Con chó Cò
Xóm Thụy Bình gần 2/3 nhà là có nuôi chó. Nhưng đặc biệt nhà nào cũng như nhà nào, không ai buộc chó lại mà cứ thoải mái thả rong cho chạy nhong nhong ngoài đường. Nếu phát hiện xe bắt chó từ trên tỉnh xuống thì chủ nhà giữ nó lại cho qua truông rồi cũng thả ra. Còn con nào chẳng may bị tóm vô “hộp” thì kể như tàn đời, chủ nó bỏ luôn.
Thụy Bình có con chó đực trắng còn nhỏ, trắng tuốt không chỗ nào có đớm gì, mũi đỏ, tai sững, bốn chân có móng đeo. Chó trắng kêu là chó cò nên Thụy Bình đặt tên là Cò luôn. Con chó nầy đầu tiên không biết của ai, một ngày đẹp trời, nó mang “càng tôm” chạy xộc vô nhà Thụy Bình ở. Cả nhà đều mừng. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” mà. Nhưng dư luận cho rằng còn nhỏ tuổi mà nuôi chó trắng không nên. Thụy Bình cả tin. Bắt nó quăng ra hẻm trước nhà, đóng cổng lại. Tội nghiệp con Cò. Nó không chịu đi, chạy dọc theo hàng rào bằng lưới B40, vừa la “cử cử” như rên vừa tìm cách chui vào. Đúng lúc ấy cha Thụy Bình về tới, bồng lên xem:
-A! Độc Long!
Ông vạch mồm ra:
-A! Lưỡi có bớt đen!
Ông để xuống cho Cò đi tự nhiên:
-A! Đuôi cong về phía trái!
Ông cười hả hả, kết luận:
-Một con chó quý hiếm!
Con Cò được tắm rửa hằng ngày, được cho ăn uống đầy đủ, được xích cẩn thận. Nó lớn nhanh như thổi. Càng lớn càng đẹp ra, lông mướt mượt, đôi mắt to tròn, sáng long lanh, trông rất thông minh. Chỉ một mình ông, tự tay ông chăm sóc và huấn luyện, không ai được rớ vào. Đầu tiên ông tập cho Cò đứng hai chân. Ông lấy sợi dây mềm choàng qua hai chân trước, kéo lên cho gần thẳng đứng, cột vào cổng. Cò chỉ còn hai chân sau để đi. Cò đi tới, đi lui, xoay qua, xoay lại, rất khổ sở. Khi mỏi quá, Cò lấy hai chân trước vịn vào thành cổng. Chú Tư Mai, người bạn vong niên của ông đến chơi, thấy Cò thở hồng hộc, le lưỡi, nước dãi chảy lòng thòng đến tội nghiệp, vội la lên:
-Trời! Trời! Sao anh ác quá vậy, anh Sáu?
-Ác gì, mậy? Phải huấn luyện “sắt đá” như thế, nó mới nên.
Chỉ trong vòng hai tháng khổ luyện, Cò đã đứng được hai chân, có lúc bước được vài bước. Cò còn chắp hai chân trước lạy lia lịa khi được cho ăn, mới hách. Cả nhà thấy vậy đều vui. Cưng Cò hết biết.
Tiếp theo ông dạy cho Cò vượt rào. Ông chắn tấm bửng, cao 5 tấc, bên kia ,ông huýt sáo, Cò nhảy qua gọn hơ. Tấm bửng được nâng lên 7 tấc, 9 tấc rồi thước mốt, Cò coi như đồ bỏ. Vượt rào thấp thấp cỡ thước ba Cò phóng qua tuốt luốt.
Kỳ nầy ông tập Cò bơi trên sông, nằm trong ý đồ độc nhất vô nhị của ông. Ông lấy cục đất chọi “bủm” dưới nước, Cò phóng xuống, bơi ra, táp táp nước mấy phát, không thấy có gì, Cò bơi vô. Cò vung mình nước văng tùm lum người ông, ông vẫn vui như thường. Ông liền lấy trái dừa điếc ném giữa dòng, kêu Cò, Cò không chút chần chừ, phóng nhanh hơn lúc nãy, đến nơi, Cò ngoạm trái dừa, nhưng gặp nước, trái dừa vừa tròn, vừa trơn, Cò đành dùng mỏ từ từ lùa vô mé. Nhiều người đứng xem thấy Cò hay quá, khôn quá vổ tay bôm bốp tán thưởng. Hình như Cò hiểu được lời khen, chạy loằng ngoằng một chập như ăn mừng thành tích… và dông tuốt về nhà. Liên tiếp những ngày sau Cò đều đặn tập luyện, càng ngày, càng thuần thục hơn.
Cha Thụy Bình không ngờ nhờ nghiên cứu sách vở về xem tướng chó và Ông Trời cũng khiến xui cho ông gặp được con chó quý như vầy.
Tướng chó có bốn loại: Một là Độc Long, loại siêu chó, chỉ có một sợi râu chính giữa cằm, hai là Nhị Hổ, có hai râu, ba là Tam Cẩu, có ba râu mọc thành hình tam giác và tệ nhất: Tứ Cùng, bốn râu. Tất nhiên cũng có những tướng phụ không kém phần quan trọng như lõ đầu thì bán, lõ trán thì nuôi, lõ đuôi thì miễn…
Có những trưa, trời nắng gắt, ngồi một mình dưới hiên nhà với Cò. Cò gác mõm lên đùi ông. Cò đưa mắt nhìn ông, ông nhìn Cò. Bốn ánh mắt giao nhau, chứa chan tình cảm. Mặc dù không nói thành lời nhưng có lẽ, trong cuộc đời nầy, cả hai đều nhận thấy rằng khó có thể vắng nhau lâu được. Ông vuốt vuốt bộ lông trắng nõn, nuột nà của Cò, vỗ nhè nhẹ đầu Cò, ngụ ý “cưng mi muốn chết à nghen” . Cò lim dim đôi mắt như tận hưởng đầy đủ sự vuốt ve, mơn trớn, nâng niu của chủ. Cò vụt ngóc đầu lên thè lưỡi liếm lia lịa cằm ông, ngầm đáp lại “thâm tình” ấy rằng: “ Tui biết ông cưng tui muốn chết chớ bộ!”.
Ông nghĩ miên man về loài vật nầy, dù bị hành hạ, đánh đập thân tàn ma dại, thập tử nhất sanh, vẫn một mực trung thành, không bao giờ phản phúc. Ông nghĩ tới câu nói đúng y chang của nhà báo Tư Cua, phụ trách mục Tiếu Lâm Đau Đầu của nhật báo Bút Thép cách hơn bốn mươi năm về trước mà không khỏi chạnh lòng. Trong lúc bi quan, nhà báo so sánh cái tình giữa người và chó: “Nếu anh đem con chó ốm đói về nuôi cho nó mập mạnh thì nó chẳng bao giờ cắn anh hết. Và đó là điểm khác biệt quan trọng giữa con chó và con người!”. Ông lại nghĩ đến người anh em bạn cột chèo, nhà đâu có thiếu thốn gì, thức ăn đầy đàng, đầy đống, đã nhẫn tâm bắt chính con chó mình nuôi, đang có chửa gần đẻ, thồn vô bao bố, trấn nước, làm thịt. May mà vợ đi chợ về phát hiện la làng ỏm tỏi, con chó mới thoát chết trong gang tấc. Đâu phải trong xã hội nầy chuyện tàn ác với chó chỉ đến mức như vậy thôi đâu. Còn ghê gớm hơn nhiều, thi thoảng xảy ra nơi nầy, nơi khác. Mới vài năm gần đây, chủ một đầm nuôi tôm ở Đê Đông, Bình Đại, đã nhẫn tâm dùng đoạn gỗ to, phang một đòn trí mạng vào chính con chó đã bao nhiêu năm cùng giữ đầm với mình, làm thịt ăn. Trời ơi! Sao anh ta không nghĩ mỗi đêm cùng chó mấy lần đi tuần đầm, chu vi trên 10 cây số. Muỗi mòng, mưa giông, có những đêm lạnh cắt da, chủ đầm có áo mưa, ủng cao, ấm áp, còn chó thì mình trần trùng trục, luôn lảnh ấn tiên phong. Có lẽ Trời còn thương chó hay muốn thử lòng dạ độc ác của hắn đến đâu chăng, nên con chó chỉ bị gảy một chân sau. Nó phóng chạy trối chết vô rừng đước với 3 chân lành lặn và một chân gãy lìa lê lết chỉ còn dính da! Ngưới ta nói “Chó liền da, gà liền xương” không biết đúng sai nhưng hơn 20 ngày sau cái chân gãy muốn liền lại. Nó trở về chòi tìm chủ. Nó đi không vững vàng lắm, chầm chậm từng bước một, cái chân sau vẫn còn cà nhắc, đầu nó mọp mọp, đuôi cụp, ngúc ngoắc, tiến dần về phía chủ đang nhậu với bạn bè.
-“ Tui đâu có tội gì với ông, sao ông định giết tui. Mấy mươi ngày ở rừng, tui ăn còng, ăn ốc để sống. Chân tui chưa lành hẳn, nhưng tui nhớ ông quá, tui về sống với ông, ông đừng giết tui, tui lạy…”
-Bốp!
Nó chỉ la được tiếng “hoẳng” thật to. Bốn chân giãy giãy. Nằm im! Đầu nó bể ra. Máu bắn có vòi. Lòi óc trắng hếu! Cái thằng vô lương tâm ấy nào có nghe được tiếng than động trời của mầy đâu chó ơi!
***
Nhằm ngày triều cường, mặt nước sông Bà Nhựt dâng cao, cha Thụy Bình thực hiện “ý đồ” mà ông hằng bao nhiêu năm ôm ấp, mơ ước. Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Tuy nhiên, ông vẫn kiểm tra lại lần cuối cùng cho chắc ăn. Ông sợ phải bị thất bại. Mỗi một sự thất bại nào từ trước cũng đều in dấu trên mái tóc hoa râm của ông.
Mặt nước đã bình lại, dòng chảy đã đứng im. Thời khắc lý tưởng nhất đã đến. Cò đứng sát mé nước, Thụy Bình lôi con mèo tam thể trong bị đệm ra đặt cẩn thận trên lưng Cò. Bên kia sông, ông huýt sáo làm lệnh, Cò đi lần xuống, lần xuống chút nữa, mặt nước xao động, con mèo sợ nước, phóng nhanh lên bờ, chạy mất tiêu. Cái đáng sợ nhất trong việc nầy, ông đã thử nghiệm ở nhà đã thành công. Thường mèo và chó có hạp nhau bao giờ, nhưng mèo nhà mà, ông đã năm lần bảy lượt đặt mèo lên lưng Cò, mèo ta vẫn tỉnh bơ. Nghĩ ra ông mới thấy mình còn sơ hở: mèo sợ nước nhưng nào ông có chú ý tới đâu. Ông đang “khổ” vì sự thất bại nầy. Hình như tóc ông đang có thêm vài sợi bạc nữa rồi! Thụy Bình thấy cha khổ quá, thương cha quá chừng, trông đầu bỗng hiện ra một sáng kiến. Nó chạy vụt về, trong giây lát chạy trở ra, đứng ở vị trí cũ, gần Cò. Trên tay vẫn là cái bị đệm nhưng có cái gì đang ngọ ngoạy bên trong. Ông lấy làm lạ nhưng đang trong tư thế khẩn trương, sẵn sàng hành động theo đề nghị của con mình nên không hỏi gì. Thụy Bình lẹ làng lấy từ trong bị đệm ra… một con mèo tam thể khác nhưng là… con mèo con. Bà con đang theo dõi “trận đấu” ồ lên, cười ngất. Bằng những động tác cũ của Thụy Bình, con mèo con được ngự vững vàng, “chễm chệ” trên lưng Cò. Cò từ từ bơi tới: mặt nước rẻ ra, hình quạt. Bên kia bờ sông, ông “nín thở” liên tục bấm máy, bấm máy trong rất nhiều tư thế khác nhau.
Mai nầy ông sẽ rửa ra, chọn tấm ảnh đẹp nhất, ăn ý nhất, gởi dự thi ảnh Quốc tế với tựa đề: “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”!
Trên đường về nhà, cha con Thụy Bình và Cò vui vẻ chưa từng thấy vì đã thực hiện được một ước mơ đầy ý nghĩa nầy, ngoại trừ…con mèo con.
Tin cùng chuyên mục
Lưu Điếc
25/11/2015
‘‘Xin lỗi nhé’’
10/11/2015
Canh bạc
03/11/2015
Đâu rồi những đàn chim bay qua mùa thu
24/10/2015
Đôi điều cảm nhận về hồn thơ Đoàn Thị Tảo
21/10/2015
Gánh hàng rong của mẹ
11/10/2015