Rác đẹp

NGUYỄN THIỆN DỠ Bút danh: Hoàng Nam. Sinh năm 1950. CLB Thơ Người Lao Động Hải Phòng. Chuyên viết kịch bản phim – sân khấu. Đ/c: 467 Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng)


 

 

 

RÁC ĐẸP

 

 

Tác giả: Nguyễn Thiện Dỡ

 

 

Nhân vật:

 

1. Mai: Nhân viên quét rác.
2. Linh (Kỹ sư môi trường): Nhân viên quét rác hợp đồng.
3. Ông Phóng: Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
4. Phương: Con trai ông Phóng, sinh viên cùng lớp với Linh.
Sáng sớm mồng 10 tháng 3 trời vẫn còn lạnh, Mai và Linh đang quét rác dọc đường. Xe rác đầy hoa.
Linh: Rác hôm nay đẹp quá.
Mai: Rác của ngày phụ nữ mà. Hôm kia ngày 8 tháng 3 thì hôm nay rác đẹp là phải.
Linh: Hai ngày trước thì hoa được nâng niu trìu mến, hôm nay đã ra bãi rác.
Mai: Đúng là bạc như một kiếp hoa... Thôi, giải lao một tý. Hôm kia có ai tặng hoa cho mày không ?
Linh: Em làm nghề này thì ai yêu mà tặng hoa.
Mai: Xinh thế này mà chưa có người yêu thì phí quá.
Linh: Thế anh ấy có tặng hoa cho chị không?
Mai: Chị bây giờ chỉ cần hoa đồng tiền thôi (hai chị em cười vui vẻ). Tội nghiệp cho mày, tốt nghiệp Đại học hẳn hoi mà phải đi quét rác.
Linh: Vâng, em ra trường hai năm rồi mà xin vào đâu làm cũng không được.
Mai: Người ta bảo phải có cái gì uệ uệ, ệ ệ gì cơ ?
Linh: Vâng, phải là hậu duệ, tức là con cháu lãnh đạo hoặc là phải có tiền tệ, có quan hệ, trí tuệ giỏi giang chỉ là hạng bét. Thôi tiếp tục đi chị ơi.
Mai: Ừ, lên đường.
(Bỗng nhìn thấy anh công an).
Mai: (cười vui vẻ) Anh công an ơi, có đứa đi ngược chiều này.
Anh công an: Xin chào, đi ngược chiều như các cô thì cứ đi không bị phạt, đi đến đâu sạch đẹp đến đấy, hoan hô.
Linh: (vui vẻ reo lên) Ới chị ơi, một bó hồng đẹp quá (Linh nhặt bó hồng lên ôm ấp nâng niu rồi đưa lên mũi ngửi).
Linh: Thơm quá... Bó hoa này hôm nọ là tiền triệu đây (Linh nhẹ nhàng đặt bó hoa vào xe rác vẻ tiếc nuối, rồi bất chợt Linh nhìn thấy một đống lù lù ở phía trước).
Linh: Chị ơi, đằng trước có đống rác to quá.
Mai: Mới sáng sớm mà đã đổ đống rác to lù lù ra đường thế này.
Linh: Đống rác lại xấu nữa chứ, chẳng thấy có hoa gì cả.
Mai: Không có hoa nhưng có mấy vỏ lon bia thì cũng tốt. Hai xe đầy rác rồi thì nhét vào đâu (Hai chị em đẩy xe tiến đến cái đống lù lù ấy, bỗng nhiên cái đống ấy cựa quậy, thì ra đấy là một ông to béo ngồi ở vỉa hè. Hai chị em cười ré lên).
Ông Phóng: (đống lù lù ấy là ông Phóng) Hai cô cười gì thế?
Mai: Xin lỗi bác (vẫn cười).
Ông Phóng: Làm sao phải xin lỗi tôi?
Mai: Chúng cháu tưởng nhầm ạ.
Ông Phóng: Tưởng nhầm cái gì?
Linh: Chúng cháu xin lỗi...
Ông Phóng: Lạ nhỉ... Các cô tưởng nhầm cái gì? Mà cứ phải xin lỗi tôi?
Mai: Chúng cháu tưởng bác là...
Ông Phóng: (hỏi dồn) là cái gì?
Mai: Là là... đống rác ạ.
Ông Phóng: Trời ơi. Mình bị tưởng nhầm là đống rác. Mà nếu cứ ngồi im, không cựa quậy gì thì đúng là một đống rác thật.
Linh: Bác tha lỗi, bệnh nghề nghiệp thôi bác ạ. Mà bác xem rác hôm nay đẹp không (chỉ vào xe rác đầy hoa).
Ông Phóng: Ừ, đẹp lắm, chỉ cái thân tôi là đống rác xấu thôi.
Linh: Bản thân của rác là không xấu, cũng không bẩn. Rác chỉ là chất thải tự nhiên và tất yếu của con người. Những cách ứng xử của con người với rác là rất thiếu hiểu biết, thậm chí là thiếu văn hóa.
Ông Phóng: Cháu nói rất hay.
Linh: Bác ạ, ở những nước tiên tiến người ta ứng xử với rác rất thân thiện và khoa học. Ở Thụy Điển, 99% rác thải được xử lý rồi chế biến thành những sản phẩm có ích. Hàng năm họ còn phải nhập khẩu rác. Theo thống kê thì lượng lương thực thực phẩm trong rác thải trên thế giới có thể nuôi sống được cả trăm triệu người.
Ông Phóng: Đúng thế đấy.
Linh: Có những cô gái, chàng trai rất đẹp ăn quả táo nhặt trong thùng rác.
Ông Phóng: Những hình ảnh này, bác được chứng kiến trên tivi...
Mai: Toàn là những chuyện có thật đấy bác ạ.
Linh: Ở nước ta thì rác thải vứt tự do, nhà giàu ăn không hết để thiu thối cả đống thức ăn, trong khi đó thì người nghèo khoai không đủ no (Linh rơm rớm nước mắt, ông Phóng bất giác khịt khịt mũi, lau nước mắt).
Mai: Hôm nọ trong đống rác cháu thấy cả cây giò, lại cả xúc xích, dăm bông mốc meo, thối um.
Ông Phóng: Phí phạm quá ...
Linh: Mỗi ngày cả ngàn tấn rác thải được đổ lộ thiên ở những bãi rác được gọi là đã được thiết kế đúng quy trình.
Ông Phóng: Ừ, theo quy trình thì cứ cách khu dân cư bao nhiêu mét, có xử lý bằng hóa chất là được.
Linh: Theo quy trình thì đúng nhưng chỉ theo lý thuyết để bảo vệ với nhau để rồi được duyệt theo thói quen quan liêu vô cảm còn nhân dân thì quá khổ sở vì cái mùi quy trình ấy. Ban ngày ăn cơm còn phải mắc màn để chống muỗi, người già trẻ con thậm chí còn phải đi sơ tán (Linh rất bức xúc). Tại sao các ông môi trường, thậm chí lãnh đạo thành phố không xuống ngủ một hai đêm ở những làng ven bãi rác xem có ngửi được không? Dân kêu ca, phản đối thì xua đuổi răn đe, thậm chí bắt bớ...
Ông Phóng: Bác đã chứng kiến cảnh này nhưng nước ta còn nghèo, trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp kém quá...
Linh: Bây giờ nước ta không nghèo, trình độ khoa học kỹ thuật không kém ai cả, phương pháp cơ học, hóa học, phương pháp sinh học đã được dạy trong các trường chính quy và ngay như ở Bình Dương đã có mô hình xử lý rác thải rất tiên tiến.
Ông Phóng: Việc này bác cũng biết và chính bản thân bác đã vào tận Bình Dương để xem mô hình xử lý, quả là rất tiên tiến... Nhưng vấn đề kinh phí lại rất nan giải.
Linh: Bớt xây những chung cư cao cấp đi, bớt xây dựng những công trình trang trí mặt mũi hào nhoáng đi, kêu gọi đầu tư vào xử lý môi trường để rác thải thực sự là sản phẩm có ích. Để trả lại sự trong sạch cho sông cho biển...
Mai: Con này hôm nay lý sự hay quá. Thôi, mặt trời le lói rồi, chúng cháu xin phép bác.
Ông Phóng: Từ từ đã, hôm nay bác được một bài học.
(Bỗng có tiếng gọi từ ban công tầng trên nhà ông Phóng).
- Bố ơi, lên nhà ăn sáng, mẹ đang đợi.
Ông Phóng: Đợi bố một tý, bố đang nghe giảng bài. Con cũng xuống đây đi, đúng chuyên ngành của mày đấy.
(Phương xuống nhận ra Linh)
Phương: Ôi, Linh...
Linh: Chào Phương, nhà bạn ở đây à.
Phương: Ừ, nhà mình ở đây (chỉ vào ông Phóng) Đây là bố mình.
Linh: Dạ, bác là bác Phóng, cháu đã nghe tiếng bác, bây giờ mới gặp, cháu xin lỗi.
Ông Phóng: Cháu không có lỗi gì cả.
Mai: (ngạc nhiên) Hai người quen nhau à.
Linh: Đây là Phương bạn cùng lớp Đại học với em, còn đây là bác Phóng - Phó Chủ tịch thành phố.
Mai: (ngạc nhiên) Bác là lãnh đạo to thế cơ à, thế mà chúng cháu không biết.
Ông Phóng: (cười vui) Lại tưởng đống rác chứ gì, lại đống rác xấu nữa mới buồn chứ.
Mai: Thảo nào, cháu thấy bác quen quen, hình như bác đã sang công ty chúng cháu dự hội nghị gì đấy.
Ông Phóng: Đúng rồi, bác phụ trách cái món môi trường của thành phố mà.
Phương: Bố ơi, đây là bạn Linh con đã nói chuyện với bố rồi đấy, bạn ấy học giỏi lắm, Linh đi đâu thế?
Linh: Đi quét rác.
Phương: Linh đi quét rác thật à.
Linh: Có việc làm là may mắn lắm rồi, mà chị quét rác hợp đồng thôi đấy nhé. Phương: Mình không ngờ.
Linh: Mình xin việc mấy nơi rồi, nhưng không đâu nhận.
Phương: Ngày ra trường, mình tưởng Linh xin ở lại Hà Nội.
Linh: Về quê còn ế nữa là ở Thủ đô.
Phương: Bố ơi, Linh làm đồ án tốt nghiệp về công nghệ xử lý rác thải đấy bố ạ. Linh tốt nghiệp loại xuất sắc đấy.
Ông Phóng: Cháu giỏi lắm. Cháu về Sở Khoa học Môi trường công tác nhé.
Linh: (Vẻ mặt buồn) Cháu không có tiền.
Ông Phóng: Việc này để bác giải quyết.
Phương: Bố ơi, bố xin cho Linh về cùng cơ quan với con nhé.
Ông Phóng: Ừ, thành phố đang rất cần những con người như thế này (nói với Linh) cháu gửi cho bác nội dung Đồ án tốt nghiệp nhé.
Linh: Vâng ạ.
Phương: Bố ơi, bố lên ăn sáng kẻo mẹ chờ, con đi chở rác với Linh.
Mai: (cười rất tươi) Nom các em đẹp đôi quá.
Ông Phóng: Tạm biệt rác đẹp nhé. (Ông Phóng lên nhà).
Mai và Linh: Chúng cháu chào bác.
(Phương đẩy xe rác đầy hoa đến trước mặt Linh cúi khom người).
Phương: Xin tặng em cả xe hoa này (Mọi người cười vui vẻ).