Ông thầy Căng gu ru

Gỡ chiếc cặp da chằng buộc trên poóc ba ga ra, trong đám giầy tờ thấy có cuốn sổ tay. Nước thấm ướt làm chữ viết nhòe nhoẹt, song vẫn đọc được đôi chỗ nội dung. Đọc mà học trò không kìm nén nổi lòng, bật lên chúng khóc: “Bản Lớp ca", khuông nhạc nhập nhòe, phần tác giả thấy ghi tên thầy; rồi các khoản chi tiêu: nào thuốc men cho mẹ già, thuốc chữa bệnh cho người vợ thường hay đau yếu; cả con số một trăm ngàn quyên góp cho học trò nghèo. Nó chi tiết, cụ thể,… trong đồng lương ít ỏi của một ông thầy.

Quê chúng tôi bên sông. Nhà tôi ở phố Ổi, còn làng Hạnh kế bên. Làng Hạnh đẹp lắm! Làng quê trung du lúp súp đồi sim, đồi chè, bạch đàn,… mướt mát xanh. Các bậc cao niên trong làng bảo, làng có ngàn năm tuổi rồi. Chủ nhật rỗi rãi tôi thường xách súng hơi vào làng Hạnh tha thẩn, nên biết rõ ngọn nguồn ngôi làng ấy.
Tôi và Hạnh học cùng phổ thông cơ sở, nhưng chỉ biết sơ sơ về nhau. Đầu lớp 10 chúng tôi chuyển sang học trường thị trấn huyện, phải qua đò sang sông. Hai đứa ngồi cùng bàn. Mới đầu chúng tôi chẳng quan hệ với nhau. Trong tôi vẫn ngấm ngầm coi thường Hạnh, dân quê. Tôi sống phố núi, nhà buôn bán. 
Mặt bàn và ghế chúng tôi mặc cả và kẻ ranh giới rõ ràng: đứa nào thò sang, là ăn vụt. Lần ấy Hạnh vừa chớm thò cùi tay sang phần bàn của tôi, rất nhanh, cái thước gỗ tôi vụt luôn. Thước quật mạnh, vết hắn đỏ trên cùi tay Hạnh. Chắc đau lắm. Không thấy Hạnh nói năng gì, chỉ thầm úp mặt xuống bàn. Tôi nghe những tiếng nấc nhẹ. Chợt lúc ấy thằng trai mới lớn tôi nổi tính nam nhi, nghĩ, sao mình nhỏ nhen thế, đi bắt nạt con gái. Tôi thoáng ân hận.
Trưa ấy tan học, trên đường về, đang mùa lũ, vác xe lên đò thật vất vả. Tôi vác xe lên xong, quay lại bảo Hạnh để đấy, tôi đưa lên giúp. Hạnh ngỡ ngàng. Trên đò hai đứa im lặng. Lên bờ, lúi cúi đạp sau xe Hạnh, gần đến chỗ rẽ, tôi đạp rướn lên, ngó sang:
- Xin lỗi sáng nay nhé!
Từ bận ấy và sau đó chúng tôi đâm ra “quấn quýt”, không hẹn mà đi về thường đạp xe bên nhau. Vì “quấn quýt” qúa, bạn bè trong lớp có đứa trêu trọc, một bận khi qua cánh bãi xuống đò, lũ trẻ trâu hô ầm ỹ: Vợ chồng nhà Hạnh đi học kìa! Chúng tôi ngượng đến chín người, ngượng đến mấy ngày, chả dám nói năng, chả dám nhìn nhau ấy.
*******************
Sang lớp 12, lớp tôi có ông thầy chủ nhiệm mới. Ông từ huyện khác được điều chuyển về trường, tuổi xấp xỉ trên dưới bốn mươi. Tiết dạy đầu tiên, thầy vào lớp, học trò đứng lên chào thầy. Ông yên lặng nhìn hết lượt, rồi gật gật đầu chào. Có đứa thì thầm: “Ông này hắc lắm đây. Ki bo cả nụ cười.” Quả là từ lúc giáp mặt lớp tội, chưa thấy ông ta cười bao giờ.
Sau phút nhập môn, thầy cắm cúi giảng bài. Đến tận cuối tiết học, thầy vẫn mải mê giảng dạy. Trống tan trường rồi, ông không hề hay biết, cứ thao thao bất tuyệt: tế bào, phân chia,… mà giảng. Năm phút, mười phút, thầy vẫn kẽo kẹt giảng. Cứ đà này, khéo kéo dài đến bất tận. Môn sinh vật, chắc gì thi tốt nghiệp, dạy gì kỹ càng thế. Lớp học lác đác tiếng trò sột soạt mở, gấp cặp, rồi nhốn nháo. Một đứa đứng lên:
- Thầy ơi!
- Gì hả em?
- Dạ! Hết giờ rồi!
- Thế á?
Ông ngơ ngác hỏi, còn cả lớp rộ lên cười. Ông thầy lúc ấy mới hay, hết buổi học. Thoạt đầu chúng tôi đặt cho ông cái tên: thầy Gà rù. Sau này đổi sang tên khác: thầy Căng gu ru. Không rõ đứa nào nghĩ ra tên ấy. Có thể do hình thù của ông, cù rù, gầy nhẳng, còn mặt bói không ra nụ cười; rồi bước đi của ông ta nữa, cứ nhun nhún như con căng gu ru, nên chúng tôi chuyển sang, đặt cho cái tên: thầy Căng gu ru.
Học trò đều như đồng thanh ghét thầy. Ghét, nên chúng nghĩ ra lắm trò chơi khăm ông. Thầy có chiếc xe đạp cũ. Thấy bảo xe Thống nhất. Giờ cả trường thầy cô đều xe máy, riêng ông ta, vẫn cũn kịt chiếc xe đạp cũ. Có người bảo, ông ta muốn lập dị, khác người. Cả cái cặp da nữa. Nó luôn được buộc chằng dây chun trên poóc ba ga sau xe; đi đâu, cũng thấy ông ta kè kè ôm theo. Chiếc cặp sờn cũ. Chắc dân ki bo, không muốn bỏ tiền mua đồ mới, nên khư khư dùng đồ cũ mèm. Không chỉ lập dị chiếc xe đạp, cặp cũ, quần áo của ông cũng vậy, độc diễn có hai bộ. Đúng là một kẻ keo kiệt có mả, có nghề. Đám học trò quan sát, thầm thì và gọi luôn tên thầy theo màu hai bộ quần áo ông thay đổi: hôm là Căng gu ru xanh, hay hôm là Căng gu ru cháo lòng.
Nhà thầy cũng qua đò và ngược với hướng phố núi quê tôi và làng Hạnh. Nhà cách trường độ mươi cây số. Thầy Căng gu ru chính xác, như chiếc đồng hồ tây, không một lần chậm tiết giảng, dù chỉ nửa phút; không bỏ tiết, dù trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh; không đau ốm, dù người ngợm lom rom. Trong khi trò nào chẳng mong ông thầy ốm, hỏng xe đến muộn, để chúng được nghỉ tiết học.
***************
Cái ghế của giáo viên lâu nay long lay, chưa có ghế mới. Một hôm là tiết dạy của thầy. Bọn con trai bày ra trò, bửa cho nó rời hết chân tay ra, rồi xếp lại y nguyên như cũ. Gần như cả lớp biết chuyện. Khi đứng lên chào thầy, nhiều ánh mắt trò nhìn nhanh vào cái ghế, có tiếng khúc khích cười. Học trò chào xong, như mọi bận, Thầy Căng ru gu tiến lại bàn giáo viên. Cả lớp nín thở, dõi theo. Thầy đặt cặp lên bàn, nhưng không ngồi xuống như mọi khi. Ông mở cặp, lấy giáo án, rồi chẫm rãi bước về phía bảng đen. Thật may cho ông ta. Có đứa cố nén, mà vẫn nghe rúc rích tiếng cười. 
Kiểu gì thầy chả ngồi, đứng giảng mãi, sao chịu nổi. Học trò đều giả lúi cúi ghi chép, song nhiều đứa không quên ngó nghiêng ông. Sau chúng bị cuốn hút vào bài giảng. Bất chợt thầy tiến lại cái ghế, tay nhẹ nhàng nhấc mặt ghế lên. Chiếc ghế rời ra… từng mảnh. Lặng lẽ ông xếp chúng vào góc phòng. Cả lớp im lặng. Gần như đồng loạt các trò cắm cúi ghi chép, vờ như không hay biết điều gì đang xảy ra. 
Một lần khi thầy đang giảng về biến dị, tính thích nghi, kể cả sự đổi màu của sinh vật để lẩn chốn kẻ thù, một trò đứng lên:
- Thưa thầy! Con căng gu ru, lông màu trắng biến đổi sang màu cháo lòng. Đấy có phải cách thức chúng thích nghi, lẩn chốn kẻ thù không ạ?
Cả lớp cười ồ. Lần khác nữa, thầy bị trò đổ vạ cho. Nghĩ chuyện thật đến hài. Hôm ấy đang giảng bài, thầy đứng giữa lớp, kế ngay lũ học trò. Đang say sưa giảng giải, chợt khu vực quanh ông thoang thoảng, rồi đậm đặc thứ mùi nhạy cảm kia. Mấy đứa con trai phía sau lưng, chúng chỉ ngay vào ông. Cả lũ xung quanh rúc rích. Ôi, chúng đã đổ vạ cho ông thầy.
**************
Hồi ấy chúng tôi say sưa, chăm sóc blog của lớp: nào tâm sự, ý kiến, giãi bày,... Trong blog có cả entry viết xa xôi, đại ý như sau:
Trường ta có một ông thầy!
Căng đầu gu cổ ….
Một khách thi thoảng viếng thăm, để lại entry. Không rõ người ấy là ai. Một lần người ấy để lại bài thơ khá hay, lời thơ mướt mát, êm đềm. Bọn con gái lưu bút, đọc cho nhau nghe. Rồi bài thơ được phổ nhạc, mọi người nghêu ngao hát, coi đó là “lớp ca” của mình. Dò tìm mãi, chả rõ tác giả bài thơ và nhạc ấy của ai. Cũng qua trang Blog, lớp tôi quyên góp cho một bạn, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Vụ quyên góp, người khởi xướng vẫn là vị khách bí mật của Blog. Người ấy nêu hoàn cảnh khó khăn của một bạn trong lớp và lời kêu gọi quyên góp. Vậy là lớp tôi hưởng ứng liền. Kết quả được gần bảy triệu đồng. Vụ ấy mọi người thì thầm: Lão Căng gu ru ki bo quá, ủng hộ có nhõn trăm nghìn đồng! Thế mà cũng đòi là thầy chủ nhiệm.
***************
Rồi kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi đại học. Hồi đó mạng chưa phát triển. Khi xem kết quả thi, tôi và Hạnh phải sang thị trấn để có mạng. Thật sung sướng, cả hai chúng tôi đều đậu đại học. Ai từng thi đỗ, mới hiểu cảm giác sung sướng đó - nâng nâng như đi trên mây. Biết kết quả xong, chúng tôi ríu rít đạp xe về nhà. Trên đò, chúng tôi lại gặp ông thầy chủ nhiệm. Vừa nhìn thấy trò, thấy hồ hởi chúc mừng hai đứa. Hóa ra ông cũng vừa sang thị trấn, xem kết quả của các trò thi cử ra sao.
Trong tâm trạng phấn khởi, tôi nhìn ai cũng thật đáng yêu, kể cả ông thầy Căng gu ru, người mà lâu nay tôi vốn không ưa. Lúc ấy tôi thoáng nghĩ: “Ừ, đúng ra mình phải biết ơn thầy chứ. Nhờ môn sinh – thầy miệt mài giảng dạy, mình mới được điểm bẩy.” Lòng tôi thoáng ân hận.
Nước sông mùa lũ, con sông ngày thường nhỏ xíu, nay trải rộng ra mênh mông. Dòng nước đỏ quạch, chảy siết. Trên đò khách chật cứng. Thuyền ra giữa dòng, bất chợt hành khách nhốn nháo, khi phát hiện lòng đò có chỗ nước đang rò rỉ. Ai đó hét toắng lên:
- Thuyền bục rồi!
Tiếng ông thấy:
- Bình tĩnh. Mọi người hãy bình tĩnh! 
Lúc ấy ai còn bình tĩnh được nữa. Hành khách nhốn nháo. Dòng nước mới đầu còn ri rỉ, chỉ một thoáng đã vòn vọt phun trào. Khách đò hoảng loạn, con thuyền tròng trành và rồi nó bị lật úp. Tôi ngụp lặn, vùng vẫy trên sông. Trong lúc hoảng loạn, vẫy vùng, tôi vẫn kịp ngoái nhìn, tìm kiếm Hạnh ra sao. Ở một quãng xa, Hạnh chới với. Hạnh bơi kém lắm, nước sông lại chảy siết, lòng tôi thắt lại. Tôi chợt nhìn thấy cạnh Hạnh, có ai đó ngấp nghến bơi cùng. Lòng tôi dịu lại đôi phần. 
Tôi cố vùng vẫy bơi vào bờ. Tí tí lại ngó về hướng Hạnh bơi. Người mệt rũ, gắng gượng lắm rồi và tôi đã chạm chân bờ đất ven sông. Ngoái lại, tôi vẫn thấy Hạnh đang chấp chới. Lúc này tôi đã nhận ra, người bơi dịu bên Hạnh là thầy giáo chủ nhiệm. Cập bờ, dù người mệt rũ, tôi vẫn cuồng cuồng chạy theo dòng nước, song song với hướng trôi nổi của Hạnh và thầy chủ nhiệm. Rất may, lúc đó họ rất gần bờ rồi.
- Cố lên Hạnh ơi! Cố lên thầy ơi!
Tôi gào hét cổ vũ họ… đến khản cổ. Kìa, họ lại đâu mất rồi, cả hai chìm nghỉm. Tôi sợ hãi, lo lắng đến thắt tim. Kìa, lại thấy họ rồi, cả hai trồi lên mặt nước kìa. Thật trời xui đất khiến, có cây tre rập rờn ngả ra dòng nước siết, lại gần ngay nơi họ đang trôi đến. Tôi hét lên như còi:
- Bám lấy Hạnh ơi! Bám lấy thầy ơi! Ngọn tre ấy!
Hạnh kịp túm được nó rồi. Tôi ào ào lao xuống nước, bơi nhanh ra và túm được tay Hạnh. Chúng tôi lần lần theo ngọn tre mà vào bờ. Dìu Hạnh lên, người tôi mệt rũ, khuỵu ngay xuống triền đê.
- Hạnh ơi! Chúng mình sống rồi!
Mặt Hạnh tái mét, người mềm oặt, tóc tai, quần áo sũng nước. Chợt Hạnh ngó lên, thảng thốt:
-Thầy đâu? Thầy đâu rồi?
Đến lúc này tôi mới sực nhớ đến thấy. Tôi quay phắt ngó nhìn dòng nước. Giật mình hốt hoảng không thấy thầy giáo của tôi đâu. Vô vọng, bất lực tôi quáng quàng chạy theo dòng nước siết, gào gọi:
- Thầy ơi!
*****************
Chờ mãi tôi mới lên được xe buyt, tuyến chạy qua phố Vọng. Mấy chuyến trước khách chật ních, xe bỏ bến. Khéo lại nhỡ chuyến về quê. Tôi đến đón Hạnh. Nàng học ở Kinh tế quốc dân, trọ gần trường. Đến nơi, hỏi bạn trọ cùng, Hạnh lại không có nhà. Thấy bảo, đi mua bán vài thứ. Chắc cho chuyến chúng tôi về quê. Sốt ruột tôi càng thêm sốt ruột.
Cái sân toen hoẻn, rộng hơn manh chiếu đôi, mà tới dăm, ba sinh viên bày rau cỏ ra nhặt và làm bếp. Chuyện của họ trên giời dưới đất. Tôi ngồi trong phòng trọ đợi bạn. Cô bạn trọ cùng lúi húi nhặt rau, nói vọng vào:
- Em nấu thêm suất nữa nhé. Đằng nào anh chẳng đợi. Chỉ ù cái là xong.
- Không! Anh cảm ơn!
Kìa… nàng đã về.
- Chào.
- Trời ơi! Khuân vác gì lắm thế. Quê, giờ vô thiên ủng!
Hạnh chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi, cười. 
Cười? Cái gì cũng cười. Cười, mà sao cứ buồn buồn ấy. Nhìn Hạnh sắp xếp hành lý, quà cáp, cả những tệp giấy tiền vàng, tôi nghĩ ngợi lung tung.
- Yêu đi, Hạnh!
- Vớ vẩn!
- Thật đấy!
- Yêu rồi thuê phòng, sống thử.
Tôi đã nói với Hạnh câu này đôi lần. Lần đầu, Hạnh nhìn tôi im lặng, hỏi lại:
- Nếu Hạnh yêu, ông có buồn không?
Tôi không trả lời. Buồn không? Hạnh có người yêu? Buồn chứ, hay chả rõ nữa? Đôi lúc tự hỏi, tôi với Hạnh là tình bạn hay tình yêu? Nếu không phải tình bạn, thì là tình yêu; nếu không phải tình yêu sẽ là tình bạn. Không, chúng tôi không phải một cặp yêu! Tại sao tôi không yêu Hạnh? Mọi chuyện Hạnh đều chia sẻ và ngược lại… Sắp xếp đồ đạc xong, Hạnh xách túi, giục tôi:
- Nào, đi thôi. 
Hôm nay chúng tôi về quê, về vì chuyện cả hai mắc nợ: nợ ân tình, nợ ân nghĩa!
********************
Mãi chiều hôm sau người ta mới tìm thấy xác thầy. Xác ông trôi dạt đến vài cây số. Thân thể trắng bợt, co quắp. Con đò cũng được tìm thấy. Nó rập rờ, cả chiếc xe đạp của thấy còn bị mắc chặt vào nó.
Gỡ chiếc cặp da chằng buộc trên poóc ba ga ra, trong đám giầy tờ thấy có cuốn sổ tay. Nước thấm ướt làm chữ viết nhòe nhoẹt, song vẫn đọc được đôi chỗ nội dung. Đọc mà học trò không kìm nén nổi lòng, bật lên chúng khóc: “Bản Lớp ca, khuông nhạc nhập nhòe, phần tác giả thấy ghi tên thầy; rồi các khoản chi tiêu: nào thuốc men cho mẹ già, thuốc chữa bệnh cho người vợ thường hay đau yếu; cả con số một trăm ngàn quyên góp cho học trò nghèo. Nó chi tiết, cụ thể,… trong đồng lương ít ỏi của một ông thầy. 
Đám tang mới thật xót xa. Trong căn nhà lúp súp, ẩm thấp, hai đứa trẻ đầu quấn khan tang, ngơ ngác nhìn ngó mẹ vật vã:
-Anh ơi! Sáng qua nào anh đã được ăn uống miếng gì đâu. Chết mà còn đói khát! Anh ơi!
Lũ học trò không kìm nổi lòng, những gương mặt ân hận, biết ơn ông thầy. Mắt mũi chúng cứ đỏ hoe.
****************
Giờ con đò sang sông về quê tôi đã đổi thay. Nó là thuyền sắt, chạy máy cole, chỉ một loáng là đò cặp bến. Trên đò, Hạnh xem đồng hồ, hốt hoảng:
-Hơn 11 giờ rồi. Có lẽ mình ra mộ luôn! 
- Ừ, đúng đấy!
Mộ thầy được xây cất, tuy không to đẹp như những ngôi bên cạnh. Hôm nay là ngày giỗ thầy. Trên mồ thấy những chân hương mới đốt, có cả mấy bó hoa tươi. Hạnh lặng lẽ bày đồ lễ lên mộ thầy, thắp hương, cả hai chúng tôi cùng khấn vái. Chắc người khuất ngậm cười dưới suối. Chờ tàn tuần nhang, Hạnh đốt tiền vàng, tàn bay phất phới. Tiếng Hạnh thút thít:
-Nhiều tiền lắm thầy ơi! Thấy cứ tiêu đi, không phải chắt bóp nữa đâu.
Nghe lời thầm thì vậy, tôi ứa nước mắt, nhờ đến ông thầy của mình – thầy Căng gu ru./.