Ngày đầu kì nghỉ hè của ba đứa trẻ làng Cửa Biển - Ký của Đào Đức Trang
Ông Bì nhìn ngôi sao mai nhấp nháy đằng đông, quay vào khoang gọi réo:
- Dậy, dậy đi, Trang, Bang, Hiển. Sang Cồn thôi!
Ba đứa trẻ đang ngáy khò khò. Chúng là học sinh lớp 7 (hệ 10 năm) nghỉ hè, đi lưới theo ông kiếm tiền phụ giúp gia đình. Giật mình, chúng bật dậy cùng lúc làm con thuyền nhỏ chòng chành. Chúng biết, cả tối kéo lưới ở Kẹ Bạc, bên này Lạch Huyện không được nổi cân cá nên ông định xuôi sang một cồn cát nhỏ bên kia Lạch Huyện, sẽ nhô lên lúc thủy triều xuống đánh lưới đón cá lúc rạng đông. Tỉnh ngủ rồi, Hiển cầm lái, Bang nhổ neo rồi cầm sào đẩy thuyền lấy đà, Trang kéo buồm. Ông Bì ngồi hút thuốc lào bằng cái điếu làm từ vỏ ốc thả khói kín khoang. Cánh buồm vải rộng dài mỗi chiều chừng vài sải tay đẩy thuyền lướt nhẹ sang ngang Lạch Huyện, hướng về phía cồn cát lúc này còn chìm dưới mặt nước mênh mông.
Đến giữa lạch, gió im bặt, buồm không còn tác dụng. Trang và Bang chèo chung một mái đằng mũi, Hiển chèo phía sau lái. Những con bọ mát bằng hạt kê bám đốt ngứa khắp người mà ba đứa chẳng thèm gãi. Mồ hôi nhễ nhại, chúng cũng chẳng thèm lau. Trong năm học, những đứa trẻ cấp II làng Gia Lộc như chúng nửa buổi ở trường, nửa buổi còn lại đứa phơi mặt ngoài ruộng muối, xe cát kiếm thêm công điểm cho mẹ trong HTX, đứa mò cua bắt ốc, câu cá… Những đứa yếu nhất thì tụ tập ngoài đình làng hoặc lên tầng hai gác chuông chùa ngồi đan lưới thuê. Mới nhìn tưởng đứa nào cũng đen đúa, lọ lem nhưng qua vài câu trò chuyện thấy chúng đều là những hoàng tử sáng dạ với ánh mắt lấp lánh, những cô Tấm thông minh miệng tươi cười như hoa. Nhà nước trả công điểm cho cư dân của làng bằng gạo, bằng vải, dầu đốt, đường... thông qua tem phiếu. Cả nước đang thời chiến nên ai cũng cho rằng thiếu thốn là bình thường. Hè năm ngoái, Trang, Bang theo lưới ông Bì, mỗi đứa ngoài tiền được chia còn thêm ra vài chục cân mắm tôm, cá khô dự phòng cho gia đình lúc cơ nhỡ. Mùa này, hôm nay là buổi đầu ra quân, chúng luôn tuân lời ông: Chuyện sông biển, lưới chài, chúng không thể hiểu biết rõ bằng ông. Trong lờ mờ tối chúng vẫn nhận ra dáng vẻ lo lắng của ông. Hết nhìn đám mây đen đang che khuất ngôi sao mai lại hướng mắt đến vệt loang phía trước báo hiệu cồn cát sắp nhô lên, ông thúc giục:
- Nhanh lên chút nữa các con! Và bật ra dự báo của mình- Sắp có giông rồi! Thẳng vào vệt loang mà chèo!
Trang, Bang khẽ rùng mình. Trời nổi gió nhẹ nhưng theo hướng ngược lại đường tiến của con thuyền nhỏ. Chúng quay mặt vào nhau gắng sức lúc đẩy lúc kéo mái chèo từ phía mình. Cả hai đã không thắng được sức gió! Hiển phía sau đề nghị:
- Thầy cho con hạ buồm!
Ông Bì chèo lái thay để Hiển tháo dây chằng cho cánh buồm tụt xuống. Không được, dây hạ buồm bị giắt vào con quay dòng dọc! Gió mạnh dần. Thuyền đang nằm trong vệt loang. Phía trước đã có doi đất rộng chừng cái sân đình nhô lên. Nếu thuyền đến và được kéo cạn lên đó sẽ thoát hiểm! Nhưng hiện tại, gió căng buồm, đẩy thuyền lùi ra xa. Bắt đầu có mưa, xối xả luôn. Bốn người ướt như chuột lụt. Hiển vẫn loay hoay. Lệnh mới của ông Bì:
- Thằng Trang trèo lên cột chặt dây chằng cho buồm hạ xuống. Thằng Bang lấy sào đo nông sâu xem. Làm ngay đi!
Trang người bé nhỏ, gầy gò nhất dễ làm việc này hơn: nó cầm dao và leo. Bình thường trèo lên cây đứng bất động trơn trong mưa đã khó, đằng này cây lại nghiêng ngả theo nhịp nhấp nhô của con thuyền. Rét run, Trang vừa leo vừa... tè ra quần, con dao chỉ chực rơi. Chưa đến đỉnh, nó cố bám bằng một tay hai chân, tay còn lại chặt bừa... Lạy trời, dây đứt, buồm rơi hất nó văng xuống nước... Hiển kịp vứt cho nó đoạn noõng tre (một loại phao cứu sinh của dân chài ven biển Bắc Bộ, luôn nối sẵn với thuyền bằng sợi dây rất dài). Phao và người chỉ cách nhau hơn sải tay mà sao khó với tới quá! Sóng biển nhấp nhô, loang loáng ánh chớp đe dọa nó khiến Trang cảm thấy nhỏ bé trước cơn giận dữ của thiên nhiên và biển cả. Lấy sức, nó lặn một hơi vừa tránh sóng vừa trườn tới cái phao... Chạm phao rồi, nó bám thật chặt và thở phì phì tưởng như vỡ ngực. Hiển thấy cả, nó gào lên trong mưa gió: "Buộc dây vào người, lặn về phía trước dò xem có chỗ nào nông không?... Cậy nhờ mày đấy, cố lên Trang ơi!" Trang hít sâu lấy hết sức lực còn lại rồi nín thở lặn xuống, đi trên đáy cát... Nước ngang đầu... Nước ngang cổ... Và nó reo lên: "Bác ơi, nước ngang thắt lưng cháu thôi!". Cả ba người trên thuyền nhảy ào xuống. Hai người kéo dắt đằng trước, hai người bám đẩy phía sau. Gió, mưa, sấm, chớp… Mặc, họ bì bõm và quên tất cả đói, rét... Sức mạnh của tình yêu cuộc sống hướng họ thẳng tiến: Cồn cát dù chỉ đang rộng bằng cái sân đình sẽ cứu họ thoát chết!
Ông Bì lay người cho ba đứa dậy. Chúng bừng tỉnh và thấy quanh mình cả một cồn cát trải rộng mấy cây số vuông. Phía chân trời đã xuất hiện ánh vàng của buổi sớm mai. Những con thuyền đậu trước mặt. Đàn hải âu chao nghiêng dọc Lạch Huyện, có con lao xuống nước đớp mồi, sau đó vụt bay lên trông vui vui mắt. Biển mênh mông hiền hòa.Tiếng người í ới. Thì ra, nãy giờ ông thức cho ba đứa ngủ để có sức đánh lưới. Sau cơn giông thêm bảy thuyền ra Cồn. Ông ở đây sớm nhất nên chọn được chỗ đẹp vừa ý. Tám chủ thuyền chia phần vị trí thả lưới xong là lao động ngay. Nhiều lần ba đứa đã chứng kiến cảnh nhộn nhịp này, Trang từng tả bằng mấy vần lục bát:
Chèo khua, sào đập, lưới buông
Ngỡ đây tiên cảnh mờ sương cõi trần!
Đằng Đông vừng sáng nhô dần
Hò reo lưới kéo từng phần lộ ra:
Kìm xanh, dớp trắng, lanh hoa ...
Cá chen trong lưới cùng sa cả đàn.
Khi mẻ lưới chỉ được một vài con cá nhỏ, ông Bì cho dừng lại. Đó cũng là lúc mặt trời lên cao chừng con sào. Các thuyền căng buồm, chở cá xuôi về Bến Gót rồi theo con ngòi uốn lượn trong rừng sú vẹt chắn sóng vào khu chợ Lục Độ (tên chợ huyện đảo Cát Hải). Thuyền ông Bì hôm nay cũng được vài chục cân, vợ ông đón sẵn ở bến: Cá to, tươi ngon bà bán tại chợ, số còn lại bà bán cho xí nghiệp mắm làm nguyên liệu chế ra thứ nước mắm nổi tiếng miền Bắc. Tiền thu về, bà chia đều thành bốn phần, sau khi giữ lại chút ít để tu sửa thuyền và lưới. Trang và Bang mừng lắm: Thành quả ngày đầu hè! Những bất trắc vừa thử thách cả nhóm nhưng với sự dũng cảm của bọn trẻ, thêm kinh nghiệm lão ngư của ông Bì và một chút may mắn, giờ đây chúng đã có phần tiền được chia phụ giúp gia đình!
Lời người kể: Câu chuyện xảy ra là ngày đầu mùa hè năm 1967, cách đây tròn 51 năm. Người kể là Trang (con của em gái ông Bì) nay đã 66 tuổi. Còn Bang (con ông bí thư làng Gia Lộc), tình nguyện vào bộ đội năm 1969 với huyết tâm thư kí bằng máu và hi sinh anh dũng ở chiến trường Đông Nam Bộ ngay sau đó một năm, hài cốt anh đã được đưa về đặt tại nghĩa trang Cát Hải, mặt hướng ra Lạch Huyện. Hiển (con ông Bì) chỉ ngang tuổi Trang nhưng tóc đã bạc trắng, cháu nội duy nhất của Hiển hiện đang học nghề tại Nhật Bản để sau làm công nhân điều khiển cần cẩu loại mới tại cảng Lạch Huyện.
Cồn cát giờ đã được bồi đắp nhân tạo, xây dựng thành Cảng Biển lớn nhất Việt Nam. Nhờ cầu Tân Vũ dài nhất Đông Nam Á, hàng hóa được đưa về Hải Phòng trước khi tỏa đi muôn nơi.
Khi người kể ôn lại chuyện ông Bì và những đứa trẻ làng cửa biển Gia Lộc cho cháu nội mình, chúng cười vui rằng ông đang kể chuyện cổ tích. Chắc chắn các bạn độc giả nhỏ tuổi yêu quí cũng sẽ có ý kiến như vậy thôi!
Đảo Cát Hải, hè 2017 - 2018
(Bài đăng TÁC PHẨM MƠI số 19/2018)