Gánh hàng rong của mẹ

Khi ánh điện sáng rực rỡ trên các tuyến phố thì cũng là lúc mẹ tôi bắt đầu công việc của mình. Ngày nào cũng vậy trên đôi vai gầy mẹ phải luôn gánh hàng đó là món bắp nấu và đậu hũ nóng đi bán trong khắp phố phường.

Khi đất nước ngày càng phát triển đi lên thì hoạt động của những người bán hàng rong như mẹ tôi ngày càng hạn chế để đảm bảo văn minh đô thị. Thế nhưng đối với mẹ tôi gánh hàng rong lại là cả một cuộc đời – một cuộc đời lam lũ để chăm sóc và dành tình thương vô hạn dành cho những đứa con của mình. Nhiều đêm, tôi nhìn thấy mẹ lọ mọ thức dậy nổi lửa nấu bắp mà tôi không khỏi ngậm ngùi. Một đứa trẻ non nớt trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ không thể làm gì ngoài việc ngồi nhìn mẹ làm việc và trò chuyện cùng mẹ. Có lẽ, đối với mẹ như thế là quá đủ để giúp mẹ nở một nụ cười có thể vơi bớt những nhọc nhằn đã hằn sâu trên gò má. Những lúc mẹ gánh hàng về, lúc nào năm anh em chúng tôi cũng vội vàng chạy ra vây quanh mẹ với mục đích chính là đòi quà. Mẹ luôn chuẩn bị sẵn sàng cho chúng tôi đủ loại bánh trái mà trẻ con rất thích, những lúc như vậy khuôn mặt mẹ luôn rạng rỡ mặc dù những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên vầng trán. Những suy nghĩ non nớt của những đứa trẻ làm chúng tôi không biết được rằng mẹ đã phải nhịn ăn để mua quà cho chúng tôi…

 

Thưở ấy anh em chúng tôi sợ nhất là những ngày mẹ ế hàng, khi đó chúng tôi phải chén hết nửa xô đậu hủ ế của mẹ. Trong không khí ấm áp của căn nhà lụp xụp trong lòng phố thị, tất cả mẹ con ngồi ăn trong tư thế bị “ép buộc”. Chúng tôi vừa nhăn nhó vừa bưng chén đậu hũ mà không khỏi nghẹn lòng. Ngày đầu khi ăn đậu hũ trừ cơm như thế này quả thật là rất ngon thế nhưng khi mà số lần mà mẹ ế hàng ngày càng nhiều thì tôi tỏ ra rất ngán. Khi ấy mẹ chỉ cười và bảo: “Các con ráng ăn hết đi, đậu hũ này rất ngon và có đầy đủ chất dinh dưỡng đấy, không bỏ bề ngang cũng bổ bề dọc các con à.” Mặc dù than thở như vậy nhưng chúng tôi cũng ăn hết một phần vì đói một phần cũng vì thương mẹ.

Đôi chân đã chai sần của mẹ hàng ngày vẫn phải vất vả rong rủi trên từng đoạn đường góc phố để nuôi chúng tôi ăn học, thấy mẹ ngày một xanh xao mà tôi không khỏi xót xa. Khi những ánh điện rực rỡ ngoài kia được thắp sáng cũng là lúc tôi rất sợ: sợ mẹ tôi lại bị ế hàng, sợ phải ăn hết cả gánh đậu hũ của mẹ, sợ mẹ phải dầm ướt với những cơn mưa xối xả ngoài kia, sợ mẹ sẽ không còn đủ sức để bám trụ với những gánh hàng nhọc nhằn mỗi tối và điều tôi sợ nhất là mẹ sẽ rời xa năm anh em tôi mãi mãi… Chỉ cần nghĩ đến vậy thôi là tôi không thể cầm lòng, nước mắt đã rơi lã chã tự lúc nào. Giờ đây tôi sắp trở thành chàng tân sinh viên đại học và chắc chắn gánh hàng rong sẽ còn nặng trĩu trên đôi vai gầy của mẹ. Tôi chỉ mong muốn bốn năm khó khăn này sẽ trôi qua thật nhanh để tôi có thể giúp đỡ mẹ, để gánh hàng rong của mẹ sẽ bớt nhọc nhằn vào những ngày đông giá rét.

 

 

 

 

TIẾNG VỌNG NGÕ ĐÁ “XỨ TIÊN”

 

Tuổi thơ tôi được gắn bó với một vùng quê yên bình của vùng đất xứ Quảng. Làng cổ Lộc Yên thuộc huyện Tiên Phước nơi tôi sinh ra và lớn lên được đặc trưng bởi một hình ảnh vô cùng bình dị: ngõ đá.

 

Bước chân vào cổng trường đại học đã hai năm nhưng tôi không nguôi nhớ về ngõ đá đã gắn bó với tôi trong suốt quãng đời ấu thơ. Trong tâm khảm của tôi luôn chất chứa những hình ảnh quen thuộc mà có lẽ sẽ đi theo tôi trong suốt cuộc đời. Xin mời bạn hãy một lần đặt chân đến vùng đất quê tôi để ngắm nhìn vẻ đẹp kì diệu của ngõ đá tưởng chừng như vô tri vô giác. Ngõ đá quê tôi đặc biệt bởi sự tài hoa của cha ông đã sắp xếp những phiến đá thật hài hòa với những hình thù lạ mắt. Chắc chắn, bạn sẽ ngỡ ngàng nếu một lần nhìn thấy con đường làng với những viên đá thẳng tắp, những bậc đá cao được chất cao vút. Tôi đã nhiều lần rảo bước trên con đường làng lắng nghe bản nhạc của làng quê với những lặng tre xanh rì rào, những chú ve sầu ngân nga da diết xen lẫn với lời ru của mẹ trong buổi trưa hè. Thật nhẹ nhàng và sâu lắng! Duy chỉ ngõ đá vẫn trơ ra đó với vòng quay của cuộc sống…

 

Những ngôi nhà cổ có tuổi đời lên tới 200 năm thấp thoáng dưới làng sương mờ của triền đồi vùng trung du. Tôi còn nhớ lúc chập chững những bước đi đầu tiên dưới ngõ đá. Những lần vấp ngã đầu đời đã được in vết dưới ngõ đá. Ngõ đá đã theo tôi suốt quãng đời tuổi thơ với những trò chơi dân gian với đám bạn: ô ăn quan, chơi kít, chơi nẻ, rồng rắn lên mây... Ngõ đá rêu phong vẫn lặng lẽ lắng nghe nhịp sống lam lũ của những người dân quê chất phác chân lấm tay bùn. Những buổi trưa hè, tôi rất thích cảm giác được tựa lưng vào những phiến đế rồi ngủ thiếp đi dưới lời ru của ngõ đá quê hương. Lời thì thầm của ngõ đá khiến người dân quê tôi quyết tâm giữ gìn làng cổ cuối cùng của vùng đất “xứ Tiên”. Dường như hình ảnh ngõ đá đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân quê khiến họ một tất không đi, một ly không rời. Làng cổ nơi tôi sinh ra và lớn lên đã nuôi dưỡng tâm hồn của tôi, đã che chở muôn đời cho những kiếp người nhỏ bé luôn gắn bó với ruộngđồng và làng cổ của quê hương.

 

Tiếng vọng ngõ đá như đưa tôi trở về với những kí ức tươi đẹp và những khát vọng mà tôi mãi đi tìm. Trái tim tôi không thể “hóa đá” bởi tôi luôn có một tình yêu bất diệt với ngõ đá thân thương. Đôi khi ta muốn đi tìm một điều lớn lao trong cuộc sống mà không hề biết rằng tình yêu trong trái tim luôn bắt nguồn từ những điều bình dị nhất: ngõ đá quê hương.