Bác Hồ làm bài thơ "Nguyên Tiêu" ở đâu?
Trên một sân chơi của Đài Truyền hình X., có câu hỏi, sông Đáy trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”, ở đâu? Thí sinh này căn cứ vào câu thơ “Sông Đáy chậm nguồn bao phủ Quốc/ Sáo diều vi vút những đêm trăng” của Nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” nên khẳng định, sông Đáy thuộc Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ-TG). Cũng tại sân chơi này, khi hỏi, Thủ đô gió ngàn ở đâu? Thí sinh tỏ ra lúng túng và đáp án đưa ra là Định Hoá (Thái Nguyên), rồi giải thích: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại đây, Nhà thơ Tố Hữu đã làm bài thơ “Sáng tháng năm”, trong đó có câu: “Suối dài xanh mướt nương ngô / Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”. “Thủ đô gió ngàn” chính là Thủ đô kháng chiến. Nhiều người lại khẳng định rằng, Tân Trào (Tuyên Quang) mới là thủ đô gió ngàn … Cả hai đáp án này đều sai. Chúng tôi khẳng định rằng, bài thơ “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ viết vào Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý (1948). Như vậy, Người viết bài thơ này khi sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Trong các bài thơ, Người nói đến một con sông: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ bàn quân sự”. Chúng tôi khẳng định tiếp, con sông trong bài thơ “Nguyên Tiêu” là sông Phó Đáy.
Sông Đáy ở đâu?
Thời làm báo ở Việt Bắc, tôi đã nhiều lần đi dọc sông Phó Đáy. Mùa lũ, nước sông cuồn cuộn, hung dữ. Tôi nhớ, trận lũ năm 1994, nó cuốn đi nhiều nhà cửa, hoa màu của dân; nhiều người chết. Đường 254, từ Chợ Đồn (Bắc Cạn) sang Định Hóa (Thái Nguyên), bị nước sông Phó Đáy chặt đứt, giao thông bị tê liệt trong nhiều ngày. Nhưng mùa khô, nó bỗng nhiên hiền hòa, thơ mộng.
Sông Phó Đáy là một chi lưu bên tả ngạn của sông Lô, có thượng lưu và trung lưu chảy trên địa bàn vùng núi và trung du phía Bắc, còn hạ lưu chảy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sông Phó Đáy bắt nguồn từ vùng núi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn, chảy qua các huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang; huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc và nhập vào sông Lô tại giữa xã Sơn Đông (Lập Thạch) và xã Việt Xuân (Vĩnh Tường) phía trên cầu Việt Trì độ 200 m. Bên kia sông Lô, tại ngã ba sông là địa phận tỉnh Phú Thọ. Từ ngã ba sông Phó Đáy và sông Lô đi tiếp về phía hạ lưu của sông Lô chưa đến 2 km là ngã ba sông nơi sông Lô hợp lưu vào sông Hồng.
Sông Phó Đáy có nhiều phụ lưu nhỏ. Đoạn quan địa bàn Bắc Cạn dài 36 km, diện tích lưu vực là 250 km2, lưu lượng bình quân là 9,7 m3/s.
Đoạn Qua địa bàn Tuyên Quang dài 84 km. Đoạn quan địa bàn Vĩnh Phúc dài 41,5 km…Sông Phó Đáy còn được gọi là sông Đáy. Như vậy, con sông được Bác Hồ nhắc đến trong bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" và bài "Rằm tháng Giêng" là sông Phó Đáy.
…và “Thủ đô gió ngàn” ở đâu?
Tôi từng tham gia biên soạn cuốn sách “Các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Kạn” (xuất bản năm 1999) với vai trò chủ biên nên đã được đến nhiều di tích lịch sử kháng chiến, thuộc Việt Bắc. Theo các tài liệu chúng tôi tập hợp được, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (1946), Trung ương Đảng cử đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đầu lên Việt Bắc tìm địa điểm để xây dựng khu căn cứ an toàn cho các cơ quan của Trung ương Đảng, gọi tắt là ATK. Sau thời gian khảo sát, đội quyết định chọn một số địa điểm thuộc các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên); Sơn Dương, Chiêm Hoá, Yên Sơn (Tuyên Quang) và Chợ Đồn, Chợ Mới, Chợ Rã (nay là Ba Bể thuộc Bắc Cạn). Các địa điểm trên là vùng giáp ranh của 3 tỉnh, địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông là những đường mòn tạo thành khu liên hoàn rộng trên 3 nghìn km2; có sông Phó Đáy, sông Gâm tiện lợi cho việc đi lại bằng thuyền. Địa thế của ATK, theo Bác Hồ là nơi: “Tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ”. Tức là, nếu phong trào kháng chiến của ta phát triển mạnh, lực lượng sẽ tiến về phía Nam, qua Định Hoá, Đại Từ, đánh thẳng về xuôi. Ngược lại, nếu cách mạng gặp khó khăn có thể lùi sang phía Đông, qua Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Cạn), sang chiến khu Võ Nhai (Thái Nguyên). Vì vậy, trong suốt cuộc kháng chiến, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ làm việc tại nhiều nơi trong khu ATK. Chẳng hạn, tại Chợ Đồn (Bắc Cạn), Bác Hồ đã sống và làm việc 3 nơi. Đó là Bản Ca, thuộc xã Bình Trung, năm 1947; Nà Pậu, thuộc xã Lương Bằng, năm 1951 và bản Pèo thuộc xã Bình Trung, năm 1949. Cũng tại bản Nà Quân, xã Bình Trung còn có Văn phòng Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh sống và làm việc năm 1951-1952; đồng chí Phạm Văn Đồng, sống và làm việc tại đồi Khau Mạ, xã Lương Bằng, năm 1950-1951... Tất cả các địa điểm trên đã được Bộ Văn hoá –Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài ra, trong kháng chiến, rất nhiều cơ quan của bộ, ngành đóng tại Bắc Cạn như: Bộ Tài chính, Xưởng Quân giới đóng tại Bản Thi (Chợ Đồn); Đài Tiếng nói Việt Nam đóng tại xã Khang Ninh (Ba Bể)...
Tại Thái Nguyên, Bác Hồ cũng đã sống và làm việc nhiều nơi. Riêng ở Tỉn Keo (thuộc xã Phú Đình, Định Hóa), Bác Hồ ở 2 lần vào năm 1948 và cuối năm 1953; ở Nà Lọm (cũng thuộc Phú Đình, Định Hoá) năm 1948; ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mạc năm 1947; ở đồi Khuôn Tát, xã Phú Đình có 3 lần, một lần năm 1947 và 2 lần năm 1948... Thái Nguyên còn là nơi làm việc của nhiều cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...Tuyên Quang cũng là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc tại nhiều nơi, với thời gian trên 5 năm (Thái Nguyên chỉ gần 2 năm). Tuyên Quang còn là nơi làm việc của Văn phòng Chính phủ, Quốc hội... tại thôn Lập Bình, xã Bình Yên (cạnh Tân Trào)...
Như vậy, Thủ đô gió ngàn không chỉ riêng ở Định Hoá (Thái Nguyên) hay Tân Trào Tuyên Quang mà còn bao gồm các địa danh nêu trên thuộc 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn. Vì thế, khi nói đến Thủ đô gió ngàn hay Thủ đô kháng chiến thì ta không nên áp đặt thủ đô của riêng một tỉnh, một huyện nào cả.
(Báo Tiền Phong số ra ngày 28/2 và 7/3 năm 2010)