Nỗi buồn thầy Mạnh
Xuân này thầy Mạnh (GS. Nguyễn Đăng Mạnh) ăn tết Sài Gòn; không ở Hà Nội. Lẽ ra vào những ngày này, tôi đã cùng ông chuẩn bị đi xem và mua đào Tết. Thầy vào Nam, tôi cũng bỏ luôn thú xem đào. Ngồi buồn, nhớ thầy, viết đôi dòng chờ ngày Tết đến…
Sinh năm 1930, tuổi ngọ; như thế chỉ ít ngày nữa thôi, thầy bước vào tuổi 85. Tám lăm năm với bao cay đắng, ngọt bùi; vinh quang có, nhục nhằn cũng có. Sau những ngày “sóng gió” bởi cuốn Hồi ký… trên mạng; thầy trở nên trầm lắng hơn.
Cuốn sách đã mang lại cho thầy những người bạn mới, nhưng cũng làm rơi rụng khá nhiều người quen cũ; có học trò chui từ tay áo ông ra, giờ quay ngoắt như là không quen biết, như là không muốn nhận ông – người đã một thời dạy dỗ mình. Có người bảo ông buồn vì chuyện này. Nhưng theo tôi quan sát và hiểu thì không phải thế. Nghe chuyện chú học trò lăng nhăng hay đi nói xấu thầy ấy, ông cười và bảo: “Vĩ đại như Chúa Giê-su, sinh thời có mấy học trò mà vẫn mắc phải một thằng Giu-đa. Huống chi mình chỉ là người bình thường, học trò thì đông, mắc phải vài thằng như thế còn là ít đấy”.
Trong tâm lý Á Đông, khinh trọng đối với mỗi con người là cả một vấn đề. Rất ít người vượt qua được mặc cảm khinh trọng, nhất là từ những học trò của mình. Một ông thầy mất ngủ cả đêm, trằn trọc, băn khoăn… chỉ vì lúc chiều có cậu học trò đã không chào mình. Có người rất uất vì gọi điện cho một ai đó ít tuổi hơn nhưng không được trả lời, cũng không nhắn nhe gì lại cả. Bạn tôi nổi sung lên với một đồng nghiệp chỉ vì anh gửi tài liệu qua email, người kia nhận được nhưng không hề hồi âm cho người đã gửi. Anh hùng hổ kết luận: “Đó là loại vô văn hoá. Nó cư xử thế có khác gì ra đường gặp nhau, mình cất tiếng chào rõ to; còn nó, nó im như thóc, như là không quen gì mình”. Tưởng thế là đã bớt giận, anh quay sang tôi lại làm một thôi “ Ông làm giáo dục, viết chương trình và sách giáo khoa cho trẻ con, nên đưa những cái này vào nhà trường nhé. Phải dạy tất. Tôi cuộc với ông là ở xứ ta, rất nhiều người không biết giao tiếp điện thoại, không biết bắt tay, cũng không biết gõ cửa…”. Tuổi già, về hưu… lại càng dễ có cái mặc cảm bị bỏ quên, bỏ rơi, không còn tác dụng gì, vô tích sự, … rất dễ tủi thân, dễ nổi cáu và dễ quy kết hành vi người khác là thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng mình, nhất là khi mình lại là thầy dạy nó…. Với thầy Mạnh, tôi thấy hình như ông vượt qua được cái mặc cảm khinh trọng ấy. Ông và Hoàng Ngọc Hiến, hai người thầy tôi biết trong số ít bậc thầy không có mặc cảm này. Ðây không phải là thái độ của AQ “ nó khinh mình như khinh bố nó” mà là xuất phát từ một bản lĩnh tự tin; tự tín với chính gía trị vốn có của mình. Vâng, tôi nghĩ phải là người hiểu mình, hiểu chân giá trị của chính mình và thấm thía, trải nghiệm nhiều vinh nhục ở đời… thì mới có thái độ sống vượt mặc cảm khinh trọng; mới luôn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra, kể cả khi đã xảy ra những chuyện tày trời….
Khi đã về già, người ta rất dễ buồn vì chuyện sự nghiệp, nhất là những người đã có chút tiếng tăm. Nhìn đi nhìn lại chẳng có gì để lại; chẳng ai nhớ, ai đọc những gì mình viết, kể cả những người viết rất nhiều. Nguyễn Đăng Mạnh có buồn vì chuyện này không? Chắc chắn là không. Trong số những nhà phê bình văn học sau 1945, ông sẽ là một trong số ít người được bạn đọc nhớ và họ còn đọc lại ông nhiều lần nữa. Rất ít cây bút phê bình vừa có chất văn, vừa có ý tưởng mới; dù ngắn hay dài đều có nghĩa lý, đều là văn sư tử; đều tạo được ấn tượng sâu đậm, sáng sủa và thật giàu màu sắc biểu cảm… như văn phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi thỉnh thoảng vẫn dạy học sinh giỏi làm văn, vẫn thường chấm văn cho học trò cuối cấp Trung học phổ thông thì mới thấy ảnh hưởng của văn Nguyễn Đăng Mạnh thế nào. Không chỉ số lượng trích dẫn có nguồn gốc mà còn rất nhiều ý tưởng, chữ nghĩa của ông được các em học sinh cứ thản nhiên dùng như là văn của mình vậy. Mà chẳng cứ gì học sinh Trung học, nhiều luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhiều bài phê bình về Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… đã và đang xuất hiện trong nhà trường, trên báo chí… vẫn phảng phất ý tứ và văn phong ông Mạnh đấy thôi. Có người viết cả cuốn sách về Nam Cao, nhưng không để lại được một mẩu ấn tượng gì trong lòng bạn đọc, ngoài cái cảm giác hình như những ý này thầy Mạnh đã nói rồi. Ông đã giảng hoặc viết đâu đó trong một bài rất ngắn…Thế thì làm gì ông phải buồn với những gì mình đã làm, đã đóng góp cho phê bình văn học !
Khi về già, người ta thường hay buồn về chuyện con cái, cháu chắt. Đấy mới là chuyện rất đáng quan tâm với tuổi già. Tôi thường vẫn nghĩ, hạnh phúc gia đình trước hết được đo ở sự trưởng thành của thế hệ con cháu. Ối ông làm to mà con cái hư hỏng; rất nhiều bà mẹ lắm tiền mà con vô học, cháu hỗn láo, thậm chí vào tù… Ðó là nỗi buồn về nhân tính. Một phương diện khác, lại là nỗi đau nhân hình. Chẳng may trời bắt tội, bố mẹ phải mang nỗi đau buồn vì những đứa con tật nguyền, không lành lặn về thể xác…Mà cả hai trường hợp đều không bỏ được; con có thể bỏ cha mẹ, nhưng mẹ cha nào lại bỏ được con. Có con lớn trong nhà chưa dựng vợ, gả chồng đã là một nỗi lo; con có vợ chồng rồi, chưa có cháu cũng tiếp tục phải nghĩ… Cháu có rồi nhưng nó có hay đau ốm; đi học có thuận lợi, có giỏi giang.. lại cũng là nỗi lo không kém. Thầy Mạnh có buồn vì việc này không ? Cũng không! Ông bà có hai người con: nếp có, tẻ có. Cả hai đều đã trưởng thành, có gia đình con cái bình thường. Con cháu, dâu rể đều ngoan hiền, hiếu thảo; thương yêu và kính trọng bố mẹ, ông bà hết mực. Có nhà riêng, nhưng gần đây ông bà ăn ở cứ Nam Bắc chia đôi: khi vào Nam với con trai, khi ra Bắc với con gái… tình nghĩa vẹn toàn. Thế thì có gì mà phải buồn !
Những tưởng thầy Mạnh chẳng có gì phải buồn, nhưng nghĩ ra thấy ông vẫn có nỗi buồn, thậm chí nỗi buồn không nhỏ. Cũng như Xuân Diệu, ông vốn là người thích “giao cảm”, khát khao được giao cảm, thích giao du, xê dịch sông nước; thích tiếp xúc, trò chuyện “nhậu nhẹt, tán phét” như ông thường nói. Và vì thế ông ham thưởng thức, nhấm nháp cái đẹp, cái hay bằng tất cả sự tinh nhậy của các giác quan… Thế nhưng mấy năm gần đây, tai ông nặng dần, chân bước chậm hơn, răng bắt đầu rụng…Thành thử các cuộc chuyện trò, nhất là ở chốn đông người, ông nghe không được bao nhiêu. Mà phải chỗ đông mới vui; mới lắm thông tin, mới nhiều chuyện lạ; nhưng khốn nỗi càng đông, càng nhiều chuyện, càng vui nhộn, ông càng ít nghe được bấy nhiêu. Ông rất thích thưởng thức ẩm thực, những món ngon, của lạ… thế nhưng bây giờ răng đã thế, làm sao ngon cho được ? Say mê những danh lam thắng cảnh, thích trèo lên tận Cột cờ Lũng Cú; sục chân vào bãi bùn tận đất mũi Cà Mau, sờ tận tay viên gạch rêu phong của những tháp Chàm cổ kính…nhưng bây giờ chân đã yếu rồi, lại mấy cái đinh chưa rút sau lần trượt ngã phải bó bột đóng đinh khi du giảng ở vùng đất phương Nam…thế nên đi xa, đi và đến những nơi theo đúng nghĩa ông thích, giờ hầu như chỉ còn là mơ ước.
“ Khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp”, cũng là lẽ thường tình. Nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo, suy nghĩ vẫn mạch lạc rõ ràng, vẫn còn trẻ trung, mạnh bạo trong cách nghĩ, cách nói… chính thế mới làm ông buồn. Nỗi buồn tựa hồ như “ lực bất tòng tâm”… Có điều, ở đời thường vẫn có sự bù trừ giữa các giác quan; cái này yếu thì cái khác mạnh dần lên. Cái đang mạnh lên ở thầy Mạnh phải chăng là cuộc sống nội tâm, những suy tư, chiêm nghiệm hay dở của cả đời người đang dồn tụ thành biển cả trong ông. Càng tách bạch với ngoại giới, cái biển cả tâm hồn trong ông lại càng nhiều dịp nổi sóng tung bờ…những lớp sóng buồn trước sự nhố nhăng, đen bạc của cuộc đời.
Có lần, một giáo sư cùng tôi đến thăm thầy Mạnh, khi ra về buông một câu buộc tôi phải nghĩ: “Có khi điếc như Nguyễn Đăng Mạnh bây giờ mà lại hoá hay ông ạ”.
Thế thì nỗi buồn của Nguyễn Đăng Mạnh có thực sự là nỗi buồn không ?
Gần Tết Giáp Ngọ, ngày ông Táo về trời
Ảnh kèm bài: GS. Nguyễn Đăng Mạnh