Truyện Kiều: Từ văn học tới điện ảnh – một phương thức diễn dịch nghệ thuật đầy thử thách

Tham luận Hội thảo Quốc tế: "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 8-8/2015 của Mai An Nguyễn Anh Tuấn (Đạo diễn điện ảnh, nhà báo)

1. Đối với một tác phẩm kinh điển lớn của văn học dân tộc như Truyện Kiều, các phương thức diễn dịch nghệ thuật tất yếu sẽ phải nảy sinh (Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Sân khấu, Điện ảnh, v.v). Đó cũng là điều đã xảy ra đối với nhiều tác phẩm văn học lớn của thế giới (Các vở kịch của Shakespeare, các tiểu thuyết của Stendhal, Dostoievski, Liev Tolstoi, v.v.). Riêng việc "diễn dịch" bằng điện ảnh là gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm lớn nhất, bởi quy mô thực hiện và sức ảnh hưởng sâu rộng trực tiếp đến xã hội, như nhà điện ảnh học nổi tiếng người Pháp G. Sadoul đã khẳng định: "Điện ảnh là quan trọng nhất trong các nghệ thuật, đồng thời cũng là phổ cập nhất."1 Điện ảnh ngay từ thời thơ ấu đã mau chóng tìm đến văn học và kịch mục sân khấu, các nhà sản xuất phim đã đặt hàng các nhà văn lớn nhất của Pháp viết kịch bản phim hoặc mua bản quyền tác phẩm của họ. Điện ảnh kể từ khi xuất hiện phim nói tới nay đã để lại biết bao kinh nghiệm xương máu trong việc chuyển thể tác phẩm văn học; và một Giải thưởng danh giá đối với những người làm phim nhiều quốc gia như của Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh Hoa Kỳ đã dành riêng một giải Oscar cho phim chuyển thể từ tác phẩm văn học gốc! (Ví dụ gần nhất: các phim The Social network -2011, The Descendants -2012, Argo -2013, 12 Years a slave -2014, The Imitation game -2015).
Trở lại Truyện Kiều, ta thấy, những trăn trở về ý nghĩa đời người, các nhân vật, các tình huống số phận, các chi tiết đời sống, với thiên tài của Nguyễn Du đã hiện lên thực sinh động, rõ nét. Nhưng đặc trưng của thể loại truyện thơ Nôm, cùng thủ pháp ước lệ của mỹ học phương Đông cổ, đã là những thử thách không nhỏ và đồng thời cũng là khoảng trống lý tưởng cho các thế hệ đời sau sáng tạo, bù đắp, thông qua những sự "diễn dịch"nghệ thuật quanh Truyện Kiều.
Xin điểm qua các sự "diễn dịch" này - cả nghệ thuật bác học lẫn nghệ thuật dân gian. Chúng rất có ý nghĩa đối với điện ảnh với tư cách là một công nghệ & nghệ thuật tổng hợp.
Trong âm nhạc, từ lâu nay, hát ả đào đã mượn những câu thơ Kiều để diễn tả nhân tình thế thái. Thời hiện đại, Phạm Duy đã dành nhiều sức lực làm Kiều Ca, minh họa Truyện Kiều bằng âm nhạc. (Nhà sử học Dương Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn cho trí thức Hà Nội nghe Phạm Duy nói, hát Kiều Ca). Nhạc sĩ Vũ Ân Khoa cũng viết về Kiều Ca. Cách đây không lâu, nhạc sĩ Vũ Đình Ân ở Tp. HCM đã xây dựng bản giao hưởng hợp xướng lớn về Truyện Kiều... Chị Nguyễn Hồng Oanh, người Hà Tĩnh, hội viên Hội Kiều học Việt Nam tại Tp. HCM có thể ngâm một câu Kiều ở hàng chục kiểu khác nhau: hát dặm, hát quan họ, hát chèo, hát cải lương, hát trống quân... Nhạc sĩ An Thuyên đang gấp rút dàn dựng vở nhạc kịch 4 hồi dựa theo Truyện Kiều để kịp trình diễn vào Lễ Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, chẳng may ông qua đời, công trình dang dở sẽ do con cháu và học trò ông tiếp tục hoàn thiện...
Truyện Kiều xuất hiện với mức độ đậm đặc trong hội họa, điêu khắc (Tranh tượng nghệ thuật, tranh tượng mỹ nghệ, truyện tranh, tranh dân gian...) - đáng kể nhất là trong tranh của những danh họa hàng đầu Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, v.v, cũng như trong tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ... Cô giáo Vũ Như Quân dạy văn ở Đông Mỹ- Đông Hưng- Thái Bình đã vẽ hàng trăm bức tranh minh họa Truyện Kiều cho các bài giảng của mình.
Truyện Kiều được tồn tại nhiều trên sân khấu, như "Trò Kiều" (dân gian), "Kim Vân Kiều", "Kiều-Hoạn Thư", "Thúy Kiều" (cải lương), "Tú Bà đánh Kiều" (chèo), "Kiệu Hoa" (kịch thơ), "Ngàn Thu Vọng Mãi" (dân ca bài chòi khu 5), v.v. Đoàn kịch thể nghiệm của nghệ sĩ Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) đã dựng tiết mục dựa theo Truyện Kiều, từng đem diễn nhiều nơi. Gần đây nhất, Hội Kiều học Việt Nam đang tiến hành dàn dựng một vở kịch mang tên "Hoạn Thư ghen"... Không ít nghệ sĩ quen thuộc trong lòng công chúng thường đóng vai Kiều trên sân khấu: Kim Xuân, Bạch Tuyết, Lệ  Thi, Như Quỳnh...
2. Trở lại việc chuyển thể điện ảnh tác phẩm văn học Truyện Kiều. Truyện Kiều có nhiều chất điện ảnh không? Và cần phải nói tới một điều dường như khá hóc búa trong việc chuyển thể, khiến nhiều người lo lắng hộ người làm phim: cái hay nhất của Truyện Kiều chính là những câu thơ, gửi gắm trong một cốt truyện đi mượn được xử dụng một cách đầy sáng tạo phù hợp với thể loại truyện thơ Nôm dân tộc. Nhưng để "hiện thực hóa" Truyện Kiều bằng phim ảnh thì phải miêu tả cụ thể các tình tiết & chi tiết đời sống, mà nếu không cẩn thận sẽ rơi vào cái bẫy minh họa cho cốt truyện tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân! Nhưng cái bẫy này thực chất là gì, và làm sao thoát khỏi nó?
Trước hết, người làm phim có một cơ sở vững chắc xuất phát từ chính nội dung - tư tưởng Truyện Kiều, như nhận định của một nhà nghiên cứu: "Do cảm quan nhân đạo và hiện thực của Nguyễn Du khác với Thanh Tâm Tài Nhân nên các nhân vật trong Truyện Kiều đã được xây dựng trong những quan hệ thẩm mỹ mới như xung đột văn hóa với tha hóa, giữa kết tinh phẩm chất giống người cùng khát vọng tự do nhân phẩm của nó với các thế lực xã hội tàn bạo, sức tha hóa của đồng tiền...".2 Sau nữa, theo không ít nhà nghiên cứu, triết lý Truyện Kiều chủ yếu nằm ở hai chữ Tài - Sắc và Tài - Tình, và họ đều thống nhất cho rằng, câu chuyện Kiều - Kim thực ra nằm ở chữ Tình: "Lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong". Sự phong phú uyển chuyển của tâm lý nhân vật Kiều - có gốc gác từ chữ Tình, bị ảnh hưởng sâu nặng bởi chữ Tình, theo cách nói của Trần Đình Sử là "sự vận động của tấm lòng"3 qua các sự kiện, tình huống bi kịch trong Truyện Kiều: "Tấm lòng Kiều được thể hiện trong một giới hạn rộng rãi nhất, từ những ý nghĩ cao cả nhất tới những suy tư trần tục nhất, chỉ có ý nghĩa riêng đối với tình cảm của nàng"4, chính nó đã quy định, đã dẫn dắt số phận của nàng- mà điều này lại rất gần gũi với điện ảnh tâm lý hiện đại. Điều đó chúng ta hầu như không thể tìm thấy ở nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, một cô gái nhiều lời nhưng ít suy tư (tính toán thì có), đời sống tâm hồn chủ yếu bộc lộ qua việc giãi bày đạo lý và kể lể những suy tính, quan sát của mình! Ở Truyện Kiều, hầu hết các nhân vật khác cũng đều có cá tính rõ rệt, có đời sống nội tâm khá phức tạp, thậm chí "đa nhân cách". Cũng Trần Đình Sử, trong một chuyên luận ứng dụng thi pháp học còn nhấn mạnh: "Mức độ cá thể hóa, cá tính hóa cao nhất được thể hiện ở Truyện Kiều... nhân vật Truyện Kiều đã thoát khỏi nhân vật mang nghĩa lý để biểu hiện con người tâm lý. Tâm lý đây là những tình cảm đối nghịch, lưỡng tính, vừa ứng xử theo hoàn cảnh, vừa bộc lộ con người không đồng nhất với nó, không đồng nhất với chính mình..., là dục vọng, ham muốn, cảm giác".5  Và đó cũng chính là một đặc trưng tiêu biểu của nhân vật điện ảnh thế kỷ XX, XXI!
Theo nhà ký hiệu học lớn người Nga Iu. Lotman, "cấu trúc đa giọng điệu phức tạp của những cái nhìn", "sự thay thế các điểm nhìn... thủ pháp tổ chức những cái nhìn mà bản chất của nó có thể được minh chứng rõ hơn cả bởi nghệ thuật điện ảnh" sẽ khiến tác phẩm văn học gần với "cấu trúc điện ảnh rõ rệt... trong đó các phương tiện ngôn ngữ thể hiện cái nhìn của nhân vật liên kết với những cái nhìn của tác giả và các nhân vật khác".6 Chúng ta hoàn toàn có thể dùng những nhận định trên của Lotman khi phân tích văn xuôi giai đoạn sau của Pushkin để nói về Truyện Kiều, đặc biệt để phân tích nhân vật Kiều! ("Cái nhìn" ở đây cần hiểu rộng là sự đánh giá, sự bày tỏ thái độ, tình cảm... của nhân vật này với nhân vật khác, của bản thân nhân vật tự bộc lộ, của chính tác giả với nhân vật và thậm chí hóa thân vào nhân vật- với tư cách là "tâm lý hành động", một khái niệm của nghệ thuật trình diễn- khiến nhân vật vừa có chiều dày nội tâm, vừa có tác dụng tạo ra những tình tiết xung đột có tính "tạo hình" giúp thúc đẩy một cách tự nhiên, hấp dẫn sự phát triển câu chuyện phim khi chuyển thể điện ảnh. Có rất nhiều đoạn trong Truyện Kiều có thể làm sáng tỏ điều này, tiêu biểu là đoạn: sau khi Kiều đã hoàn thành việc bán mình, than khóc một mình bên ngọn đèn khuya, rồi sau đó nàng trao duyên cho em). Chính đặc điểm mang yếu tố của "cấu trúc điện ảnh" gắn chặt với khả năng thể hiện tâm lý độc đáo này - như một phẩm chất nghệ thuật ưu việt khiến Truyện Kiều khác xa với Kim Vân Kiều truyện của tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc thường tả nhân vật theo lối "bạch miêu" (nghĩa là sự tả thực rất cụ thể, chi tiết, thậm chí tự nhiên chủ nghĩa, lại hoàn toàn do tác giả nhìn từ bên ngoài sự kiện và nhân vật).
Từ những điểm nhìn phong phú (và luôn có sự chuyển dịch điểm nhìn), cộng với những xót xa trăn trở của người "trải qua một cuộc bể dâu", Nguyễn Du đã phần nào bước qua khỏi quy phạm mỹ học của văn chương trung đại, đã tránh được sự miêu tả nhân vật theo khuôn mẫu để dựng lên được nhiều nhân vật góc cạnh, có bề dày tâm lý, mang sức nặng của hiện thực (hiện thực nông thôn và thành thị Việt Nam thời trung đại). Nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiềuđã dày công viết về điều này! Như Lê Đình Kỵ, trong một công trình lớn về chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du7 đã khảo cứu, phân tích khá kỹ lưỡng các nhân vật trong Truyện Kiều. Như Trần Nho Thìn đã dẫn chứng một tình tiết giàu tâm lý và đậm chất điện ảnh ở Truyện Kiều: Mã Giám Sinh luôn tính đến lời lãi khi mua được nàng Kiều xinh đẹp, muốn giữ trinh tiết nàng để bán lấy hòa vốn, song trước sắc đẹp của nàng, hắn không thể không rung động, và muốn chiếm đoạt, hưởng thụ sắc đẹp ấy! Đó là chỗ khác biệt so với Kim Vân Kiều truyện: "Mã Giám Sinh quyết định ăn nằm với Kiều chỉ vì tính toán rất tỉnh táo, sợ bị lộ âm mưu mua Kiều để buôn bán, chứ không vì cảm hứng trước sắc đẹp của nàng". 8 V.v.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi khảo sát Truyện Kiều theo lý thuyết phong cách học tác giả đã nói về “con người cô độc”, với “phương pháp phân tích tâm lý táo bạo và tàn nhẫn” (một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết và điện ảnh hiện đại): “mỗi người như thế vừa là họ vừa không phải là họ… Cuộc phiêu lưu của hành động chấm dứt để nhường chỗ cho cái thế giới biến ảo, vô thường của muôn vàn tâm trạng… khi con người cô độc xuất hiện, lập tức có sự đối lập giữa cái thời gian khách quan của sự diễn biến các sự vật, với cái thời gian nội tâm chủ quan trong lòng từng người”, và, “Cái thời gian nội tâm ấy không được đo bằng kim đồng hồ, mà bằng những xúc cảm của con tim. Nó dài hay ngắn là tuỳ theo những xúc cảm này”.9 Phát hiện trên của Phan Ngọc khiến ta không thể không liên hệ đến một luận điểm, cũng của Iu. Lotman khi bàn về thời gian nghệ thuật của bộ phim kinh điển "Khi đàn sếu bay qua" dưới con mắt ký hiệu học và mỹ học điện ảnh: "Cái khả năng thích nghi với sự không phù hợp, với sự ép lại hay phình nở thời gian một cách tùy tiện, vốn là điều kiện xuất hiện của thời gian nghệ thuật và vốn không thể có được trong kịch thì lại đặc biệt có ý nghĩa trong điện ảnh... Mâu thuẫn giữa cảm giác hiện thực mà chúng ta cảm thấy trước màn ảnh và việc chúng ta biết hành động đó không thực, đã đem lại một định hướng mới cho sự căng thẳng nghệ thuật... Hai cấp độ thời gian của bộ phim, sự pha trộn cái thực tại với cái phi thực tại gây ra những hiệu quả bổ sung trên mặt ngữ nghĩa"10. Xin lấy một đoạn Truyện Kiều để làm sáng tỏ luận điểm trên: Từ câu 1219: "Những nghe nói đã thẹn thùng", tới câu 1274: "Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi". Trong "trường đoạn điện ảnh" (séquant) này, sau khi Tú Bà lựa lời khuyên bảo và dạy cho Kiều "Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay", Kiều đã bị ném phũ phàng vào những "Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm". Bên cạnh những phản ứng tâm lý tuyệt vọng ("thẹn thùng", "xót mình", "thương mình xót xa", "bướm chán ong chường", "vui gượng", "mặt dạn mày dày", "ngẩn ngơ trăm mối"...) khi trôi qua các khoảng thời gian mặc định và "tùy tiện" ("Khi tỉnh rượu lúc tàn canh", "Giấc hương quan luống lần mơ canh dài", "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"...), Kiều còn thường sống trong "sự pha trộn cái thực tại với cái phi thực tại" ở "hai cấp độ thời gian": "Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường"... Và giữa khi "Thờ ơ gió trúc mưa mai" đương dày vò thân xác mình, Kiều đã chìm trong một thế giới riêng thắm thiết- tuy "phi thực tại" song lại là "tri âm" thực sự, là lẽ tồn tại của nàng: đó là hình bóng cha mẹ tuổi xế chiều nơi xa xôi ngàn dặm, là hai em tình sâu ruột thịt, là người yêu dấu đã cùng nàng nguyện lời thề ước trăm năm; để rồi, như giao cảm với người nào đó đương "Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn", Kiều đã thốt lên đay nghiến cho số kiếp mình: "Đã đày vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!" Trước đó, Kiều đã tưởng tượng ra cảnh chàng Kim trở về nơi cũ thì "Cành xuân đã bẻ cho người trao tay"... Những cảnh huống của hiện tại pha trộn với cảnh trí ở "cấp độ thời gian" khác, trong trạng thái tâm lý đặc biệt của "thời gian nội tâm", rất dễ dẫn đến khả năng "sự ép lại hay phình nở thời gian một cách tùy tiện" mà Lotman nói tới. Và ta hãy hình dung cảnh phim: trong khi Kiều bị dày vò thân xác một cách đau đớn tủi nhục, nàng cứ "Mặc người mưa Sở mây Tần" để nhớ về người yêu trong mộng, thậm chí ở đó còn diễn ra cả hành động là kết quả của sự hối hận muộn mằn: "Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung" (câu 791-792). Nếu được thể hiện một cách công phu, đó sẽ là trường đoạn phim gây ấn tượng mạnh cùng bao cảm nghĩ sâu xa về tình yêu trong sạch và thân phận con người lương thiện bị chà đạp! Truyện Kiều còn có biết bao "trường đoạn" như vậy có thể góp phần chứng thực thêm cho luận điểm trên của Lotman. Và như thế, "nhờ máy quay và phim nhựa, bộ phim sẽ cố định thời hiện tại và hành động thực, trở nên câu chuyện kể điện ảnh về cái mà ta không thể thấy, về cái ẩn nấp ở đáy ký ức và lương tâm".11
Chỉ vài điểm sơ lược nêu trên cũng đủ khiến "cái bẫy cốt truyện" đã nói không còn là một thử thách đáng kể trong việc chuyển thể điện ảnh. (Dĩ nhiên là với điều kiện phim không đi theo vết mòn lâu nay là cảnh nuốt mất người, nhân vật biến thành loa phát ngôn cho tác giả - thực ra là cái bệnh "Không có nhân vật: Vấn nạn của điện ảnh Việt Nam" mà một nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp từng cảnh báo!12). Thử thách lớn nhất, chung quy lại chính là vấn đề "giải mã" Truyện Kiều khi "điện ảnh hóa" tác phẩm văn học, và đặc biệt dưới con mắt của người xem hiện đại!
3. Tới đây, mới có thể đi vào chuyện "bếp núc" của việc chuyển thể. Nếu như Phim KIỀU được thực hiện, việc cần làm đầu tiên là nhất thiết phải tạo ra môi trường sống chân thực cho nhân vật, xoay quanh sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt xưa; hay nói cách khác là hiện thực hóa, điện ảnh hóa cái "không gian nghệ thuật" và "thời gian nghệ thuật" của Truyện Kiều (những khái niệm của thi pháp học hiện đại) bằng hình ảnh chuyển động và âm thanh chân thực của đời sống. Điều này dẫn tới việc đi tìm bối cảnh và thiết kế bối cảnh cho phim để làm sao tái hiện được cuộc sống người Việt trong quá khứ - dĩ nhiên là quá khứ thời trung đại, có liên quan đến thời Lê - Trịnh mà Nguyễn Du sống. Nếu vậy, các sinh hoạt dân dã như chùa quê, hát xẩm, hát ả đào, hoạt động lầu xanh, v.v. cần được thể hiện một cách phù hợp; cùng các đạo cụ của phim được thiết kế để tạo ra đời sống thuần Việt của nhân vật và làm nổi bật bản sắc của tính cách, số phận nhân vật. Các nhân vật nam nữ trong Phim KIỀU sẽ ăn vận theo kiểu nào? Kiều có phải khăn áo thướt tha kiểu đài các phong kiến như trong các vở ca kịch dân tộc, trong phim "Kim Vân  Kiều" ra đời năm 1924, hay trong hầu hết các tranh vẽ xưa nay minh họa cho Truyện Kiều? Một dạo, trong đời sống thời trang từng diễn ra cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về cách ăn mặc của nhân vật Kiều ra sao khi lên sân khấu, màn ảnh. Các nhà thiết kế đã từng thiết kế trang phục cho Thúy Kiều, Thúy Vân cùng những nhân vật khác của Truyện Kiều trên sân khấu (tiêu biểu là nhà thiết kế Sĩ Hoàng) cũng đang háo hức được thiết kế cho nhân vật Truyện Kiều của màn ảnh lớn, nhỏ...
Nhưng, điều quan trọng nhất là việc tái hiện/ thể hiện các nhân vật bằng hình tượng điện ảnh, thông qua ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời nắm bắt được cái chất thơ đặc biệt của Truyện Kiều trong từng tâm trạng, từng cảnh ngộ để thổi vào cảnh phim- chứ không phải là sự minh họa bằng hình ảnh & âm thanh tác phẩm Truyện Kiều! Phim KIỀU bắt buộc phải bồi đắp da thịt, làm đầy đặn cuộc sống cho các nhân vật mà Nguyễn Du tả bằng thơ - khi thì sâu sắc tỉ mỷ như một bậc thầy tâm lý của văn học hiện thực phương Tây, lúc thì bằng biểu tượng, tượng trưng, điển cố đặc thù của văn học phương Đông- và đôi khi chỉ lướt qua. Bên cạnh việc làm "phổng phao" những tình tiết và nhân vật lướt qua đó, cần tạo nên một số nhân vật mới để làm sáng tỏ thêm tính cách cùng những mối quan hệ của các nhân vật sẵn có trong hệ thống sự kiện của tác phẩm truyện thơ. Dĩ nhiên, mọi sáng tạo đều phải tôn trọng tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du, và tập trung khắc họa nhân vật Kiều với vẻ đẹp thuần Việt, với tính cách dám yêu, dám sống, dám hy sinh cho tình yêu.
Tuy nhiên, để làm thấu đáo được điều này, Phim KIỀU cần trả lời được các câu hỏi và giải quyết thỏa đáng những vấn đề về các mối quan hệ nhân vật chủ chốt:
Kiều và mối quan hệ tay ba Kiều -Vân - Kim
Trong "bộ ba" này, Kim Trọng là nhân vật có nhiều nét ước lệ hơn cả, lại bị "bỏ rơi" rất dài mà người xem phim không thể chờ đợi lâu đến thế, buộc người làm phim phải dày công bồi đắp! Thúy Vân của Nguyễn Du trong cảm nhận của nhiều người hôm nay có những điểm khác lạ, thú vị. (Như trong thơ Trương Nam Hương, v.v.). Và những người làm phim cần đặc biệt chú ý đến cách nhận định, đánh giá "Nàng Kiều qua con mắt một người phương Tây" (Hữu Ngọc): "Chính cái yếu đuối của Kiều, cái nhập nhằng đức hạnh - tình cảm khiến cho nhân vật Kiều thật hơn, hiện đại hơn, có bề sâu tâm lý hơn các nhân vật thiện - ác, trung - nịnh rõ ràng trong văn học dân gian."13 Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã vô tình đưa ra một "tiêu chí nghệ thuật" (tạm gọi như vậy) cho điện ảnh (và không chỉ điện ảnh) trong việc khai thác nhân vật nàng Kiều cùng các nhân vật khác của Truyện Kiều cho khán giả hôm nay!
Trong đoạn kết, nhà thơ Xuân Diệu đã coi cuộc tái hợp Kiều - Kim là "Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều", là "tiếng thét tố cáo xã hội".14 Có thực như vậy không? Đã có không ít cuộc tranh luận về cái kết cục gọi là đoàn viên vui vẻ này. Có người phê phán nặng nề, coi là gượng gạo, giả tạo, không cần thiết, nhưng có người lại coi là một mẫu mực của nghệ thuật! Phim KIỀU cần miêu tả, xử lý cái kết nan giải này như thế nào? Đó cũng là điều người xem phim chờ đợi.
Kiều -Tú Bà - Sở Khanh
Tú Bà là một nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện, song cũng là nguyên mẫu (prototif) mà Nguyễn Du đã gặp đâu đó ở Việt Nam (và ở cả Trung Quốc nữa) để đưa vào Truyện Kiều. Kiều sa vào cạm bẫy của Tú Bà (và Mã Giám Sinh), với tài năng, phẩm hạnh của mình, Kiều có dễ dàng chấp nhận buông xuôi như trong văn học?
Sở khanh được Nguyễn Du khắc họa chỉ vài nét sinh động, và đã trở thành danh từ chỉ sự "lừa tình" trong dân gian. Còn Sở Khanh trong mắt người xem hôm nay? (Xin nhớ lại Sở Khanh trong hình dung của một số nhân vật nổi tiếng: họa sĩ Trịnh Cung, nhà thơ Trần Đăng Khoa, một hoa hậu…).
Kiều - Thúc sinh - Hoạn thư
Nguyễn Du đã dành cho Thúc Sinh những tình cảm thắm thiết nhất từ Thúy Kiều. Nhưng có phải Thúc Sinh là người được Kiều yêu thương hơn cả Kim Trọng, và có đáng được như thế? Thực chất nhân cách của Thúc Sinh? Đâu là động cơ tâm lý thôi thúc hành động của Hoạn Thư? Mối quan hệ Kiều -Thúc - Hoạn tạo nên những diễn biến tâm lý rất sâu sắc và vô cùng kịch tính, làm phim sẽ có sức hấp dẫn mạnh. Và Hoạn Thư, trong thời nay, cũng cần được nhìn nhận bằng con mắt Phật học: "Trong cô cũng có lòng từ bi...Từ Hoạn Thư, chúng ta cũng học được bài học nhân ái chứ cô không phải là người bỏ đi...Tất cả chúng ta, người nào cũng có những hạt giống tốt và xấu", cũng như "Chúng ta có một Thúc Sinh ở trong lòng... đều có chất liệu đam mê và nhu nhược".15 "Phương pháp thiền quán" này thực ra cũng chứa đựng cả quan niệm và thủ pháp xây dựng nhân vật của điện ảnh hiện đại!
Kiều - Từ Hải
Trước hết, cần nhắc tới một nhận xét của nhà nghiên cứu văn học người Nga N.I. Niculin: "Trong cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải chỉ là một nhân vật phụ, xuất hiện thoáng qua trong một đoạn truyện, một gã anh chị phóng đãng sau khi đã thử nếm qua đủ các nghề nghiệp, cuối cùng xoay ra nghề lục lâm; trong thiên trường ca của Nguyễn Du thì Từ Hải lại hiện ra trước mắt người đọc như một dũng tướng ngang tàng, một vị anh hùng bảo vệ chính nghĩa." (Nguyễn Du, nhà thơ nhân đạo lỗi lạc)16
Motif Anh hùng + Thuyền quyên vốn quen thuộc trong điện ảnh thế giới, khi vào Phim KIỀU sẽ vừa trung thành với tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du, vừa thỏa mãn được tâm lý mong chờ của người xem đông đảo sau bao nỗi lo lắng và đau đớn cùng Kiều, tạo ra sức cuốn hút lớn của phim. Vấn đề lớn nhất trong việc xử lý mối quan hệ này, là lý giải tâm lý của Kiều khi thuyết phục Từ Hải ra hàng triều đình, để người xem không coi thường hạ thấp Kiều, và thể tất nhân tình được cho Kiều.
4. Giải quyết một cách thấu đáo một số vấn đề đã gợi ra ở trên, kết hợp với việc xử dụng nhuần nhị những câu thơ Kiều "như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy"17 vào ngôn ngữ đối thoại - độc thoại "luôn có sự chuyển dịch điểm nhìn" của điện ảnh, chỉ khi đó, người làm phim mới có thể yên tâm rằng: bộ Phim KIỀU - nếu hội tụ đủ nhiều yếu tố khác nữa mới có thể ra đời - tệ nhất cũng sẽ không trở thành một phiên bản Nghe-Nhìn nhợt nhạt choKim Vân Kiều truyện, thậm chí quảng bá cho văn hóa & lịch sử Trung Quốc- mà khởi thủy vốn chỉ là cái cớ ban đầu, là cái vỏ, là nguyên liệu thô cho đại thi hào Nguyễn Du sáng tạo nên "Đoạn trường tân thanh" bất hủ.
Những suy ngẫm và kiến giải trên đây là của một trong những người làm phim Việt Nam  từng khao khát, ấp ủ đưa Truyện Kiều lên màn ảnh từ nhiều năm nay. Nếu như thế hệ đạo diễn của chúng tôi chưa thực hiện được mơ ước của mình, thì đây cũng là chút gợi ý giúp cho những thế hệ đạo diễn sau bớt lúng túng khi có điều kiện thực hiện bộ Phim KIỀU, đáp ứng được niềm mong mỏi của bao tầng lớp khán giả Việt Nam trong nước và nước ngoài. Ít nhất, trong hiện tại, hy vọng là một đóng góp nhỏ bé của chúng tôi dưới góc độ Điện ảnh học (và lĩnh vực sản xuất phim) trong sự nghiệp chung tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác, quảng bá Truyện Kiều.
___________________
1. Georges Sadoul: Lịch sử điện ảnh thế giới (Nhiều người dịch). Nxb Ngoại văn & Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, HN 1987, tr. 7
2. Hoàng Trọng Quyền: Nguyễn Du và Đỗ Phủ- những tương đồng và khác biệt về tư tưởng nghệ thuật. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, HN 2012, tr.73
3,4. Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, HN 2012, tr.131
5. Trần Đình Sử: Thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN 2005, tr. 360, 362
6. I. M. Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN 2004, tr.470, 472
7. Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Nxb KHXH, HN 1971
8. Trần Nho Thìn: Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. Nxb Giáo dục, HN 2008, tr. 431
9. Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nxb Thanh niên, HN 2001, tr. 122-123, 172
10, 11. I. M. Lotman: Ký hiệu học và mỹ học Điện ảnh.(Bạch Bích dịch). Viện Nghệ thuật & Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam XB, HN 1997, trg. 640 – 644
12. Tô Hoàng: Đường xa gánh nặng. Nxb Văn hóa-Văn nghệ, Tp. HCM 2014, tr.16
13. Nguyễn Xuân Lam (Sưu tầm, tuyển chọn): Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI. Nxb Giáo dục, HN 2009, tr. 714
14, 16, 17. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (Tuyển chọn và giới thiệu): Nguyễn Du - về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, HN 1999, tr.1011, 607, 168.
15. Thích Nhất Hạnh: Thả một bè lau. Nxb Thời đại, HN 2011, tr.209 -211