Thông tuyến

Tác phẩm đạt giải ba, sáng tác về đề tài Giao thông-Vận tải, do Bộ Giao thông-Vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tà Khống đêm nay chìm trong ắng lặng. Sau khi thằng F4 quăng xuống 3 quả “từ trường” nổ chậm. Kẻ địch tin vào vũ khí mới thử nghiệm. Chỉ cần một vật thể nhỏ bằng kim loại tới gần là tự động phát nổ, chúng tạm thời im bặt. Cánh lái xe hồi hộp chờ công binh phá bom thông đường.

Sỹ chỉ huy đội hình 10 xe vượt trọng điểm. Trong lòng anh như lửa đốt đứng ngồi không yên. Anh ngước lên đèo chờ mãi chưa thấy tiếng bom nổ!

Thường ngày, nơi này không lúc nào ngớt tiếng động cơ máy bay, các loại bom B52, tọa độ, bom bi, mìn vướng, từ trường, sôi sục nóng bỏng như cái lò nung khổng lồ. Trọng điểm dài một ngàn năm trăm mét. Hàng vạn quả bom liên tục đào xới, hủy diệt không còn sự sống. Đất từ màu đỏ đã biến dạng ám khói xám xịt. Không khí luôn đặc quánh, khét lẹt mùi bom đạn.

Những chiến sĩ công binh ngày đêm bảo vệ trọng điểm, tháo gỡ bom mìn đã ngã xuống để nối liền mạch máu giao thông cũng chẳng ai nhớ xuể. Bao nhiêu chiến sĩ lái xe phải vĩnh viễn nằm lại trên ngọn đèo này… Bởi thế! Không rõ từ đâu đã có câu truyền khẩu:

“Ở nhà em lấy chồng đi – Anh qua Tà Khống biết khi nào về”… Nghe bi thảm. Nó có thể làm mềm lòng người ở hậu phương nhưng không thể làm người lính bi quan sợ hãi. Nó nhắc nhở người chiến sĩ biết để bình tĩnh kiên gan bước qua khốc liệt…

Căng thẳng chờ đợi trong im lặng khó hiểu. Sỹ lên tiếng:

- Đồng chí Kiên, thay tôi quản lý đội hình sẵn sàng chờ lệnh!

- Báo cáo rõ!

Bước vào trạm barie thấy hai người, một chiến sĩ cứ nhấp nhổm không yên, còn người kia chắc là chỉ huy đang nói trên điện thoại. Qua lời đàm thoại và cách báo cáo Sỹ đã sơ bộ hiểu được tình thế!

- Vâng ạ! Theo tôi chỉ còn cách duy nhất là dùng xe chạy qua kích cho từ trường phát nổ! Vâng! Báo cáo thủ trưởng! Xe vào ùn tắc hơn năm chục, xe ra gần ba chục. Tình hình rất căng, đề nghị thủ trưởng cho thực hiện ngay. Nếu không thằng B52 dội bom thì tổn thất sẽ khó lường thủ trưởng ạ! Vâng, vâng! Tôi đi ngay, chào thủ trưởng! Anh úp tai nghe, rồi ra lệnh cho chiến sĩ của mình:

- Đồng chí không được rời vị trí trực, phải ghi lại đầy đủ mọi mệnh lệnh rồi báo cáo cho tôi, bằng mọi giá đảm bảo liên lạc thông suốt trực tiếp với binh trạm!

- Báo cáo rõ!...Sỹ tiến lại bắt tay người chỉ huy:

- Tôi tên Sỹ. Trung đội trưởng chỉ huy đội hình xe. Đề nghị đồng chí cho biết bao giờ thông đường?

- May quá, chào đồng chí! Tôi tên Đô đại đội phó công binh, đang định đi tìm đồng chí. Mời đồng chí điện thoại gặp tham mưu trưởng sẽ rõ, sau đó chúng ta thống nhất kế hoạch!

Tiếng nói từ đầu dây bên kia:

- Đồng chí lắng nghe thật kỹ để quán triệt cho các chiến sĩ! Phải tổ chức thực hiện ngay mấy việc sau!:

1/- Lấy trạm barie làm nơi chỉ huy. Đồng chí và đồng chí Đô không được rời vị trí. Mọi biến động phải báo cáo qua điện thoại cho tôi!

2/ - Đồng chí lấy tinh thần xung phong “cảm tử” lái xe lên cao điểm phá bom từ trường!

3/ - Phối hợp chặt chẽ với công binh, thống nhất từng chi tiết kế hoạch tuyệt đối không được sai sót!

4/ - Trước khi chiến sĩ  cảm tử “vào trận”. Tổ chức lễ “tiễn biệt” trang nghiêm ngắn gọn tại điểm “xuất kích”! Lệnh thực hiện “khẩn”!

- Rõ!

***

Sỹ bước đi trong tâm trạng nặng nề, ngổn ngang bao câu hỏi, ai? .. Ai  sẽ là người thực hiện nhiệm vụ...? Dù là ai thì tổn thất về con người là nỗi đau lớn nhất. Những chiến sĩ đồng đội của anh họ như lớp măng tơ vươn giữa bầu trời phải sớm đối mặt với cuồng phong. Đang mông lung suy nghĩ thì Kiên cùng tốp chiến sĩ ào tới:

- Anh Sỹ! Tình hình sao rồi.?

- Các đồng chí lại gần đây!... Mọi người cảm nhận được điều nghiêm trọng từ cách xưng hô của trung đội trưởng. Thường ngày họ gọi nhau anh em – “mày tao”, vậy mà hôm nay... Các đồng chí ạ! Tình hình rất “nguy cấp”,  kẻ địch xảo quyệt đã điên cuồng áp dụng nhiều thủ đoạn, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của ta. Chúng sử dụng nhiều loại vũ khí mới, trên cao điểm này chúng vừa thả 3 quả từ trường loại mới nhất. Các đồng chí công binh chưa tìm được cách tháo gỡ. Binh trạm lệnh cho đội hình xe C1 thực hiện nhiệm vụ phá bom. Chúng ta phải giành giật từng giây, chớp thời cơ chặn đứng thủ đoạn của kẻ thù. Những quả bom “chờ nổ” là vật cản đường tiến công của ta. Muốn thông tuyến phải có chiến sĩ “cảm tử”!...Đồng chí nào “xung phong” lái xe lao vào phá bom trên cao điểm?

-  Em! Em! Em!...mười cánh tay cùng vút lên. Sỹ nhìn từng gương mặt những đồng đội, ruột gan anh quặn thắt. Giá như anh được phép thay thế… Họ còn quá trẻ, nhất là Tuấn cậu em út của trung đội vừa tròn “17 tuổi”, mới “nhập tuyến” chạy được vài chuyến an toàn. Nhiệm vụ đặc biệt này cần một chiến sĩ có bản lĩnh dầy dạn kinh nghiệm, xử lý tình huống trận mạc nhanh nhậy, tay lái phải thật “điệu nghệ” mới hoàn thành được nhiệm vụ. Cả mười chiến sĩ đều không do dự. Biết sẽ “chết” họ vẫn xung phong dành phần hy sinh về mình. Để tạo cơ hội tiến công cho đồng đội. Là người chỉ huy sao anh thấy do dự?... Ai trong số họ hy sinh cũng là nỗi đau… Chiến tranh thật “tàn nhẫn” buộc anh phải quyết định nhanh. Trong đầu Sỹ gương mặt Kiên lung linh. Kiên là người sống dung dị cởi mở, tính bộc trực mang phong cách của người vùng mỏ. Hai anh em thân thiết luôn chia sẻ mọi buồn vui. Hoàn cảnh Kiên, còn một cô em gái chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba. Bố đã hy sinh ở Điện Biên Phủ. Mẹ làm công nhân trên tầng than, một mình gắng gượng nuôi dưỡng anh em Kiên lớn khôn thành người. Kiên tình nguyện đi bộ đội mẹ buồn lắm, nhưng vẫn động viên. Đất nước có chiến tranh con đi là phải. Mẹ hướng lên bàn thờ của bố im lặng… Lòng Kiên rưng rưng…Vậy mà... Kiên phải hy sinh! Nỗi đau của mẹ sẽ tăng gấp bội phần. Còn Lan nữa! Cô y tá ở đội điều trị quân y 9. Tình yêu của họ mới đẹp làm sao… Cái lần Kiên bị thương phải vào điều tri. Được Lan chăm sóc hơn hai tháng. Trái tim trẻ trung khát khao của họ đã thuộc về nhau, lúc đầu ban chỉ huy hai đơn vị không đồng tình. Nhưng được chứng kiến tình yêu trong sáng đầy cảm động của đôi trẻ giữa đại ngàn Trường Sơn mịt mù khói lửa thì chẳng còn ai nỡ cản ngăn. Tổng kết thành tích mùa khô năm 1970 cả hai đã vinh dự được đứng trong đội ngũ của Đảng Lao Động Việt Nam. Chính Sỹ là người giới thiệu Kiên cho chi bộ kết nạp. Kiên luôn là niềm tự hào của trung đội và đang là tấm gương cho cả tiểu đoàn xe noi theo về lòng dũng cảm trí thông minh, thường xuyên “tăng cung” vượt chuyến dẫn đầu binh trạm đưa hàng tới những nơi ác liệt nhất. Đã nhiều phen bị thằng “AC130” – thằng F4 oanh kích, rồi bom B52 bom tọa độ vùi dập. Mỗi lần thấy Kiên như thế, Sỹ và đồng đội rất lo lắng, nhất là Lan. Vậy mà Kiên vẫn vui đùa. Chữ “thọ” của em dài lắm các bác đừng lo, rồi cất tiếng cười giòn vang. Mọi người thích nhất tiếng cười của Kiên. Nó sảng khoái, vô tư như chẳng có điều gì vướng bận!

Sau mỗi chuyến đi xa trở về, Kiên dành thời gian buổi trưa chạy bộ hàng tiếng đường rừng đến đội điều trị thăm Lan. Thời gian chỉ đủ nói với nhau vài lời, nhin nhau trong giây lát. Có những lần Lan bận rộn chăm sóc thương binh, Kiên đứng từ xa nhìn, rồi phăm phăm quay về cho kịp giờ xuất kích.

Lan tận tụy chăm sóc thương binh. Bận bịu là thế, cô vẫn dành thời gian chớp nhoáng chạy đến thăm Kiên. Cả đại đội xe đã coi Lan là người thân. Mỗi lần đến cô không quên gom quần áo của đồng đội mang về tranh thủ khâu vá.

Sỹ còn nhớ lần Kiên đi cuối đội hình nằm gọn trong loạt bom B52, chiếc “ZIL” ba cầu bốc cháy. Kiên bị đất vùi kín. Đồng đội tìm thấy anh. Thật kỳ diệu, Kiên chẳng xây xát chút nào. Sáng hôm sau vừa về bãi đỗ, chẳng biết từ đâu, Lan lao vút tới ôm chầm lấy Kiên khóc rấm rức:

- Anh không được chết,,, không được bỏ em!. Cả đêm qua em không ngủ được vì lo cho anh rồi cô đấm vào ngực Kiên thùm thụp:

- Trời! Anh không chết vì bom mà đang chết vì em đấm đây này! Anh  phải sống, còn đưa em về quê trao con dâu tận tay mẹ chứ!

- Anh phải sống, đó là mệnh lệnh anh rõ chưa! Rồi cô hôn như mưa lên khuôn mặt lấm đầy bụi đất của Kiên. Cánh lính trẻ “há hốc trố mắt”:

- Xem kìa! Hai đứa nó coi bọn mình như gỗ mục ‘ha,,,ha,,,ha”. Khuôn mặt Lan và Kiên cùng đỏ rựng:

- Em chào các anh, em xin phép phải về với công việc!

Bóng cô lao vút khuất sâu vào cánh rừng già.

Tình yêu của họ không còn nằm trong phạm vi binh trạm nữa. Nó đã theo bước chân những đoàn quân ra trận. Có lần Sỹ và Kiên bị tắc đường ở một trọng điểm. Cùng chờ thông đường có trung đoàn bộ binh và đại đội nữ thanh niên xung phong. Không khí đang trầm lắng, bỗng một chiến sĩ cất tiếng làm xôn xao khu bãi chờ:

- Các đồng chí ơi! Có biết đây là đâu không..?

- Binh trạm 41!..Tốp chiến sĩ ngồi gần lao xao…

- Đúng! Nhưng nó còn có tên rất lãng mạn, bởi chính binh trạm này đã có một mối tình của hai người chiến sĩ Trường Sơn... Đẹp như trong “huyền thoại tình yêu”, mà chúng ta được nghe nhiều lần trên đường hành quân!

- A... “Binh trạm tình yêu”! Đúng rồi...

Lan ơi! Anh thương em như đứa em gái. Biết rằng em sẽ khó nguôi ngoai, nhưng sự khốc liệt của chiến trường. Phải có người hy sinh để lớp lớp những đoàn quân tiến lên phía trước… Sỹ trấn tĩnh đưa ra quyết định:

- Các đồng chí! Chúng ta là chiến sĩ lái xe Trường Sơn quả cảm.. Chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân nhường sự sống cho đồng đội. Tôi quyết định:

- Đồng chí Kiên !

- Có!    “Kh...ô..ng”… Tiếng Tuấn hét lên…

- Để em đi! Nhà em con đàn, em có chết còn có người “cúng cơm”. Bố mẹ em cũng bớt đau hơn! Anh Kiên con trai một, bố là liệt sỹ. Anh hy sinh thì nỗi đau sẽ đè nặng cuộc đời mẹ. Mẹ chịu sao nổi, hu...hu... Còn chị Lan sẽ sống ra sao.? Anh chị yêu nhau là thế! Không thể để bọn Mỹ cướp đi hạnh phúc của họ được! Em chẳng vướng vất gì, để em đi…để em đi… hu… hu...

Sỹ phải ghìm nén xúc động, anh nghiêm giọng:

- Các đồng chí! “Nghi..ê..m”!... Đồng chí Kiên theo tôi! Các đồng chí còn lại sẵn sàng chờ lệnh!

- R..õ...rõ!

 

***

Người sĩ quan công binh cùng Kiên và Sỹ, nghiên cứu từng chi tiết trên sa bàn, đánh dấu vị trí mỗi quả bom. Thống nhất phương án tác chiến.

Theo yêu cầu của Kiên. “Chiếc ZIL ben 130” đã chờ sẵn, loại xe này có ưu điểm thân ngắn, tốc độ cao, tay lái nhẹ giúp cho người lái cơ động nhanh, xử lý tình huống vào “cua” gấp dễ dàng hơn.

Ngắm người chiến sĩ trẻ hồn nhiên chuẩn bị bước vào trận, đại đội phó Đô đã cảm mến chàng trai vùng mỏ, luôn vui tươi, nhanh nhẹn, thông minh. Hướng ánh nhìn vào tấm áo Tô Châu đã bạc thếch, anh bật đứng dậy:

- Không được! Áo cậu đã cũ mèm. Ra trận cũng phải tác phong đĩnh đạc. Lấy chiếc áo còn mới của “anh” mặc vào!

Rồi Đô “cởi phăng” chiếc áo đang mặc tự tay quàng và nai nịt áo giáp, mũ sắt cho Kiên!  Kiên rưng rưng xúc động, trước sự quan tâm chu đáo của người chỉ huy mới gặp lần đầu ấy.

Nhớ lại ngày chuẩn bị đi chiến trường. Mẹ và em gái cũng tỉ mỉ chuẩn bị mọi thứ, tử viên thuốc cảm, hộp cao dầu “con hổ”. Kiên thấy nhớ thương mẹ vô cùng. Mẹ ơi! Con trai của mẹ sẽ trở về, sẽ cùng Lan con dâu của mẹ, chăm sóc mẹ lúc tuổi già. Mẹ hãy tin điều đó sớm trở thành hiện thực. Bởi chúng con có những người mẹ nhân hậu, có cả hậu phương lớn chở che. Chúng con luôn sống chiến đấu với một niềm tin tất thắng!

Trung đội trưởng Sỹ nhìn đồng hồ. khẩu lệnh được phát ra:

-  Các đồng chí! Nghi..êm!..Lúc này là “7 giờ 15 phút tối 15/10/1972”, tại trọng điểm Tà Khống nơi “túi bom” ác liệt. Chính nơi đây đã có bao anh hùng liệt sỹ hy sinh để bảo vệ tuyến đường cho những đoàn xe ra trận. Hôm nay, chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1950, quê Cẩm Phả - Quảng Ninh, vào chiến trường năm 1968, vào Đảng Lao Động Việt Nam năm 1970. Trước tình huống khẩn cấp. Người chiến sĩ cộng sản ưu tú Trung Kiên, không chần chừ xung phong cảm tử lái xe lao trực tiếp phá bom khai thông tuyến.

“Tổ Quốc mãi mãi ghi công các Anh Hùng Liệt Sỹ”!... Chúng ta thay mặt đơn vị, “nén nỗi đau tiễn biệt” đồng chí vào trận đánh!

Lần lượt từ đại đội phó Đô, trung đội trưởng Sỹ, đến các chiến sĩ lặng lẽ ôm chặt Kiên trong vòng tay không nói lên lời… Họ nấc nghẹn trong lòng, vì biết rằng sắp mãi mãi mất đi người đồng đội yêu quý… Kiên nhìn kỹ từng khuôn mặt đồng đội. Anh đứng nghiêm đưa tay lên vành mũ sắt chào kiểu nhà binh, giọng hào sảng:

- Các đồng chí hãy tin ở tôi! Tôi sẽ chiến thắng trở về!

Kiên bật lên buồng lái, khởi động máy. Xe lao vút vào khu rừng “chết”. Nơi đại ngàn không còn màu xanh vì chất độc hóa học. Những thân cành đứng trơ trụi như những bộ xương cánh tay khô khốc tua tủa xòe ra tứ phía, dưới ánh trăng thượng tuần vàng vọt.

Xe tăng hết số, ga sát ván, phốc lên con dốc “dựng ngược”, giảm tắt về số 2 giảm tiếp số 1 rì rì bò lên, vừa tới đỉnh dốc một thân xe. Anh ga v..út tăng số 3 vút tăng số 5, mồi ga “bum bum bum”, miết hết ga lấy đà chiếc xe bay trên mặt đường xóc tưng tưng. Kiên như con thạch thùng đu trên vành tay lái, đầu thúc lên nóc ca bin.

Kia rồi! Mảnh dù trắng báo hiệu quả thứ nhất, cắm dưới chân taluy sát mép đường bên phải. Vèo qua như “cơn lốc”, tiếng nổ rầ…m… vuốt đuôi, đất đá rào rào phía sau, toàn thân xe rung lên bần bật như muốn vỡ bung.

Khoảng hơn hai trăm mét, mục tiêu thứ hai xuất hiện. Nó nằm lơ lửng trên “taluy dương” 3 mét. Tốc độ xe bay là là trên mặt đất… rầm…Trái núi tưởng chừng “sập xuống”, đất đá rơi bịch bịch. Những tảng đá vun vút đuổi theo trút xuống thùng ben chan chát. Hai lốp sau bị nhấc bổng như muốn lật ngửa xe. Cánh cửa đã bật tung, hất ra đập vào, quạt gió phầm phập như đôi cánh đại bàng xối xả bay trong cơn bão…

Xe lao xuống dốc chừng 300 mét, mảnh dù trắng cứ chờn vờn thách thức. Quả bom cắm sát mép vực bên trái ngay vệt xe chạy, gần mỏm “cua tay áo”. Mọi lần vào cua này Kiên đệm phanh giảm tốc độ, nếu không sẽ vọt xuống vực thẳm. “Phải chạy tốc độ cao” chậm một tích tắc bom nổ cả người và xe “tan xác”… Người lính ở chiến trường hầu như đã quên đi chính bản thân để có những quyết định nhanh chính xác, hướng tới mục tiêu chiến thắng!

Xe lao xé gió. Kiên ngoắt vành tay lái dẻo chuẩn xác tới từng “xăng ti mét”. Hai bánh sau rẹ..t rẹt quăng “đít xe” rê theo đầu “ôm” khít đường cua rất ngọt…rầ..m…tiếng nổ phía bên kia mỏm cua. Thắng rồi…Kiên sung sướng reo lên. “Niềm tin đã chiến thắng bom đạn kẻ thù”... ung dung vào mấy đường cua nữa xuống hết dốc là an toàn. Anh mỉm cười từ từ rà phanh, rồ...rồ... “thôi rồi”. Tổng phanh hoặc tuyô dẫn hơi bị hỏng. Xe lao xuống dốc không phanh, tốc độ như phản lực. Cánh cửa bên trái bay xuống vực, gió thốc vào buồng lái rít veo véo qua mang tai. Đoạn dốc cuối cùng dài khoảng 100 mét cắm thẳng xuống lòng khe cạn, nền đá cứng. Không có gì ghìm, chiếc xe rơi tự do như quả bóng nện xuống nền đá tung lên không, làm “hông” của Kiên tê dại. Cú nện xuống thứ hai, chiếc xe lật “ngửa”. Kiên chìm sâu vào im lặng!

Trạm barie phía bắc, Sỹ và Đô cùng vài chiến sĩ nín thở chờ từng tiếng bom nổ…Rầm…Tiếng nổ thứ ba mọi người vỡ òa, rồi sững lại. Đô vồ lấy điện thoại:

- A lô! Trạm barie phía nam! Khẩn cấp điều lực lượng lên cấp cứu lái xe, thông đường ngay tức khắc!

Những đoàn xe lại rùng rùng nối đuôi nhau tiến lên trọng điểm, trong tiếng gầm rít quần đảo của các loại máy bay.

***

Ở đội quân y đêm nay Lan trực, lòng dạ cứ bồn chồn có cảm giác bất an. Cô mang bộ quân phục của đồng đội ra khâu vá mà không sao tập trung được. Mấy lần Lan bị kim đâm vào đầu ngón tay. Tiếng chuông điện thoại rít lên:

- A lô! Đội điều trị xin nghe! Từ đầu dây bên kia.

- Tôi tham mưu trưởng tác chiến binh trạm! Lệnh cho đội điều trị  khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất. Bằng mọi giá phải cứu sống chiến sĩ lái xe cảm tử. Thương binh sắp về , đồng chí rõ chưa?

- Báo cáo rõ!

- Đồng chí tên gì.?

-  Báo cáo tôi y tá Lan!

- Lan hả?.. Đồng chí phải chịu trách nhiệm, truyền đạt mệnh lệnh ngay lập tức!

- Rõ!

Mọi người gấp rút chuẩn bị chu đáo từng chi tiết. Hai chiếc đèn bão được thắp sáng choang, căn hầm cấp cứu mọi thứ đã sãn sàng. Có tiếng hô:

- Thương binh đã về! Hai chiến sĩ nam chạy xộc ra khiêng, Lan chạy theo phụ đỡ. Toàn thân thương binh quấn băng trắng toát nằm bất động, máu thấm loang đỏ khắp người. Vừa xuống tới hầm, bỗng Lan gào thét lên:

- Trời ơi anh Kiên! Anh làm sao thế này, anh chết rồi sao?

Nước mắt đầm đìa, cô khóc như chưa bao giờ từng khóc. Mọi người cùng xúc động trước nỗi đau của Lan. Bác sĩ đội trưởng quân y đặt nhẹ bàn tay lên vai cô giọng ân cần:

- Con gái! Hãy bình tâm! Mọi người đang cứu chữa cậu ấy!

Ông quay sang hỏi y tá vừa đưa thương binh đến, đồng chí cho biết đã sơ cứu và dùng thuốc gì rồi:

- Báo cáo thủ trưởng. Chiếc xe bị bẹp dúm, anh Kiên văng xa hai chục mét nằm vắt chân trên thân cây khô ven suối. Chúng tôi đã băng bó sơ cứu và tiêm một mũi trợ tim, một mũi giảm đau an thần. Anh ấy ngủ được gần một tiếng rồi!

Bác sĩ kiểm tra tim mạch, huyết áp rồi mỉm cười:

- Tim mạch, huyết áp bình thường. Chúng ta tạm yên tâm!

Sau khi thăm khám tổng thể ông kết luận: Đa chấn thương phần mềm, máu me nhìn ghê gớm nhưng không hề gì. Một vết thương gẫy kín ở xương trụ cẳng chân trái, bó bột ba ngày sau có thể chống nạng tập đứng được, 21 ngày phá bột chịu khó tập luyện sẽ đi lại bình thường!

Ông nói với Lan : - Con không còn tâm trạng phụ bác mổ. Hãy sang chuẩn bị hầm hậu phẫu. Đêm nay con sẽ trực!

10 giờ đêm, Kiên được chuyển sang hầm hồi sức. Lan trực truyền hết hai chai nước. Kiểm tra áp huyết, cô yên tâm ngồi gục đầu xuống tấm ‘‘sạp tre’’ bên cạnh anh rồi thiếp đi. Chừng 2 giờ sáng, Kiên ú ớ trong mê sảng. Mở mắt ra thấy xung quanh một màu trắng toát. Anh hét lên:

- Tôi làm sao?.. Tôi đang ở đâu?...

Lan bật dậy giọng líu ríu mừng rỡ vừa cười vừa khóc:

- Anh tỉnh rồi. Lan của anh đây! Anh đang ở đội điều trị. Vết thương nhẹ thôi. Lúc đưa anh về em lo quá. Giờ thì mừng rồi. Chỉ ít ngày anh sẽ bình phục!

Kiên dần nhớ tại từng chi tiết xẩy ra trên cao điểm, đúng rồi! Xe bị lật. Mình lịm đi. Kiên cố ngồi dậy mà sao chân trái nặng thế, anh hốt hoảng:

- Chân anh hỏng rồi sao?

- Không! Chân anh bó bột chỉ ba tuần là khỏi!

- Em vất vả quá. Cảm ơn tình yêu em dành cho anh. Để trở về với em, anh nhất định phải sống!

Lan nhè nhẹ đặt lên ‘‘môi’’ anh nụ hôn nồng ấm cùng những giọt nước mắt nóng hổi trào dâng niềm vui!

Chiều hôm sau, Kiên được đưa lên lán cùng các thương binh. Anh đã bớt ê ẩm ngồi dựa lưng vào vách lán, hướng ra dòng Sê Pôn. Những rặng tre soi bóng xuống làn nước xanh êm đềm. Nơi ấy Lan và Kiên đã trao cho nhau nụ hôn ‘‘đầu đời’’. Nhìn dòng sông anh thấy nhớ quê hương, nhớ mẹ da diết. Hình ảnh của người cha liệt sỹ tại Điện Biên năm xưa lại hiện về. Có tiếng gọi gấp gáp của bác sĩ đội trưởng:

- Kiên ơi Kiên! Thủ trưởng binh trạm và tham mưu trưởng tới thăm!

Hai người sỹ quan đứng tuổi bước vào. Binh trạm trưởng nhẹ nhàng cầm tay Kiên, giọng ấm áp gần gũi như tình cha con:

- Cậu đã bớt đau chưa?

- Dạ thưa thủ trưởng cũng đỡ nhiều rồi ạ!

- Nghe ban tham mưu báo cáo. Cậu hoàn thành nhiệm vụ trở về. Cả ban chỉ huy mừng lắm! Cậu đã làm nên một “kỳ tích”. Mình đi xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng chứng kiến nhiều chiến sĩ cảm tử. Tất cả họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng không một ai trở về. Đau xót lắm! Trường hợp của cậu là duy nhất từ trước đến nay.

Cả binh trạm xôn xao hướng về người chiến sĩ cảm tử đã bước qua cửa “thần chết” trở về.

- Chúc mừng cậu! Hãy yên tâm điều trị. Mà cậu may mắn hơn bọn mình đấy. Bị thương ở chiến trường có người yêu chăm sóc. Tình yêu là phép mầu nhiệm sẽ sớm đưa cậu trở về với tay lái, lại tung hoành khắp đỉnh Trường Sơn.

Ông mỉm cười như khích lệ Kiên rồi xưng hô thân mật.

- Chú còn nhiều công việc. Cháu hãy yên tâm điều trị!

Tiếng con gái cất lên làm xôn xao, không khí trở nên thanh thoát bình yên:

- Em chào các thủ trưởng!

Ông ngước nhìn lên, nở nụ cười rất tươi, ra hiệu cho Lan tới gần. Cầm bàn tay hai người ấp vào nhau, ông vui vẻ nói với mọi người:

- Các đồng chí ạ! Cuối mùa khô năm nay, chúng ta sẽ tổ chức đám cưới cho hai bạn trẻ! Để khẳng định với thằng Mỹ rằng…Ở chính nơi chúng trút xuống hàng trăm ngàn tấn bom đạn, hòng hủy diệt mọi sự sống! “Tình yêu vẫn nẩy nở”! Hạnh phúc vẫn đơm hoa kết trái!

30/4/2014

TL