Nhà văn Lê Văn Trương và những cuộc tình "không giống ai"
Lê Văn Trương được mệnh danh là nhà văn đắt giá nhất thời tiền chiến. Sách của ông luôn được bạn đọc đón đợi, tìm kiếm bởi sức lan toả, khêu gợi và cuốn hút. Số lượng sách xuất bản của ông vào bậc nhất (thời kỳ 1935-1944) nên bản thân ông có cuộc sống vô cùng phong lưu. Có lẽ chính sự phong lưu ấy đã khiến những người phụ nữ xung quanh ông xiêu lòng, sẵn sàng bất chấp để được ngả vào vòng tay yêu thương của ông. Thế nên, dù rất yêu thương người vợ của mình, ông cũng đành phụ bà, lấy thêm người vợ lẽ. Đó là Nguyễn Thị Đào, một cô gái nhảy.
Bắt vợ cả mang trầu cau đi hỏi vợ hai cho mình
Giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Giáng Vân, con gái của nhà văn Lê Văn Trương tại Gò Sao, quận 12 TP. Hồ Chí Minh. Sau cánh cổng sắt nặng nề là khuôn viên cây xanh vô cùng đẹp mắt. Đây là nơi con gái nhà văn sinh sống đồng thời là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hai vợ chồng nhà văn Lê Văn Trương. Nằm trên tấm phản trong căn buồng nhỏ, dù đang bị gãy chân, bà Vân vẫn gượng dậy để tiếp PV. Khom người đỡ chiếc chân đang bó bột, bà bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện xung quanh người cha nổi danh của bà.
Ngày ấy, trong những lần đi nhảy đầm, như bao người đàn ông khác, cụ Trương mê đắm cô Đào. Sau khi lân la, làm thân, biết được hoàn cảnh đưa đẩy, biến nàng Đào từ người phụ nữ đoan trang thành cô gái giang hồ, ông càng thương cảm và mê nàng. Nguyễn Thị Đào kém nhà văn gần hai chục tuổi. Trước khi bước chân vào vũ trường làm gái nhảy, Đào là một người con gái đáng thương. Nhan sắc mặn mà, hơn người, vì gia cảnh khó khăn, nàng bị cha mẹ ép duyên. Không đồng ý với cuộc hôn nhân sắp đặt ấy, cô bỏ miền quê Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp. Thân gái dặm trường, cô bị sa chân đi làm gái nhảy. Sau đó, cô lấy một ông (đốc-tờ), có với nhau một mặt con, nhưng được một thời gian thì bỏ nhau. Để có tiền nuôi con, cô bắt buộc phải theo nghề gái nhảy.
Điều đặc biệt, mối tình giữa nhà văn và cô Đào được chính người vợ cả chấp nhận. Theo lời kể của Giáng Vân, con gái nhà văn, sau khi cưới bà Đào, cha bà để hai người phụ nữ sống cùng với nhau. Các lễ nghi cưới xin, một tay người vợ cả lo chu đáo. Lý giải về điều này, bà Vân tâm sự: "Hành động đi cưới vợ hai cho chồng của mẹ tôi là một việc làm vô cùng cao thượng. Có ai chấp nhận được hành động đớn đau ấy. Thế nhưng mẹ tôi vẫn làm việc ấy bằng cái tâm của mình. Có lẽ hành động ấy xuất phát từ tình yêu bà dành cho bố tôi”. Cũng theo lời kể của bà Vân, từ ngày có hai người vợ cùng thương yêu, chăm sóc cho mình, sự nghiệp của nhà văn lên như diều gặp gió. Chưa bao giờ Lê Văn Trương phải đau đầu vì chuyện của các bà vợ bởi họ luôn yêu thương, giúp đỡ nhau như chị em.
"Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ", quả thật đúng với nhà văn Lê Văn Trương. Có thể nói, thành công của ông phải kể tới đức hy sinh của người vợ cả. Bà Ngô Thị Hương, người vợ cả sẵn sàng hy sinh tất cả, làm những điều ngược đời: Mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng chỉ để ông vui vẻ để viết văn. Nói về người vợ cả của nhà văn, người vợ ba tên Lan luôn dành những từ đẹp đẽ cho người phụ nữ ấy dù bà chỉ ở cùng ông trong 3 năm (bà Lan là người vợ thứ ba của nhà văn. Bà kém ông nhiều tuổi nhưng bà yêu ông từ khi 17 tuổi qua việc đọc các tác phẩm. Là con nhà giàu, gia giáo, nhưng vì tình yêu với ông, bà bất chấp tất cả để được làm vợ ba).
Người cha lập dị đầy tự hào
Cách đây 15 năm, khi vô tình gặp lại cô Lan, người vợ thứ 3 của cha mình, bà Lê Thị Giáng Vân đã mời về nhà dự đám giỗ nhà văn. Bà Vân không thể nào quên được những lời nói xuất phát từ đáy lòng của dì ba: "Mợ thấy con phải cảm ơn thầy con và tự hào là con có một người cha đặc biệt. Tuy có đến ba đời vợ, nhưng thầy con không bao giờ muốn có nhiều dòng con. Mợ là người mê sách, ham đọc sách. Đọc nhiều sách của thầy con, mợ yêu lúc nào chẳng hay. Khi yêu rồi, mợ bất chấp tất cả để được làm vợ của cha con. Ba năm chung sống cùng mẹ con dưới một mái nhà, vậy mà chưa bao giờ, chị em xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Mợ ra đi vì không có kết quả với thầy con. Chỉ đến khi quyết định ra đi, mợ mới vỡ lẽ nguyên nhân vì sao ba năm ấy, mợ không có được một mụn con. Tình yêu giữa mợ với thầy con là tình văn chương nên không thể có con được. Khi mợ đòi có con, mợ nhận được câu trả lời: "Nếu em yêu cầu có con thì anh xin lỗi. Anh không bao giờ muốn có hai, ba dòng con". Nghe câu trả lời ấy, quá đau lòng nên mợ phải ra đi”.
Là con của một nhà văn lớn, lại mang trong mình tình yêu văn chương mãnh liệt, Lê Thị Giáng Vân luôn hiểu và thương yêu cha mình hết mực. Bà hiểu và cảm thông với những tình cảm của cha mình khi dành cho nhiều người phụ nữ khác ngoài mẹ. Thế nên, trong số 5 người con đẻ của Lê Văn Trương, Giáng Vân là cô con gái duy nhất và cũng là người con được nhà văn yêu quý nhất. Mỗi khi ông tự nhốt mình, cô lập với thế giới bên ngoài để viết văn, Giáng Vân là người duy nhất được ông gọi vào chỉ để trò chuyện. Cứ hai đến ba ngày, cụ lại gọi vợ bảo mang con gái vào chơi còn những người khác, không được tới gần căn buồng để tránh việc làm phiền ông. "Cha tôi nhốt mình trong phòng có khi một tuần, hai tuần chỉ để viết văn. Viết xong tác phẩm, ông mới ra ngoài gặp gỡ mọi người. Ngay cả việc ăn uống, ông cũng ăn trong phòng. Hàng ngày, đến giờ cơm nước, mẹ tôi lại đưa cơm vào qua một ô vuông nhỏ, ăn xong thầy lại đưa bát ra", bà Giáng Vân chia sẻ. Hay như khi biết tin nơi gia đình ở giặc đang càn, chẳng ngại mưa đạn, cụ Trương phi ngựa về nhà chỉ để xem xét con gái và các thành viên trong gia đình có an toàn không. Có lẽ, nhờ tình yêu bao la với gia đình, lối làm việc không giống ai cùng những hạnh phúc viên mãn trong tình yêu, Lê Văn Trương mới trở thành nhà văn ăn khách nhất thời đó. Những nhân vật ông xây dựng trong tác phẩm thật chân thực, gần gũi cho nên ông có một lượng độc giả lớn, các nhà xuất bản thi nhau đặt hàng.
Mỗi khi lĩnh tiền xuất bản sách, ngoài việc mua sắm cho vợ con, Lê Văn Trương còn gọi bạn bè đến nhà ăn uống. Đặc biệt, những nhà văn mới vào nghề, nhà văn nghèo khổ, ông sẵn sàng gọi họ đến nuôi ăn, ở miễn phí mà không đòi hỏi được báo đáp, trong đó có nhà văn Nguyễn Bính, Trúc Đường, Trần Huyền Trân, Đinh Hùng.
Khi mọi người đến nhà, ông hồ hởi bảo: "Các chú cứ ngồi đây mà viết văn. Ma đam của tớ sẽ thết đãi cơm rượu. Ăn xong mỗi người một xó mà viết". Khi gần hết tiền thì ông bảo mọi người tạm thời giải tán, khi nào có tiền, ta lại tụ tập tiếp. Trong mắt những nhà văn thời đó, ông được coi là mạnh thường quân. Chính vì những điều đó, Lê Thị Giáng Vân luôn tự hào mỗi khi có dịp nói về người cha của mình.
(Theo Người đưa tin)