Gia Lai mùa Thu
Ngược dòng sông Ba về phía hạ lưu là miền bình nguyên khá bằng phẳng. Dọc đôi bờ con sông huyền thoại này bà con các dân tộc Jrai sống ngụ cư theo các buôn làng. Những ngôi nhà, vườn canh tác gần như giữ được nguyên vẹn dấu ấn văn hóa bản địa. Đó đây xen kẽ, chồng lấn dấu ấn văn hóa Chăm Pa.
Rừng núi Tây Nguyên nói chung và dải đất Gia Lai nói riêng nằm trong vùng tiểu khí hậu tuyệt vời. Mùa thu nơi đây trời thường cao xanh trong vắt. Những cơn gió nhè nhẹ của vùng cao nguyên như mang hương thơm của đất trời vô cùng quyến rũ. Vùng đất đỏ Ba Zan màu mỡ nơi đây có độ cao trung bình 700 mét trở lên so với mực nước biển. Nhiệt độ, khí hậu, thổ nhưỡng… gần như là một biệt đãi của thiên nhiên dành cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Cà phê.
Chỉ tính riêng ở Gia Lai thôi, hai cao nguyên PleiKu và Hà Nừng (chiếm 1/3 diện tích của cả tỉnh) bà con các dân tộc Jrai, Ba Na ở đây đã trồng tới 77688 héc-ta cây Cà phê. Những mảng đồi Cà phê ngút ngát, xanh mướt. Đời một cây Cà phê cho người trồng thu hoạch tới hai mươi năm. Mỗi khi mùa xuân đến, hoa Cà phê bung nở trắng nõn nà phủ kín những sườn đồi. Hương của hoa Cà phê dìu dịu nhả mùi thơm vào từng cơn gió. Ai đã một lần qua những nương đồi Cà phê vào mùa hoa nở rộ ấy, thưởng thức mùi hương quyến rũ và rất đặc trưng của hoa Cà phê hẳn sẽ không thể nào quên… Để rồi mùa Thu đến, những chùm quả Cà phê chín mọng chiu chít, mùa hái quả bội thu lại bắt đầu.
Những ông chủ Cà phê tinh đời ở Gia Lai chỉ trông những cơn mưa rào mùa hạ là biết được năng suất Cà phê năm ấy. Chỉ nhìn hoa Cà phê trổ bông là biết chất lượng của hạt Cà phê vào mùa thu hái. Từ nhiều năm trước họ đã phát hiện ra rằng các yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” của vùng đất Gia Lai hội tụ đầy đủ các điều kiện để loài cây này phát triển. Từ đây, Cà phê các giống Arabica và Robusta hoàn hảo về chất, phong phú về chủng loại do quy trình chế biến mới khác nhau, sẽ ra đời có ưu thế tuyệt đối đủ để chinh phục những khách hàng và thị trường khó tính của châu Âu và châu Mỹ. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam trở thành cường quốc thứ hai về xuất khẩu Cà phê (sau Braxin), tổng lượng chiếm 1/3 lượng Cà phê tiêu thụ trên toàn thế giới.
Nếu ai đó đã từng sững sờ trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang Tây Bắc với lớp lớp những vạt ruộng uốn lượn như bức tranh đạt tới tuyệt đỉnh của nghệ thuật tạo hình thì khi đến với Tây Nguyên hùng vĩ, rừng núi nơi đây cũng có những khu ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng. Mùa thu, những thửa ruộng bậc thang Tây Nguyên đổ vàng khi đến mùa lúa chín dễ làm ta liên tưởng đến nhiều dải lụa mềm mại vàng óng như tơ tô điểm cho những cánh rừng xanh huyền ảo. Nếu may mắn ta sẽ bắt gặp và được chiêm ngưỡng cảnh những sơn nữ đi lượm gặt những bông lúa chín vàng. Giữa không gian bao la và cảnh sắc thơ mộng ấy các cô gái Jrai, Ba Na hiện ra đẹp như những nàng tiên trong chuyện cổ tích.
Người phương xa đến với Gia Lai dễ say lòng trước hệ thiên nhiên sinh thái của rừng nguyên sinh. Vẻ đẹp của thác nước, hồ thiên nhiên, các địa danh sơn thủy hữu tình nổi tiếng như Plei Me, Ia Đrăng, Cheo Reo… Vẻ đẹp hoang sơ của suối Ia Rsai có thác nước trắng xóa dội từ độ cao 15 mét xuống tạo khói bao phủ cả một vùng rộng lớn, hình thành nên những khóm sương mù long lanh dưới nắng sớm cao nguyên trông rất huyền ảo.
Tôi cùng mấy bạn đồng nghiệp có dịp đi thực tế vào sâu vùng rừng núi bạt ngàn Gia Lai đúng vào những ngày mùa thu nắng vàng óng mượt. Nữ nhà báo Đinh Phượng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư, người đã có nhiều lần trong nhiều năm đến với vùng kinh tế đất đỏ Ba zan này, chị có những nhận xét rất tinh tế: “Tây nguyên là vùng đất không chỉ màu mỡ với cây cà phê mà với nhiều loại cây trồng khác. Sản phẩm nông nghiệp từ đây được bán ra thị trường cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Tây nguyên cũng là dải đất màu mỡ và khai thác vô tận ngay cả với các nhà báo, những cây bút xông xáo muốn khám phá về vùng du lịch huyền thoại và vô cùng kỳ bí này!”
Cùng hòa chung với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi, kiến trúc nhà sàn, nhà rông, các loại nhạc cụ như đàn đá, đàn Tơ rưng… Người dân Gia Lai cũng đã góp phần tạo nên “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Khách thập phương thường hò hẹn nhau đến với Gia Lai vào mùa thu nắng đẹp, có gió núi mơn man mỗi chiều. Mùa thu nơi đây thật êm đềm…
V.N.C
(Bài đăng TÁC PHẨM MỚI số 19/2018)