Những khép mở cùng một vòng xoáy

GIỚI THIỆU THƠ HUỲNH XUÂN TÙNG

NHỮNG KHÉP MỞ CÙNG MỘT VÒNG XOÁY

Huỳnh Xuân Tùng là một cây viết trẻ. Trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Anh yêu thơ và làm thơ. Hạnh Ngộ là tập thơ đầu ta của Huỳnh Xuân Tùng và được viết hoàn toàn bằng thể thơ Lục Bát.

Thơ Lục Bát là thể thơ truyền thống của dân tộc. Hầu như nhà thơ nào cũng có trong hành trang, vốn liếng của mình một mảng thơ này. Hầu như người dân Việt nào chỉ cần có chút am hiểu về Luật bằng trắc, nắm được cách gieo vần điệu cũng có thể làm được. Thơ Lục Bát dễ làm vậy nhưng cũng chính vì thế, rất khó hay. Thanh âm và vần điệu trong thơ Lục bát rất dễ làm người ta rơi vào trạng thái mất tự chủ. Sểnh tay, mải để vần điệu cuốn đi mà buông lơi giữa Ý và Tứ là thành vè, thành ca.

Có lẽ đã sớm ý thức được điều này, Huỳnh Xuân Tùng đã bắt đầu bằng thể thơ ngắn, phần đa là 4 câu với cách chọn ý lập tứ khá nghiêm cẩn. Ngay cái tên của tập thơ cũng đã nói lên điều đó.

Hạnh Ngộ

Hạnh là hân hoan của tiếp nhận. Là trạng thái của tao phùng. Là tiền đề mở.

Ngộ là sự nảy sinh, nhận chân về Hạnh. Một trạng thái khép.

Hạnh và Ngộ ghép lại bên nhau tự nó đã nói, đã mở và đã khai cái chủ ý của người viết về Nhân và Quả.

Hạnh Ngộ có vẻ là một tập thơ Tình, với mạch tình yêu làm chủ đạo. Nhưng bảo chỉ mượn tình làm hình để nói bóng thì cũng được. Bởi nó không theo thói thường, không sa vào mô tả cuộc tình mà chuyện tình chỉ thoáng qua, chỉ gợi lên một tình huống chân thực, gần gũi để làm bằng và rồi sau đó là những gợi mở những liên tưởng lấp lánh ản phía sau con chữ .

Vẫn có đấy Những kỉ niệm trong trẻo, hồn nhiên, vô tư sôi nổi của tình yêu thời trẻ đến giờ vẫn tươi rói nhưng là một tươi rói của hoài niệm, của quá khứ và... của thơ:

Ngủ nhe em, mộng hoang đàng
Cây luân hồi mọc vô vàn cánh môi
Giọt sương nào còn nữa tôi
Thầm thì rót lại một thời hoa niên.

Vẫn có đấy nỗi trăn trở thường trực, nỗi xót xa không chịu buông thả, một hoài niệm khắc khoải khôn nguôi trong đời sống thường nhật, những giây phút nản lòng. Hay thấy mình như dã tràng xe cát. Như người nông dân sau bao kiên nhẫn cấy trồng chăm bón mà cuối vụ vẫn trắng tay. Hoặc thấy những thu hoạch kia quá ít ỏi, không tương xứng so với công lao mình đã bỏ ra chăm bón. Nhưng không nói ra, không oán trách, không chì chiết. Chỉ là vu vơ nhớ và mơ hồ cảm.

Trên tay, một đóa không màu
Những mùa xuân cũ nở đâu đó rồi

Và em ơi, và, em, ơi
Chúng ta chùm ký tự rơi 
lệch
dòng

Tuy nhiên không chỉ có thế. Ở thời điểm đã lùi xa cuộc tình. Ở giữa bộn bè cát bụi trần gian

Bây giờ tóc rối mơ tiên
Ngựa xe chuyến cũ giữa miền không đâu

Nó mở ra những suy tưởng, những chiêm nghiệm về người và cõi người. Nhận thức về những giá trị đích thực của cuộc sống. Mỗi câu hỏi được bật ra từ những câu thơ, bài thơ đặt ra cho người đọc những băn khăn, trăn trở, tìm lời giải về nhân thế, về cái đích đến, về những tròn đầy hay khiếm khuyết, cái được và cái mất. Qua đó gợi mở và đòi hỏi những nghĩ suy cho mỗi hành động, cho mỗi hành trình tiếp theo.

Bây giờ tóc rối mơ tiên
Ngựa xe chuyến cũ giữa miền không đâu
Không đâu là có muôn sầu
Có đâu, không biết, lâu lâu lại là...

Có điều dễ nhận thấy Huỳnh Xuân Tùng đã sớm xây dựng cho mình một cách vận hành thơ khá riêng, không dễ trộn lẫn. Với hơn 70 bài thơ, tất cả chỉ có chung một tên gọi. Những con số 1-2-3... đi kèm. Cái cách đặt tiêu đề cho mỗi bài thơ như vậy, sự ẩn mình dưới những con số khô cứng cũng làm nên một thôi miên. Nó gợi cho người ta cảm giác của kẻ đang ngồi nhập thiền. Cứ tụng từng đều đều, rời rạc, vẻ như vô thức. Rồi Thân xác đấy, câu chữ đấy mà hồn thì phiêu diêu lúc nào không hay. Nhưng nó không cho người ta sự thoát xác tuyệt đối. Từng nhịp phân khúc với những Không- Thành, Mê- Thức như dòng sông chảy có những ghềnh thác lớn nhỏ chợt hiện khiến tâm trí bị quấy rối. Ý thức không thể tịch diệt được bở những kỉ niệm, những so sánh, những ý thức từ những nhận biết và giác ngộ tự chủ. Không thể đánh phèn cho cả một dòng sông nên đành để trong đục lẫn lộn. Những hạt bụi vẫn không chịu nép mình mà đòi được chứng tỏ, được thanh minh hay lý giải.

Hoang vu cỏ tắm mưa ngàn
Trong truông vô định có tàn xanh bay
Chân qua trơn trượt nỗi ngày
Ướm chưa vừa lại một giây từng mình

Và cứ liên tục là như vậy. Hạnh và Ngộ cứ lần lượt được nêu tên, được chỉ điểm như một đúc kết, một triết lý. Nhưng luôn là những độc lập. Rất nhiều bài mỗi câu là một tứ mới riêng biệt. Có thể để gộp như một Album ảnh cũng được mà cất đi một vài hoặc cho đứng ra độc lập thành một bài khác cũng được.

Có thể là trong từng bài, trong từng khổ thơ:

Có lần chạm ngón tay thưa
Nhớ em mai mốt lần vừa quên anh
Hình như kỷ niệm lạnh tanh
Bỗng dưng da diết nhớ mình trong veo

Có thể là trong từng nhịp 6-8:

Khi loài người biết ghét nhau
Nỗi đau nào cũng có màu máu tươi

...Đạn bom không cần phải rơi
Mỗi thinh lặng một mầm đời chết đi

và cuối cùng là Hạnh- Ngộ ngay trong từng câu:

Đi xa rồi cũng về gần
Đi gần rồi cũng dần dần về xa
Đi vô cùng để ngang qua
Đi vô biên cũng như là vô tri

Thơ Tùng giàu tính triết luận với luôn là một cái kết mở. Anh không vội phô ra sự nhận biết những phát hiện mà để chúng nằm ẩn ở phía sau sự việc. Những chi tiết, hình ảnh qua thu nhận của trực quan được nâng lên thành khái niệm . Những so sánh đặt cạnh nhau gợi mở hướng dẫn tới những triết lí. Cảm xúc và suy tưởng luôn được kết hợp nhằm nâng trực giác lên thành khái quát, có tính tư tưởng:

Hoa vàng rụng xuống cỏ xanh 
Cơn đau còn ở trên cành chào tôi

Câu thơ đã có tầm triết lí và trí tuệ, qua những nhận thức duy lí hoặc duy thức. Những định nghĩa về tình yêu của các nhà thơ không phản ánh tính chính xác kiểu toán học hay triết học duy lí mà chỉ đơn giản, đó là cảm nhận trực diện trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, những va vấp riêng tư cùng những trải nghiệm của mỗi người. Còn với Huỳnh Xuân Tùng, cứ có cảm giác rằng Huỳnh đang ngồi làm thơ nhưng trước mặt anh là một bài vị khổng lồ của Tình Yêu vậy. Ngan ngát đâu đó phảng phất có mùi hương trầm và mùi hoa dạ lan vừa hòa quyện vừa lãng đãng, siêu thực:

Em đi, đời đã về sau
Trong nôi vẳng tiếng kinh cầu rất xanh
Ngoài kia vàng đá để dành
Một vòng nguyệt quế trên manh áo mòn

Thơ có loại để bình. Có loại để ngẫm. Có loại có thể rành rẽ phân tích hay dở. Và có loại chỉ có thể cảm. Thơ Tùng thuộc loại để cảm. Bởi nó lãng đãng như mây, ít khi tụ lại thành một đám. Bởi nó được ghi lại từ những suy nghĩ, những hình ảnh bất chợt, những liên tưởng được thả rông và chính cái sự thả rông ấy lại được thể hiện trong một thể thơ Lục bát vốn rất mênh mang, Vậy nên đọc thơ Huỳnh Xuân Tùng cần một cách đọc riêng. Cứ nhẩn nha từng bài. Trong mỗi bài cũng chỉ nên nhẩn nha từng câu. Kiểu như nhặt từng hạt đậu phộng xé từng sợi khô khoai rồi chậm rãi đưa lên mà nhấm nháp vậy. Còn nếu đọc liền tù tì một hơi hết bài hoặc nhiều bài cùng lúc thì rất dễ sa vào những tù mù hoặc bị vần điệu mượt êm của thể lục bát trong bài cuốn đi trong khi những viên sỏi đang nằm im dưới đáy dòng chảy với những thì thầm rất nhỏ cùng những cồn cào rất nhỏ của sóng nước bên mình:

Cánh tay khô dạt trời chiều
Mây bay lệch gió con diều lệch dây
Em qua tôi lệch một ngày
Nên cô đơn chạm thật đầy chân nhau.

Cái Lệch làm nên sự cô đơn. Và cái cô đơn nằm ở bước chân đi hoang trong một thế giới không nhau. Và sự lệch này chỉ có thể nhận ra được khi bước những bước đi thật chậm!

Với mỗi một người viết, nhất là trong lĩnh vực văn chương thì có thể nói mỗi người là một vũ trụ riêng biệt với những cảm thức riêng biệt, không ai giống ai. Và cao hơn, nó phụ thuộc vào trình độ của mỗi người từ Nhận thức và bề dày cuộc sống, chiều sâu tư duy. Cái khó là làm sao để cái Ngộ của người viết chập được làm nên được một đồng cảm từ người đọc. Làm một căn phòng khép kín thì dễ. Làm một căn phòng ấm cúng đủ sức chứa đựng thì khó. Rất may Huỳnh Xuân Tùng, sau những Hạnh, bằng cái Ngộ của mình đã gây được những đụng chạm. Có thể đó đã là một giá trị. Nhưng cũng có thể đó mới là những tiếng chuông gió, một hơi thở ấm. Và có khi mới chỉ là một gợi mở. Hạnh và Ngộ phần đa vẫn còn mang tính chủ quan của tác giả. Nhưng không sao. Với mỗi nhà thơ, sau mỗi bài, mỗi con chữ của mình mà tránh được cái vô hồn, cái trưng diện tẻ nhạt của con chữ, để làm nên một cái riêng, lưu trong lòng người đọc một dấu khắc dù rất nhỏ cũng đã là rất quý.

 

Sài Gòn tháng 6 năm 2018

Nhà văn Kao Sơn