Ấn tượng một miền quê

Nói đến Đọi Sơn (thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), ai cũng biết đó là một miền quê huyền thoại có làng nghề làm trống nổi tiếng cả nước. Giữa một vùng đồng bằng mênh mông, thiên nhiên ban tặng nơi đây ba quả núi cao gần hai trăm mét (so với mặt nước biển) như con rồng đá khổng lồ uốn lượn soi mình bên dòng sông Châu Giang thơ mộng. Ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ đời nhà Lý tọa lạc trên đỉnh núi, ẩn hiện trong sương mờ vào mùa lễ hội. Đặc biệt, Đọi Sơn vinh dự được đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia về thăm và dự lễ hội tịch điền, tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành đi cày từ hơn một ngàn năm trước.


Lễ Hội Tịch Điền (Đọi Sơn, Hà Nam) vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm.

 

Bút ký của Trần Phúc Dương
Mùa hạ niên hiệu Hội tường Đại khánh thứ 9 (năm 1118), Vua Lý Nhân Tông qua dòng Hà Lô, đến bến Long Lĩnh Đọi sơn thấy nơi đây tú khí địa linh huyền ảo,  bồng lai tiên cảnh và linh ứng níu giữ, Vua bèn truyền lệnh cho xây chùa và Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh trên đỉnh núi Đọi. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa bốn mùa lộng gió, vách tháp chạm rồng, xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, trên nóc có tượng tiên nữ bưng mâm hứng móc ngọc (những hạt sương quý). Tầng dưới cùng, chính giữa đặt pho tượng Đa Bảo Như Lai, bốn cửa có tám vị Kim cương đứng hộ vệ. Năm Thiên phù Duệ vũ thứ hai (năm 1121), nhà Vua cho mở hội khánh thành và đặt tên núi là Long Đọi Sơn (núi hàng rồng) nên chùa Đọi còn có tên là chùa Long, trở thành đại danh lam kiêm Hành cung, một trung tâm Phật giáo quan trọng thời Lý với ý nghĩa trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long.
Đến đầu thế kỷ XV (năm 1407), ngôi chùa và tòa tháp bị giặc Minh phá hủy. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu, đến nay chùa Long vẫn sừng sững trên đỉnh núi Đọi nguy nga, hùng vĩ, làm rung động lòng người, thu hút  dân quanh vùng cùng du khách thập phương về chiêm bái. Đây cũng là một trong số ít những ngôi chùa ở nước ta còn lưu giữ được nhiều di vật quý của một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, gắn liền với dấu mốc lịch sử của việc định đô Thăng Long cách đây hơn một ngàn năm.
Lễ hội xuân Ất Mùi vừa qua (từ 17 đến 21 tháng ba âm lịch), tôi cùng một số anh em trong Hội Nhà văn Hà Nội về thăm chùa Long Đọi Sơn. Đường lên chùa được lát đá xanh rộng rãi, công phu với 308 bậc. Từ trên đỉnh núi, ngắm nhìn dòng sông Châu Giang như dải lụa đào uốn lượn giữa những bãi mía nương ngô, những thảm lúa mượt mà mới thấy hết vẻ đẹp thơ mộng và sức sống của người dân nơi đây. Phóng hết tầm mắt, ta lại được chiêm ngưỡng toàn cảnh đất trời của một vùng đồng bằng sông Hồng như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ tuyệt tác. Đó chính là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Đọi sơn để phát triển du lịch và dịch vụ. Trước khi thăm tòa Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Hậu, nhà thập bát La Hán, khu tháp mộ…, chúng tôi được chiêm ngưỡng những di vật quý vẫn còn lưu giữ từ thời nhà Lý như: Tấm bia bằng đá xanh cao 2,5 m, rộng 1,65m, dày 0,3 m. Trên trán bia tạc hai con rồng đặc trưng thời Lý chầu vào giữa tên bia “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” cùng nhiều hoa văn khác. Bệ bia là khối đá chạm bốn con rồng uốn khúc. Một quần thể gồm 6 pho tượng Kim cương được tạc bằng sa thạch nguyên khối. Với dáng võ quan khỏe mạnh, các pho Kim cương ở đây cho thấy một tinh thần Lý vô cùng rạng rỡ. Ngoài ra chùa còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm mỹ thuật của các giai đoạn sau như: tượng đầu người mình chim (Kinari); tượng Quan Âm Thị Kính thế kỷ XVIII; tượng phật Di Lặc bằng đồng được làm từ thời Tự Đức cùng nhiều pho tượng mới làm được sắp đặt quy mô.
Năm 1992, chùa Đọi (tức chùa Long) vinh dự được Nhà nước xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia”.
Theo thuyết phong thủy, nơi đây thế đất phát vương bởi quanh núi có 9 giếng là 9 mắt rồng. Mảnh đất ắp đầy vượng khí mà từ xưa Trấn Sơn Nam truyền tụng: “Đầu gối núi Đọi/ Chân dọi Tuần Vường/ Phát tích Đế Vương/ Lưu truyền vạn đại”. Vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên phúc thứ 7 (năm 987), Vua Lê Đại Hành vốn coi trọng nông nghiệp bởi “Canh nông vi bản”. Ngài đã về đây (có thuyết cho rằng là vùng đất quê ông) cúng lễ rồi đích thân cày tịch điền, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mở đầu phong tục đẹp để các vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Khơi dậy truyền thống lịch sử văn hóa ấy, từ năm 2008, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội vào ngày mồng bảy tháng giêng hàng năm nhằm khôi phục, tái hiện trọng thể Lễ Tịch điền với nghi thức cổ truyền. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tiếp đến là năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và đều trực tiếp xuống đồng cày tịch điền. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhiều lần về thăm và nói chuyện với nhân dân tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Mảnh đất là thế. Người dân Đọi Sơn luôn nâng niu, trân trọng, gìn giữ những tinh hoa của mảnh đất này với tư cách là người làm chủ, luôn đồng lòng cùng dân tộc trong các cuộc chiến tranh giữ nước và cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Đọi Sơn đã dốc sức người, sức của cho tiền tuyến với phương châm: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ “mà  lòng phơi phới dạy tương lai”. Biết bao người con của Đọi sơn đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những năm chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc, Quân y viện 203 về đóng quân trên địa bàn xã, nhân dân Đọi Sơn đã nhường đất, nhường nhà, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh viện cứu chữa thương bệnh binh. Nhiều gia đình đã nhận đỡ đầu, chăm sóc cho thương binh, tự nguyện hiến máu góp phần đem lại sự sống cho nhiều thương binh nặng. Những đóng góp to lớn đó của nhân dân xã Đọi Sơn đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 2005.
Chiến tranh qua đi, nhân dân Đọi Sơn lại đồng hành cùng cả nước bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Thực hiện Nghị quyết 26/TƯ ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đọi Sơn là một trong năm xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của tỉnh Hà Nam.  Với những kết quả đã đạt được, năm 2014, Đọi Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và tỉnh Hà Nam công nhận là xã nông thôn mới.
Về với Đọi Sơn hôm nay, đi trên các tuyến đường trục chính của xã được mở rộng và trải nhựa phẳng phiu với những ngôi nhà mái ngói, mái bằng xây kiểu hiện đại đua nhau mọc san sát hai bên đường, ta cứ ngỡ đi trên các phố thị. Nổi bật là các công trình khang trang mới được xây dựng hoặc nâng cấp như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà máy nước, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Đường vào các thôn, xóm được trải thảm bê tông. Các đường trục nội đồng cũng được mở rộng và trải bê tông hoặc rải đá cấp phối, đảm bảo cứng hóa mặt đường. Ban đêm, các tuyến đường công cộng rực rỡ ánh đèn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân mới đạt 12,2 triệu đồng/ người/ năm thì năm 2014 đã đạt 26 triệu đồng. Hầu như nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh. Nhiều gia đình sắm cả bếp ga, lò vi sóng, máy điều hòa nhiệt độ…
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng là một thế mạnh của Đọi Sơn. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, cán bộ và nhân dân luôn đoàn kết, chung tay xây dựng đời sống mới khu dân cư văn minh, tiến bộ, xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nên nhiều năm liên tục, tất cả 7 thôn và 4 cơ quan, đơn vị đều đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”. Các dịp lễ tết, ngày truyền thống của quê hương, địa phương thường tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ giữa các thôn, các đơn vị hoặc giao hữu với các địa phương bạn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Đến nay xã có 17 đội bóng chuyền hơi, 7 đội cầu lông, thôn nào cũng có đội văn nghệ.
Một thay đổi có tính bước ngoặt trong suy nghĩ cũng như hành động của người dân từ xa xưa, đó là công tác vệ sinh môi trường. Trước đây rác thải đổ bừa bãi ra đường, nơi công cộng…thì nay mọi nhà, mọi người đều tự giác thu gom đổ đúng nơi quy định. Theo lịch, các tổ thu gom rác của xã đưa về ba khu chứa rộng trên 2000 m2 để xử lý. Các khu dân cư đều có hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… đều đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Chúng tôi có dịp thăm quan thôn Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, một làng nghề có truyền thống làm trống nổi tiếng từ nhiều đời nay. Có tận mắt chứng kiến công nghệ làm trống mới thấy sự vất vả, kiên trì, sáng tạo của những người thợ tài hoa nơi đây. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu làm tang trống, xử lý da (chủ yếu là da trâu) làm mặt trống đến việc lắp ghép là cả một quá trình nghệ thuật đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, điêu luyện của người thợ mới tạo ra được những sản phẩm trống chính hiệu. Các sản phẩm trống Đọi Tam vinh dự được dâng tặng Đại lễ một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có một chiếc trống to nhất cả nước. Đội trống của thôn Đọi Tam gồm những nam thanh nữ tú được mời đi phục vụ, giao lưu trong các dịp lễ hội ở nhiều địa phương trong nước.
Mảnh đất và con người Đọi Sơn cùng những thành tựu đã đạt được thật đáng trân trọng. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhất là nguồn vốn. Nhưng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động sáng tạo, với “truyền thống đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, sự chung sức chung lòng của người dân” như lời ông chủ tịch xã Lê Ngọc Quang khẳng định, nhất định trong tương lai không xa, Đọi Sơn sẽ trở thành một miền quê văn minh, giàu đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.