Con cắc ké của Bo

“Trong cuộc sống, bất cứ hoàn cảnh nào, giờ giấc nào, nếu có điều kiện giúp người, cứu người con không được phép khước từ, phải đem hêt sức bình sinh ra hành động. Con nên nhớ rằng, thực tế con làm được điều gì tốt lành thì ai ai cũng quí mến, ngợi khen, muốn gần gũi, kết thân, nếu con làm điều gì xấu xa thì chắc chắn sẽ bị mọi người nguyền rủa, khinh miệt, xa lánh. Còn việc “trả ơn, trả oán”, con đừng bao giờ nghĩ tới vì nó có thể sẽ bôi đen lương tâm con, có thể sẽ làm hỏng cả đời con. Chỉ có lòng tốt mới cảm hóa được con người con ạ!"

(Viết cho Đào Nguyên Thụy Bình, cháu yêu của nội)

Con cắc ké xuống sức thấy rõ. Nó nằm bất động, thở thoi thóp. Cái miệng đỏ lòm như máu há ra hết cỡ để cho không khí đủ sức ra vào phổi. Thằng Bo thương nó hết biết. Để cứu, Bo lẹ làng nhỏ vào miệng nó vài giọt nước lạnh. Nó dần dần tỉnh lại, mắt chớp chớp…
Con mèo Mun ôn binh nầy hằng ngày thường gây nên tội ác. Nó, không biết bắt con cắc ké từ đâu, mang về giữa sân, “dợt” cho con cắc ké một chập nhừ tử như con không đẻ, chẳng chút động lòng. Nó lấy chân khều qua khều lại nhiều lần, thi thoảng còn khẽ cắn mấy phát vào lưng, vào cẳng. Thật tội nghiệp! Con cắc ké vừa mệt vừa đau. Cái trò vờn như đùa giỡn liên tục nầy, Mun ta tỏ ra rất thích thú, phấn khích, nên biểu diễn một màn nhào lộn cực kỳ đẹp mắt. Nó thoắt một cái phóng lên cao rồi đột ngột uốn cong lưng, nhanh nhẹn, nhẹ nhàng buông mình rơi xuống gọn hơ, không chạm vào con mồi, tài tình không thua gì một nghệ sĩ xiếc tài ba điều khiển thân mình tránh né không cho rơi trúng mặt bàn với những mũi chông bằng sắt nhọn hoắt, cao chơm chởm. Rồi nó nằm im, nhìn lom lom con cắc ké, lấy mũi ngửi ngửi, như đã đánh hơi được cái mùi tanh tanh hấp dẫn của con mồi tiết ra từ mấy chỗ bị trầy xước. Được dịp thuận lợi, có một không hai nầy, con cắc ké dồn toàn lực phản công trả thù. Nó “táp” Mèo ta một phát để đời nhưng Mèo ta né kịp. Bị phản đòn bất ngờ, Mèo ta liền nổi đóa, đổ quạu, nhìn con cắc ké bằng ánh mắt rực lửa. Lập tức nó lại khều, nhưng quyết liệt hơn, mạnh bạo hơn cho đã nư giận. Và cái đòn nguy hiểm được tung ra: Con cắc ké bị quẳng lên cao… rồi rơi đánh bịch xuống nền gạch. Trời ơi! Trời! Chắc chết! Vậy mà Mèo ta vẫn nhẫn tâm chưa chịu buông tha, còn cắn cái đuôi con cắc ké lôi đi. Rất may, thằng Bo từ trong nhà đi ra đúng lúc. Sẵn cái lon bia không trong tay, cho bay “dzéo” lên lưng con mèo mắc dịch.
Mèo ta hoảng hồn chạy đứng núp sau gốc mai già, lõ mắt nhìn Bo.
-Tui giỡn chơi chớ bộ, sao anh Bo “phang” tui một cái quá mạnh như thế. Cái lưng tui đau lắm, hình như muốn gãy xương sống rồi sao á. Tui thử vặn mình mấy cái, sao nghe rôm rốp, chắc là gãy thật rồi chứ không phải hình như gì hết đâu.
Mèo ta cố lận nét mặt nhăn nhó, tỏ ra đau đớn dữ lắm, giả đò to tiếng hù dọa:
-Tối nay anh Bo sẽ chứng kiến hằng hà sa số… chuột, đủ thứ chuột ông, chuột bà, chuột cha mẹ, chuột anh em… từ nhiều nhà hàng xóm, từ cánh rừng lá bên sông, từ nhiều hang hốc ngoài bờ ruộng lũ lượt kéo vào nhà anh đông như quân Nguyên cho anh coi. Chúng nó sẽ ăn hết bồ lúa nhà mình chỉ còn những trấu. Quần áo sắm Tết  xếp gọn trong ngăn, chúng sẽ lôi ra cắn tanh bành túa bụa không còn một cái lành lặn. Rồi ơ cá mòi kho hầm treo trên gióng, rồi xoong cơm… và ớn ơi là ớn, phá phách xong, chúng sẽ ị trong nhà anh, trên giường anh ngủ, hôi rình đấy nha! Chừng đó anh Bo sẽ thấy sự tối cần thiết của tui thì đã muộn!
-Im ngay! Cái đồ bẻm mép! Mi đừng nói dóc, cái lon nhẹ hều!
Bất ngờ chú chó Cò tha con chim sẻ đã chết, chỉ còn mớ lông dính trên hai cánh, máu khô queo từ bao giờ, bỏ gần chỗ Bo ngồi. Thấy chim, Bo giận Mèo ta cành hông, quát:
-Cái tội nói dóc là một! Cái tội tàn bạo là hai! Ai đã giết con chim sẻ nầy?
Mèo ta vội cười ruồi, trả lời tỉnh bơ:
-Anh Cò!
Cò cãi:
- Tui hổng có à nghen! Đừng có đổ thừa tầm bậy! Dóc tổ…
-Thì anh Bo thấy đó. Anh Cò ngậm con chim rõ ràng mà!
-Con chim đậu cao trên cành cây hoặc trên kèo nhà, chỉ có mi mới bắt được chứ không phải anh Cò, anh Diệc gì ráo.
Thình lình chú chó Vện từ nhà cô giáo Thu Hồng chạy băng qua đổ thêm dầu vào lửa:
-Chiều hôm qua, cũng chính nó vật con rắn mối chết ngắt, rồi bỏ, tui phải đem chôn đó. Ác gì mà ác dữ vậy, ta!
Mèo ta hết đường cãi chày cãi cối. Thôi thì dĩ đào vi thượng là chắc ăn như trói. Mèo ta vụt phóng nhanh, chạy trốn đâu mất tiêu.
Con cắc ké đã tỉnh hẳn. Bo cầm lấy đưa lên chạc ba cây xoài tơ trong vườn nhà đang mùa rộ trái, trả về “quê hương” đầy hoa lá cành, nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã từng sống hạnh phúc bên nhau với vô vàn kỷ niệm. Nó từ từ bò lên, bò lên tí nữa. Đột nhiên nó ngừng lại và xoay ngoặt 180 độ, cất cao đầu nhìn Bo, chân trước đưa lên vẫy vẫy, cái đuôi ngúc ngoắc, biểu lộ tràn ngập tình cảm lúc chia tay.
-Vô cùng cảm ơn anh Bo cứu mạng! Vô cùng cảm ơn anh Bo cứu mạng! Sẽ đền ơn. Hẹn ngày tái ngộ!
***
Cái bồn đặt ngoài sân, dưới vòi nước kế bên gốc mận nổi tiếng ngon ngọt An Phước luôn luôn đầy ắp. Những sáng sớm hoặc khi mặt trời gần lặn, ông nội Bo lấy nước tưới hoa kiểng, tưới luôn hàng sâm rừng bò dày đặc, lá xanh mơn mởn trên hàng rào quanh nhà bằng lưới B40.
Cách đây hơn một năm ông giật mình khi thấy một con cắc ké, không biết từ lúc nào, đang nằm thẳng cẳng dưới đáy bồn. Ông vội vã vớt lên xem. Tội nghiệp! Nó đã ngừng thở! Cái bụng đầy nước, phình to, nhưng với lòng nhân từ sẵn có, biết đâu may ra cứu được, ông nhanh chóng dốc đầu nó xuống, bóp nhẹ vào bụng, nước thoát ra, cái bụng lép xẹp. Ông bắt đầu làm hô hấp nhân tạo bằng cách miệng kề miệng, nhè nhẹ thổi vào, hút ra nhiều lần, con cắc ké vẫn không tỏ ra có một biểu hiện gì của sự sống. Ông vẫn kiên trì tiếp tục thực hiện. Một phút… hai phút trôi qua. Cái kết quả đem đến làm ông khoái chí bật cười hả hả: Con cắc ké đã thở, tuy rất khẽ và rất chậm nhưng chắc chắn đang báo hiệu một sự hồi sinh.
Thi thoảng, sau nầy, ông gặp con cắc ké “ngày xưa” nhiều lần: khi thì xế trưa, mùa hạ, qua ba ngày nắng nóng, nó hả hê bò trên hàng rào sâm rừng, cho những giọt mưa rào mát rượi thắm dần vào da thịt, khi thì đứng bóng, mùa thu, nó núp trong chòm lá, lim dim đưa mắt tìm ý thơ dưới khung trời xanh ngắt, cũng có lúc, buổi sáng mùa đông, nó nằm im lìm trên cành xoài, vô tư sưởi nắng. Đặc biệt mùa Xuân, ngày đầu năm, không biết nó đẻ từ bao giờ, một mẹ, một con, trên cành mai trước sân, hoa vàng nở rực, thoang thoảng hương thơm, chúng chăm chú nhìn vào nhà ông Chúc Mừng Năm Mới. Và khi gặp ông, khăn đóng áo dài trang nghiêm bước ra, cả hai mẹ con đồng loạt cúi đầu Mừng Tuổi. Ôi! Cứu vật, vật trả ơn, cái lẽ hợp với đạo lý ấy từ ngàn xưa, phải chăng đã ăn sâu vào xương tủy, tim óc loài vật mà thời gian không thể phôi pha?!
***
Từ ngày giải thoát cho con cắc ké khỏi nanh vuốt của mèo Mun, Bo cảm thấy như gần gũi, thân thiện hơn với tất cả. Từ con dế đá, con cào cào đến con gà, con cún… mà  trong ánh mắt chúng, hiện ra cả một khoảng trời trong veo, tươi mát, tuyệt nhiên không có một tia gì ẩn chứa chút oán hờn, thù hận, đã gieo vào tâm hồn thơ ngây của Bo một sự yên bình vĩnh cửu.
Cũng từ ấy, con cắc ké nầy thường dõi theo từng sinh hoạt thường nhật của Bo. Như Bo quét lá xòai rụng rải rác trên sân, mặt sân sạch bóng, như giữa trưa nắng gắt, Bo ngồi dưới gốc mận, lủng lẳng trên cành những chùm mận đỏ tươi, mọng nước, chăm chỉ học bài đạo đức, đôi khi Bo mỉm cười, nụ cười không căn nguyên, hoặc cùng nội ngồi trước hiên nhà, ông cháu nhỏ to tâm sự…, nhất nhất nó không bỏ sót bất cứ một hành động, một lời nói nào. Biết đâu bất ngờ có sự cố xảy ra, như một cành khô sắp rơi, như một con rắn chạy tới chẳng hạn, nó sẽ nhanh chóng báo động cho Bo tránh né.
Một hôm Bo buộc miệng hỏi nội:
-Nội ơi Nội! Tại sao người ta nói: “Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán”, kỳ quá vậy nội?
Ông ngồi trầm ngâm như một nhà hiền triết đang chìm sâu vào nghiên cứu những điều “huyền bí” của con người. Ông không trả lời thẳng câu hỏi của cháu nội mình mà chỉ ôn tồn khuyên Bo: “Trong cuộc sống, bất cứ hoàn cảnh nào, giờ giấc nào, nếu có điều kiện giúp người, cứu người con không được phép khước từ, phải đem hêt sức bình sinh ra hành động. Con nên nhớ rằng, thực tế con làm được điều gì tốt lành thì ai ai cũng quí mến, ngợi khen, muốn gần gũi, kết thân, nếu con làm điều gì xấu xa thì chắc chắn sẽ bị mọi người nguyền rủa, khinh miệt, xa lánh. Còn việc “trả ơn, trả oán”, con đừng bao giờ nghĩ tới vì nó có thể sẽ bôi đen lương tâm con, có thể sẽ làm hỏng cả đời con. “Chỉ có lòng tốt mới cảm hóa được con người con ạ!”. Ông nhấn mạnh từng chữ như thế.
Bo thấm dần từng lời giáo huấn của nội. Mắt Bo sáng long lanh, ngời ngời một niềm tin mãnh liệt: “Chỉ có lòng tốt mới cảm hóa được con người”!
…Bo mơ hồ nghe như có tiếng con cắc ké từ cành xoài trong vườn vọng lại:
-Anh Bo ơi! Anh Bo! Bạn anh rủ anh đi chơi chọi lon kìa!
Bo mừng ra mặt, chạy vụt đi. Bo vừa nhảy cà tưng, cà tưng vừa hát nghêu ngao:
-Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông… Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké…là…m.. e…ẹ…!
Bóng Bo xa dần, tiếng Bo nhỏ dần...