Tuổi thơ

TPM xin giới thiệu hai tản văn ngắn về quê hương và kí ức tuổi thơ của tác giả Trần Duy Hạnh Sinh năm 1956, đã về hưu, hiện sống ở Tp. Hải Phòng.


 

 

TUỔI THƠ

Quê tôi là xã thuần nông ngoại thành TP Nam Định những năm 1970 - thành phố Dệt anh hùng trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Lúc đó xã Mỹ Xá của tôi có 4 thôn là Mỹ Trọng, Phúc Trọng, Vị Dương và Mai Xá, khi tái lập huyện Mỹ Lộc thì  xã của tôi trở thành phố thị thuộc phường Trường Thi, thành phố Nam Định (Tỉnh Nam Định).
Xã tôi ngày đó rất rộng, cơ sở phụ của Trường cấp 2 là nơi tôi theo học đặt ở thôn Mai Xá, cách nhà tôi ở thôn Mỹ Trọng khoảng hơn sáu cây số. Những lớp học nằm sát một xóm nhỏ gần chục hộ dân, bên cánh đồng lúa xanh dài tiếp giáp với bờ sông mà bên kia là làng An Duyên (huyện Vụ Bản) cùng tỉnh Nam Định.
Những ngày hè chúng tôi đi học sớm trên con đường làng được rải xỉ gạch hoặc có đoạn là đường đất do đi nhiều mà thành đường quen. Sáng sớm lũ học trò chúng tôi đã í ới gọi nhau đi học, đi sớm ngày hè được hưởng gió mát nhè nhẹ, gió xào xạc chạy như len vào những tán lá cây cao thấp dọc theo ven đường, với những đứa trẻ chúng tôi thì gió đồng mát rượi kèm những câu chuyện trên trời dưới biển của trẻ thơ cũng làm vơi đi nỗi vất vả đường xa. Nhưng mùa đông đến thì đường trơn gió lạnh càng trĩu nặng nỗi lòng của những ông bố bà mẹ có con đi học những ngày xưa ấy...
Lớp học thời chiến tranh những năm ấy (1967 – 1972) có nền nhà thấp hơn mặt đất khoảng năm sáu chục cm, ngồi học nhìn ra ngang tầm mái gianh là khoảng trời sáng lan theo màu xanh của lúa, những lúc gần trưa cứ thấy từng khoảng bóng râm chạy lướt trên cánh đồng mênh mông, xa xa rất hay xuất hiện những đàn cò bay từng đàn trắng xoá… Cánh đồng lúa cạnh trường chúng tôi vào những ngày đầu hè mới cao hơn nửa mét, từng làn gió chạy lướt trên mặt tạo thành sóng lúa xôn xao… Phía xa xa có những gò đống xen kẽ ở giữa cánh đồng, cây cối um tùm thi thoảng vọng lại tiếng loài chim ăn đêm về tổ ngủ ban ngày. Cả một vùng làng quê vào sáng sớm khi chúng tôi đi học qua, thường thấy sự nhộn nhịp tiếng người gọi nhau chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, trẻ em đến trường, người lớn ra đồng, tất cả cứ bình thản nhẹ nhàng như cuộc sống thôn quê bao đời vẫn vậy.
Ngày ấy xung quanh khu lớp học của chúng tôi đầy những bụi dứa dại, dãy cây si thấp già nua gốc sần vặn vẹo quấn chặt từng đám lá xanh đậm, xen lẫn những sợi dây vàng của cây tơ hồng len sâu vào cành lá. Cạnh đó có rặng nhãn chen lẫn những cây bưởi của mấy hộ dân trồng đã lâu năm, những trưa hè nghỉ lại trường để chiều lao động hay học phụ đạo thêm, chúng tôi vẫn ra những gốc cây ăn quả đó ngả lưng với giấc ngủ chập chờn xen lẫn nhè nhẹ tiếng chim líu ríu cần mẫn bắt sâu kẽ lá…
Vậy nhưng khi có mưa hè, tuy mưa nhanh tạnh sớm cũng có những khó khăn không nhỏ, mưa làm sân trường bê bết bùn đất, nước theo mái gianh chảy theo rãnh sâu ra cánh đồng, nhưng gió lùa hắt mưa cũng ướt những người ngồi cạnh vách lớp, trời mưa tối sầm lại làm cho lớp học thêm phần khó nghe lời nói và nhìn chữ thầy trên bảng đen càng khó thấy hơn …
Tôi không thể nhớ hết tên những thầy cô giáo ngày đó, nhưng ấn tượng tình cảm thân thiết biết ơn khó quên là những thầy cô như thầy Hiệu trưởng Đồng Văn Thức, cô giáo Trần Phương Hoa, cô giáo Vũ Châu Thường cùng những thầy Châu, cô Thìn, cô Hạnh… Vâng, một lời tri ân bây giờ đối với các thày cô giáo ngày ấy không bao giờ là muộn.
Thời tiết thay đổi theo năm tháng, ngày ấy đi học luôn là niềm vui của lũ trẻ chúng tôi, được thày cô dạy bảo, truyền đạt những tri thức khoa học, kiến thức cuộc sống sinh tồn và nhân cách đạo lý làm người. Đây cũng là khoảng thời gian đầy ắp những kỷ niệm tuổi ấu thơ khi được cùng bạn bè tát ao mò cá, lội ruộng móc cua, rủ nhau trèo cây hái quả lúc đến vụ, cùng tắm mát đầm sen hay thả diều, đá bóng mỗi khi chiều về, cũng như cùng nhau chơi trốn tìm dưới ánh trăng sáng vằng vặc những đêm hè giữa tháng… Những việc khó quên ở làng quê thanh bình như quê tôi ngày ấy.
Đến bây giờ những kỷ niệm tuổi thơ ấy vẫn in dấu trong ký ức tuổi già của tôi và những dòng này làm vợi đi nỗi nhớ quê xa./.
Mùa Hè Mậu Tuất, 2018
GHI LÒNG TẠC DẠ
Hàng năm tháng Chạp mùng Hai*
Nhớ ngày Giỗ Tổ dâng vài vần thơ
Đời này hy vọng ước mơ
Trần Duy… dòng họ nhà thờ đã xây
Tiên Tổ thiên vạn tầng mây
Mừng ngày Giỗ Tổ sum vầy cháu con
Cuộc đời gian khó vuông tròn
Có công Trưởng Tộc** chữ còn mãi ghi
Dù rằng bất cứ việc gì
Họ mạc đoàn kết ắt thì thành công
Gần xa tạc nhớ trong lòng
Phúc Đức Tiên Tổ ơn mong đáp đền
Anh em chi nhánh dưới trên
Tu thân tích đức mà nên thân người
Nhắc nhau tình nghĩa vẹn mười
Hương thơm Giỗ Tổ đượm lời tri ân.
*Giỗ họ Trần Duy là  ngày 02/12 âm lịch, tại Mỹ Trọng, Mỹ Xá, Mỹ Lộc, Nam Định. (Nay là ngõ

 

 

125 Tô Hiến Thành, P. Trường Thi, Tp. Nam Định, Tỉnh Nam Định)

 

 

 

** Trưởng tộc hiện nay là ông Trần Duy Ngọc.

 

TÂM TƯ

 

 

Công Cha như núi Thái Sơn…

 

Nắng chiều lãng đãng mây bay
Nhớ đàn cò trắng những ngày hè xưa
Đời Cha vất vả nắng mưa
Chăm lo cuộc sống lại vừa dạy con
Trăng khuyết rồi trăng lại tròn
Bao nỗi gian khó núi non nào bằng
Con trẻ như búp tre măng
Tương lại hy vọng như trăng sáng tròn
“Trẻ cậy cha – Già cậy con”
Những điều răn dạy vọng còn lời Cha
Lập nghiệp cuộc sống xa nhà
Việc riêng coi trọng, chốn nhà không quên
Mưu sinh ở khắp mọi miền
Miếng cơm manh áo… triền miên nhớ về
Ngàn dặm cách trở làng quê
Phù du ảo vọng mải mê kiếm tìm
Bất chợt đầu ngõ tiếng chim
Tuổi già Cha khuất – Bóng chìm đêm xa…
Giờ đây mỗi lúc thăm nhà
Vào kỳ nắng Hạ khiến ta chạnh lòng
Trời cao mây trắng xanh trong
Nhớ thương nén chặt những dòng nghĩ suy
Dù cho thế sự có gì
Tấm lòng Hiếu – Đức nhớ ghi truyền đời.

 

 

15/3 Bính Tý 1996 – 2016

 

ÔNG NGOẠI
Quê ngoại tôi ở thôn Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam. Tên xưa là làng Trịnh Thượng, xã Trần Xá, tổng Trần Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Ông bà ngoại tôi sau này về sống tại Lộc Hạ Tp. Nam Định. Mẹ tôi khi lấy chồng thì về sống tại quê chồng, cũng cách nhà ông bà ngoại tôi ở Nam Định hơn 10 km. Ở cái thời cách nay gần 60 năm thì việc đi bộ lúc đó cũng là đoạn đường khá xa đối với lũ trẻ chúng tôi. Giờ đây những câu chuyện thời con trẻ về ông bà ngoại, về các dì các cậu của tôi lúc đó tuy không còn rõ nét nhưng vẫn ẩn hiện trong trí nhớ và bất chợt lại định hình nguyên vẹn trong lúc rỗi rãi tuổi già trầm ngâm suy nghĩ…
Ông ngoại tôi là Trần Quang Giai (còn có tên khác là Tiến), cán bộ lãnh đạo Công đoàn ngành Y tế tỉnh Nam Định, còn bà ngoại tôi tham gia cơ quan Nhà nước ít năm rồi về nghỉ để chăm lo cho cuộc sống gia đình, một gia đình có tới 10 người con mà mẹ tôi là chị cả cũng góp phần công sức giúp bà tôi trong lúc gian khó vất vả của cuộc sống những năm tháng đó.
Bố mẹ tôi là cán bộ Nhà nước lúc đó rất bận rộn trong công việc, do vậy việc đến thăm ông bà ngoại chỉ được bố trí vào những ngày nghỉ chủ nhật trong tháng, mà tháng có tháng không. Nhưng đặc biệt những ngày Giỗ -Tết  thì không thể thiếu chúng tôi ở nhà ông bà ngoại. Nhớ lại những lúc đông vui khi chỉ có một số cháu ngoại của ông bà với các dì các cậu nô đùa, cười nói thoải mái và hong hóng chờ được thưởng thức những món ngon mà bà ngoại tôi chỉ đạo nấu nướng… Cứ nghĩ đến đó tôi lại nghẹn ngào cảm xúc nỗi niềm những kỷ niệm ngày xưa ở nhà ông bà ngoại tôi!
Tôi còn nhớ cái ngày ông bà ngoại tôi làm nhà đầu những năm 1970, tôi thì bé nhưng đến đó thấy việc gì cũng hăng hái việc nọ việc kia, kể cả chung tay với mấy bác lớn khiêng vác những bó lá gồi lợp nhà, vác tre ngâm ở ao lên cho thợ mộc cưa cắt, xúc vữa khiêng gạch cho thợ nề xây tường nhà… mà một đứa trẻ loắt quắt như tôi hỏi làm được bao nhiêu mà kể! Nhưng đấy là những kỷ niệm tuổi thơ tôi khi được ông bà ngoại khen chăm chỉ, biết quan tâm đến việc nhà. Tôi nhớ chuyện mình nhân lúc bác thợ xây nghỉ tay, đã lấy bàn xoa trát áo tường nhà, chỉ được khoảng mét vuông thì mệt nhưng khá phẳng phiu, được bác thợ xây già cười khen có khả năng làm thợ… Vâng! Làm thợ mà tay nghề cao thì đó là ước mơ của tôi khi được khen lúc đó. Ông ngoại tôi thích lắm, gật gù với thằng cháu là tôi. Chắc ông tin rằng cháu ngoại ông sẽ là một công nhân lành nghề sau này...
Ông ngoại tôi rất thương mấy đứa cháu vì mẹ tôi là con gái cả đã chịu bao thiệt thòi trong cuộc sống để cùng bà ngoại tôi chăm lo kinh tế, nuôi dạy các dì các cậu tôi lúc đó thành những người có ích cho xã hội, họ đều trở thành Cán bộ công chức Nhà nước sau này.
Những năm đầu 1970 ấy đang có chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc,  bố tôi sơ tán theo cơ quan, mẹ tôi đưa các con sơ tán về quê ngoại, riêng tôi theo trường học đến ở một xã ngoại thành Nam Định. Vào những chiều thứ bảy cuối tuần là ông ngoại tôi lại đạp xe đến đón tôi về nhà ông bà nghỉ cho tôi đỡ cô đơn khi xa gia đình, chiều chủ nhật lại chở cháu về trường, đường làng quê ngày ấy gồ ghề lồi lõm... Ông vẫn miệt mài đưa đón cháu như cái lẽ thường tình của người cha già thương con gái nay bù đắp cho cháu của mình, lúc đó tôi đâu đã biết nói lời cảm ơn ông ngoại của tôi mà chỉ biết nắm tay ông, rối rít hỏi chuyện về các dì các cậu của tôi! Bây giờ nước mắt tôi lại ứa ra khi nghĩ đến ông và một lời biết ơn tưởng nhớ đến ông cũng không bao giờ là muộn, lời tri ân ấy cháu mong được ông tiếp nhận, ông nhé!
Ông ngoại tôi đi xa đã lâu, tôi rất buồn khi đó mình đang trong quân ngũ không về  được với ông lần cuối nhưng trong lòng cũng đỡ ân hận một chút vì khi ông nằm viện đã về thăm ông, chuyện trò với ông những vui buồn cảnh sống xa đời lính của tôi, được ông động viên chỉ bảo an ủi… Ông ngoại chúng tôi đã hết lòng với đứa cháu như tôi vậy đó.
Chuyện về ông bà ngoại, các dì các cậu của tôi còn nhiều, những kỷ niệm đáng nhớ thời xa xưa ấy đã giúp tôi luôn thấy quê hương mình, ông bà ngoại mình vẫn như đang bên cạnh, giúp tôi an tâm vững vàng trong cuộc sống hiện tại.
Lộc Hạ, Nam Định, chiều cuối đông Đinh Dậu 2017.
LÒNG THÀNH KÍNH DÂNG
Mỗi năm mồng Mười tháng Ba*
Là ngày Giỗ Tổ… nhắc ta trở về
Dù cho công việc mải mê
Nhớ ngày gặp gỡ ở quê sum vầy
Con cháu tụ hội nơi đây**
Tri ân Tiên Tổ dựng xây nghiệp đời
Vừng dương toả sáng muôn nơi
Phúc Đức dòng họ rạng ngời công lao
Hiển linh các cụ trên cao
Tuệ nhãn đức độ soi vào lòng nhân
Cháu con kính cẩn muôn phần
Chi nhánh nội ngoại, người thân tỏ bày
Lòng thành chứng giám nơi đây
Nhớ ơn công đức xanh cây bao đời
Khí thiêng linh ứng Đất Trời
Tấm lòng Hiếu đễ kính lời tri ân.
*Ngày 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày Giỗ ông Trần Quang Giai, cháu nội đời thứ 3 của Cụ Trần Quang Đường, quê làng Trịnh Thượng, xã Trần Xá, tổng Trần Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
**Nhà thờ Họ Trần Quang ở đường Đông Mạc, phường Lộc Hạ, Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định.
NHỚ
Bao dung nhân ái tấm lòng Mẹ
Theo suốt cùng con trong cuộc đời
Những khi bứt rứt thấy chơi vơi
Thấp thoáng an lành bóng hình Mẹ
Thế sự đôi khi thở dài khẽ
Đó đây mệt mỏi lúc bão giông
Lắm khi yếu đuối thiếu lửa lòng
Trong con lại nhớ thời thơ ấu
Nhớ ngày Đông lạnh, cơm Mẹ nấu
Hương thơm bếp lửa khói lam chiều
Tấm lòng ấm áp tình Mẹ yêu
Hơn cả non cao và biển rộng
Xa Mẹ mới thấy nhiều khoảng trống
Ở chốn đông người vẫn cô đơn
Những khi khúc mắc hay giận hờn
Liệu ai bằng Mẹ… nâng con ngã
“… Giọt máo đào hơn ao nước lã”
Huống chi dứt ruột Mẹ sinh con
Lẽ tự nhiên… Mẹ chẳng thể còn
Nhưng với con, Mẹ là mãi mãi!
(2012 – 2018)
Ghi chú : Ảnh để trang trí chỗ trống ở trang đăng thơ  ( Nếu được ) .