Thi sĩ tài hoa và bạc mệnh
Tôi chuẩn bị mâm cúng đêm giao thừa. Chẳng hiểu sao tâm tư lại hướng, nhớ về nhà thơ Nguyễn Bính, nhớ những vần thơ cùng cái chết của ông cũng vào đúng sáng mồng một tết 48 năm trước, khi ông ở tuổi năm hạn (49).
Ấn tượng sâu đậm của tôi về nhà thơ của đồng quê Nam Định - một đời tài hoa, đa đoan, tình đời dang dở và cái chết tức tưởi đã được ông tiên đoán trước với những cột mốc đời của ông:
- Viết Lỡ bước sang ngang, nhưng đời ông cũng có tới 4 lần ‘’sang ngang’’, có con trai, con gái với những người đàn bà gặp trên đường đời, nhưng lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không có các con và mẹ của họ ở bên cạnh…
- Viết bài thơ Cô Hàng Xóm, kể chuyện về một mối tình của 2 người ‘’cô đơn’’ ở cạnh sát nhà của nhau được ngăn cách bằng hàng raò là ’’cái dậu mồng tơi xanh rờn’’. Mối tình đơn phương sâu đậm mà trong sáng với hình ảnh con bướm và giàn mồng tơi. Có lần ông tự nhận mình kiếp trước là Bướm nên kiếp này có nhiều duyên nợ với Bướm, viết nhiều bài thơ có con Bướm - y như hóa thân của ông vậy.
- Ông đã từng làm Chủ nhiệm báo Trăm Hoa. Rồi cũng lại khốn khổ vì tờ báo… để cuối cùng như con Bướm gặp trận bão khiến ‘’thân cánh rã rời’’, làm mồi cho bọn gà, vịt, ngan, ngỗng…
- Ông có tập thơ Nước Giếng Thơi. Đây là tựa đề tập thơ nhưng cũng là kết cục bi thảm ’’Một lời là một vận vào khó nghe’’: Sắp tới tết Bính Ngọ (1966), người mến mộ Thi sĩ là ông Lang thuốc Bắc ở huyện Lý Nhân (Hà Nam), mời đến ăn tết cùng gia đình. Thi sĩ từ giã vợ con qua sông Châu Giang đến nhà bạn. Nguyễn Bính xuống con đò cũng do một cô gái trẻ cầm lái. Chi tiết này làm chúng ta nhớ lại bài thơ Cô Lái đò nổi tiếng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc thành công:
CÔ LÁI ĐÒ
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô lái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề…
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến xuân
Đả mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô lái mòn mỏi trông…
Bỏ thuyền bỏ lái bỏ giòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông!
Con đò chở Thi sĩ qua sông để ông đi nhưng không đưa được ông về: Tối 30 tết, thi sĩ cùng chủ nhà vui mừng đón giao thừa… Sáng sớm mồng một tết - chủ, khách ra vườn hái lộc đầu xuân lấy may theo phong tục của dân ta. Đêm qua mưa xuân, đất vườn trơn, cầu ao càng trơn như bôi mỡ… Nguyễn Bính vô ý, trượt chân ngã xuống ao, trầm mình trong bùn nước lạnh của tiết xuân. Ông Lang tận tình cứu chữa nhưng Nguyễn Bính đã ra đi vĩnh viễn sau đó ít giờ, để lại “nguyên vẹn cả một mùa xuân” năm Bính Ngọ - mồng một tết 1966...
*
Nhà Thơ Xuân Sách đã vẽ chân Dung Nguyễn Bính như thế này:
Mấy lần Lỡ Bước Sang Ngang
Thương con Bướm đậu trên giàn mồng tơi
Trăm hoa thân cánh rã rời
Thôi đành lấy đáy Giếng Thơi làm mồ.
(Lỡ Bước Sang Ngang (tập thơ), Cô Hàng Xóm (thơ), Trăm Hoa (Báo), Nước Giếng Thơi (tập thơ)... (Giàn Mồng Tơi là một câu trong bài thơ Cô Hàng Xóm)...
Ông là nhà thơ chân quê, nhà thơ của sự chia ly, của tình yêu dang dở. Thơ ông thắm đượm tình yêu quê hương, mộc mạc, phảng phất hương vị ca dao, truyện Kiều. Ông chẳng những có tài làm thơ, mà dịch thơ, vịnh thơ, xuất khẩu thành thơ cũng tài giỏi tuyệt đỉnh.... (xem phụ lục).
Trước năm 1945 ông có các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang, Nước Giếng Thơi, Hương Cố Nhân, Cô Gái ở Lầu Hoa... phiêu bạt vào miền Nam rồi đi kháng chiến. 1954 - tập kết ra Bắc. Từ đó đến khi mất, ông chỉ xuất bản được một tập thơ gía trị, tựa đề Đêm Sao Sáng, cũng nói về đề tài chia ly vì chiến tranh chia cắt đất nước...
Ông đặc biệt kính trọng, sùng bái Thi hào Nguyễn Du. Đối với Nguyễn Bính, , thi ca Việt Nam chỉ: “Có Nguyễn Du và có một Truyện Kiều”, thôi ! Ông thể hiện tuyên bố này trong bài thơ ca ngợi quê hưong Việt Nam (tựa đề Quê Hương), viết năm 1965 - trước khi mất ít lâu :
'' …Quê hương tôi
Có Nguyễn Trãi có Bình Ngô Đại cáo
Có Nguyễn Du và có một truyện Kiều......''.
Khi Nhân Văn - Giai Phẩm ''đang hoành hành'', ban Tuyên huấn trung ương quyết định cho ra báo Trăm Hoa để kiềm chế nhóm Văn nghệ sĩ’’đi qúa đà’’, trên mặt trận Văn Nghệ. Người được chọn lãnh đạo tờ báo là Nguyễn Bính. Nhưng khi bắt tay vào việc, tờ Trăm Hoa không hoàn thành được nhiệm vụ... : Nguyễn Bính phải thôi chức chủ nhiệm, Trăm Hoa đình bản, Chủ nhiện NB được đưa về làm việc ở Ty văn hóa thông tin Tỉnh Nam Định (sau đó 2 tỉnh sát nhập thành Nam Hà).
Người xưa nói ''Văn tức là Người'', đối với Nguyễn Bính điều đó thật đúng : Vào giữa năm 1965 - Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh chuẩn bị lể kỷ niệm 200 năm đại thi hào Nguyễn Du. Trưởng ty - nhà văn Chu Văn - (hiện nay gọi là Gíam đốc Sở) tổ chức cuộc họp yêu cầu các tác gỉa thông qua bài tham luận về Nguyễn Du, các bài viết sẽ đăng trong tờ báo địa phương - Nam Hà, số xuân 1966.
Các bài khác được thông qua rất nhanh, nhưng đến lượt Nguyễn Bính các thành viên nóng lòng chờ nghe bài của Thi sĩ. Ông rút túi lấy ra bài thơ tiêu đề ''Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều'' đoạn đọc to cho mọi người cùng nghe :
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
Trăm năm trăm cõi người ta
Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau
Khen tài nhả ngiọc phun châu
Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình.
Mấy lời kỳ cựu đinh ninh
Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Khen rằng gía đáng thịnh đường
Thì trao giải nhất, chi nhường cho ai
Gẫm âu người ấy, báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nàng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây.
Mọi người nghe xong bàng hoàng. Toàn bài thơ là lời được nhặt ra từ Truyện Kiều, xâu chuỗi lại. Kinh ngạc hơn, bài thơ tổng kết cuộc đời tài hoa của nàng Kiều, song ai cũng ngậm ngùi nhận ra hình ảnh của Nguyển Bính trong đó. Cảm động nhất ở những câu kết ... Mọi người lặng đi ! Bài thơ thật hay nhưng thấy quá buồn. Nhà Văn Chu Văn là Sếp nên thẳng thắn đề nghị tác gỉa sửa mấy câu kết ''đọc nghe sái quá '' ! Nguyễn Bính kiên quyết không nghe : ''Một chữ cũng không sửa. Các vị đừng mê tín... cốt hay là được !...''.
Sau buổi họp, nhà văn L - lúc đó mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp được phân về công tác cùng địa phương với Nguyễn Bính, anh mời ''đại ca đi ăn tươi’’. Rượu vào làm Nguyễn Bính rất vui... biết tính ''Đại ca'', vốn quý trọng nhà thơ, lại cũng thuộc Kiều, L nhìn Nguyễn Bính, cao giọng ngâm :
'' Rằng hay thì thật là hay,
Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lạ chi những bậc tiêu tao
Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người...''
Mặc dù đang say sưa, nghe ''chú em lẩy kiều'', ông trợn mắt nhìn L, nối tiếp ngay:
''Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao...''
Tuy rượu đã ngấm nhưng L vẫn phảng phất nỗi buồn. Anh linh cảm thấy điều gì đó không bình thường... nhưng ‘’Đại ca’’ kéo anh trở lại cuộc vui đến độ cả hai - mặt đã ‘’bốc hoả’’ mới dìu nhau ra về...
Buổi lễ kỷ niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du diễn ra long trọng. Bài tập Kiều của Nguyễn Bính đăng trên trang nhất số Xuân báo Nam Hà, được bạn đọc khen ngợi...
Tết dương lịch 1966 qua đi.
Tết Âm lịch 1966 (Bính Ngọ) đang đến !
Nguyễn Bính lên đường đến ăn tết với bạn yêu thơ . Đêm trừ tịch, hai người - một chủ, một kháck - say sưa đón xuân bằng rượu gạo – bánh chưng, thịt đông, dưa hành...
Sáng 1 tết, Nguyễn Bính ra vườn ngắm cảnh, hái lộc lấy may... ông ra đi đột ngột như đã nói ở trên!
Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ !
Xuân Sách đã viết như vậy trong thơ chân dung. Quả thực đó là vần thơ ''có Ma'' : Nườc Giếng Thơi đã đưa Nguyễn Bính lên đài vinh quang. Nhưng 27 năm sau - ‘’nước ao nhà’’ cũng lại là nơi đưa ông về lòng đất lạnh !
Điều này dường như Nguyễn Bính đã ''sinh gở'', gửi gắm lại cuộc đời những trối trăn trong bài thơ tặng Cụ Nguyễn Du, hồi cuối năm 1965 - trước khi ''ra đi'' ít ngày…
Và xa, lâu hơn nữa - từ 27 năm trước - ông đã tự tiên tri cho cái chết của mình: Trong bài Nhạc Xuân in ở tập Hương Cố Nhân, xuất bản năm 1939, ở một đoạn ông viết:
Năm Mới, tháng giêng mồng một tết,
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân''...
Còn hai câu kết của bài Nhạc Xuân, tác gỉa viết:
''Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi!''.
27 năm sau, Bính ngọ, Nguyễn Bính 49 tuổi (1966), ông chết đúng như lời đã viết trong bài thơ kia !
(Nguyễn Bính sinh năm Mậu Ngọ 1918...)
(Theo Tuần Báo SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG – Số Xuân Giáp Ngọ 2014)