽ tình đến một trăm phần trăm chứ không phải mượn tình, ghé gẩm tình đâu nhé.

Tập Phượt, nghe cái tên đã rất mới, rất trẻ, rất thời, chứng tỏ tâm hồn ông vẫn tươi tắn, trẻ trung lắm; tình ông vẫn sóng sánh như sóng hồ trăng rào lên không dứt, không thôi lặng dù tuổi đã ngoại bát thập niên, thật hiếm có trong giới thi nhân. Tôi nghĩ, đến lứa đang giai còn phải kiêng nể ông, nói gì đến thế hệ chúng tôi bây giờ.

Thi sĩ Thang Ngọc Pho, tôi cảm như đã ông “phượt” vào tất cả các góc tình, dốc tình, hẻm tình, núi tình, thảo nguyên tình, dòng sông, ánh trăng, hương hoa, cánh đồng, con đò, cơn mưa, sự chờ đợi, muôn trạng huống… Có lúc vui, có lúc buồn, có những nỗi niềm đắng đót, dang dở hay mới chỉ gặp một bóng hồng thoáng qua trong cuộc đời đã nhớ nhớ, nhung nhung… rất đa ngữ cảnh, đa phức cảm xúc. Và bây giờ, Đoản khúc chiều (chắc muốn nói tuổi đã xế chiều) có đến 150 đoản khúc tình yêu nữa, gồm 130 khúc lục bát, 20 khúc ngũ ngôn, thất ngôn, bát ngôn, cửu ngôn, trong loại thơ mà ông gọi là thơ bốn dòng, chứ không gọi là tứ tuyệt, cho tôi một cảm giác thích thú khi “phượt” cùng ông.

Tình yêu thường đo bằng nỗi nhớ, có những nỗi nhớ cuồng si, đứng ngồi nhấp nhổm không chịu được, kiểu như “phải lòng mặt”, không nhìn thấy nhau là bần thần, ngơ ngẩn, ăn không ngon ngủ không yên; có nỗi nhớ da diết thao thức, có nỗi nhớ trầm sâu mà không kém phần mãnh liệt, như nỗi nhớ này của thi sĩ Thang Ngọc Pho: “Nhớ em ăm ắp buồng tim/ Buồn như nghe tiếng con bìm bịp kêu/ Nhớ em tím cả trời chiều/ Hoàng hôn bảng lảng, cánh diều bâng khuâng” (Nhớ em). Cũng là một trạng huống nhớ, nỗi nhớ khác, nhưng có phần ngoa ngôn, phóng đại để thể hiện tình yêu của anh là to lớn, mênh mông, không đo đếm được: “Bỗng nhiên lại nhớ Người Dưng/ Cứ da diết nhớ, cứ bừng bừng thương/ Vắng em, vắng cả thiên đường/ Vắng em, đến cả đại dương cũng sầu” (Người dưng). Cái Người Dưng nó lạ kỳ đến thế!

Còn đợi? Sự hẹn hò và chờ đợi là một đặc tính của tâm trạng yêu. Có cuộc hẹn mà nàng đến đúng giờ, có cuộc hẹn mà nàng “lề mề” đến trễ, có cuộc hẹn mà nàng không đến… thì bứt dứt và khổ sở thế nào! Sự đợi chờ của Thang Ngọc Pho không câu từ dữ dội nhưng nó “chuyển hóa” cả màu sắc, không gian, âm thanh… một cách uyển chuyển đến lênh loang, mênh mang, lây rây, chơi vơi, rất gợi: “Đợi em tím cả hàng cây/ Tím lênh loang sóng, tím lây rây trời/ Tím chan chứa tiếng ve rơi/ Tím mênh mang nắng, tím chơi vơi chiều” (Tím chiều). Đúng là sự dấm dứt của tình yêu và chờ đợi.

Thơ Thang Ngọc Pho, đặc biệt là ở thơ lục bát tiếp biến từ kho tàng ca dao, dân gian truyền thống vô cùng phong phú của người Việt. Có thể nói thơ ông “bong ra” từ chất liệu ca dao, văn học dân gian nói về tình yêu, duyên phận… nên thơ ông giãi bày rất có duyên và đằm thắm, trên nền thi ca tài hoa của ông cha. Ta biết, ca dao hay mượn hương bưởi, hương chanh để nói về vẻ đẹp “chân quê”, nền nã mà hấp dẫn, và Thang Ngọc Pho cũng không dại gì bỏ qua lối nói, mô típ này: “Tóc thơm bởi tóc lên hương/ Phải đâu hương bưởi thơm hơn hương người/ Hương em trộn với hương trời/ Hôn lên mái tóc thấy ngời ngợi em” (Hương em). Quả là bồng bềnh, lãng mạn và gợi hình, rất gợi của cái “ngời ngợi em”, một tình yêu không tuổi trong ông.

Lại đây, cái hương chanh sao khéo tán, khéo “gạ” nàng theo thi điệu ca dao thế: “Hỡi cô hàng xóm nhà anh/ Sang đây mà hái lá chanh gội đầu/ Hay là tính chuyện dài lâu/ Sang đây mà ở, gội đầu khỏi xin…” (Lá chanh gội đầu). Và bây giờ là hương sen: “Gót sen đã đi qua/ Hương sen còn ở lại/ Hương của thì con gái/ Thấm vào mạch hồn ta” (Hương). Một số bài có hơi hướng Nguyễn Bính hoặc thơ của thời Thơ mới: “Hà Nội trở gió mùa đông/ Còn tôi trở lại mà không thấy nàng/ Ngác ngơ hỏi nhỏ bướm vàng/ Hỡi ôi, nàng đã sang ngang bến tình” (Trời trở gió)…

Ông cũng có cách nói mới, chiêm nghiệm của người từng trải về khoảng cách, sự gần gũi của tình yêu bằng sự so sánh: “Người đời sống có cự ly/ Bạn bè khoảng cách du di ngắn dài/ Người thân có độ dung sai/ Anh và em có độ dài bằng không” (Cự Ly). Cũng không ít khi, ở ông, là cách nói vừa có duyên, vừa hóm hỉnh: “Chiều chiều ra ngõ mà trông/ Năm hò bảy hẹn tịnh không thấy nàng/ Một chiều nhạt nắng tôi sang/ Chỉ còn con cún nhà nàng vẫy đuôi” (Ra ngõ mà trông). Hay: “Trăm năm trong cõi người ta”/ Đàn ông tạo dáng đàn bà đẹp xinh/ Ngàn năm Tạo hóa lập trình/ Đàn bà là thợ chỉnh hình đàn ông” (Tương tác). Và cái sự “lâm sàng” của tình yêu này nữa ở Thang Ngọc Pho: “Em ơi, anh chết lâm sàng/ Bởi em toan tính sang ngang cuộc tình/ Làm ơn lạy Chúa cứu sinh/ Cho anh xin một giọt tình làm thang” (Chết lâm sàng). Một giọt tình thôi, dù cái giọt ảo không đo đếm được, có thể cứu được cái chết lâm sàng cơ đấy. Đọc đến đây hẳn không ít người nhớ những câu diễn ca hài của dân gian về quan hệ nam nữ: “Ở nhà thì chết lâm sàng/ Sang hàng xóm lại rộn ràng hát ca…” với nhiều dị bản tinh nghịch của nó?

Nhưng cũng nhiều bài thơ, chất liệu dân gian chỉ là cái cớ để ông viết về đời sống hiện đại, hoàn toàn hiện đại. “Cổ tích thời @” là một dạng bài mượn “hương” cổ tích khá uyển chuyển như vậy: “Một chiều vào quán uống trà/ Nghe đâu hương Thị tỏa ra thơm lừng/ Mua về. Lòng khấp khởi mừng/ Bụt xui Thị hóa người dưng a còng”. Ấy là mượn “hương”, còn giờ là ngôn ngữ của thời mạng và công nghệ thông tin: “Ôi, em xinh đẹp quá/ Anh đăng nhập vào tim/ Khóa em bằng mật mã/ Em ơi, hãy ngủ yên!”. Thậm chí là quan niệm đời sống, quan niệm hưởng thụ tình yêu rất hiện sinh; thời gian của ta đang sống mới là thời gian thực sống, có ý nghĩa và vì thế phải biết quý trọng, đừng hoang phí nó: “Yêu em không biết từ đâu/ Yêu em đến độ trọc đầu vẫn yêu/ Đời người sống được bao nhiêu/ Một ngày sống, một ngày phiêu. Một ngày…” (Phiêu).

Mỗi bài thơ bốn dòng của Thang Ngọc Pho như một lát cắt của những trạng huống tình cảm, tình yêu, mà ở đó nhan sắc tuyệt mỹ giai nhân, từ xa xưa, “sức mạnh mềm” của nó có thể làm sụp đổ cả ngai vàng, triều chính, có thể làm đầu rơi máu chảy dưới lưỡi gươm, như ông mượn tích Tàu ở bài Tây Thi, Chiêu Quân để nói. Điều đó không có gì mới. Cũng như một số bài thơ bày tỏ, chưa thực sự cất cánh khỏi dân gian, và khái quát được. Nhưng ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng của ông vẫn đủ lúng liếng, lay thức; thậm chí có những câu thơ rất gợi và mới, như “Nhớ nhau nhớ đến bồi hồi/ Mà ta vẫn cứ mồ côi tháng ngày”.

Và mặc dù, ông quan niệm mỹ nhân vẫn là tiên dược, là men của thơ tình, của các thi phẩm nói chung: “Mỹ nhân trong chốn trần ai/ Là liều tiên dược dưỡng thai thơ tình/ Phôi thai phút chốc tượng hình/ Khai hoa thi phẩm lung linh sắc màu” (Dưỡng thai); nhưng đây mới thực là cái điều ông muốn nói, sau tất cả lớp phù du, màu mè, muôn vẻ của tình yêu: “Chúng mình trẩy hội cùng nhau/ Cái già xồng xộc theo sau ta rồi/ Thương nhau cả lúc đứng ngồi/ Thương nhau cả lúc xoong nồi rỗng không…” (Thương nhau).

Phượt và Đoản khúc chiều cộng lại, có thể coi là tổng tập “từ điển” ngữ cảnh và trạng thái tình yêu “truyền thống” của nhà thơ Thang Ngọc Pho. Lớp trẻ bây giờ có thể yêu rất khác: yêu nhanh, yêu nhiều, yêu hời hợt, yêu qua mạng và cũng dễ tan, bỏ nhau “thần tốc”… Nhưng với 150 “Đoản khúc chiều”, chắc chắn, tôi nghĩ, sẽ làm thích thú cho những tâm hồn còn rung động với yêu thương đích thực!

 

Hà Nội, 10/9/2018.

TQQ