Chứng chỉ đàn bà- Truyện ngắn của Phan Thái

Nụ không rõ mình đi hay chạy ra khỏi khách sạn ấy. Cơn gió đêm bất chợt hun hút thổi tới quật cô ngã sấp mặt xuống vạt cỏ ướt rượt. Nụ quặn lòng nức nở, mặc lọn tóc xổ ra rối bời, tâm trí hiện lên cái bĩu môi dè bỉu và bộ mặt phèn phẹt trơn bóng. Chưa bao giờ cô thấy mình tủi hổ nhục nhã đến thế. Trời càng về khuya càng lạnh lẽo. Trước mặt Nụ, con sông nhỏ loang loáng dưới làn sương mờ đục uốn lượn như dải khăn tang. Trời ơi! Sao khốn nạn cái thân ta thế này - Nụ nấc lên không thành tiếng. Mấy mươi năm tồn tại trên cõi đời, mang phận đàn bà, nhưng lăn lóc đến ô nhục chỉ để được làm chức phận đàn bà cô cũng không thể. Đâu phải cô có khuôn mặt gớm ghiếc, cũng đâu phải cô là loại gái bán trôn đĩ thõa. Chẳng lẽ mình tàn tạ rẻ rúng như thứ đồ bỏ đi thế này hay sao? Quẫn trí, Nụ lao mình xuống dòng nước xiết.

*   *   *

Cơn mây giông cuồn cuộn cuốn Nụ xoay tròn trong vòng xoáy và quăng cô như búi giẻ rách vào vạc dầu sôi. Chung quanh tối đen như mực, không hề có tiếng gào thét và bộ mặt của bầy quỷ dữ. Một bàn tay khổng lồ túm cô đang dập dềnh trong vạc dầu lẳng lên tảng đá lớn. Chưa biết bị xẻ thịt thế nào thì bàn tay ấy đã dốc ngược cô lên. Cơ thể căng cứng của cô nổ bụp rồi nhẹ bẫng. Cứ thế cô lơ lửng trong làn mây.

Một khi đã chết, là đàn ông hay đàn bà không còn quan trọng. Nhưng thực sự cô là đàn bà, cô phải là con ma nữ. Mãnh lực của ma nữ bao giờ cũng mang tâm khí và chất chứa nguồn sức mạnh ẩn sinh. Ma nữ còn là sợi dây chằng buộc, giam cầm những hồn thây đốn mạt dưới chín tầng địa ngục, không cho chúng đầu thai sang kiếp khác.

Hai chục năm trước khi còn là đội viên thanh niên xung phong, cô được biên chế trong tiểu đội nữ. Chiều chiều sau giờ san lấp hố bom, cả tiểu đội lại khỏa trần giữa dòng suối giữa rừng Trường Sơn. Đám bạn gái ganh tị với cơ thể trắng ngần và bộ ngực căng tràn của cô. Nhiều đêm, cô cũng có những phút giây cuộn xiết khát khao thèm muốn… Và tình yêu, cô đã từng ngất ngây trong mối tình đẹp như truyện cổ tích với chàng lái xe chở hàng ra mặt trận. Nếu bom đạn kẻ thù ác liệt bao nhiêu, thì tình yêu của cô ngọt ngào bấy nhiêu. Giữa trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch, nhiều lần đoàn xe của anh dừng nghỉ chờ thông đường, họ đã có những giây phút bên nhau say đắm. Cô còn nhớ đó là một buổi chiều mùa thu, nắng như mật ong lọt qua kẽ lá rắc lên nụ hôn nồng nàn bất tận của hai người. Nằm trên thảm lá vàng khô, anh thủ thỉ: “Chúng mình dành cho nhau em nhé. Chiến trường ác liệt lắm…Ngày mai chẳng biết thế nào”. Anh luồn tay mân mê bộ ngực căng đầy rồi trườn xuống mép quần. “Đừng anh! - Cô khép chặt đùi, kéo tay anh đặt lên ngực và nói trong hơi thở gấp: “Mình dành cho ngày cưới đi anh. Em mà chửa họ đuổi về chắc mẹ em chết mất”. Cái ngày cưới cô hẹn anh chỉ còn trong hoài niệm. Chuyến đi ấy, chiếc xe của anh trúng bom từ trường bên một binh trạm. Đồng đội gửi lại cô duy nhất chiếc mũ sắt khắc tên anh bẹp dúm loang lổ vệt máu đã thâm đen… Mãi về sau này, mỗi khi nhớ giây phút bên nhau ấy, cô lại tức tưởi vật vã, tự trách mình đã mù quáng kìm chế bản năng, để giờ đây sự trinh nguyên cũng chẳng còn nghĩa lí gì.

Chiến tranh kết thúc, đại đội nữ thanh niên xung phong của Nụ được chuyển sang làm kinh tế. Nông trường trồng cây công nghiệp cấp tốc được thành lập tại một huyện miền núi heo hút. Những ngày đầu, sức trẻ vô tư lấn át mọi phiền não, gần bốn trăm nữ công nhân đều chưa chồng của đội sản xuất quên đi tất cả... Không ai nghĩ số phận mình lại có ngày cô quạnh hẩm hiu. Dần dà khu tập thể không một bóng đàn ông bắt đầu rộ lên sự khô héo mòn mỏi, nhiều người làm việc trong tâm trạng giằng xé. Sau ba năm, khi đồi trọc bật lên màu xanh ngút ngàn, cũng là lúc số công nhân nữ vơi dần, số về quê lấy chồng, số lặng lẽ bỏ đi mong tìm cho mình một bến đỗ. Cô cùng vài chục nữ công nhân vẫn kiên trì bám trụ lại, không phải mọi người không có quê hoặc kém cạnh nhan sắc, mà chính là họ kiên định với những bài học về mục đích cống hiến, về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Dưới bom đạn kẻ thù không ai trong số họ khiếp sợ, vậy thì để xây dựng cuộc sống mới, chỉ biết lo cho bản thân đâu phải là lẽ sống! Nhiều lần soi gương chải tóc, cô rùng mình khi thấy tuổi trẻ vùn vụt qua. Đêm nào cũng vậy, phòng đơn gối chiếc, hình bóng đàn ông ngày một xa vời. Chiến tranh đã cướp đi quá nhiều những người đàn ông, nhưng dù có còn cũng mấy ai đủ can đảm vượt vài chục cây số đường rừng làm quen với các bà cô luống tuổi. Một thời xuân sắc, biết bao người con gái trong đó có cô, không hề toan tính, hăm hở lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày trở về mong muốn được làm đôi đũa mộc, chả ham hố chòi mâm son mà chỉ biết đợi chờ trong vô vọng. Ngày còn trẻ đùa nhau kén cá chọn canh, giờ chẳng kén chọn gì cũng khó. Chiều tắm suối ngắm ngực nhau đã bắt đầu nhám thâm, chảy xệ, có cô không cần giữ kẽ: “Tao chỉ cần một tay mặc quần đùi, hút thuốc lào, đen hôi cũng được…”. Huệ, cô bạn gái phòng kế bên, một điển hình tiên tiến tiêu biểu của nông trường cũng không thể dằn lòng, nhiều đêm sang nằm ôm Nụ thở dài não nuột: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi. Em hết xuân thật rồi. Chẳng lẽ chị em mình chịu còm cõi chết già sao?”. Dù cũng cám cảnh đắng lòng như bạn, cô vẫn gắng gượng an ủi: “Đừng nản lòng, ít bữa nữa rồi tính. Biết đâu giời mang đến cho mỗi đứa một tấm chồng cũng nên”. Cô bạn mếu máo: “Cả đội đàn ông có mấy mống, vài thằng mới nứt mắt, được mỗi lão đội lại vợ con đề huề. Cơ sự này mình có chó nó lấy”. Nụ buồn cho bạn và buồn cho cả mình. Nhiều tối, Huệ như kẻ mất hồn tha thẩn đi đâu đó. Một đêm muộn Huệ lẻn sang phòng Nụ nhát gừng: “Em… chửa ba tháng rồi. Em sẽ có con chị ạ!”. Nụ tròn mắt: “Mày có chửa? Chửa với ai?”. Huệ tỉnh queo: “Không đừng được, em đi... Có ba thằng choai choai đè ra hiếp. Em chẳng biết của thằng nào”. Giời ạ! Thì ra Huệ bày đặt đi đêm để được hiếp. Nụ ôm lấy bạn nước mắt giàn giụa, cô cũng chẳng biết mình khóc vì lí do gì. Chuyện vỡ lở, ngay trong tuần đó, bà cán sự tổ chức của nông trường về đội sản xuất triệu tập họp. Bà đeo mục kỉnh nghiêm giọng: “Chúng tôi nhận được tin đồng chí Huệ chửa hoang. Để giữ nghiêm kỉ luật, cấp trên yêu cầu đội tổ chức kiểm điểm và kỉ luật làm gương…”. Không để bà ta nói hết quy định này nọ, Nụ đứng phắt dậy lớn tiếng: “Chị em chúng tôi giữ…cho chúa nhiều năm rồi, nay chả cần gì phải giữ. Cấp trên muốn, bảo các ông ấy xẻo về mà thờ”. Hội trường nhốn nháo làm bà chủ trì bẽ mặt cáo lui, cuộc họp kết thúc chóng vánh…

Đứa bé con của Huệ ra đời trong niềm vui của cả đội. Cũng từ vụ sinh nở của Huệ, nhiều cô gái không chồng tự nhiên bụng cũng lùm lùm…Chưa biết sự thể ra sao thì nông trường đột nhiên có quyết định giải thể.

*  *  *

Ngày ra đi với bao niềm hứng khởi và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những tưởng con đường phía trước sẽ cho Nụ thực hiện ước mơ hoài bão về một gia đình nhỏ, vợ chồng con cái dắt díu nhau thăm quê quấn quýt bên ông bà. Cô không ngờ ngày trở về lại lẻ loi đến vậy.

Ngồi nhổ tóc sâu cho con sau bữa cơm đoàn tụ, Bà mẹ Nụ rầu rĩ: “Già kén kẹn hom con ạ! Không khéo chỉ có nước làm bà cô”. Nụ cười như mếu: “Có lẽ con kiếm một đứa cho có mẹ có con”. “Tùy chị. Làm đàn bà mang tiếng không biết đẻ đái khổ lắm, cái lệ người làng mình nó vậy. Chả gì hơn máu mủ ruột rà, dứt khoát phải con mình đẻ ra…”. Biết mẹ tỏ ý cảm thông và cho phép có đứa con để an ủi, nhưng với Nụ đâu phải chuyện dễ. Chẳng lẽ từng này tuổi lại liếc mắt đưa tình, hoặc tỉ tê theo đuổi gã đàn ông nào đấy. Mà giả dụ quyết liều thì ở làng, cô cũng không có gan xen vào hạnh phúc của người khác.

Ở đời những kẻ nghèo hèn thường sống an phận, cô cũng vậy. Nhưng an phận lại không là lối thoát. Ngoài việc đồng áng, cô chỉ biết cắm mặt đạp xe thồ sọt rau bán buôn cho mấy sạp hàng trên chợ huyện. Đã rằng cây ngay không sợ chết đứng, nào ngờ cây muốn lặng gió chẳng đừng. Ai đó xì xầm: “Gái nông trường, giường bệnh viện. Ngữ ấy buôn chồng người thì có chứ buôn bán gì. Bao năm đất khách, hứng không ra hàng rổ…Tao chớ kể”. Có người cạnh khóe: “Gậy chọc hang cua. Chắc nhiều thằng hì hục nó tịt mẹ hết trứng rồi”. Nụ chua chát ngoảnh mặt làm ngơ trước miệng lưỡi của những kẻ cay độc, cô cũng không thể dỗi hơi thanh minh này nọ, mà dù có thanh minh cũng chả nên cơm cháo gì. Không ai thừa nhận cô là đàn bà thì cô phải chứng minh cho mọi người thấy cô là đàn bà.

Những lần chở rau lên phố huyện, Nụ gặp và cảm mến người đàn ông thọt chân canh cá bên đầm. Chỉ vài lần gã buông lời ong bướm, tự nhiên nỗi khát khao trỗi dậy. Không rõ ma xui quỷ khiến thế nào, Nụ dò dẫm như kẻ bị mộng du ra chòi canh theo lời dụ dỗ ngon ngọt của gã và buông xuôi nếm mùi trái cấm. Ngày còn bé, mẹ cô thường dặn dò giữ gìn cái “ngàn vàng” của đời con gái. Ngần này tuổi cô thấy giá trị của nó cũng chỉ như mớ rau muống ngoài chợ huyện. Có khác chăng mớ rau còn được để lên mẹt, cô thì nồng nỗng trao thân trên đống rơm. Nhiều lần ôm ấp nỉ non, những tưởng được gã cho đứa con để thỏa ước mong làm mẹ, nhưng lần nào khi cao trào gã cũng lạnh lùng cương quyết. Một lần khi no xôi chán chè, gã cười khẩy: “Cô thích đú đởn tôi chiều, nhưng con thì thôi. Tôi nuôi thân không xong còn nuôi được ai. Giả sử cô không cần tôi phải có trách nhiệm, tôi cũng không muốn con tôi phải khổ”. Bao ẩn ức kìm nén bùng lên thiêu đốt, niềm khao khát giao hoan có con để thành đàn bà làm cô như phát điên, Nụ đứng phắt dậy vơ quần áo chạy cắt đồng về nhà. Câu nói của gã thọt như xát muối vào lòng. Nếu chỉ như vậy, gã thọt này cũng không khác chiếc khăn cô rửa mặt rồi vất đi. Hắn biến cô thành đàn bà và chỉ cần cô làm phận sự của giống cái để đáp ứng nhu cầu sinh lí cho hắn. Trời ơi! Đến như Thị Nở còn được Chí Phèo ban cho cái bụng mà cô lại như thế này sao? Không còn cơn dục tình ngùn ngụt thì thể xác đàn ông cũng chẳng có nghĩa lí gì. Từ đêm đó Nụ không thèm cắt đồng ra với gã. Gã cũng không đoái hoài đến cô, bởi  không thiếu các bà góa bụa, các ả nạ dòng sẵn sàng nhảy bổ vào gã như lợn bị chọc tiết mà chẳng cầu cạnh gì.

Hồi mở đường Trường Sơn, tiểu đội nữ của Nụ hay đùa nhau khi kể  chuyện tiếu lâm về các bà quá lứa nhỡ thì, thèm hơi đàn ông đến phát rồ phát dại khi lên cơn động tình. Nào ngờ chuyện tiếu lâm vận cả vào đời cô. Đuôi mắt Nụ bắt đầu hằn lên vết chân chim, gò má bầu bĩnh khi xưa hiện lên vết thâm nám. Mỗi khi cởi quần áo, Nụ không khỏi se sắt buồn khi nhìn cặp vú căng mẩy dần teo tóp. Nhiều đêm bên bậu cửa, cô lặng phắc cởi trần, mặc cho bộ ngực thỗn thện bắt ánh trăng sáng lên le lói như ngọn đèn dầu sắp tắt.

*  *  *

Lá vàng rụng trên khoảng sân nham nhở vệt rêu làm căn nhà xộc xệch u tịch như bị bỏ hoang. Từ này bố mẹ lần lượt qua đời, Nụ như chiếc bóng vào ra hiu hắt. Năm thì mười họa cô mới cầm chổi quét, bởi có quét hay không cũng chả ích gì. Một thân một mình, lá ngày nào cũng rụng, nếu không có những chiếc lá trên sân lúc rảnh rang Nụ để mắt tới, có lẽ cô quên mình đang tồn tại. Ngay trong ngôi nhà cô cũng thấy mình đâm ra thừa thãi. Mấy bà hàng xóm nhìn cô ái ngại: “Chả chồng thì đừng, nhưng kiếm lấy một đứa cho vui cửa vui nhà”. Nụ cười chua chát: “Đàn ông họ thấy gái như mèo thấy mỡ, em thì…cho không cũng khó”. “Vẽ. Mày phân gio nhếch nhác, đầu tóc như tổ quạ… Thằng chó nào nó hứng tình. Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, tiền nong để làm gì không đắp vào?”. Thuận tai, Nụ đến tiệm làm đầu, lại qua shop mua luôn mấy bộ quần áo nghe nói đang “hot” với các bà các cô. Quả không uổng công tân trang nhan sắc, thằng cu Tý làm bảo vệ cho một nhà hàng trên thành phố về tỉ tê: “Cháu quen một tên đang tìm gái đẻ thuê cho một ông sếp. Vụ này được lắm, cô nghe cháu”. Đã từng hiến thân cho gã thọt và thiếu nước quỳ mọp van lạy để được hắn ban ân huệ làm mẹ, Nụ không cấn cá gì nhiều cho một quyết định. Dù thuê hay không thuê cũng vậy, cô chỉ cần cho cả làng thấy bụng mình to lên là được, và rồi cô sẽ làm mẹ, dẫu đứa con của cô thuộc về người khác, nó vẫn là đứa con cô dứt ruột đẻ ra. Nghe lời cháu, Nụ theo thằng cò gái vào khách sạn có ông sếp chờ sẵn…Thản nhiên nhìn cô từ đầu đến chân như nhìn một món đồ, ông sếp bĩu môi lẳng lặng rút ví đặt trước mặt Nụ tờ năm mươi ngàn: “Thôi cô về đi, nếu cần tôi sẽ liên hệ. Cho cô mấy đồng đi đường”. Không đếm xỉa đến tờ tiền của hắn, Nụ quay gót bước nhanh ra khỏi phòng. Cửa vừa khép, cô nghe lão lớn tiếng quát mắng thằng cò: “Bọn gái non chết hết rồi hay sao? Mụ già khú đế mày bảo tao hốc được à? Lấy giống cái loại ấy để thiên hạ họ nhổ vào mặt tao à? Biến!”. Như bị một cái tát trời giáng, bẽ bàng ô nhục tột cùng, Nụ cắm mặt lao về phía bóng đêm…

*  *   *

Dường như cõi chết cũng đìu hiu cô quạnh. Nụ thấy mình bập bềnh trôi trong không gian tĩnh lặng, tanh tưởi mùi tử khí. Toàn thân cô tê dại nhớp nhúa rồi tan rữa. Một tảng nham thạch từ đâu đó đổ ập xuống người.

Nụ mơ hồ thấy ai đó gắn môi hà hơi thổi ngạt làm cô chợt nhẹ bẫng và thở hắt ra…Mở mắt, Nụ thấy một ông già day trên ngực của mình. Cơ thể lạnh cóng nhói buốt, cô đờ đẫn một lát rồi lại chìm vào mê sảng.

Bất giác Nụ choàng tỉnh, cô nghe được giọng nói trầm ấm, mừng rỡ:

- May quá, con tỉnh lại rồi!

Cô muốn ngồi dậy nhưng chân tay tê cứng không thể nhúc nhích:

- Con…ở… đâu?”

- Ta vớt con trên sông. Sao dại dột thế? Con đang ở nhà ta.

Đầu ong ong nhức như búa bổ, Nụ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và tại sao mình lại nằm đây. Nhớ lại từng việc, Nụ sa sầm mặt mày khi biết mình đã lao xuống sông tự vẫn. Thì ra cô chưa chết. Đúng hơn cô đã chết nhưng may mắn sống lại nhờ ông già chài lưới vô tình xuôi thuyền trên sông.

Hôm sau khi đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn xong bán cháo ông già bón cho cô, trong bộ quần áo đàn ông rộng thùng thình, cô kể lại toàn bộ sự việc trong giàn giụa nước mắt. Nghe cô kể, ông già không nói gì chỉ ngồi trầm tư, mãi sau ông mới chậm rãi:

- Chết là hết, nhưng chết không giải quyết được việc gì. Con còn trẻ còn nhiều cơ hội. Không thể vì muốn thành đàn bà và thái độ thằng sếp ấy mà kết thúc cuộc đời. Sống để làm một chút gì có ích cho con người mới khó. Nếu chết được ta cũng chết rồi…

Nụ ngỡ ngàng không hiểu ông muốn nói thêm điều gì. Nhìn căn nhà tềnh toàng vắng hoe, cô ý tứ:

- Bà nhà đâu hả ông? Từ hôm trước tới giờ con chưa gặp?

- Bà nhà tôi qua đời đã mấy năm do bạo bệnh. Tôi cũng không có con cái gì. Cô có thể ở đây cho khỏe hẳn rồi tính. Tôi có con thuyền trên bến. Căn nhà này dựng lên cho có, chả mấy khi tôi về.

Đã quyết định tìm đến cái chết, Nụ chẳng còn thiết tha về làng. Cô cũng chưa biết sẽ đi đâu, làm việc gì để sống. Ông lão thuyền chài đi suốt ngày, thi thoảng đến bữa tạt về nấu cơm thuốc thang cho cô rồi lại tất tưởi ra sông, cô cũng chưa tiện ngỏ ý từ biệt. Những lúc đỡ mỏi cô trở dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm bón mấy luống rau. Qua người hàng xóm, cô được biết ông ngày trước là bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận, không ai rõ tại sao ông trở về với rất nhiều huân chương lại thương tật đầy mình, nhưng không hề có bất cứ chế độ gì. Nghe nói vợ ông bị vô sinh, bà đau yếu triền miên, một mình ông làm lụng thuốc thang phụng dưỡng…Từ ngày bà mất, tuy chài lưới thu nhập chả đáng là bao, nhưng ông vẫn dành dụm một phần tiền giúp đỡ các cháu bé tật nguyền bị di chứng chất độc màu da cam trong xã.

Đêm khỏa trần tắm bên lu nước, Nụ không khỏi ngượng ngập xấu hổ nghĩ lại lúc ông cởi bộ quần áo ướt sũng lau rửa cơ thể cho mình. Ông đã đưa cô trở lại cõi người, đã thấy cô trong hình hài như vậy, nếu đứa con là dấu điểm chỉ xác định cô là người đàn bà, đứa con ấy hình thành từ dòng máu của ông liệu có gì không phải?... Suy nghĩ lung lắm, cô quyết định xuống bến.

Con thuyền nhỏ được ông lợp mui cong làm nơi trú mưa nắng nằm trơ trọi bên mép nước. Chưa tới giờ nhổ neo thả câu, ông ngồi bó ngối trầm tư trên thuyền. Thấy Nụ ông ngạc nhiên:

- Con chưa khỏe, ra đây làm gì?

- Sao ông không về nhà? Con ở đó có gì bất tiện cho ông phải không?

- Tôi thường xuyên ăn nghỉ trên thuyền. Con thuyền này cũng là nhà. Nằm trên thuyền quen rồi, xa tiếng sóng tôi cũng khó ngủ lắm.

Nụ không nhớ mình đã nói với ông những chuyện gì, chỉ khi ông nhắc trở lại bờ, cô mới bừng tỉnh và gắng hết sức khẽ khàng:

- Đội ơn ông đã cứu con. Không có ông giờ này con đã không còn là con người. Con biết ông đã hết lòng chăm lo cho bà ngày ấy…Bây giờ nếu trở về quê với thân phận thế này, con cũng không thiết nữa…Con muốn có đứa con…Con xin ông…Đội ơn ông…

Ông lão thuyền chài lặng đi, ngỡ ngàng:

- Con nói gì vậy? Con còn trẻ thế này…Tôi đã ngoài bảy mươi tuổi, chả biết sống nay chết mai…

Vầng trăng từ từ khuất dưới vòm mây mờ đục làm bến sông chợt lênh lang. hư ảo. Nụ nghiêng người nép vào bờ vai chắc nịch của ông, rơm rớm nước mắt:

- Em cũng đã hơn bốn mươi rồi, cơ hội sinh nở chả còn mấy nữa. Nếu ông không chê, em chỉ biết cầu xin ông… Nếu có gì không phải lẽ, em sẽ đưa con đi…

Trong không gian tĩnh lặng chếnh choáng đến nghẹt thở của giây phút ấy, Nụ chợt mềm nhũn người đón nhận nụ hôn nóng rực như lửa và run rẩy trong vòng tay ghì chặt cứng như thép của ông…

Đêm ấy, Nụ không biết mình đang trôi hay con thuyền trôi…

Ngày Nụ trở dạ, cũng là ngày đồng đội chiến đấu cũ hoàn tất thủ tục để ông lão thuyền chài được công nhận là thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hạnh phúc tuy muộn mằn, nhưng Nụ cũng đã nếm được vị ngọt ngào của nó./

tTacs giả: PHAN THÁI

Địa chỉ: Mỏ sắt Tiến Bộ

Xã Linh Sơn – Thành phố Thái Nguyên