Tản văn của Nguyễn Thị Bích Thi (Hà Nội)

BÀ NỘI

Bà nội tôi được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có hai người con đã dũng cảm hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  Bà sống  gần một thế kỷ, chứng kiến bao vận mệnh to lớn của dân tộc và vượt qua biết bao ấm lạnh, buồn vui của cuộc đời. Nhưng mỗi khi nghĩ về bà nội, tôi chỉ nhớ hình ảnh bà với chiếc khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu và tình thương yêu bà dành cho tôi.

Có lẽ tôi  là “con đầu cháu sớm”nên được bà cưng chiều nhất. Hàng ngày, bà gội đầu, tắm giặt, chải đầu, rẽ ngôi cho tôi. Đặc biệt, những lần thấy tôi đi chơi với đám bạn về, hai tay gãi đầu xốc mái tóc tơ rối lên là bà gọi lại lấy chiếc lược bí ra chải cọ xát vào da đầu để bắt những con chấy lạ đen ngòm mới lây từ đám bạn. Rồi bà vội đưa con chấy lên miệng, thản nhiên, cắn. Đến bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác hãi hùng đó.

Bà nội tháo vát, giỏi nội trợ. Ngày nào bà cũng gánh hàng thu hoạch từ vườn nhà mang lên chợ bán. Trong gánh hàng của bà nội nào rau, nào quả, cá, tôm,cua, trứng vịt. Khi ít hàng, bà dùng thúng, đội lên đầu đi ve vẩy hai tay. Kỳ lạ thay, bà đội chiếc thúng trong đó đầy hàng hóa mà đi suốt chiều dài con mương vẫn không bị đổ, như là diễn viên xiếc vậy.

Trong ký ức tôi, những lần đi đón bà đi chợ về luôn náo nức. Câu đầu tiên của bà khi thấy tôi chạy ra đón là: “ Hôm nay bị công an đuổi chạy đứt cả hơi”. Rồi bà mở cái nón úp trên thúng, hổn hển:  “Bà không mua gì đâu”. Thoáng nhìn  bộ váy xanh nõn chuối, tim tôi rộn lên. Bà bảo: “Của người ta gửi đấy, cháu mặc thử xem có đẹp không?”. Tôi mặc thử. Bà lặng người nhìn tôi trìu mến, rồi lẩm bẩm: “Đẹp lắm. Bộ váy màu xanh rất hợp với làn da trắng như trứng gà bóc của cháu”. Sau đó tôi mới biết, những chiếc váy màu nõn chuối, màu hồng, hợp với làn da của tôi là bà mua cho tôi nhưng sợ các em tị nạnh nên bà thường bảo “Họ gửi đấy”. Còn các em tôi thì mặc lại đồ cũ của tôi.

Ông bà nội tôi làm nghề nông. Ông nội đam mê sáng tạo cây trồng vụ đông xuân xen canh su hào, cà chua, đậu, đỗ và trồng  ổi, dưa lê và các cây thuốc quý như Bạch truật, Bạch chỉ… Rồi ông khoanh vùng hố bom, mương, ngòi để nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được dân làng nể phục. Ông còn thuê khoán dãy ao bám sát con đường làng để thả cá, cấy lúa ngoi nước. Giống lúa này có râu dài trắng đục, cho năng suất cao nhưng khi đập lúa xong lại phải thêm một lần đập cho rụng râu nữa. Đây là giống lúa đầu đầu tiên trong xã, do ông nội tôi áp dụng.

Ông nội tôi khéo tay.Tôi đã thấy ông dùng gỗ xoan đẽo những đôi guốc mộc xinh xắn, gắn quai cao su cho các cô tôi diện trong những ngày Tết, ngày lễ. Ông còn đan lưới, đan đó…

Có lẽ gu phối đồ thẩm mỹ từ bà và sự sáng tạo, khéo léo của ông đã nuôi dưỡng ước mơ của tôi, sau này trở thành nhà thiết kế thời trang, đặc biệt là giầy dép.

Thời gian thấm thoắt trôi đi đã mấy chục năm rồi. Hôm nay là ngày giỗ lần thứ hai của bà. Sáng ra, tôi đi tìm khắp chợ quê để chọn mua biếu bà chiếc áo cánh bà ba màu nâu đất cùng trang phục áo dài vòng xuyến, nón lá và một đôi dép nhung đính cườm thật sang trọng. Hình ảnh bà mồm bỏm bẻm nhai trầu cùng chiếc khăn mỏ quạ cứ theo tôi mãi...

NÓ NHỚ BỐ

Cơn mưa bất chợt rơi rào rào trên mái tôn khiến nó choàng tỉnh. Nó vừa mơ về bố. Nó vừa được cùng mẹ ngồi trên chiếc xe cub của bố. Đó là chiếc xe máy đầu tiên ở làng nó. Thi thoảng, nó được bố lai ra phố huyện, lai đến nhà ngoại. Lần này, trong mơ, nó cùng mẹ được bố lai đi xem xiếc. Nó ngồi giữa, nép sau lưng bố. Nó bỗng thấy bố thật to lớn, vạn vỡ, sẵn sàng che chắn mẹ con nó suốt cả cuộc đời. Đã nhiều lần vào nội thành nhưng đây là lần đầu tiên nó được vào rạp xiếc. Rạp xiếc như một mê cung. Trên sàn diễn, những chú chó biết hát, những chú khỉ đi xe đạp, khiến nó thích thú.

…Mưa vẫn rơi rào rào trên mái tôn. Còn lâu mới sáng. Nó trùm chăn với hi vọng lấy lại giấc ngủ để được sống với bố trong…giấc mơ. Nhưng hình ảnh về bố trong ký ức lại hiện về khiến nó quằn quại. Bố nó là người tài hoa; biết chơi đàn, thổi sáo. Mẹ nó kể, thời bố tìm hiểu mẹ, mọi người trong gia đình bên ngoại đều quý bố,  phần vì bố  khỏe mạnh, hiền lành, tử tế; phần vì không muốn mẹ lấy chồng xa. Nhưng với mẹ, mẹ nhận lời lấy bố không những bố khỏe mạnh, hiền lành, tử tế mà còn tài hoa. Mỗi tối, bố đến chơi nhà, mẹ xuống bếp đun nước pha trà, bố cũng theo xuống, hát cho mẹ nghe. Mẹ mê hoặc bởi tiếng hát và sự hồn nhiên của bố. Thời còn bé, nó thường nghe bố thổi sáo. Bố ngồi ở hiên nhà.Trong đêm, những làn điệu dân ca qua tiếng sáo réo rắt của bố nghe buồn mênh mang. Rồi bố vừa hát vừa đện đàn ghi ta. Nó nhớ nhất bố hát bài “ Nổi lửa em”.

Bố còn có tài kể chuyện. Giọng bố truyền cảm lạ lùng. Bố kể chuyện “Cô gái Đồ Long” nó nghe cảm động ứa nước mắt. Truyện về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử được bố kể sinh động, lôi cuốn, nó nghe vừa thích thú vừa sợ hãi...

Thời đi học, nó mũm mĩm, da trắng mịn màng, môi mọng đỏ, ai cũng nghĩ nó là thiếu nữ ven đô thanh lịch. Nhưng nó nghịch ngợm và đanh đá có hạng! Nhiều lần nó chơi trò nghịch dại bị bong gân, sai khớp, bố nó phải đưa nó sang nhà ông lang bên kia sông Hồng để nắn xương khớp mà không hề quát mắng nó. Có lần, nó cùng mấy đứa bạn, đi học về, trèo tắt qua bờ tường đình làng, bị mảnh chai cứa vào chân, máu chảy lênh láng. Biết tin, bố nó vội chạy ra, xốc nó lên lưng, chạy ào ra trạm xá băng bó…

Bố là người đàn ông yêu thương nó nhất trên đời. Ngày cưới của nó, anh em họ hàng tập trung đông đủ để chụp ảnh đại gia đình trước lúc nó về nhà chồng, nhưng không thấy bố  đâu.  Nó vội vào buồng, thấy bố nằm úp mặt vào tường, trên mình vẫn nguyên bộ comple, cà vạt. Nó phát hoảng, lay vào người bố, gọi thảng thốt  “Bố ơi. Bố làm sao thế?”.  Giọng bố nghẹn ắng “Không, không, bố không sao đâu, con”. “Kìa bố…”. Nó lay mạnh vào vai bố. Bố nó chồm dậy, đưa tay quyệt nước mắt như đứa trẻ. Lần đầu tiên, nó nhìn thấy người đàn ông khóc, người đó lại là bố nó; Bố lại khóc trong ngày vui nhất của nó. Nó cũng khóc. Khi đó, nó không hiểu nổi, bố mạnh mẽ là vậy,  đã chống chọi với nắng mưa, vượt qua biết bao gian khổ đề làm lụng nuôi chị em nó khôn lớn, vậy mà bỗng nhiên bố lại mềm yếu, mau nước mắt khi con gái về nhà chồng! Sau này, ngày cưới các em nó cũng vậy, bố không hề chụp ảnh!.

…Mưa đã tạnh hẳn. Những tia sáng đã tràn qua cửa sổ. Một ngày mới với bộn bề công việc đang chờ nó…

(Bài đăng ở TÁC PHẨM MỚI số 19)