Thơ Truyền thống - Nền tảng của thơ hiện đại
Có lẽ trong lịch sử văn học chưa một giai đoạn nào có nhiều người làm thơ như hôm nay và cũng chưa khi nào có nhiều tập thơ trình làng như hôm nay. Đó là điều đáng mừng nhưng cũng là một thách thức lớn đối với người viết dẫu vẫn biết điều đó cũng xuất phát từ đặc trưng rất dễ nhận biết của thể loại thơ. Không một thể loại nào lại trở thành lãnh địa dễ giãi bày, dễ bộc lộ cảm xúc của mỗi cá nhân như thơ.
Nhưng khi vườn thơ như vườn hoa trăm hồng ngàn tía đua nhau nở sẽ không tránh khỏi sự nhàn nhạt, lẫn lộn giữa tác giả này với tác giả khác. Và xuất phát từ điều ấy, nhiều xu hướng viết mới ra đời. Có người vẫn theo con đường thơ đã đi qua, có nghĩa là trung thành với lối thơ truyền thống với những niêm luật, lối gieo vần, cấu tứ, đề tài hết sức chặt chẽ. Có người lại tự mở cho mình lối đi riêng với hy vọng tạo nên một điều gì đó "khác" với xung quanh.
Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra. Nhiều ý kiến đã ra đời, trong đó cũng có không ít những tuyên ngôn hùng hồn theo kiểu “đao to búa lớn”. Riêng với tôi, những người vốn "không chuyên" về việc làm thơ mà chỉ đến với thơ bởi tình yêu, sự gắn kết, tìm đến thi ca như tìm đến một khung cửa chữ để giãi bày tâm hồn. Và với cá nhân, tôi luôn tâm niệm: dẫu có viết, có thể hiện thơ dưới hình thức nào thì thơ vẫn phải bắt nguồn, phải xuất phát từ cội nguồn dòng chảy của thơ ca truyền thống. Hay nói cách khác, dù có hiện đại đến đâu chăng nữa nhưng nếu rời bỏ bầu sữa trong lành, ngọt mát của đất mẹ thì thơ cũng không thể bay lên bởi đôi cánh cọc còi.
Ở đây, tôi không lạm bàn đến vấn đề học thuật xem thế nào là thơ truyền thống, thế nào là thơ hiện đại, đó là công việc của những nhà nghiên cứu lý luận. Tôi chỉ hiểu một cách giản đơn: Thơ truyền thống là thể thơ vốn có từ xưa xa trong dòng chảy của văn học dân tộc. Đó có thể là thể thơ sáu chữ, tám chữ, thơ lục bát hay thơ tự do nhưng nó có vần, có điệu, có nhạc. Nó bắt nguồn từ ca dao cổ. Nó xứng đáng với những gì người đời đã từng ca tụng: "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc - Trong thơ có hoạ, trong thơ có nhạc". Đọc một câu, một khổ hay một bài thơ lên người ta có thể cảm nhận được cả một bức tranh, thấu được chất âm nhạc réo rắt sau từng con chữ. Ví dụ:
Chiếc buồm nho nhỏ
Ngọn gió hiu hiu
Nay nước thuỷ triều
Mai lại nước rươi
Sông sâu, sóng cả, em ơi
Chờ cho sóng lặng
Buồm xuôi, ta xuôi cùng...
Hay:
Rủ nhau ra tắm hồ sen
Nước trong bóng mát hương chen cạnh mình
Cứ chi giếng ngọc ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay.
Đó là một vài ví dụ rút ra từ kho tàng ca dao rất giàu có của dân tộc. Những tác phẩm khuyết danh trong ca dao ấy đều đã vận dụng được ngôn ngữ, phương pháp nghệ thuật ưu tú của lời ăn tiếng nói dân gian, nhó trở thành điểm khởi đầu của thơ truyền thống, nó nói lên được tư tưởng, tình cảm của đại đa số nhân dân lao động. Những nhà thơ thiên tài trong lịch sử văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, những nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương, rồi đến cả những tác giả hiện đại như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... cũng đã vận dụng rất sáng tạo ngôn ngữ của thơ truyền thống vào các sáng tác của mình. Và giờ đây, nhiều nhà thơ thế hệ 6X, 7X... vẫn chung thuỷ với lối thơ truyền thống. Ở thế hệ mới này, đề tài, thể loại trong các sáng tác của họ có thể mở rộng, có thể khía sâu vào rất nhiều góc cạnh của đời sống con người, nhưng thơ vẫn là thơ, đọc lên vẫn thấy âm hưởng da diết của thể loại đặc trưng trữ tình, khác hẳn với lối viết văn xuôi dầm dề, dễ dãi... Đọc thơ hiện đại người đọc cũng sẽ gặp trong thơ rất nhiều những bức hoạ được chạm bằng ngôn từ:
Bóng đêm trút xuống màu giải oan
Trên tóc người đàn bà tối đen hư hoặc
Tiếng của lá cây rủa nhau
Rớt xuống dấu chân không còn nhan sắc
( Người đàn bà thức – Trần Phương Dung)
Không chỉ kế thừa từ thể thơ lục bát, ngay trong tứ thơ, người viết hiện tại cũng học được rất nhiều từ ca dao:
Anh quay về chiều ấy giêng hai
Cầu vồng thấp ngang đầu vườn kịp nắng
Trèo cành bưởi, đắng một bông hoa trắng
Bước xuống vườn cà, chát một nụ tầm xuân
(Giêng hai - Hương Đình)
Âm hưởng của đoạn thơ này là gì nếu không phải là sự gợi nhớ tới bài "trèo lên cây bưởi hái hoa" của ca dao cổ. Cũng vẫn là phản ánh cuộc sống, thơ phản ánh hiện thực qua cái nhìn luôn tràn đầy xúc cảm với một tâm trạng dồn nén. Qua thơ, người viết luôn muốn để mỗi người đọc tự nhận ra, tự cảm hiện thực theo kinh nghiệm, trải nghiệm của riêng mình. Người làm thơ không tự nói thẳng, phơi trần, không bao giờ nói thay cho người khác. Đó cũng chính là cái ẩn ý, cái ý nhị trong thơ truyền thống. Thật đáng sợ khi trong số những người viết tự cho mình là mới hiện nay có những câu cho là thơ mà khi đọc lên nó khiến người đọc phải gai người: "Anh mi ni em, anh tiết canh em...".
Vẫn là xuất phát từ hiện thực nhưng mỗi người viết lại có cách thể hiện khác nhau. Ngoài đời không ai giống ai nên thơ đã làm nổi bật lên cái tôi cá tính. Rất nhiều người viết hiện nay vẫn cho ra đời những bài thơ, những tập thơ mềm mại, giàu nhạc điệu, dễ ngân nga như những lời hát du dương. Xuất phát từ sự say sưa, khao khát khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, thơ hiện đại xuất hiện nhiều hình ảnh mới lạ, dồn dập, gợi nên sự lung linh, nhiều màu sắc, giầu hình ảnh. Rất nhiều tác giả bằng những bước chân đầu tiên từ sự khởi nguồn của thơ truyền thống đã tạo nên những câu thơ trong veo, khắc khoải, ngân nga, tha thiết cháy với sự cuống quýt của những đắm say thăm thẳm ngân rung trong tâm hồn:
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em đó bao ngày em nhớ thương ?
Hay:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
(Đôi mắt người Sơn Tây – Quang Dũng)
Cũng vẫn là viết về đề tài tình yêu, nếu trong thơ truyền thống người ta thường giấu đi cái tôi, giấu đi cái vồ vập, cuống quýt của những con tim yêu nồng nàn thì trong thơ hiện đại, rất nhiều tác giả đã kế thừa được những tinh hoa của thơ ca truyền thống, đặc biệt là những thể thơ của ca dao cổ. Chính điều đó cộng hưởng với sự sáng tạo của từng cá nhân người viết tạo nên một âm hưởng rất mới:
Về rưng rưng bật tiếng mùa
Câu thương thương
Gọi
Chát chua, muộn màng
Con đò nào
Nỡ sang ngang
Để cho bến đợi
Gập hàng tóc mây
Xoè tay gom sợi nắng gầy
Ngu ngơ
Trăng nỡ rơi đầy
Thuyền xuân.
(Bến đợi – Diễn đàn văn nghệ Việt Nam)
Dù viết về đề tài nào, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình hay chỉ là thể hiện những khắc khoải rất riêng trong tâm hồn mỗi con người thì thơ hiện đại vẫn sử dụng những ước lệ, những nhân hoá, so sánh, ví von ngầm ẩn của thơ truyền thống. Nhiều người viết đương đại gửi gắm nhiều tâm sự của mình qua bao hình ảnh ẩn dụ. Cũng là nỗi nhớ, dẫu có miên man thì cũng có thể gửi gắm trong nhiều hình ảnh khác nhau: một buổi chiều, một đêm trăng, một cơn mưa, một phút đổi mùa, một bông cỏ may, một đêm chèo... Cũng vẫn là hình ảnh người mẹ tảo tần, hy sinh, ta có thể dễ dàng gặp lại những hình ảnh giản dị mà thật đẹp:
Bóng thu ràn rạt trên những cánh đồng
Nứt nẻ chân chim di cư khuôn mặt mẹ
Đọc tác phẩm của rất nhiều tác giả trong dòng chảy thơ ca đương đại, tôi nhận ra một điều: Sự kế thừa thành công nhất của thơ hiện đại từ thơ truyền thống chính là nhạc điệu, từ ngữ hình ảnh, là thủ pháp gợi nhiều hơn tả bởi những xúc cảm tinh tế, sóng sánh, khiến người đọc cảm được nội dung, ý tứ sâu sa trong mỗi bài thơ. Sự thay đổi của môi trường, của hoàn cảnh sống đã dần mở rộng cho người viết hôm nay những đối tượng nghệ thuật, đối tượng thẩm mĩ mới. Thơ giờ đây không còn chỉ là sự bó hẹp gửi gắm tới những người thân thiết, những người đồng cảnh mà còn rộng mở tới cả những đối tượng khác, gần xa, là sự cởi mở nỗi lòng và hướng tới chia sẻ, đồng cảm về tâm hồn. Thơ thực sự trở thành một hình thức đối thoại của một người với muôn người. Và khi đối tượng nghệ thuật của thơ đã rộng mở, cũng đồng nghĩa với việc, tuy vẫn là tiếng nói trữ tình, tri âm, đồng vọng nhưng giọng thơ của thời hiện đại đa sắc, đa diện hơn. Đó là bước phát triển mới của thơ hiện đại với thơ truyền thống.
Trên cơ sở kế thừa có sáng tạo, nhiều tác giả đã mở ra một hướng đi mới. Vẫn là thể thơ tự do, vẫn là những cảm xúc rất chân thực, giản dị, sâu đằm, nhiều người đã tìm ra cách thể hiện rất tương đồng trong mối quan hệ với thơ truyền thống bởi cách ngắt nhịp câu thơ, cách xuống dòng, sử dụng những dấu chấm câu mang tính biểu cảm, góp phần rất lớn vào việc biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm:
Thiên nhiên cứ hiện lên màu nhiệm
Trên bến xuân ong bướm cưới hoa ngàn
Mang lễ vật sông gửi nguồn ra biển
Bãi bờ này mưa nắng đón dâu sang
( Đám cưới mùa xuân – Từ Linh Nguyên)
Hoặc:
Thu vàng
Hanh heo cốm mới
Cúc nhạt màu cõng nắng trên lưng
Nườm nượp tiếng mùa trườn trên bụng mặt trời
Phủ hồn trái đất…
( Môi Thu – Diễn đàn văn nghệ VN)
Chính sự sáng tạo này đã bồi đắp thêm nội dung ý nghĩa nghệ thuật cho thơ, tránh được sự nhàm chán, nhạt nhẽo cho người đọc. Rõ ràng, mới nhưng không mất gốc, mới nhưng không đánh mất mình, mới mà vẫn kế thừa được những gì là tinh tuý của thơ truyền thống góp phần làm dầy thêm giá trị của thơ ca trong kho tàng văn học nước nhà là những gì thơ hiện đại đã làm được.
Bên cạnh đó, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, trong sự cố gắng tự làm mới mình, tự tìm cho mình lối đi riêng, rất nhiều người viết hiện nay có thể do vô tình, có thể là cố ý chạy theo chủ nghĩa hình thức, tung ra những vần thơ cầu kỳ bí hiểm, làm cho thơ trở nên nặng nề, khó hiểu đối với bạn đọc. Đã có rất nhiều những bài thơ cấu tứ không rõ ràng, diễn đạt rối rắm, kỳ quặc, bất chấp các quy tắc về ngữ pháp, ngữ nghĩa của tiếng Việt, gây phản cảm đối với người đọc khiến độc giả không định hình nổi thơ ấy muốn thể hiện điều gì. Chúng ta thử hỏi xem, nếu người đọc không thể hiểu được ý diễn đạt của tác giả thì tác giả đó sáng tác liệu có ích gì cho xã hội, cho cuộc đời? Rất may, điều đó không phải là tất cả.
Hải Dương 7/10