Bản Ná - Vàng
Môi trường sinh thái ư? Ô nhiễm rồi. Nhưng có lẽ môi trường nhân phẩm, môi trường đạo đức đã vỡ đi từng mảng. Trong cái khung môi trường tổng thể ấy thì các nhân tố: Khí, nước, thổ nhưỡng, sinh vật bị nhiễm nặng đầu tiên. Khía cạnh đạo đức thì cứ trượt theo cái vòng soáy của nhân sinh ở đây. Vàng vàng đã đốt cháy lương tâm con người, vàng đã làm vàng mắt nhân loại. Cho dù trong hai nhân thể ấy có là anh em ruột chúng cũng bị phân loại từ vàng mà ra cả. Vàng ơi! Vàng làm cho các ông chủ bưởng phải thốt lên khi ký hiệu công thức vàng (Au) công thức hợp phần các bon ( c) bao nhiêu phần trăm trước khi từ giã cõi trần “trả công thức vàng cho ta”. Vàng đổi bằng máu.
Truyện ký của Đỗ Dũng
1. Bản Ná kia rồi! Trời, nước, vàng, máu, mồ hôi và nước mắt của hàng vạn “Cửu vạn” kia rồi! Những kiếp người đang đánh đu với số phận, đang gửi gắm đời mình cho vàng Bản Ná.
Trời tháng Năm oi ả đổ trào xuống những chiếc áo tơi mỏng tang, mỏng mảnh như một kiếp phù du phong trần sương gió đời ngừời làm vàng ở đây.
Núi rừng, khe lạch và sông suối đầy ứ nước. Đầy tràn các ao vũng ở Bản Ná. Mồ hôi chồng lên mồ hôi, máu hòa trong máu của người thợ cứ làm day dứt trái tim tôi. Nhà khoa học đi khảo sát sinh thái vùng vàng Võ Nhai Thái Nguyên năm 1997.
Thế là sau hàng chục năm trời đi học nghiên cứu sinh – Tiến sỹ, địa lý, địa chất tôi đã từ giã “Bưởng vàng” cho đến nay mới quay lại vùng vàng Bản Ná.
Chao ôi! Một đại công trường khai thác vàng cùng hàng vạn con người đã đổ dồn vào thung lũng đá vôi Kaxtơ hẹp chừng 4-5000m2, thật khủng khiếp.
(Nếu những hàm ếch kia mà sập xuống thì bao nhân mạng ở đây sẽ ra sao? Một cái chết đau sót biết chừng nào). Nghe đâu tuần nào người ta cũng phải moi ra những cửu vạn xấu số ở đây: Chết vì vàng.
Nhịp sống cùng vàng cứ diễn ra theo những kịch bản vô cùng gian khó. Nước róc rách chảy, đường dốc trơn thăm thẳm. Thang gỗ, cửu vạn đội đất, thợ tinh xảo, dồn quặng vào máy lọc và phân loại khoáng vật, cãi cọ, đánh lộn nhau bằng xà beng, cuốc chim, chém nhau loạn xạ. Hậu quả “Sập ào” và tháo nước dìm nhau trong bùn lầy nước đọng.
Tất cả tiền thuê đất khai thác do ông trưởng bản “ Bản Nà” quản lý sau đó ông ta chia cho ai ở đâu? Thì có trời mới biết. Vàng phải tính bằng “ Cân kg” , ống bơ – Hàng chục ống bơ mỗi ngày.
Trên hai triền dốc núi đá vôi tuổi trung sinh (Ka lê zo zôi) cách đây chừng 50-60 triệu năm địa chất cứ như sắp đổ sụp xuống lũng người làm vàng lúc nào không biết. Ta biết rằng tự nhiên có quy luật phân hóa của tự nhiên. Con người tác động vào tự nhiên là khoét núi đào đất đá đi thì lòng trái đất sẽ phải tự cân đối để đạt sự cân bằng trạng thái địa chất của nó. Người ta chen nhau, chui rúc sống trong những chiếc lán tạm căng bạt dứa, thậm chí ngủ vùi trong các túi ngủ sau một ngày lao động cực nhọc, khi các ông bưởng vàng vắt kiệt sức lao động của họ. Những con người gầy gò, lem luốc bùn đất và sơ xác đang bị tử thần rình rập(nào sốt rét, nào cạm bẫy của ma túy mấu chốt từ vàng sinh ra cả)
2. Đêm xuống!
Công trường lại bừng sáng lên từ lúc nhọ mặt người tới 7h sáng hôm sau nhờ hàng ngàn ngọn đèn điện từ những chiếc máy nổ Đông Phong Trung Quốc. Máy nghiền đá nhộn nhạo suốt năm canh dưới bàn tay lao động cực nhọc của thợ khai thác vàng.
Các bưởng vàng lại đang sát phạt nhau trên các chiếu bạc lăn lóc cùng các đồ nhậu: Rượu ngô, bánh trái và “rượu tình” bừa phứa (trong khi đó cửu vạn phải ăn cá khô mặn đắng, nước suối cùng cơm rau và chan nước mắt)
Những cặp đùi trắng nõn nà như trứng gà bóc vén lên hoang hoác không thèm ý tứ, để tiện cho các bưởng vàng “ Béo, véo sờ, nắn thậm trí “ Đi tàu nhanh” để “Giải đen” sau những canh bạc sóc đĩa “ Ù” xì và lật tẩy đỏ đen ở Bản Ná. Mùi mồ hôi người, mùi đàn bà, mùi bờ bãi quyện với mùi rượu tây lên men nồng nặc tởm lợm như chui trong một đống rác nhân loại. Những cô gái bán hoa “sẽ” nhâu nhấu bâu đầy Bản Nà.
Môi trường sinh thái ư? Ô nhiễm rồi. Nhưng có lẽ môi trường nhân phẩm, môi trường đạo đức đã vỡ đi từng mảng. Trong cái khung môi trường tổng thể ấy thì các nhân tố: Khí, nước, thổ nhưỡng, sinh vật bị nhiễm nặng đầu tiên. Khía cạnh đạo đức thì cứ trượt theo cái vòng soáy của nhân sinh ở đây. Vàng vàng đã đốt cháy lương tâm con người, vàng đã làm vàng mắt nhân loại. Cho dù trong hai nhân thể ấy có là anh em ruột chúng cũng bị phân loại từ vàng mà ra cả.
Vàng ơi! Vàng làm cho các ông chủ bưởng phải thốt lên khi ký hiệu công thức vàng (Au) công thức hợp phần các bon ( c) bao nhiêu phần trăm trước khi từ giã cõi trần “trả công thức vàng cho ta”. Vàng đổi bằng máu.
Môi trường vàng cộng đạo đức bưởng vàng bằng vỡ vụn trước ma lực của thuốc phiện. Chúng tan vỡ như những mảng địa chất trôi dạt hàng triệu triệu năm thành các hợp phần địa lý tự nhiên, trong đó hợp phần nhân phẩm chỉ là cái éc si lon cũng địa tầng cùng nhân cách cùng nhân quần, cũng nhân sinh trong muôn nỗi đo đồng tiền tình và quyền lực. Cái quyền lực được xây dựng từ vàng tạo một thế mạnh vững chắc trong sự hợp sinh của nhân tình thế thái.
Những cô gái ở Thái Nguyên lên Bản Nà hàng ngày bán gạo, thực phẩm, thuốc nổ, trang thiết bị làm vàng, đêm là những cái máy chém thịt đàn ông. Đời là vậy. Họ đổi trái tim mình cho vàng tìm khoái lạc thành ma quỷ để cầu sự mưu sinh từ Bản Nà.
Ước lệ của nhân phẩm bị xóa nhòa trong 15 phút di chuyển cùng hệ mặt trời trong vòng quay đạo đức. Trăng vàng biến thành trăng đen.
Lương tâm ư? Quỷ sa tăng là ước lệ có ai thấy đâu. Kết luận cuối cùng là bỏ chồng lên vàng theo suốt cuộc đời. Cho dù má hồng kia có sáng sạn đi mà đỡ phải khổ vì một khi không thể thiếu thuốc ma túy. Vậy sẽ là đáp số giải quyết mọi phạm trù tù nhân cách đến hạ tầng cuộc sống. Họ tuyên bố “vàng sẽ đổi tất cả”. Ai nhiều vàng thì sẽ làm chủ mọi phương diện từ gia đình đến xã hội con người. Ôi vàng bé như hạt trấu mà sao lại có sức mạnh đập nát trái tim nhân loại. Vàng ơi!
3. Đứng trước mặt tôi: Bản Ná không phải là vùng vàng bình thường như “đào hang” “làm nẹp” vàng như những ngày xưa. Bản Nà bây giờ là một đại công trường khai phá vàng. Người người, lớp lớp chen chân nhau trong 200 ao vàng mật độ cao điểm lên tới 8000 đến 10.000 người trên 5000m2. Người “cửu vạn” đước xếp theo ô quân cờ trên bờ mương khai nhân tạo xuống tận đáy hào 30-50-70-120m theo tà âm, theo dây người hoạt động 24/24h liên tục mặc kệ nắng mưa xối xả và cháy xám thịt da. Gốc ao thể hiện các sa khoáng vàng (Au) tuổi địa chất rất cao, không kém gì vàng ở Bồng Miêu người ta gọi chúng là “sa máng” (thực chất theo danh mục địa chất thì là vàng sa khoáng nguyên sinh). Chắc cái tên này do dân làm vàng tự đặt khi nghe các kỹ sư địa chất nói loáng thoáng gì đó.
Công trường Bản Ná cách thành phố Thái Nguyên 45km (hướng Tây Bắc) theo đường hành quân bộ, còn theo đường chim bay 32km (theo tọa độ bản đồ UTM tỷ lệ 1/50000 thì rất gần)
Người ta phải “bò đèo” “trườn núi” lội nước ì ạch mãi qua dãy núi cô tiên (có dáng hình người thẳng đứng lưng ong, ngực đổ gập xuống Bản Nà) dài 4-5km đến các đường trạm chung chuyển vào Ba cơ nào là máy Đông Phong, lương thực, thực phẩm tất cả nhộn nhịp như đưa pháo vào mặt trận Điện Biên ngày xưa. Ngày nào cũng kìn kìn, quang sọt, thuốc nổ, máy móc, xà beng, cuốc chim, dao búa chòong, đinh gai, vải bạt và nước mắt. Người vào người ra tấp nập “ao vàng của tớ thế nào” “sập hết rồi” “có người chết không” “không! Chỉ bị thương 10 mạng thôi” cửu vạn hỏi thông tin về vàng Bản Ná thế đấy
Bản Ná cứ như một con trăn miệng đớp gọn khẩu phần thị thực chục ngàn người và nhân xã tạp phần trong đời sống nhân gian.
Vượt qua cánh đồng Thác Kiệm người ta công phá Bản Ná bằng mìn và xe xúc đất. Đường họ tự mở từ km 62 (đường Thái Nguyên – Bắc Kạn) vào cứ như là tấn công vào chiến dịch “Khe sanh” 1968 ở Quảng Trị vậy. Họ (cửu vạn và bưởng trưởng làm vàng) có biết đâu rằng dưới lòng đất đá âm ỉ kia từ độ sâu 150m theo mực nước biển thì khoáng sản nhiều cơ man nào cho hết. Đấu vàng không chỉ tính bằng kg mà phải tính đến hàng 1000kg. Đó là không gian trú ngụ của vàng của BaSO4, Fe2O5, Vofran, đa kim cùng tuổi địa chất và mạch hoạt động của Núi Pháo Đại Từ, Thái nguyên kia đấy.
Chao ôi! Thà rằng ta không có kiến thức địa lý thì hơn (biết nhiều buồn nhiều). Hai dãy núi đá vôi Kaxtơ tuổi Calêzôzôi kia kéo dài từ Ngân Sơn, Bắc Cạn đến Bản Ná. Nước chảy trong các “ “cửa biến” theo các hình thức cấu trúc địa chất trườn mình trên “Cửa mở”. Chúng hút sâu xuống cửa biến kéo dài thành các dòng sông vật chất, lặng lẽ lôi theo các sa khoáng dồn tụ tại Bản Ná. Hàng triệu năm sau vàng sẽ đi theo máng dồn đến một nơi xa hơn. Nơi mà truyền thuyết gọi là vàng tìm về mỏ của nó tập trung thành đại gia đình vàng trong kho tàng cổ tích nhân gian.
Chặn trước hai dãy núi đá vôi là một dải đất phù sa sông, suối tuổi địa chất Đệ tứ (Q – cách đây 61 vạn năm) và đất thổ nhưỡng vàng nhộn. Nó thít chặt Bản Ná như một cái phễu đóng tự nhiên khổng lồ. Nơi đây người ta gọi là rốn vàng. Núi đất là miệng túi vàng. Theo khảo sát địa chất thể hiện trên bản đồ tỷ lệ lớn UTM trữ lượng vàng ở Bản Ná có nhiều lắm. Đáy lũng là một kẹp vàng sâu 157m dài 2500m rộng trung bình 150m. Vàng “trú ngụ” ở đấy. Người ta khai thác sao đây? Chỉ chờ đến thế hệ con cháu chúng ta mới có khả năng khai thác. Khi trình độ khoa học của đất nước mình mới theo kịp công nghệ của thời đại công nghiệp hóa thế giới.
Đất nước chúng ta còn bộn bề bao nhiêu việc phải làm, phải sinh tồn. Khai thác vàng là rất cần thiết. Nhưng yếu tố kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái còn cần hơn nhiều cho các thế hệ sau này duy trì tồn tại vĩnh hằng trên đất nước Việt Nam này.
4. Trước khi bước chân vào Bản Ná chú em họ tôi là Công an tỉnh Thái Nguyên cho hay
“Cách đây 2 tháng trong kỳ Đại hội Đảng bộ ngành Công an tỉnh em đã nói về việc an ninh và bảo vệ môi trường, cũng như tài nguyên khoáng sản ở tỉnh ta được một đồng chí lãnh đạo Trung ương đánh giá là báo cáo có chất lượng, có tính chính xác cần thiết. Đồng chí ấy là đồng chí Nguyễn Bắc Son”. (nguyên Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, hiện nay là Bộ trưởng thông tin và truyền thông. Anh là người bạn thân thiết của tôi từ thủa ấu thơ trên 60 năm qua, anh đã viết thu cho tôi: “Phải ngừng ngay lại kiểu khai thác khoáng sản manh mún ở tỉnh ta như thế này”)
Quả đúng là tôi cứ đinh ninh điều đó trong tâm khảm của một người làm công tác nghiên cứu khoa học về việc khai thác khoáng sản của tỉnh nhà, của quốc gia đất nước ta. Thế nhưng khi đứng trước đại công trường Bản Ná này thì tôi lại bị hút vào người, cảnh của Bản Ná mất rồi. Thế là “máu” của người viết “Bưởng vàng” năm xưa lại buộc tôi phải “húc” ngay vào hồn của vấn đề. Thế là tôi xông ngay gặp các vị lũng trưởng, chủ ao, đầu cánh và tất cả các dân anh chị đã từng cùng tôi làm vàng khi xưa.
Chỉ cần biết rằng hơn vạn người làm vàng ở đây họ ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định, Ninh Bình trở ra tới Thái Nguyên, Bắc Kạn trở xuống. Có những người đi theo “vàng” hơn 15 năm trời mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Bởi lẽ đời được một trăm ngàn, một chục triệu, trăm triệu người ta lại đầu tư vào máy móc lán trại nuôi quân rồi lại “húc” tiếp. Bởi ai làm chủ cũng đều có tâm niệm “Nghèo thì lâu giầu là mấy chốc”. Mặc khác con gà tức nhau tiếng gáy kẻ thì được một tạ vàng chặt ba, chặt tư người được hàng yến, hàng kg họ xây nhà mua ô tô còn có kẻ mất cả cơ nghiệp cắm cả bìa đỏ (chước bạ nhà đất ở) vào Ngân hàng vay vốn đầu tư thật là “đâm lao phải theo lao” và muốn bật lên trong chốc lát. Ôi chao cái mộng làm giầu thì bất kỳ ai đã bước chân lên lũng vàng đều muốn cầu may. Có kẻ thì tát vét, đào sái, có kẻ chặt chém chia lai, chia ly đều là mọi hình thức thu tiền một cách nhanh chóng mà không phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Từ đứa bé 15 tuổi đến ông già 60 tuổi đều muốn nhặt được vàng rơi. Kể cũng lạ ai cũng nói là có tiên, có thần vàng phù hộ chả biết có thật hay không? Nói chung làm vàng là bất khuất, là gian khổ nhưng cái giá phải trả và người ta phải chấp nhận tất cả luật chơi với thần tài.
Đứng trước đại công trường Bản Ná đồ sộ như thế này, hùng vĩ như thế này tôi không tránh khỏi sự trắc ẩn trong tâm can mình. Tiếng máy nổ của 500 con “trâu sắt” Đông Phong 12 đến 18 mã lực làm nhức đầu người làm. Thế song họ vì công việc mệt nhọc do đó có ai để ý tới tiếng máy. Vì rằng đội được thúng đất từ lớp đất mặt ở dưới đáy ao chuyền lên trên bờ mương phải cao hàng trăm mét mệt đứt hơi còn đâu mà nghĩ đến tiếng máy và trong óc họ đều lấp loáng những vẩy vàng của hiện tại và tương lai ngày mai.
Này nhà văn nghĩ gì thế? Một tiếng đập nhẹ vào vai tôi làm tôi giật mình quay lại.
A! Quân Thu, Trung Tín, Bỉnh Bạc, Lý Châu, Oanh Liêm, Thanh béo và nhiều “tướng lĩnh” có mặt ở đây cả à?
Đây là những con người đã có một thời oanh liệt gắn chặt đời mình với vàng bao nhiêu năm và đã từng sát cánh chiến đấu bên tôi năm xưa ở vùng Khau Âu, Thần Sa.
Ông đã học xong tiến sỹ chưa mà trở lại “Vàng” một trong các chiến tướng năm xưa hỏi tôi như vậy.
Ừ! đã và đang chờ các chiến tướng giúp đỡ đây!
Chúng tôi kéo nhau về lán. Đó là những mái nhà lợp tạm giấy ni lông nhưng rất gọn gàng, khang trang ăn đứt những bãi lán cheo leo trên vách đá của vùng Khau Âu năm nào.
Xem chừng làm vàng sa khoáng bây giờ oách hơn làm kẹp, làm hang trước kia nhỉ?
Còn phải nói gì nữa.
Ông nên biết rằng một cây gỗ làm cầu, một gióng trúc làm đòn phải đóng thuế cả đấy bây giờ làm đàng hoàng thì tiền Nhà nước cũng phải thu đàng hoàng không chui luồn như ngày xưa nữa đâu.
Nhiều thuế lắm: Thuế đất, môn bài, thuế kiểm lâm, thuế nông nghiệp, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế đường và thuế đời … Đó là tiếng nói của Quân Thu giọng ồm ồm phát ra.
Thuế nộp cho ai? Tôi buột miệng hỏi.
Nộp cho chủ lũng! Quân Thu nhanh nhảu trả lời.
Thế chủ lũng là ai? Làm gì?
Đó là ông trưởng bản của xóm 7 gia đình người dân tộc Tày này, ông này có thể cho ai vào mua đất, mua ao và có giấy phép kinh doanh cũng như nắm mọi quyền sinh, quyền sát, ông ta có quan hệ với UBND xã Bản Ná, với huyện Võ Nhai, với tỉnh Thái Nguyên, nghĩa là trưởng lũng làm tất.
Thế hệ thống chỉ huy liên ngành như thế nào?
Đủ các cấp đấy! Trung Tín trầm tĩnh trả lời.
Tôi biết “chiến tướng” này là một đại đội trưởng trinh sát đặc công đã từng sinh tử sanh chín ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với tôi. Hắn là một chiến sĩ thi đua 7 năm liền cơ đấy vì thế con người cẩn thận này cứ đủng đỉnh mà nói.
5. Ông tiến sỹ ạ! Ông bạn cựu chiến binh ạ! Tôi nói thế này để ông rõ – hắn nói giọng chầm ngâm của một người lính già làm vàng – già như con trâu già ngoài bãi … Lúc gầm gừ, lúc sôi nổi nhiệt tình. (Ôi thằng bạn đã từng gối đất nằm sương năm 1972 ở Quảng Trị bây giờ là ông chủ ao. Trông nét mặt nó lúc phồng lên, lúc dúm lại… Ôi có phải cái vết thương 72 cứ làm nó méo mó hay không?) Tôi nhớ năm 1984 nó đã cùng tôi rúc hang kiếm lấy ly vàng đầu tiên … Tôi làm tiền để làm luận án tiến sỹ nó kiếm tiền để nuôi đại gia đình.
Ông ạ, tôi vào Bản Ná từ năm 1987 khi mà không có một ai dám vào đây với một ba lô rách, 2kg gạo hẩm và 157 ngàn đồng cứ chui rúc rách rưới thế đấy. (Cả bọn cười ồ lên vì ai cũng khổ như hắn mà).
Ôi tôi lại nhớ về những kỷ niệm vàng ở vùng đất này cách đây 70 – 80 năm về trước (theo như các cụ già người Tày ở Bản Ná kể) người Tàu đã từng khai thác vàng ở đây bằng phương pháp kéo guồng máy cọn nước. Nhưng hôm nay các bạn tôi, những con người lao động gian khổ quyết liệt với cuộc sống họ đã có máy hút nước Đông Phong Trung Quốc, có xe Mink Liên Xô, có tiền, có trí tuệ … họ với 815 bưởng lớn nhỏ dưới tay họ có hơn 10 ngàn quân đã quật đổ thủy thần đắp một con suối dài 3km với hàng triệu mét khối đất, mét khối nước và họ khai thác tà âm tới 112 – 117m. Họ có 6 máy ủi cỡ lớn làm việc 24/24 giờ. Họ chiến đấu quyết liệt với vàng.
Sau khi Tín vào vùng vàng Bản Ná và đã phát hiện là ở đây có vàng và cứ đào, cứ khoét làm ăn “phọt phẹt” hơn 10 năm trời anh em nuôi nhau rau cháo qua ngày để đến bây giờ có một cơ ngơi như ngày nay.
Sao lắm chủ ao thế? Tôi hỏi.
À! Vì ở đời ở đâu có mật thì có ruồi, các chủ lớn như Lý Châu, Nghị Xồm, Oanh Liêm ở thành phố Thái Nguyên họ có tiền tấn họ xông lên mua đất, mua ao và thành chủ lớn chứ sao. Cũng như ông bây giờ có tiền tỷ thì tha hồ sai khiến cánh chúng tôi và thiên hạ ông ạ…ha ha ha. Tiếng cười của Trung Tín bị gián đoạn khi ở ngoài lán có tiếng gọi ầm lên:
Quân ơi về ngay đập vỡ rồi!
Tiếng súng, tiếng còi nổi lên dữ dội.
Tiếng người chạy lạch bạch trên các đống bùn nhão nhớp.
Thằng Quân, em con ông chú ruột của tôi là một Thiếu tướng đã nghỉ hưu như một con hổ xám lao từ trong lán ra và chạy phăm phăm lên phía ao thượng.
Tại sao lại có hiện tượng đó? Tôi hỏi.
Không có gì lạ cả ai cũng muốn tranh phần hơn thôi. Một bạn tôi trả lời như vậy. Tôi nhớ đêm mới vào Bản Ná mưa to, gió núi làm tôi phải chùm áo mưa viết văn thì tôi đã hiểu rằng ở đây người ta lao động quyết liệt với vàng quá. Cậu Hiền cụt người Tày chủ một ao nhỏ cứ phanh áo ra chống lại đội quân tháo nước của một chủ ao khác. Tôi phải nhảy ra kéo Hiền vào lán …
Hiền nói trong hơi thở hổn hển mặt cứ tái đi trong ánh lửa lập lòe:
Anh biết không! Em mang cả vợ con vào đây mười mấy năm trời nợ hàng trăm triệu bạc, nhà tan cửa nát hết cả rồi bây giờ không còn gì để mà giữ anh ạ. Em nói thật bây giờ mà ông nào ký quyết định đuổi chúng em như ở Khau Âu thì nhất chết chúng em ốp mìn vào nhà “nó” ngay! Cho dù cả anh có là gì đi nữa em sẵn sàng tiêu diệt anh đấy nếu anh dằng bát cơm của con em ném xuống đất. Tôi phải cười khà khà cho bớt căng không khí câu chuyện nhưng trong lòng tôi thì thật buồn vô hạn … cho dù đã là “Bưởng vàng” “Bưởng than” bây giờ là một nhà khoa học tôi vẫn thấy đau đáu trong tim mình thương cho thân phận những người lao động quá. Họ là những người yêu lao động tới quên cả tính mạng mình nhưng sao vẫn cơ cực với miếng cơm manh áo như vậy. Chìm ngập trong tư duy tôi lại nhớ tới các Hội nghị Địa lý, Địa chất của Trung ương thì được biết vùng vàng Bản Ná này có trữ lượng rất lớn. Một anh bạn thân của tôi ở Trung ương có tiết lộ bằng bản đồ Viễn thám thì khu vùng vàng Thần Sa Bản Ná có trữ lượng lớn rất chính xác. Thế song khai thác ra sao và quản lý tài nguyên khoáng sản thế nào là một vấn đề thật nan giải. Tôi thấy ý kiến của chú em họ là Công an tỉnh thật quả là chính xác. “Vàng nhiều! ai quản lý! Ai tổ chức? hình thức cơ cấu kinh tế ra sao?
Ở đây chỉ có sức dân thôi. Sức người, sức của là ở dân họ tự năng động tự giải quyết các phương tiện làm vàng, gạo thóc và công việc làm cho 10 nghìn người này. Nếu có một sức mạnh vô hình nào đó biết cải tạo, biết biến đổi thì chắc chắn rằng khai thác vàng ở Bản Ná sẽ tốt hơn nhưng nhà nước chưa với tới, tỉnh, huyện thì sức quá mỏng, chỉ có sức dân mà thôi.
Sau mấy ngày chui luồn ở các tiểu công trường tôi gặp lại anh bạn Bỉnh Bạc của tôi. Anh dẫn hơn 20 quân vào Bản Ná đã hơn một tháng trời, gặp lụt cứ cắm chốt tại lán, ngày cho quân đi chặt chém đầu ly lấy một hai chỉ vàng nuôi nhau.
Một hai chỉ vàng bạc triệu cơ mà? Tôi hỏi.
Ông ơi ở đây cái gì cũng đắt. Một người gánh 30kg đi 7km leo qua núi cô tiên và được 30.000đ ấy thế một thằng quân của tôi một ngày tiêu 50 – 60 nghìn đồng kể cả lương, quần áo trang bị phương tiện sản xuất, thuốc men thì một triệu bạc trong một ngày đống người như vậy sao đủ. (năm 1997)
Ở đại công trường Bản Ná này không phải chỉ có một đội quân của Bỉnh Bạc lâm vào tình trạng như vậy mà có tới hàng trăm đội đều sống trên tình trạng chặt chém, tát vét, thuê bao, thuê đầu ly, liên quân đều hoạt động như vậy. Họ phải làm cho chủ ao theo hình thức dựa vào nhau mà sống.
Thế an ninh thì sao? Tôi hỏi.
An ninh thì quá tốt không lộn xộn như ở các nơi khác nhưng mấy bố công an, thuế vụ, kiểm lâm nằm ở đây thoắt ẩn, thoắt hiện như trạch.
Họ còn bận kiếm ăn! Chú Thanh em rể họ tôi nói vậy.
Thanh là đầu cánh có hàng trăm quân và cậu ta có trình độ làm vàng rất điêu luyện. Thanh được chú em họ tôi mời làm “quân sư” việc của Thanh là theo dõi từ máng chớp đến người khai thác đổ nước vào bồn thu đất sa khoáng và phân loại tuổi vàng. Thanh vốn là một kỹ sư luyện kim ở Bun Ga Ri về nước. Còn một nhân vật nữa đó là Trường Thừa vốn là một kỹ sư hóa chất đang làm luận án tiến sỹ ở một trường đại học làm trợ thủ cho Thanh trong việc khai thác vàng ở Bản Ná. Trường Thừa vốn mảnh dẻ thư sinh nhưng sức bền trong công việc thì rất dẻo dai. Anh có thể thức suốt đêm để bóp đất thành vàng cho Quân, cho Thanh.
Tôi đứng lặng ngắm nhìn hàng vạn con người đang miệt mài lao động. Họ là những chàng trai, cô gái từ 16 đến 25 tuổi thậm chí có các ông già, bà già 60 – 70 tuổi. Họ một vạn con người là một vạn cái hoàn cảnh trái ngang khác nhau họ cố gắng kiếm cái tết âm lịch này nhưng họ cũng cần cho tương lai.
Tiếng máy nổ rầm rầm!
Tiếng bồn thu nước xé gió! Không! Đó là các vòi rồng phân liệt đất và vàng đấy!
Tiếng mìn phá đá ầm ầm!
Tiếng nước chảy rào rào!
Tiếng người! Tiếng nhân dân.
Tất cả âm thanh hòa lại xoắn quện lại với nhau trong thung lũng Bản Ná như một định mệnh, như một sự sắp xếp của một bàn tay vô hình.
6. Ôi vàng! Nó đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn con người tại đại công trường này. Còn nữa! từ “hậu phương” thành phố Thái Nguyên người ta kéo ra “tiền tuyến” Bản Ná nào máy, nào gồng gánh, nào xe, nào thực phẩm … cứ lần lượt trèo lên vai người mà đi. Một cân là một ngàn đồng tiền lãi. Một máy nổ Đông Phong nặng 500kg là 500 ngàn đồng lãi người ta khênh nó như khênh pháo vào chiến dịch. Tôi lại nhớ tới những trận đánh cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Quảng Trị thì chao ôi những hình ảnh này là hiện thân cho sự sống 1971 – 1972 chăng? Không! Và có lẽ đúng hơn cuộc sống của đời người quyết liệt có kém gì chiến trận năm nào. Và cuộc sống dù tàn tệ đến đâu vẫn hơn cái chết.
Ôi! Thụt hết hố rồi! có tiếng hàng trăm người gào lên như vậy. Thế là hàng ngàn người lại nhào xuống khênh máy đắp kè chuyển bao cát bịt kín các lỗ hổng không cho nước tràn xuống lũng vàng. Áng chừng một giờ sức người lại một lần nữa chiến thắng thủy thần và vàng lại được lấy lên theo nước đổ vào thúng đáy. Có một chuyện phải kể ở đây đó là việc buôn vàng. Tiền tươi thóc thật. Tiền trao cháo múc. Vàng đổ ra đĩa, tiền nhét vào túi 400.000đ một chỉ cứ thế mà tính (giả sử có Ngân hàng chứng khoán hay Ngân hàng công thương nào đó làm việc ở đây thì chắc vui lắm). thời giá 1997
Tôi lại ngước mắt nhìn lên trên hai chóp núi đá vôi cao vút với tư cách của một cán bộ khoa học lúc này tôi chợt nhớ núi đá vôi là cơ sở của tầng ngầm vàng đã được nằm trong các vùng lũng hẹp hay các kẹp đá chảy xuống đáy suối. Chắc không có một loại máy do thám nào thay bằng sức người để khảo sát địa chất ở đây. Theo sự tính toán của các nhà địa chất thì vàng ở Bản Ná là sự giao động của cả một thời kỳ núi lửa đã biến chất cách đây hàng chục triệu năm nó được phun ra từ lò Macma trào theo các nham thạch trong đó có nhiều loại khoáng sản như: Vàng, bạc, kẽm, chì … nhưng đến bây giờ ở đây nhân loại chưa có khả năng phân biệt và tận thu hết nó. Con người vì cuộc sống hàng ngày phải tìm ra giải pháp cho phù hợp để đáp ứng đời sống của chính mình thì cần gì phải chờ đợi thời gian khi mà miếng ăn sốt sột kia đang chờ đón họ. Họ lao động cho chính mình nhưng cũng là để tìm lối thoát cho tương lai. “Không biết rồi con đường làm vàng kiểu này sẽ còn kéo đến bao giờ”. Tôi cứ nghĩ miên man như vậy khi gió núi tràn xuống làm tôi bừng tỉnh. Có lẽ từ nay đến mãi sau này sự kết hợp giữa hiện đại và kinh nghiệm truyền thống việc khai thác vàng vẫn duy trì mãi mãi để tồn tại song song với nhau. Cho nên ý kiến của tỉnh ủy Thái Nguyên là bảo vệ tài nguyên khoáng sản là rất thiết thực đó là sự bảo vệ lâu dài có kế hoạch cho tương lai. Nhưng đất nước ta, nhân dân ta còn rất nghèo khổ, nghèo khổ tới dưới mức trung bình của những nước nghèo trên thế giới. Chúng ta không thể không nghĩ tới cái trước mắt đó là cơm ăn no, áo mặc ấm hàng ngày mà chúng ta không thể thiếu nó được. Cho nên dù sao thì công ăn việc làm trước mắt cho người lao động là rất cần gấp lắm. Giả sử có sự chỉ đạo và vốn đầu tư của Trung ương chắc rằng công việc khai thác vàng ở một khu vực như Bản Ná sẽ có hiệu quả cao hơn. Thế rồi một hai năm nữa, nói rộng hơn, sâu hơn một vài chục năm nữa đến một trăm năm nữa vận tốc đầu nguồn ở vùng vàng Bản Ná sẽ là cơ sở cho việc phá lũ ở các miền phụ cận hạ lưu sau này. Môi trường sẽ thay đổi, cảnh quan địa lý bị biến động sâu sắc, việc chặt phá rừng, việc đào đất thay thế trạng thái bình thường của tự nhiên đã làm trái quy luật của tự nhiên. Chắc rằng hàng trăm năm sau tự nhiên sẽ trả thù con người để nó luôn luôn bảo tồn tính quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của nó. Quy luật tự nhiên địa lý
Về khai thác vàng theo tôi là rất cần và rất cần hơn nữa cho nhân dân ta nhưng cơ cấu tổ chức khai thác vàng hay việc bảo vệ môi trường tự nhiên bảo vệ tài nguyên khoáng sản đất nước lại càng cần thiết tới hàng ngàn năm cho con cháu sau này không thể thiếu nó được. Tôi thấy mình như có tội, tôi nhớ lại những ngày làm “Bưởng vàng” trước đây của mình. Nào chặt phá rừng, nào đào đất khoét sâu vào ruột núi đã tạo nên một cơ chế tiêu hủy tự nhiên. Việc làm vô tổ chức ấy đã làm cơ sở cho việc lũ bùn đất, lũ bùn đá, lũ nước ở các vùng khai thác vàng.
Bản Ná có chiều dài hơn 2km từ thượng nguồn đến hạ nguồn chỗ nào cũng có vàng chắc chắn cánh đồng Thác Kiệm sẽ là túi vàng khổng lồ. Nếu bốc đi một lớp đất mặt sâu 70 – 80m, rộng 500m, dài 2km thì sẽ tới lớp đất sa khoáng vàng nằm trong lớp đất này. Người ta dùng phương pháp thủ công và cơ giới kết hợp đào đất, đổ đất vào máng vàng, chớp vàng. Nhưng không phải cứ đến độ sâu nào cũng có vàng mà phải theo nguyên tắc lặn, chìm khác nhau cứ một lớp đất đá, một lớp cát thô, độ lắng của vàng nằm ở đó. Như vậy trữ lượng vàng ở Bản Ná có thể lên tới hàng tấn việc khai thác sử dụng tài nguyên vàng này ra sao?
Một chiều đông đứng trước đại công trường Bản Ná tôi như đứng trước một thế kỷ đã mở ra như muốn nhắc nhở mình làm việc cật lực để góp vào đại công trường này. Khi hai cánh núi đã vôi lừng lững khép bóng tối thì ánh điện máy nổ lại bừng lên một vùng sáng chói đó đại công trường khai thác vàng Bản Ná.
7. Tháng 4 năm 2014 tôi có ghé thăm Bản Ná khi đi nghiên cứu khoa học vùng thảm thực vật và “Đa dạng sinh học”, “ Văn hóa bản địa” thì được biết vàng ở Bản Ná người ta, Nhà nước địa phương trao cho một công ty TNHH khai thác, khi Bản Ná bị sập hàm ếch và chết người năm 1997. Tôi chợt nghĩ vàng nhiều thế nó sẽ nằm trong túi ai? Nhà nước được bao nhiêu phần trăm.
Sao con đường đi đến Bản Ná nó cheo leo thế! Môi trường sinh thái ước độ 40 năm nữa sẽ sảy ra một nạn “Đại hồng thủy”. Lũ ống, lũ bùn, sẽ tràn về nếu chúng ta không có biện pháp khoa học hợp lý hóa ngay từ bây giờ trong các kỳ dự báo hữu hiệu của môi trường Địa lý tự nhiên tổng hợp sẽ dẫn tới sự thay đổi khí hậu một cách khốc liệt mà chính con người là thủ phạm trên trái đất này.
Tháng 9 năm 2015 khi tôi viết những dòng này tôi ngước nhìn lên núi Dinh của Vũng Tàu trước khu nhà sáng tác trại viết văn, tôi thấy trái tim mình đau nhói. Đất nước ta phong cảnh đẹp đẽ hùng vĩ vô cùng, khoáng sản nhiều vô hạn. Núi Dinh kia, đẹp như mơ trước biển Đông dạt dào sóng vỗ. Song ai biết được trong lòng núi Dinh sẽ tiềm ẩn của Quặng đa kim, vàng và thiếc…Trữ lượng là bao nhiêu?
Bản Ná ơi cùng tuổi địa chất với núi Dinh Đấy. Vàng ở Bản Ná tuổi cao như vàng ở núi Dinh Vùng Tàu ư. Trời trong xanh như nâng bổng tâm hồn tôi dậy. Đời người là một bản hợp đồng, nhất là các nhà khoa học còn nợ với thiên nhiên đất nước này nhiều lắm. Tôi nhớ Thái Nguyên và muốn bay về để kiểm nghiệm kiến thức của mình trên đại công trường Bản Ná năm nào. Bản Ná xưa và nay tuy có khác về hình thức khai thác vàng, cấp quản lý …nhưng có lẽ cơ chế chính sách chưa thực sự phù hợp với tiềm năng sẵn có của nó.
Bởi vì Bản Ná là của Quốc gia. Khai thác vàng phải tính toán mức độ hậu quả của môi trường sinh thái tự nhiên tổng hợp. Nó là một mắt xích trong quy luật vận động tự nhiên diễn ra hàng ngày và hàng vạn thế kỷ. Vấn đề cấp thiết: Phải gìn giữ cho muôn đời sau về tài sản môi trường khí hậu mà hiện nay con người đang làm xấu đi trên trái đất này. Từng mảng ozon đã bị thủng do hiệu ứng nhà kính bị nhiễu loạn trong đó khai thác khoáng sản cũng làm ảnh hưởng tới khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật …
Đêm xuống! trăng lên! Sống ầm ì vỗ vào núi Dinh. Sóng lòng tôi đang cồn cào trước biển. Tôi như thấy mình bay theo cánh chim hải âu đậu vào đỉnh núi nhìn về phương Bắc xa vời. Đâu đó tiếng hát của mùa trăng mùa bão biển đang dạt dào nỗi ưu tư của một con người, một nhân cách Việt trong thời đại mới. Tiếng tình yêu thiên nhiên, tiếng lòng mình cứ tha thiết chảy từ khí quản, tôi đếm những hạt trăng đen đang lăn mình trên núi Dinh.
Thái Nguyên, năm 1997, Vũng Tàu 2015
Địa chỉ: Tổ 13, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên
DĐ: 0975.870.257
Tin cùng chuyên mục
Ông thầy Căng gu ru
07/09/2015
Mùa hoa Lộc vừng
06/09/2015
Thông tuyến
02/09/2015
Điều hạnh phúc nhất
25/08/2015
Trượt pa tanh
22/08/2015