Chuyện ít biết về những ca khúc Xuân bất hủ

Cứ mỗi độ Xuân về, đi đến đâu chúng ta cũng nghe những giai điệu quen thuộc “Tết Tết Tết Tết đến rồi” của cố nhạc sĩ Từ Huy, “Xuân xuân ơi xuân đã về…” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cùng nhiều ca khúc xuân bất hủ khác. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ những ca khúc tuyệt vời báo hiệu năm mới này ra đời thế nào, câu chuyện của chúng ra sao…

 

 

 

Chuyện “Tết Tết Tết…”, “Xuân xuân ơi…”
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện kể rằng bài Mùa xuân ơi được sáng tác năm 1995. Thật ra, trước đó, ông viết 2 ca khúc Xuân khác, trong đó bài Mùa xuân lộc mới được viết theo văn phong và phong cách miền Trung rất thịnh hành và “nổi” vào khoảng năm 1994. Nhưng năm đó, khoảng tối 28 Tết, khi đang làm biên tập phim cho hãng Phương Nam Phim, ông được một người bạn rất thân là nhạc sĩ Từ Huy rủ đi dạo đường phố tìm mua quà tặng cho bạn gái.
“Bọn tôi đi dọc đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi ... thấy các shop bán hàng đều phát bài hát của bạn tôi, đó là bài Ngày Tết quê em - “Tết Tết Tết Tết đến rồi…” do Tam ca Áo trắng hát. Tôi thấy rất bất ngờ và thú vị vì băng cassette đó chúng tôi vừa làm xong và phát hành 1 tháng sau Noel, 28 Tết đã nghe rồi. Tôi biết là băng bán được và bài hát của bạn tôi thành công” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhớ lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện
Khi đó, bỗng nhiên trong lòng ông nảy lên khát khao cũng phải viết được một bài hát thật thành công. Đến năm 1995, ông viết bài Mùa xuân ơi. Nếu nhạc sĩ Từ Huy viết “Tết Tết Tết…” thì ông viết “Xuân xuân xuân…”. Ông không dám dùng chữ Tết, không thì bạn lại càu nhàu bảo “chú mày lấy ý tưởng của tao”. Ông viết xong Mùa xuân ơi, cũng gọi Tam ca Áo trắng đến thu nhưng chưa quay video vì chưa biết bài hát “có ăn” hay không.
Sau đó, khi ông gặp nhạc sĩ Từ Huy đề nghị dùng bài Ngày Tết quê em quay video Xuân 1995 thì nhạc sĩ này không đồng ý về vấn đề giá cả. Cuối cùng, giám đốc hãng quyết định quay video bài Mùa Xuân ơi để thế chỗ và cũng mời nhóm Tam ca Áo trắng thực hiện.
Bài hát rất thành công vì Tam ca Áo trắng diễn rất dễ thương, hát tốt. Những năm sau đó, người ta hát bài này rất nhiều, Tam ca Áo trắng được mời đi diễn ở đâu cũng hát bài đó. Còn bài Ngày Tết quê em, một thời gian sau ông mới thuyết phục được bạn dựng video.
“Tôi viết bài Mùa xuân ơi nhanh lắm, vì thật ra, năm đó tôi cũng không định viết vì bài Mùa xuân lộc mới vẫn đang rất thịnh hành. Tôi nhớ trước nữa có bài Hoa Xuân Ca của Trịnh Công Sơn cũng rất hay, sau đó đến bài Lời tỏ tình mùa Xuân của Thanh Tùng cũng rất nóng rồi mới đến bài của tôi.
Ít có người nào hát đơn bài Mùa Xuân ơi mà thường nhiều người hát, vì nguyên bản tôi đã dựng ca khúc này để hát nhóm và do Tam ca Áo trắng thể hiện đầu tiên. Sau này, cũng có nhiều ca sĩ hát lại, tôi thích thú vì anh em sau này phối nhạc hay hơn thời trước. Những nhạc sĩ phối nhạc bây giờ giỏi vi tính và phần mềm, phối không thua gì Hàn Quốc” - nhạc sĩ Ngọc Thiện nói.
Nói về hoàn cảnh sáng tác nhạc xuân ngày đó, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện hồi tưởng: “Hồi nhỏ trong xóm lao động, cuộc sống của gia đình tôi rất tiết kiệm, ăn để cho no chứ không phải cho ngon, chỉ có Tết thì ăn ngon. Có những hình ảnh bây giờ bạn thấy bình thường nhưng thời đó bọn tôi thấy dưa hấu hay mứt là thích lắm, vì hồi xưa ngày Tết mới có những món đó".
"Lúc nhỏ tôi rất mê Tết, khi lớn lên làm biên tập thì ca khúc Xuân thiếu thốn bộn bề vì thời đó chưa cho phép nhạc Xuân trước 1975 lưu hành, có những bài kháng chiến như Xuân chiến khu năm nào cũng dựng, sau đó may là có Hoa Xuân ca của Trịnh Công Sơn và Lời tỏ tình mùa Xuân. Tôi động viên mọi người cứ viết ca khúc dù không biết ca khúc có “đứng” được hay không vì một năm có một lần thôi”.
Theo nhạc sĩ Ngọc Thiện, đặc thù của mùa Tết Việt Nam là Tết đoàn tụ. Dù có đi đâu xa, đến ngày Tết tất cả đều trở về, dù nghèo, giàu hay bận rộn ở phương trời nào đó. Đó cũng là một cái tứ để anh em viết ca khúc. Ông thích viết về nhận thức đường phố thế nào, lòng người ra sao, có những người lúc nào cũng suy tư, bi ai nhưng đến ngày Tết tạm gác bỏ mọi thứ để tận hưởng niềm vui. Không riêng ông mà các nghệ sĩ viết nhạc Xuân ngày xưa đều viết về đề tài xã hội.
Ông thấy những ca khúc Xuân thành công là những ca khúc đi vào đề tài xã hội, còn chuyện tình yêu đôi khi chỉ là cái cớ thôi. Những nhạc sĩ thành công về nhạc Xuân như Lê Dinh hay Văn Phụng cũng viết về đề tài xã hội như trong ca khúc Xuân họp mặt – một bài hát ý nghĩa rất truyền thống của Tết Việt Nam.
Sức sống nhạc Xuân
Trong số các nhạc sĩ có thâm niên sáng tác nhạc Xuân, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng đã viết rất nhiều tác phẩm, nhưng ca khúc quen thuộc nhất mà mỗi độ Xuân về được các ca sĩ chọn hát nhiều nhất là Điệp khúc mùa Xuân: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, chợt trong nắng về trong ánh mùa sang…”.
Nhạc sĩ Quốc Dũng
Chồng của ca sĩ Bảo Yến tâm sự: “Tôi viết bài hát năm 1974. Lúc đó mùa Xuân tới, mùa Xuân thì phải thanh bình nhưng mùa Xuân của năm 1973-1974 thì vẫn còn chiến tranh khốc liệt nên tôi viết bài này trong tâm trạng buồn khi đang ở Sài Gòn. Sau ngày giải phóng 15 năm, bài hát như được “sống” lại vậy. Tôi cũng khá bất ngờ vì bài hát của tôi được mọi người hát rất nhiều. Nhiều ca sĩ từng hát bài này lắm và hầu như ai hát cũng hay cả”.
Trong giai đoạn khoảng 20 năm trở lại đây cũng đã có nhiều ca khúc Xuân ra đời và theo thời gian và qua giọng hát của các ca sĩ hàng đầu đã trở thành những bản “hit” được khán thính giả Việt Nam hết sức yêu thích. Lắng nghe mùa Xuân về được nhạc sĩ Dương Thụ sáng tác đã cách đây gần 20 năm những vẫn làm xao xuyến lòng người với giai điệu man mác buồn đầy tâm sự.
Nhạc sĩ Dương Thụ từng nói rằng ông thường viết những ca khúc Xuân vào giao thừa vì đó là giờ phút nội tâm lắng đọng lại và ông được sống với chính mình. Lắng nghe mùa Xuân về cũng ra đời như thế và với tiếng hát của những nữ diva như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà, bài hát đã trở thành một trong những bản nhạc Xuân có đời sống lâu bền và luôn được người yêu nhạc thưởng thức vào mỗi độ Xuân sang.
Còn với nhạc sĩ Huy Tuấn, Khúc giao mùa là một trong những bài hát về mùa Xuân được yêu thích nhất của anh với những ca từ rất đẹp về hương vị mùa Xuân và vẻ đẹp của thời khắc giao thoa đất trời khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trăm hoa đua nở, con người tạm quên sự bon chen thường ngày để tận hưởng không khí đoàn viên và những tình yêu đẹp đã tạo cảm hứng cho Huy Tuấn viết nên một ca khúc được xem như bài Happy New Year của Việt Nam.
“Cầm tay nhau bước trong giao thừa, đón Xuân đang về với tình yêu, Trái Đất này…”- những ca từ ngọt ngào qua tiếng hát của hai ca sĩ Mỹ Linh và Minh Quân đã luôn vang vọng trên các kênh sóng phát thanh truyền hình suốt hơn một thập kỷ qua.
Với nhạc sĩ Đức Trí, Nắng có còn Xuân là một trong những ca khúc Xuân được yêu thích nhất của anh nhưng lại ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Là một ca khúc nhạc Xuân nhưng nhạc sĩ Đức Trí lại không viết bài này vào mùa Xuân.
Anh giải thích rằng “nghe mùa Xuân hát bên kia trời” nghĩa là một mùa Xuân mà tôi nhớ về nó chứ không phải là mùa Xuân khi nó đang hiện hữu: "Thật ra đó là thời điểm tôi mới ra trường, đang đi làm rất nhiều công việc, dự án. Tôi sợ cái ngột ngạt của thành thị Sài Gòn và nhớ cái xuân, tưởng tượng một không khí xuân thiên nhiên có sự trong lành của miền núi và miền quê do đó giai điệu bài hát phảng phất nét của miền núi. Tôi vẫn thích anh Quang Linh hát bài hát này nhất vì anh ấy cũng là người tôi gửi bài hát này đầu tiên”.
Nhạc sĩ này cho rằng thường thì người ta hay nghe nhạc Xuân bằng kỷ niệm chứ không nghe bài hát mới, chỉ khi nào bài hát cũ rồi người ta mới nghe bằng hoài niệm. Cụ thể là bài Nắng có còn Xuân, khi mới ra đời cũng chưa được người ta để ý, chỉ đến khi qua rất nhiều mùa Xuân rồi người ta mới nhớ và hát lại nó. Đó là minh chứng rất rõ rằng với bài hát Xuân và giáng sinh, người ta thường nghe bằng kỷ niệm.
Ngoài một số ca khúc Xuân thịnh hành trong giai đoạn đất nước đổi mới nói trên, từ trước 1975, Việt Nam đã có rất nhiều bài hát về mùa Xuân bất hủ vẫn được hát vang mỗi độ Tết đến cho đến tận ngày nay, như Xuân họp mặt của cố nhạc sĩ Văn Phụng, Xuân chiến khu của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, Đoản Xuân ca của cố nhạc sĩ Thanh Sơn...
Dù hầu hết các nhạc sĩ thế hệ này đã mãi mãi đi xa nhưng những “đứa con tinh thần” mà họ để lại đã trở thành một nét tô điểm cho văn hóa Tết Việt Nam, như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Điều quan trọng nhất là cái mình ưu tư trằn trọc cho ra đời là sản phẩm tinh thần, nhưng khi đến tay người nghe và tồn tại lâu dài, nó đã trở thành vật chất. Đó là niềm vui của những người nhạc sĩ chúng tôi”.
KIM KHÁNH/ NLĐO