Nhớ đậu phụ làng Chài quê tôi
Làng An Hà (xã Đại Mạch-Đông Anh, Hà Nội) ngoại thành quê tôi từ xa xưa đã có nghề làm đậu phụ nổi tiếng trong vùng và người dân quanh đấy, cũng như dân tứ xứ hay xuất hiện trong các phiên chợ quê thường vẫn nhớ tới làng tôi với cái tên nôm là: Làng Chài!
Sinh ra và lớn lên tôi chưa thấy nhà ai ở cái làng nhỏ ven sông Hồng này làm nghề chài lưới. Vậy mà lại có cái tên là làng Chài, kể ra nghe cũng lạ. Mang chuyện này thắc mắc với nội thì nội giải thích rằng: Ngày xửa ngày xưa, nghĩa là từ nhiều đời trước, dân tứ xứ giang hồ làm nghề chài lưới ven sông tụ hội về dải đất bồi ven bến sông này để xây nhà dựng cửa quần tụ định cư và dần dần đông đúc gọi là làng. Thoạt đầu người ta chỉ gọi là “xóm ngụ cư” của dân chài lưới, về sau, các ngư thuyền về đông, xây hàng trăm nóc nhà, với nhân khẩu lên tới cả nửa ngàn người nên cái tên làng Chài có từ đó.
Cũng theo nội và một số cao niên trong làng kể lại thì nghề đậu phụ ở làng đã xuất hiện gần 100 năm nay với giai đoạn hưng thịnh của nghề sản xuất, chế biến đậu phụ diễn ra những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Tôi vẫn còn nhớ, ngày nhỏ xíu nhà tôi mỗi ngày vẫn làm hàng tạ đậu tương và số đậu phụ mẹ, chị tôi vẫn mang sang những chợ phiên quanh vùng cũng như chợ Vẽ, bên kia sông thuộc xã Đông Ngạc, Từ Liêm để bán. Vì là nhà nào cũng làm đậu nên ngoài số lượng sản phẩm được thương lái đặt mua ra thì không ít gia đình phải mang đậu phụ đi bán khá xa. Có nhà mang tới tận các chợ quê ở Bắc Ninh, Vĩnh Phú, thậm chí mang sang tận các huyện thị của tỉnh Hà Tây để bán. Nếu như công việc làm đậu phụ bây giờ nhàn hạ hơn bởi đã có máy xay xát chạy bằng điện, thì ngày trước nghề đậu phụ quê tôi rất vất vả. Hàng tạ đậu như vậy mỗi ngày đều phải xay bằng tay hết, với mỗi mẻ chỉ xay được một, vài kg là cùng, vì thế công việc xay hạt đậu là mệt và tốn nhiều công đoạn nhất. Tuổi thơ tôi cũng như bao đứa trẻ của làng cũng từng đổ mồ hôi quẩn quanh bên cối xay đậu để giúp bố mẹ anh chị. Có những đêm, trời mới chỉ gà gáy canh hai vậy mà mẹ đã đánh thức tôi dậy để xay hạt giúp vì hôm sau có nhà đặt hàng số lượng lớn để làm đám cưới, nên phải làm sớm mong mới kịp giao cho họ. Bình thường, cứ khoảng 3-4 giờ sáng sớm là nhà ai cũng phải trở giấc để làm đậu và âm thanh rộn rã của tiếng cối xay hạt vào thời khắc này trong một ngày mới đã trở nên quen thuộc với hết thảy mọi người.
Nghề làm đậu phụ thực ra không mang lại lợi nhuận về tiền bạc là bao, khi mỗi buổi chế biến hang trăm kg đậu tương hạt cũng chỉ đủ cho việc chi tiêu sinh hoạt của mấy người trong gia đình, chứ không có tích cóp, hoặc nhà ai có tích cóp cũng chỉ là rất ít. Thế nhưng, cái lãi ở lâu dài đó là các chất như bã đậu, nước đậu dùng để nuôi lợn rất tốt, lợn ăn vào nhanh lớn. Chẳng thế mà nhà ai làm đậu cũng nuôi rất nhiều lợn. Nhà tôi, trong chuồng không lúc nào là không nuôi tới gần chục con và trong một năm số tiền tích luỹ được do bán lợn cũng là đáng kể. Khoản tiền thu theo mô món thế này bố mẹ tôi thường dùng để mua sắm tiện nghi sinh hoạt, chi tiêu trong các việc lớn của năm…
Nghề làm đậu dẫu vất vả là vậy, song được cái là trẻ con trong làng không bị đói như các vùng khác, của những năm khó khăn. Buổi sáng trước khi tới trường chúng tôi vẫn thường được ăn khi thì cơm rang lẫn với bã đậu, khi thì lót dạ vài bìa đậu nóng chấm nước tương ngon lành. Các bữa cơm trưa, cơm tối thường cũng không thể thiếu món đậu phụ nướng, hoặc rán vàng sốt với cà chua. Nhiều bữa, mẹ tôi còn kho đậu với tương, với thịt và bỏ hành hoa vào, ăn khá lạ và ngon.
Đậu phụ làng Chài quê tôi đắt hàng và nổi tiếng bởi lẽ chất lượng ngon, khiến người ăn nhớ mãi. Các gia đình làm đậu ở làng đều phải lấy chất lượng sản phầm đặt lên hàng đầu, chứ không thể làm điêu được. Chẳng vậy mà khi ăn đậu làng tôi, người ta luôn cảm nhận được vị ngầy ngậy, béo béo của đậu tương và đặc biệt là không có vị quá chát của nhiều thạch cao. Đậu phụ làng tôi có hai loại sản phẩm truyền thống, đó là: đậu trắng và đậu nướng! Với đậu trắng thì giá rẻ hơn chút ít so với đậu nướng, vì đậu nướng người ta phải tốn công nướng. Tuy vậy, chất lượng đậu nướng có vẻ thơm ngon hơn.
Trong vùng có khá nhiều các làng nghề làm đậu đã định hình được tên tuổi của mình như: đậu Mơ, mạn kẻ Mơ Trương Định; đậu phụ làng Tó, ở Uy Nỗ, Đông Anh; hay như đậu phụ làng Tào, ở Hà Tây… Thế nhưng, với riêng đậu phụ làng Chài quê tôi thì hầu như không một ai ở các xã của huyện Đông Anh, hay các xã phía Đông Bắc của huyện Từ Liêm lại không biết đến, bởi lẽ trong các bữa cơm sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong mâm cỗ cưới, cỗ đám, hay cỗ lễ tết thì đều có sự xuất hiện của món đậu phụ dân dã.
Đà đô thị hoá đã, đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ ở vùng phía bờ Bắc sông Hồng quê tôi, và dẫu không ít gia đình đã giàu lên trông thấy nhờ đất đai và nhiều lý do khác nữa, thế nhưng đại đa số các hộ dân vẫn giữ nghề làm đậu phụ truyền thống. Đã đi khá nhiều nơi, đã thưởng thức khá nhiều những sản vật trong Nam ngoài Bắc, song mỗi lần trở về nhà tôi lại thèm ăn một bữa đậu phụ chính hiệu quê hương đến thoả thích…
Nguyễn Thị Loan
(Học viện Thanh thiếu niên)